14-11-2016 - 14:20

Chùm truyện ngắn dự thi Viết - vẽ tuổi học trò lần thứ XI

Tạp chí Hồng Lĩnh số 123 giới thiệu các bài viết của các em Nguyễn Lê Phương Trinh, Phạm Khánh Linh dự thi Viết - vẽ tuổi học trò lần thứ XI.

CỐ TÔI VÀ NHỮNG TRANG KIỀU


 

 

Cố kính yêu của tôi! Người đã mãi mãi đi về bên kia thế giới. Nhưng hình ảnh mái tóc bạc như cước nghiêng nghiêng bên song cửa, mê mải với những trang Kiều còn in đậm mãi trong tâm trí tôi.
Khi tôi bắt đầu cảm nhận được những vui buồn trong cuộc sống cũng là khi tôi hiểu được vì sao Cố đã già mà vẫn còn say sưa với những trang Kiều. Mẹ tôi kể rằng, gia đình cụ kị tôi vốn không giàu có, Cố tôi lại sinh ra trong thời đại cũ nên chẳng được đi học chữ. Cố chỉ biết mặt chữ qua lớp Bình dân học vụ. Vậy mà 3254 câu Kiều, Cố có thể đọc vanh vách mà không thiếu một tiếng nào, thậm chí Cố còn có thể giải nghĩa rõ ràng từng câu một – điều mà không mấy ai làm được. Cố nói với chúng tôi rằng Truyện Kiều là những trang đời buồn của một kiếp tài hoa. Những nhân vật trong Truyện Kiều mang dáng dấp của những con người thực trong xã hội mà Cố đã từng sống.
Tôi còn nhỏ không hiểu được sự uyên thâm trong câu chữ của cụ Nguyễn Du. Nào là “tài mệnh tương đố”, “chữ tài đi với chữ tai một vần”, nào là “tài hoa bạc mệnh”, song tôi thích ngắm Cố tôi với ánh mắt lấp lánh cùng nụ cười và hàm răng đen láy khi đọc mấy trang Kiều cho chị em chúng tôi nghe. Rồi có những hôm chúng tôi đến và vội chào cố để đi chơi, không ngồi rán lại trông cố thật buồn. Cố chống cây gậy trúc ra cổng, lặng lẽ nhìn xe cộ qua lại trên đường. Tôi bỗng thấy lòng mình nao nao…
Có một người mà không bao giờ làm cho Cố có cảm giác hụt hẫng là em trai tôi, hồi ấy nó mới 3 tuổi mà lần nào về nó cũng vòng tay lễ phép chào sau đó chui gọn vào lòng Cố nghe Cố đọc: “Trăm năm trong cõi người ta”. Nó nằm im lặng nghe chăm chú còn Cố thì đọc say sưa. Đoạn Cố thích nhất là chị em Thúy Kiều, khi Cố đọc “có nhà Viên ngoại họ Vương” nó lại vỗ tay reo: “Hay quá!” Điều đó như tiếp thêm hứng khởi cho Cố đọc tiếp…
Ngày tháng trôi qua, tóc Cố đã lảng bảng màu khói như huyễn hoặc lòng người. Hàng ngày Cố vẫn đọc Kiều một mình, đọc cho chúng tôi nghe, rồi vui buồn cùng những trang Kiều.
Khi em trai tôi lên Bốn, nó suốt ngày quấn quýt bên Cố, sức khỏe của Cố ngày càng yếu dần, Cố vẫn gắng đọc những trang Kiều còn dang dở cho nó nghe.
Rồi một ngày mùa thu tháng Tám năm 2013, Cố thanh thản đi về cõi vĩnh hằng. Trước khi hấp hối, Cố vẫn còn đọc:

“Lời quê chấp nhặt dông dài
Mua vui cũng được một vài trống canh”

Và Cố trút hơi thở nhẹ nhàng. Ông bà, bố mẹ tôi, các cậu mự và lũ chắt chúng tôi khóc nghẹn: Cố ơi!
Thương nhớ vô bờ, chúng tôi kính cẩn đặt trang trọng bên di ảnh Cố cuốn Truyện Kiều để cảm nhận Cố vẫn ở đâu đó quanh đây, vẫn ngâm Kiều, bói Kiều và giảng Kiều cho chúng tôi nghe để ngẫm về cuộc đời - con người ngày xưa, hôm nay và cả mai sau…

                                                   Nguyễn Lê Phương Trinh
                                                   Lớp 8/2 – Trường THCS Lê Văn Thiêm

 
 

CỤ BÀ MẶC ÁO NHUNG ĐỎ


 

Tuổi trẻ gắn liền với những câu chuyện tưởng như kỳ lạ, nhưng lại rất đỗi thân quen. Suốt những năm tháng đi học, mỗi lần đi qua con ngõ trước nhà, dù là ngày nắng hay ngày mưa, dù là bão dông hay nắng gắt, tôi đều thấy bóng dáng của một bà lão ngồi bên quán vỉa hè. Bà cụ trông chừng tuổi đã cao, mái tóc thưa bạc trắng, dáng lom khom, miệng lúc nào cũng nhóp nhép nhai trầu. Nếu chỉ đơn giản là thế thì không có gì đáng nói, nhưng bà cụ này khiến tôi đặc biệt chú ý ở chổ: bà chẳng bao giờ mua gì, chỉ ngồi thẫn thờ một chổ, đôi mắt vô định hướng về phía xa xăm. Hôm nào cũng thế, chỉ cần tôi ngó ra thì bà luôn ở đó, song hành cũng chiếc áo nhung đỏ thẫm màu, cũ kĩ. Có hôm bà mặc nó, có hôm lại ôm vào lồng ngực, vuốt ve.

Nhiều lúc tôi tự nghĩ ra những hàng vạn câu hỏi về bà cụ lạ lùng đó: Bà là ai? Sao bà không về nhà? Con cháu bà đâu? Sao bà cứ giữ khư khư cái áo ấy?..., nhưng rồi bởi guồng quay vội vã của cuộc sống, tôi lại quên bẵng đi mất. Cứ thế, một tháng, một năm rồi năm năm, sự hiện diện của bà cụ đối với tôi trở nên thật thân thuộc. Dường như con đường về nhà của tôi lại khắc ghi thêm hình ảnh một bà cụ mặc áo nhung đỏ bên quán vỉa hè một cách hiển nhiên, như một lẽ thường tình.

Một sáng đi học về, theo thường lệ tôi lại liếc về phía quán cóc, chỗ bà cụ thường ngồi. Thế nhưng, chẳng có ai ở đó cả. Rồi ngày hôm sau, hôm sau nữa vẫn vậy. Quán vắng tanh, thiếu bóng một vị khách quen. Kể từ đó, bà cụ không bao giờ đến nữa. Cuộc sống thường nhật của tôi chợt chững lại bởi sự hụt hẫng mỗi khi nhìn vào nơi hiu quạnh ấy. Lần đầu tiên tôi cảm nhận được nỗi mất mát từ một người xa lạ mà tôi thậm chí còn chẳng biết tên.

Ít lâu sau, tôi nghe ngóng được từ bác chủ quán và mấy người sống xung quanh đó vài chuyện. Trước đây, bà lão cũng đã có một đứa con trai. Chồng bà mất sớm do bom đạn, một mình bà tần tảo nuôi con, có khó khăn cực nhọc nhưng cũng lo được bữa cơm, bữa cháo hàng ngày. Cuộc sống bình dị trôi qua như thế, cho đến ngày nọ, vào thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cũng như bao chàng trai khác trong làng, con bà cũng ra chiến trường vì tương lai đất nước, vì sự nghiệp dân tộc. Trước lúc ra đi, anh tặng bà một cái áo nhung màu đỏ thẫm và bảo rằng, “Lần này con đi khó lòng mà nhanh chóng trở về. Đêm về trời lạnh, mẹ mặc áo này vào giữ ấm, đồng thời cũng đỡ nhớ con…”. Thế rồi, anh đi, để lại sau lưng nỗi nhớ khắc khoải cùng niềm đau xót của bà, anh vĩnh viễn không bao giờ trở lại.

Ngày giấy báo tử gửi về, bà chết lặng, nước mắt đã cạn kiệt. Chiến tranh quá đỗi tàn bạo, cướp đi người chồng và ánh sáng của đôi mắt bà, giờ cả đứa con mà bà yêu thương nhất, cũng đã mãi mãi ra đi. Giờ bà còn thiết làm gì nữa? Mỗi ngày đều ngập tràn trống trải và bi thương. Bà thui thủi cô độc, chỉ biết đứng ngoài ngõ, trông về hướng con đi mà chờ đợi một thứ hư vô, chẳng hề tồn tại. Dần dần thành thói quen, cả kiếp đời còn lại bà chỉ ngồi đó, mang kỷ vật duy nhất mà con trai để lại, ôm ấp niềm tin mong manh trong tuyệt vọng tột cùng, cho đến tận ngày bà qua đời…

Chiến tranh là gì, mà khiến cửa nát nhà tan? Chiến tranh là gì, mà khiến con người sinh ly tử biệt? Chiến tranh là gì mà chỉ có một màu tang tóc đau thương? Hàng triệu, hàng tỉ sinh mệnh đã hy sinh bởi chiến tranh, liệu có đáng không? Có những đứa trẻ mới ba, bốn tuổi, thậm chí là vừa mới lọt lòng, các em đã làm gì nên tội mà phải gánh chịu nỗi đau này chứ? Các em còn chưa được trải sự đời, còn chưa biết thế giời muôn màu ra sao, tươi đẹp thế nào, vậy mà lại chết tức tưởi dưới bàn tay của lũ mọi rợ, ác độc ấy. Còn người thân của những người đó, chắc chắn lòng họ đã chết đi cả vạn lần. Những tổn thương về mặt tinh thần mà họ phải gánh chịu còn đau đớn bội phần thể xác. Người ở lại bao giờ cũng đau khổ hơn là người ra đi.

Chiến tranh cán quét qua từng góc phố, góc làng, chẳng chừa một ai. Những gì nó để lại chỉ có nỗi đau và cái chết. Vậy mà nó vẫn liên tiếp tái diễn, dù là ở xã hội xưa hay hiện đại ngày nay. Phải chăng lòng tham của con người đã quá lớn rồi sao, vượt qua cả lưỡi hai của tử thần? Chỉ biết hậu quả của những cuộc chiến đẫm máu là không thể nào bù đắp được. Người ta vẫn thường bảo, rồi thời gian sẽ xóa nhòa tất cả. Nhưng không! Thời gian chẳng chữa lành cái gì hết, nó chỉ giúp ta tiếp tục sống bằng cách che dấu những nỗi đau mà thôi.

Chiến tranh ở Việt Nam đã kết thúc hơn 40 năm, nhưng những di chứng vẫn đang ngày càng trở nên nặng nề hơn. Bằng chính hành động và lời kêu gọi của mình, chúng ta hãy thức tỉnh lương tri nhân loại, cho họ thấy được những việc làm ấy là sai trái, để thế giới không còn bi thương, để những con người đang sống dưới cái bóng của chiến tranh có một cuộc sống ý nghĩa và tốt đẹp hơn, để Trái đất trở thành một mái nhà chung hòa bình đúng nghĩa.


 

CHUYỆN CỦA LÁ


 

Có một chiếc lá chơi vơi giữa mùa hạ…

Mùa thu kề cận những tán cây. Trời bắt đầu chớm lạnh, những cơn gió heo may trở mình, se buốt. Lá xanh thẫm màu, run rẩy khép mình khỏi hơi lạnh từng đợt ập tới. Đâu đây thoang thoảng hương hoa sữa vừa chớm nở nồng đậm. Bầu không khí ngột ngạt, u ám, như chưa từng trải qua ngày nắng tươi đẹp. Dù đang là khoảng thời gian chuyển giao giữa hai mùa, nhưng đối với mẹ thiên nhiên, hôm nay có lẽ là một ngày đặc biệt chăng?

Tôi cuộn tròn trong lớp chăn dày ấm áp. Ngày hôm nay lạnh lẽo lạ thường, như cõi lòng ai cô độc những ngày mưa. Khẽ nâng đôi mắt lười biếng ra ngoài ô cửa kính phủ một lớp sương mờ, tôi cảm nhận được hơi thở lạnh giá của nỗi hiu quạnh, trống trải và lạc lõng, cứ thế thâm nhập vào tận đáy tim. Cây bàng trước sân nhà đã bắt đầu rụng lá. Chẳng điều gì có thể ngăn được dòng chảy bất tận của thời gian, và cây bàng cũng thế. Nó đang hứng chịu sự thay đổi của tạo hóa, từng giờ từng phút một, dù cho phải trút bỏ những thứ mà nó tự hào, bởi vạn vật là bất biến.


Minh họa: PHÚ NAM

Trên cành cây, một chiếc lá úa vàng, nhỏ nhoi, tưởng như chỉ cần chút gió lay động là có thể lìa cành ngay được. Sự sống với chiếc lá đã cạn, mỏng manh như sợi chỉ, nhưng nó vẫn không ngừng đấu tranh. Niềm tin và khát vọng sống của nó mảnh liệt, cháy bỏng vô cùng. Nó muốn thoát khỏi cái bóng của một chiếc lá vàng! Nó không muốn phải cam chịu số phận bèo bọt như gió thoảng mây trôi ấy nữa!

Một, hai, ba,… những hạt mưa nặng trĩu, tí tách rơi lộp độp lên phiến lá, lăn dài rồi nhẹ nhàng rơi xuống mặt đất. Sức đã cùng, lực đã kiệt, nỗi đau đè nặng lên đôi vai yếu ớt. Đời sống khắc nghiệt buộc nó phải buông xuôi. Nhưng cho đến tận lúc rời khỏi cây mẹ, chiếc lá ấy vẫn thưởng ngoạn khoái lạc thật chậm rãi và thong thả. Nó đang rơi, đắm mình vào trong khung trời rộng lớn. Nó lượn lờ bay, nhẹ bẫng, rồi khẽ khàng đáp xuống, thanh thản. Cái chết đến với nó nhẹ tựa lông hồng.

Cuộc sống vốn dĩ rất công bằng, dù là với con người hay chiếc lá. Rồi trên đường đời dài đằng đẵng, sẽ có những chông gai, những khó nhọc khiến chúng ta phải buông bỏ. Nhưng ngừng chống chọi không có nghĩa là ngừng hy vọng. Thế giới này được tạo bởi những mảng màu rực rỡ, không chỉ có màu hồng mà còn có cả màu đen. Học cách chấp nhận, và ta sẽ nhận ra sự trưởng thành của bản thân từ nơi sâu thẳm của tâm hồn.

                                                                    Phạm Khánh Linh

                                                          Lớp 7/2 - Trường THCS Lê Văn Thiêm

. . . . .
Loading the player...