13-11-2015 - 20:53

Cùng bàn luận thêm về cách dịch bài “Nam Quốc Sơn Hà”

Gần đây có một bản dịch của bài thơ "Nam quốc sơn hà" được tuyển chọn vào trong sách Ngữ văn lớp 7 tập I, NXB Giáo dục Việt Nam của hai vị dịch giả Lê Thước – Nam Trân khiến dư luận xôn xao, bàn tán. Báo Lao Động đã nhận được bài viết của bạn đọc Nguyễn Sơn Phong- hiện ở Đài Loan.


Nhận thấy bài viết này có nhiều phát hiện và công phu tìm hiểu, Lao Động xin giới thiệu với bạn đọc:

Bài “Nam quốc sơn hà” được cho là của Lý Thường Kiệt sáng tác để khích lệ sĩ khí chống lại quân Tống xâm lược. Việc tác giả chính thức của bài thơ là ai, đến nay giới học thuật vẫn chưa ngã ngũ, nên việc này tạm không nhắc đến.

Theo nhiều nhà sử học thì Lý Thường Kiệt phái quân nửa đêm lẻn vào đền thờ hai vị tướng quân Trương Hống, Trương Hát giả làm thần đọc vang bài thơ trên, khiến tinh thần binh sĩ hăng hái mãnh liệt, từ đó mà phá tan quân Tống xâm lược. Bài thơ này còn được coi là bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước ta.

Nguyên bản chữ Hán bài thơ này (ghi chép trong Đại Việt sử ký toàn thư) là:

南國山河                                 NAM QUỐC SƠN HÀ

南 國 山 河 南 帝 居     Nam quốc sơn hà nam đế cư

截 然 定 分 在 天 書     Tiệt nhiên định phận tại thiên thư

如 何 逆 虜 來 侵 犯      Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm

汝 等 行 看 取 敗 虛      Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư

Dưới đây là bản dịch phổ biến được nhiều người quen thuộc nhất:

Sông núi nước Nam

Sông núi nước Nam, vua Nam ở

Rành rành định phận tại sách trời

Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm

Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời

Còn nội dung bản dịch của hai dịch giả Lê Thước và Nam Trân viết trong sách Ngữ văn lớp 7 tập I như sau:

 

Sông núi nước Nam vua Nam ở

Vằng vặc sách trời chia xứ sở

Giặc dữ cớ sao phạm đến đây

Chúng mày nhất định phải tan vỡ.

Theo bài báo “Băn khoăn bản dịch "Sông núi nước Nam" trong SGK” của Vietnamnet phỏng vấn GS Nguyễn Khắc Phi, Tổng chủ biên cuốn sách Ngữ văn lớp 7 tập I và được cho biết: "Bản dịch trước nghe êm tai nhưng không phải không có những chỗ bất ổn. Để phân tích cái hay cái dở có lẽ phải mất nhiều thời gian, chẳng hạn chữ "định phận" ở bản trước chưa đạt, giữ y như nguyên văn, có thể gây ra hiểu nhầm là số phận đã định đoạt, không thể hay và chuẩn bằng "vằng vặc sách trời chia xứ sở" của bản dịch trong SGK.

Ngoài ra, việc hai dịch giả Lê Thước - Nam Trân chuyển từ vần BẰNG trong nguyên văn sang vần TRẮC ở bản dịch không phải là không có dụng ý".

Đồng thời GS Phi cũng cho biết, Lê Thước cũng như Nam Trân đều là nhà những nhà Hán-Nôm học nổi tiếng. Riêng Nam Trân còn là nhà thơ có tên tuổi, từng được giao nhiệm vụ tổ chức dịch Nhật ký trong tù của Hồ Chủ tịch. Bản dịch của Lê Thước - Nam Trân đã được đưa ra Hội đồng quốc gia về thẩm định SGK với nhiều học giả có tên tuổi và các giáo viên THCS cũng tham gia.

Còn trong bài “Nam quốc sơn hà" có 35 dị bản, không phải của Lý Thường Kiệt” (Xem thêm tại đây) của Vietnamnet, TS Phạm Văn Tuấn, Viện Nghiên cứu Hán Nôm cho rằng “văn bản của cụ Lê Thước không hề sai, tuy nhiên Ngữ văn lớp 7 tập 1 khi dẫn lại đã không dẫn đúng so với phần dịch trong Thơ văn Lý Trần (Tập 1, trang 322, nxb KHXH, HN 1977). Như thế, dù rằng, không câu nệ bản dịch mới hay cũ, miễn là dịch đúng hoặc dẫn đúng. Ở đây Ngữ văn lớp 7, tập 1 đã dẫn không đúng bản dịch của cụ Lê Thước và Nam Trân. Đây là việc làm sai!”

Nội dung chính của bản dịch trong Thơ văn Lý Trần (Tập 1, trang 322, NXB KHXH, HN 1977) của Lê Thước – Nam Trân là:

Núi sông Nam Việt vua Nam ở

Vằng vặc sách trời chia xứ sở

Giặc dữ cớ sao phạm đến đây?

Chúng mày nhất định phải tan vỡ.

Như vậy, so với cuốn “Thơ văn Lý Trần” thì trong cuốn Ngữ văn lớp 7 tập 1 đã dẫn sai câu đầu tiên, đổi “Núi sông Nam Việt vua Nam ở” thành “Sông núi nước Nam vua Nam ở”.

Trong sự việc này, cá nhân tôi thấy có mấy vấn đề đáng bàn như sau:

I. SỰ THAY ĐỔI KHÁ ĐỘT NGỘT

Mặc dù bản dịch của Lê Thước – Nam Trân đã được công bố cách đây gần 40 năm nhưng việc đưa vào trong sách giáo khoa, thay thế cho bản dịch cũ (được cho là của Trần Trọng Kim) khiến những người thế hệ trước vốn thuộc nằm lòng bản dịch truyền thống cảm thấy bất ngờ.

Nếu sự thay đổi này được giải thích kỹ càng trước hội đồng biên soạn sách giáo khoa, đồng thời có ghi chú tại cuốn sách đó thì cũng có thể tạm chấp nhận. Song, nếu không giải thích rõ về lý do có sự thay đổi, điều này sẽ dẫn đến sự áp dụng và giảng giải khác nhau ở mỗi trường học. Không rõ tất cả các giáo viên ngữ văn có được phổ biến về sự thay đổi này không hay là mạnh ai nấy hiểu, không theo truyền thống vốn được nhiều người biết đến trước đây.

Nếu xét trên góc độ dịch thuật, thì mỗi người sẽ có quan điểm cá nhân khác nhau, đặc biệt trong lĩnh vực nghiên cứu, dẫn đến có ít nhất 35 dị bản. Song, tôi cho rằng để đưa vào sách giáo khoa thì cần phải có một sự thống nhất, đặc biệt là của các nhà nghiên cứu, nhất là khi bài thơ này được coi là Bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước ta.

II. THỂ THƠ ĐƯỜNG LUẬT BỊ PHÁ VỠ NGHIÊM TRỌNG

GS. Phi cho rằng “Ngoài ra, việc hai dịch giả Lê Thước - Nam Trân chuyển từ vần BẰNG trong nguyên văn sang vần TRẮC ở bản dịch không phải là không có dụng ý", song lại không chỉ rõ được dụng ý này là gì. Bởi như trên đã nói, các giáo viên văn học khi giảng dạy cần được biết dụng ý chung này thì mới có cái gọi là “chương trình giáo dục thống nhất”. Còn khi viết văn, thì học sinh có quyền tư duy và phân tích theo cách riêng của mình, đó lại là chuyện khác.

Điểm đặc biệt đáng chú ý ở đây là hai dịch giả đã thống nhất dịch chuyển vần Bằng sang vần Trắc (được hội đồng nhất trí thông qua), nhưng lại phá vỡ bố cục của thể thơ Đường luật. Thơ Đường luật có một hệ thống quy tắc phức tạp được thể hiện ở 5 điều nghiêm khắc sau: Luật, niêm, vần, đối và bố cục. Ở đây, tôi muốn nói đến luật bằng trắc ở thể thơ Thất ngôn tứ tuyệt, gồm hai loại chính là:

a. Luật vần bằng ở các chữ thứ 2, 4, 6, 7. Ví dụ bài Giễu người thi đỗ của Tú Xương

Câu 1: B, T, B, B       Một đàn thằng hỏng đứng mà trông

Câu 2: T, B, T, B       Nó đỗ khoa này có sướng không

Câu 3: T, B, T, T      Trên ghế, bà đầm ngoi đít vịt

Câu 4: B, T, B, B      Dưới sân, ông cử ngẩng đầu rồng

b. Luật vần trắc ở các chữ thứ 2, 4, 6, 7. Ví dụ bài Nguyên Tiêu của Hồ Chí Minh.

Câu 1: T, B, T, B      Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên

Câu 2: B, T, B, B     Xuân giang, xuân thuỷ tiếp xuân thiên.

Câu 3: B, T, B, T     Yên ba thâm xứ đàm quân sự

Câu 4: T, B, T, B      Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền

Như vậy, có thể thấy nét cơ bản của thể thơ Đường ngoài luật vần bằng hoặc vần trắc ra thì 4 chữ cuối mỗi câu đều lần lượt là Bằng – Bằng – Trắc – Bằng. Nay, hai tác giả Lê Thước và Nam Trân lại chuyển hẳn sang luật Trắc – Trắc – Bằng – Trắc đồng thời phá vỡ toàn bộ cấu trúc thơ Đường luật.

Không hiểu hai vị và hội đồng biên soạn sách Ngữ văn có cao kiến hay dụng ý gì mà sửa toàn bộ niêm luật thơ Đường (thất ngôn tứ tuyệt), đặc biệt lại nhằm vào bài thuộc hàng quốc hồn quốc túy của dân tộc. Nếu cố tình sửa như thế, thử hỏi các giáo viên sẽ phải giải thích thế nào với học sinh về thơ Đường luật? Chẳng lẽ vì bản dịch (mới mà không mới này) và quyết định của hội đồng biên soạn mà một nội dung quan trọng của văn học có thể tùy nghi đảo lộn được ư?

III. CÂU CUỐI CÁC BẢN DỊCH ĐA PHẦN ĐỀU SAI

Theo bài báo “Bản dịch bài thơ ‘Nam quốc sơn hà’ có phải mới?” của Vietnamnet, đoạn dịch câu cuối “Chúng mày nhất định phải tan vỡ” của Lê Thước – Nam Trân sát nghĩa hơn câu “Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời”.

TS. Phạm Văn Tuấn trong bài “Nam quốc sơn hà’ có 35 dị bản, không phải của Lý Thường Kiệt” cho rằng hai ông Lê Thước và Nam Trân dịch không sai, “không câu nệ bản dịch mới hay cũ, miễn là dịch đúng hoặc dẫn đúng.” Kỳ thực, bản dịch đúng chưa chắc đã là bản dịch hay, bởi hay và đúng có một khoảng cách nhất định. Nhưng, vấn đề chính ở đây là mọi dịch giả dường như đã hiểu sai nội dung của câu cuối cùng trong bài “Nam quốc sơn hà”.

Sai ở đây thể hiện ở mấy khía cạnh: Một là đối tượng của câu thơ, hai là bỏ sót không dịch, hoặc dịch không sát nghĩa hai chữ “hành khan”, ba là chưa chú ý đến thời gian và không gian đọc bài thơ.

1. Về đối tượng của câu thơ

Đại đa số mọi người mặc nhiên cho rằng, đối tượng mà bài thơ muốn nhắm tới là quân giặc Tống, dù là bản dịch truyền thống “Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời” hay là bản dịch của Lê Thước – Nam Trân “Chúng mày nhất định phải tan vỡ” cũng đều thể hiện điều này. Tham khảo thêm các bản dịch khác như: “Bay hãy chờ coi, chuốc bại vong.” (Ngô Linh Ngọc), “Chúng bay rồi sẽ chuốc bại chừ” (Nguyễn Thiếu Dũng), “Ngữ bây thất bại chắc trong tay! ” (Lại Quang Nam), “Bay sẽ tan tành chết sạch toi.” (Hoa Bằng)… cũng có ý nghĩa tương tự.

Có thể nói, thông qua việc dịch hai chữ “nhữ đẳng” thành “chúng bay” hoặc “chúng mày”, mọi người đều hiểu rằng đối tượng của câu này là quân giặc Tống.

Kỳ thực, trong tiếng Hán, hai chữ “nhữ đẳng汝等” không mang hàm nghĩa khinh miệt như chúng ta tưởng. Đó là cách dùng từ cổ, là Đại từ nhân xưng ngôi thứ hai số nhiều, thường dùng để nói đến đối tượng nghe có cấp bậc, phẩm hàm thấp hơn người nói, nhưng đôi khi cũng có thể dùng để nói với đối tượng ngang hàng.

Nếu đem hai chữ “nhữ đẳng” này dịch sang tiếng Anh, nó đơn giản chỉ là “you, you guys”, dịch vớt lại sang tiếng Việt chỉ là “các anh, các bạn”, miệt thị một chút chính là “chúng bay, chúng mày, các ngươi, các người, bọn bay, bọn ngươi…”. Cho nên, xét về mặt đối tượng mà nói, không nhất định là nhằm vào quân Tống mà có thể nhằm vào chính quân ta. Vậy, nếu là quân ta thì giải thích thế nào về chuyện “bị đánh tơi bời”? Hãy xem ý nghĩa của hai chữ “hành khan”.

2. Về ý nghĩa của hai chữ “hành khan” và “hành khan thủ”

“Hành khan” không phải là chữ vô nghĩa, cũng không phải chỉ xuất hiện ở Việt Nam mà nó vốn được dùng rộng rãi trong thơ văn Trung Quốc. Tôi tra cứu ý nghĩa của hai từ này trên mạng thì thấy có mấy ý nghĩa sau:

1.  且看。 

 

   ▶ 唐 韓愈 《郴州祈雨》詩: “行看五馬入, 蕭颯已隨軒。” 

   ▶ 明 高明 《琵琶記‧才俊登程》: “行看取, 朝紫宸 , 鳳池 鰲禁聽絲綸。”取, 得。 助詞。 

  2.  覆看, 又看。 

   ▶ 唐 賈島 《送去華法師》詩: “默聽鴻聲盡, 行看葉影飛。” 

a. “Hãy xem, xem ra, xem thấy”. Hàn Dũ đời Đường trong bài thơ “Lâm Châu kỳ vũ – cầu mưa ở Lâm Châu” viết: “Hành khan ngũ mã nhập, tiêu táp dĩ tùy hiên”, nghĩa là “hãy xem năm ngựa vào, phờ phạc dựa theo xe”.

Cao Minh đời Minh trong bài “Tỳ bà kí – Tài tuấn đăng trình” viết: “Hành khan thủ, triều tử thần, phượng trì ngao cấm thính ti luân”, nghĩa là: “Xem ra được, chầu đền vua, ao phượng, cung ngao, nghe chiếu chỉ”. Chữ “thủ” có nghĩa là “đắc, lấy được, nhận được”, ở đây có chức năng làm Trợ từ.

b. “Lại xem, xem lần nữa”: Giả Đảo đời Đường trong bài thơ “Tống khứ hoa pháp sư” viết: “Mặc thính hồng thanh tận, hành khan diệp ảnh phi”, nghĩa là “lặng nghe (chim) hồng dứt tiếng, lại xem bóng lá bay”.

 

Như vậy, qua cách giải thích của người Trung Quốc, chúng ta thấy hai chữ “hành khan” chỉ việc một chủ thể đã đang hoặc sẽ ngắm nhìn hoặc tiếp nhận một sự việc gì đó xảy ra độc lập với ý muốn chủ quan. Trợ từ “thủ” đi liền sau thành “hành khan thủ” sẽ mang một ý nghĩa bị động, phải chấp nhận một sự việc, hoặc một sự thật nào đó đã đang hoặc sẽ diễn ra.

Còn nếu chữ “Thủ” tách ra làm động từ đứng trước chữ “bại” thì sẽ mang nghĩa “chuốc lấy thất bại”, trong đó ý chính của nó vẫn là “lấy” nhưng mang hàm nghĩa bị động, do đó mới có thể dịch là “chuốc lấy” hoặc “nhận lấy”.

Chữ “hư” lúc này làm trợ từ cho chữ “bại”, bổ sung cho sự thất bại nặng nề, đến mức tan tành, không còn mảnh giáp.

Như vậy, ý nghĩa của câu thứ tư (dịch xuôi) là: Chúng bay xem ra chuốc lấy bại vong (Lẽ nào chúng bay đứng đó mà nhìn thấy sự bại vong của mình) với hàm nghĩa chấp nhận bị động.

Chúng ta hãy kết nối với câu thứ 3 với câu thứ 4 và so sánh ý nghĩa của chúng xem cách dịch nào thuận logic hơn về mặt xác định đối tượng nghe: “Tại sao quân giặc (Tống) đến xâm phạm, mà chúng bay (chỉ quân ta) lại đứng nhìn (chờ) chuốc bại vong?” và “tại sao quân giặc (Tống) đến xâm phạm, (này) bọn chúng mày hãy (chờ mà) xem thấy sự thất bại tan tành (của mình) đấy”.

Rõ ràng, cách dịch thứ hai không thuận logic lắm, vì giặc Tống đến đánh thì ở mặt chủ động, chúng phải muốn thắng trận chứ không muốn cất quân đến đánh mà biến thành ngồi chờ thất bại (bị động). Trong khi đó, cách dịch thứ nhất cho thấy, một bên là giặc Tống đến đánh, còn một bên là (phản vấn) quân ta lẽ nào lại bó tay thúc thủ, chấp nhận chịu thua để khẳng định lại quyết tâm của bên ta.

Để bổ sung cho luận điểm đối tượng nghe là quân ta, xin hãy suy nghĩ tiếp đến bối cảnh đọc bài thơ.

3. Về thời gian và không gian đọc bài thơ

Bài thơ theo quan điểm truyền thống được cho là được đọc trong trận chiến chống quân Tống do tướng Quách Quỳ chỉ huy (1075-1077). Trong trận này, quân Tống chia làm hai phe thủy bộ tiến vào Việt Nam. Quách Quỳ dẫn lục quân chọc thủng phòng tuyến Chi Lăng (Lạng Sơn), tiến sát đến bờ bắc sông Như Nguyệt (sông Cầu) hạ trại, đợi quân thủy lộ từ cửa biển tiến vào phối hợp. Nhưng quân thủy lộ do Dương Tùng Tiên đã bị ta đánh bại ở sông Đông Kênh nên phải rút về cửa sông.

Quách Quỳ đã từng cho quân vượt sông Như Nguyệt chọc thủng phòng tuyến phía Nam, định tiến về Long Biên nhưng tiến sâu vào thì thất bại, đành rút quân về bờ bắc sông Như Nguyệt, án binh bất động. Thời gian đọc bài thơ này được hiểu là trước khi quân ta mở cuộc tổng tiến công cuối cùng.

Thời gian Quách Quỳ đến bờ bắc sông Như Nguyệt là quãng ngày 18.1.1077, đến ngày phải rút quân về nước là tháng 3.1077. Như vậy, trận chiến chính này diễn ra vào mùa đông là chính. Xét về không gian, quân ta ở bờ nam sông Như Nguyệt (lòng sông khá rộng, cho đến nay cũng còn rất rộng mặc dù đã bị bồi lấp một phần), lại rơi vào mùa đông có gió Bấc thổi từ phương Bắc tới.

Thử hỏi, với hoàn cảnh thời gian không gian như thế, nếu quân sĩ ta đọc lên bài thơ này, liệu có đến tai quân Tống được không? Dù là nội công thâm hậu như Sư tử hống thì tiếng hét cũng không thể vượt sông mà qua được đến bờ bắc. Chưa kể, quân sĩ ta thì không thể đọc được tiếng Hán cho quân Tống nghe, chỉ có thể đọc được âm Hán Việt, thì làm sao quân Tống hiểu được?

Do đó, xét từ 3 khía cạnh trên, có thể thấy rõ rằng, bài thơ này ra đời nhằm khích lệ sĩ khí quân ta, đánh vào lòng tự tôn dân tộc. Đối tượng nghe trong câu cuối cùng chính là nhằm vào quân ta, dường như để hỏi rằng: “Chúng bay há lại xem lấy mình thất bại ư?”.

Ngoài những luận điểm trên, chúng ta còn có thể tham khảo việc khích lệ tinh thần tướng sĩ ta qua bài “Hịch tướng sĩ” của Trần Quốc Tuấn, chỉ cho quân ta thấy sự nghênh ngang, hoành hành của giặc và đặt giả thiết về thái độ của quân ta:

… Lén nhìn sứ ngụy đi lại nghênh ngang ngoài đường, uốn tấc lưỡi cú diều mà lăng nhục triều đình; đem tấm thân dê chó mà khinh rẻ tổ phụ. Ỷ mệnh Hốt Tất Liệt mà đòi ngọc lụa để phụng sự lòng tham khôn cùng; khoác hiệu Vân Nam Vương mà hạch bạc vàng, để vét kiệt của kho có hạn. Thật khác nào đem thịt ném cho hổ đói, tránh sao khỏi tai họa về sau…. Nay các ngươi ngồi nhìn chủ nhục mà không biết lo; thân chịu quốc sỉ mà không biết thẹn. Làm tướng triều đình đứng hầu quân man mà không biết tức; nghe nhạc thái thường đãi yến sứ ngụy mà không biết căm. Có kẻ lấy việc chọi gà làm vui; có kẻ lấy việc cờ bạc làm thích. Có kẻ chăm lo vườn ruộng để cung phụng gia đình; có kẻ quyến luyến vợ con để thỏa lòng vị kỷ. 

Có kẻ tính đường sản nghiệp mà quên việc nước; có kẻ ham trò săn bắn mà trễ việc quân. Có kẻ thích rượu ngon; có kẻ mê giọng nhảm. Nếu bất chợt có giặc Mông Thát tràn sang thì cựa gà trống không đủ đâm thủng áo giáp của giặc; mẹo cờ bạc không đủ thi hành mưu lược nhà binh. Vườn ruộng nhiều không chuộc nổi tấm thân ngàn vàng; vợ con bận không ích gì cho việc quân quốc. Tiền của dẫu lắm không mua được đầu giặc; chó săn tuy hay không đuổi được quân thù. Chén rượu ngọt ngon không làm giặc say chết; giọng hát réo rắt không làm giặc điếc tai.

Lúc bấy giờ chúa tôi nhà ta đều bị bắt, đau xót biết chừng nào! Chẳng những thái ấp của ta không còn mà bổng lộc các ngươi cũng thuộc về tay kẻ khác; chẳng những gia quyến của ta bị đuổi mà vợ con các ngươi cũng bị kẻ khác bắt đi; chẳng những xã tắc tổ tông ta bị kẻ khác giày xéo mà phần mộ cha ông các ngươi cũng bị kẻ khác bới đào; chẳng những thân ta kiếp này chịu nhục đến trăm năm sau tiếng nhơ khôn rửa, tên xấu còn lưu, mà gia thanh các ngươi cũng không khỏi mang danh là tướng bại trận. Lúc bấy giờ, dẫu các ngươi muốn vui chơi thỏa thích, phỏng có được chăng?... 

 

Vì sao vậy? Giặc Mông Thát với ta là kẻ thù không đội trời chung, mà các ngươi cứ điềm nhiên không muốn rửa nhục, không lo trừ hung, lại không dạy quân sĩ, chẳng khác nào quay mũi giáo mà xin đầu hàng, giơ tay không mà chịu thua giặc. Nếu vậy, rồi đây, sau khi dẹp yên nghịch tặc, để thẹn muôn đời, há còn mặt mũi nào đứng trong cõi trời che đất chở này nữa?...

Rõ ràng, với công thức: “Sự thực đang hoặc sắp diễn ra của quân giặc – với thái độ quân ta – thì kết quả sẽ là…”, cả hai tác giả bài thơ “Nam quốc sơn hà” và “Hịch tướng sĩ” bằng phương thức nói về hậu quả tiêu cực có thể xảy ra đều muốn cổ vũ tinh thần chiến đấu của quân dân ta, hăng hái chống lại quân xâm lược chứ quyết không chịu thua, chịu nhục trước sự xâm lăng của quân giặc. Gần đây, trên mạng cũng phổ biến về bài “Hịch khoa học công nghệ” của Phạm Xuân Cần cũng không nằm ngoài công thức trên.

Trên đây là ý kiến cá nhân của tôi nhằm làm sáng tỏ thêm cách dịch của bài “Nam quốc sơn hà” từ trước đến nay. Rất mong nhận được ý kiến của các học giả, các bậc túc nho và những người có cùng quan tâm.

Theo laodong.com.vn

. . . . .
Loading the player...