Với mong muốn tập hợp những suy nghĩ, quan điểm của cộng đồng, cũng như những ý tưởng về việc thay đổi tích cực, nhằm giảm thiểu, hướng tới chấm dứt sự chịu đựng, đau khổ cho những động vật trong các lễ hội này, Tổ chức Động vật Châu Á phát động và tổ chức cuộc thi vẽ tranh, thiết kế tranh với hy vọng nhận được sự tham gia, hưởng ứng nhiệt tình từ cộng đồng.
I. Mục đích
Là một phần của chiến dịch tuyên truyền về phúc lợi của động vật sử dụng trong các lễ hội, quá trình tổ chức và kết quả của cuộc thi sẽ góp phần cung cấp một góc nhìn khác đối với động vật, khuyến khích cộng đồng nhìn nhận động vật dựa trên sự tôn trọng và lòng nhân ái, đặc biệt là những loài động vật mà đã góp phần giúp con người sinh tồn và phát triển qua hàng ngàn năm để được như ngày hôm nay. Qua đó vận động các lễ hội có sử dụng động vật chuyển đổi cách thức tổ chức sao cho động vật không phải chịu đựng sự căng thẳng, đau đớn, khổ sở, hướng tới một lễ hội nhân văn, nhân đạo hơn, và đồng thời, cũng đạt được sự đồng thuận từ phía người tham gia lễ hội nói riêng và người dân cả nước nói chung.
II. Đối tượng, thời gian, hình thức cuộc thi
1. Đối tượng tham gia:
Tất cả mọi công dân đang sinh sống và làm việc trên lãnh thổ Việt Nam.
2. Thời gian thi:
Thời gian nhận bài dự thi: từ ngày 30/6/2019 đến hết ngày 31/8/2019
Thời gian công bố kết quả: 15/9/2019
Thời gian trao giải dự kiến: cuối Tháng 9/2019
3. Hình thức thi:
3.1. Chủ đề: ”Phúc lợi của động vật sử dụng trong các lễ hội”
Người dự thi có thể tham khảo những thông điệp vừa tích cực vừa lột tả được những mặt trái trong việc sử dụng động vật tại các lễ hội như:
- Tôn trọng cuộc sống của động vật (các loài sử dụng trong lễ hội): Trâu đang gặm cỏ trên cánh đồng (cho thấy giá trị của trâu trong sự phát triển của ngành nông nghiệp); Trâu đứng thành đàn (cho thấy sự gắn kết gia đình, xã hội ở loài trâu); Trâu mẹ đứng với trâu con (nghé) (cho thấy sự gắn kết, tình cảm giữa mẹ và con); tương tự đối với các loài khác.
- Liên quan đến truyền thống “Uống nước nhớ nguồn. Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” của người Việt. Trâu và cả những loài động vật khác đã giúp xã hội con người chúng ta tồn tại và phát triển qua hàng ngàn năm, không chỉ là một nguồn thức ăn, mà còn là chỗ dựa về tinh thần cho những niềm tin, tín ngưỡng, là một công cụ con người sử dụng trong các hoạt động sống hàng ngày như cung cấp sức kéo, phương tiện di chuyển, v.v. Khi gắn bó lâu với con người, trâu cũng trở thành những bạn, và đến trâu cũng có cảm xúc, thì không có lý do gì để nói một loài có trí tuệ cao cấp như con người lại không nảy sinh tình cảm yêu mến một người bạn đồng hành hiền lành luôn đồng cam cộng khổ với mình bấy lâu như vậy. Do đó, trâu xứng đáng được trân trọng vì những gì mình đã cống hiến, các loài động vật khác như lợn hay ngựa cũng không nằm ngoài phạm vi này.
- Về những mặt trái của việc sử dụng động vật trong lễ hội, những sự thật trần trụi về sự chịu đựng của động vật dựa trên các nghiên cứu khoa học về tri giác, về khả năng cảm nhận và cảm xúc của động vật vẫn cần được đưa ra để cộng đồng có thể tự có những nhìn nhận và đánh giá của mình xem những nghi lễ của lễ hội đó đã thực sự phù hợp với xu thế phát triển của xã hội hay chưa. Đa phần con người chúng ta vẫn còn lạ lẫm với ngôn ngữ của động vật, và vì vậy chúng ta chưa hoàn toàn hiểu được những gì chúng phải trải qua, nhưng dựa trên những gì chúng ta nhìn thấy từ phản ứng của động vật, như ánh mắt sợ hãi khi bị đuổi đánh hay phải đối mặt với cái chết, hành vi hung hăng hay run sợ, ta có thể phần nào cảm nhận được.
- Các thông điệp khác - không giới hạn sự sáng tạo của người dự thi.
3.2. Sản phẩm dự thi:
- Bài dự thi cần đính kèm các thông tin sau:
✔ Tiêu đề tác phẩm
✔ Họ và tên tác giả
✔ Số điện thoại, email
✔ Địa chỉ
✔ Thông điệp của tác phẩm
- Bản vẽ hoặc bản thiết kế mềm gửi theo định dạng ảnh (jpg, jpeg, png) hoặc (pdf). Đối với các bài dự thi là bản vẽ cứng, người dự thi cần gửi chuyển phát đảm bảo để không gây hư hại cho bài thi do quá trình vận chuyển.
- Kích thước bản vẽ và bản in là khổ giấy lớn hơn hoặc bằng A3, độ phân giải ảnh tối thiểu là 300 dpi. Tranh thiết kế có kích thước tối thiểu là 60 x 42 cm, kích thước tối đa là 180 x 120 cm.
- Bài dự thi là tác phẩm do chính người dự thi thiết kế, không được sao chép từ bất kỳ nguồn nào. Ban tổ chức sẽ yêu cầu gửi file thiết kế (Photoshop, Illustrator, Corel v.v.) để xác nhận nếu cần thiết. Các hình thức sao chép (tác phẩm, ý tưởng) đều không được chấp nhận.
Địa chỉ nhận bài dự thi:
Văn phòng Tổ chức Động vật Châu Á - Animals Asia: Phòng 301, Số 97 Trần Quốc Toản, Phường Trần Hưng Đạo, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Email: awevent@animalsasia.org
Điện thoại: 0243 928 926 4
III. Cơ cấu giải thưởng
Tổng giá trị giải thưởng: 21.000.000 VNĐ/11 giải
1. 01 Giải Nhất: Trị giá 5.000.000 VNĐ/giải
2. 02 Giải Nhì: Trị giá 3.000.000 VNĐ/giải
3. 02 Giải Ba: Trị giá 2.000.000 VNĐ/giải
4. 03 Giải Khuyến khích: 1.000.000 VNĐ/giải
5. 03 giải do khán giả bình chọn (tính điểm theo số lượt “like” và “share” - mỗi một “like” được 2 điểm, mỗi lượt “share” được 5 điểm - được đăng tải trên trang Facebook ‘Vì động vật - For Animals Vietnam’): Trị giá 1.000.000 VNĐ/giải
Đặc biệt, các tác giả đạt giải sẽ có một ngày trải nghiệm tại Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam của Tổ chức Động vật Châu Á ở Vườn quốc gia Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc.
IV. Bản quyền của các tác phẩm dự thi
- Tổ chức Động vật Châu Á sở hữu và có toàn quyền sử dụng tất cả các tác phẩm dự thi, kể cả các tác phẩm không đạt giải để phục vụ các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng của Tổ chức.
- Trong trường hợp có tranh chấp về bản quyền tác phẩm, người gửi bài dự thi phải có trách nhiệm giải quyết tranh chấp với cá nhân/tổ chức khiếu nại.