03-04-2019 - 08:07

CUỘC THI VIẾT VỀ NGÀNH GIÁO DỤC TRÊN BÁO VĂN NGHỆ

Thể lệ cuộc thi viết về ngành Giáo dục trên báo Văn nghệ
________________________________________

Tên cuộc thi: Vì sự học ngày nay

A - Nội dung:

I - Mục đích:

Giáo dục, một mặt trận nóng bỏng, đã và đang có những thay đổi, bước đi mới theo xu hướng phát triển của xã hội, của thời đại. Bên cạnh những cố gắng và đóng góp rất lớn của ngành Giáo dục, cùng với sự phát triển tri thức toàn diện của cả đất nước, thì mặt trận này cũng đang bộc lộ những bất cập, khiến nhiều người phải lo lắng, quan tâm. Đó là sự chưa chắc chắn về định hướng Giáo dục, dẫn đến những lúng túng trong cách điều hành ở cấp vĩ mô; là sự thiếu đồng bộ và chậm khắc phục ở các khâu trọng yếu như chương trình học, sách giáo khoa, đào tạo, thi cử, đội ngũ… Bên cạnh đó là bệnh thành tích, nạn lạm thu, dạy thêm học thêm, việc tham nhũng, lãng phí trong đào tạo, hay sự xuống cấp của văn hóa học đường (bạo lực, lối hành xử vô cảm...). Đã có rất nhiều ý kiến tâm huyết của các học giả, nhà giáo, nhà khoa học, nhà báo, nhà văn, của cả các bậc phụ huynh và các em học sinh… trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong các cuộc hội thảo, tọa đàm… Nhưng dường như như thế vẫn là chưa đủ.
Hội Nhà văn Việt Nam, đặc biệt là hơn 200 hội viên có chuyên môn sư phạm, đã và đang cống hiến hết mình trên bục giảng và những trang sách, cùng với đông đảo các nhà văn - nhà báo - nhà giáo - độc giả… trên cả nước hiện nay, cũng thực sự muốn có tiếng nói chính thống, xây dựng, đóng góp những ý kiến về những bất cập còn tồn đọng trong ngành, cũng như tôn vinh những thành tựu của những cá nhân, cơ sở giáo dục, cán bộ quản lý giáo dục các cấp… với mục đích để cùng xây dựng một nền Giáo dục tiến bộ, tri thức, hợp với xu thế phát triển của thời đại, hợp lòng dân, kế thừa được truyền thống hiếu học ngàn năm của cha ông, xứng tầm với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Vì tất cả những lý do trên, với sự đề xuất của Chi hội Nhà văn Giáo dục và Ban Chuyên đề, được sự ủng hộ và nhất trí của Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - Nhà thơ Hữu Thỉnh, báo Văn nghệ quyết định giao cho báo Văn nghệ kết hợp với Chi hội Nhà văn ngành Giáo dục tổ chức cuộc thi viết về đề tài Giáo dục có tên “Vì sự học ngày nay”.

II - Nội dung:
- Tôn vinh nghề dạy học; ca ngợi truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo, uống nước nhớ nguồn, đồng thời phản ánh nhận thức đầy đủ về vai trò người thầy trong xã hội hiện nay.
- Phát hiện, biểu dương cá nhân và tập thể có những đóng góp tích cực đối với ngành Giáo dục trong việc thúc đẩy xã hội phát triển.
- Tôn vinh những nhân tố mới, những điển hình giáo dục đi đầu trong việc nâng cao chất lượng dạy và học, có hiệu ứng tích cực trong xã hội (về quản lý, đội ngũ, phương pháp…).
- Phản ánh chính xác, kịp thời trên tinh thần xây dựng về những khó khăn, vướng mắc hiện nay của ngành Giáo dục, và đề xuất những giải pháp tháo gỡ.
- Phản ánh các vấn đề, hiện tượng bất cập của Giáo dục đã gây ảnh hưởng tiêu cực đến dư luận, đặc biệt đến sự học của thế hệ trẻ nói riêng và của toàn xã hội nói chung.
- Đề xuất những vấn đề khả thi, tích cực hiện nay đối với ngành: Tư duy, quản lý, tính hệ thống, tính dân chủ, tính sáng tạo, tính minh bạch… với những sách lược, chiến lược cụ thể với ngành Giáo dục.

III - Yêu cầu:
Các tác phẩm được viết với các thể loại sau:
- Bút ký, phóng sự, điều tra.
- Ghi chép.
- Phỏng vấn.
- Chính luận.
- Chân dung.
Độ dài tác phẩm bút ký, phóng sự, điều tra: Tối đa 3000 chữ.
Độ dài của thể loại chân dung, ghi chép, chính luận, phỏng vấn: không quá 1500 từ.
Ưu tiên các tác phẩm xuất phát từ thực tiễn Dạy và Học. Đặc biệt chú trọng vai trò của người thầy - chủ thể và linh hồn của GD và học sinh - nhân vật trung tâm, thông qua chương trình (SGK).
Không nhận bài dự thi ở các thể loại văn chương hư cấu (ví dụ: truyện ngắn, thơ…).
Khuyến khích tác giả gửi kèm ảnh, hiện vật, tư liệu chuẩn xác liên quan đến nội dung. Kích thước ảnh không dưới 100 Kb. Đặc biệt, ở thể loại điều tra chống tiêu cực, người viết cần gửi kèm hồ sơ cụ thể (Ghi âm; phóng sự video).
- Tác giả chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chuẩn xác, trung thực của thông tin phản ánh trong tác phẩm dự thi.

IV - Đối tượng và hình thức dự thi:
1 - Đối tượng:
Là người Việt Nam ở trong và ngoài nước quan tâm tới sự nghiệp Giáo dục và Đào tạo, tự nguyện tham gia và cam kết chấp hành các quy định của Thể lệ cuộc thi.
2 - Hình thức: 
- Mỗi tác giả có thể gửi dự thi một hoặc nhiều tác phẩm.
- Tác giả bài viết cần ghi rõ họ tên, bút danh, địa chỉ liên hệ, số điện thoại và địa chỉ email (khả dụng).
- Gửi bài trực tiếp tại Tòa soạn hoặc qua thành viên Ban Tổ chức.
- Bài viết dưới dạng đánh máy hoặc viết tay rõ ràng trên một mặt giấy (không tẩy xóa).
- Bài không được sử dụng, Tòa soạn không trả lại.

V - Thời gian nhận bài: 
Từ 01/01/2019 đến 20/10//2020. Dự kiến trao giải vào dịp 20/11/2020.

VI - Địa chỉ nhận bài : 
- Hộp thư điện tử: visuhocngaynay@gmail.com thukybvn@gmail.com
- Địa chỉ liện hệ: báo Văn nghệ, số 17 Trần Quốc Toản, Quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội.

VII - Cơ cấu và giá trị giải thưởng:
- 1 giải Nhất (trị giá từ 15 triệu đồng).
- 2 giải Nhì (mỗi giải trị giá từ 10 triệu đồng).
- 3 giải Ba ( mỗi giải trị giá từ 7 triệu đồng).
- 5 giải KK (mỗi giải trị giá từ 5 triệu đồng).
Hình thức giải thưởng: Tiền mặt và Giấy chứng nhận của Tòa soạn, Ban Tổ chức.

VIII - Quyền và trách nhiệm của người dự thi:
1. Giá trị giải thưởng sẽ được trao trực tiếp cho tác giả đoạt giải, hoặc người được tác giả đoạt giả ủy quyền khi kết thúc cuộc thi. Ngoài hai trường hợp trên, Ban Tổ chức sẽ xử lý theo thẩm quyền và luật định.
2. Các cá nhân tham gia dự thi phải tuân thủ thể lệ cuộc thi, trong đó đảm bảo:
- Bài dự thi không vi phạm bản quyền.
- Bài dự thi chưa được sử dụng, xuất hiện trên bất kỳ phương tiện thông tin đại chúng nào ở trong nước và nước ngoài.

IX - Sử dụng tác phẩm tham gia dự thi:
- Tác phẩm qua vòng sơ khảo sẽ được đăng trên báo Văn nghệ điện tử. Ban Biên tập sẽ chọn những tác phẩm đặc biệt có chất lượng dùng trên báo giấy song song với báo điện tử.
- Những tác phẩm có hiệu ứng xã hội tốt, được độc giả quan tâm và chia sẻ nhiều nhất sẽ được trả nhuận bút theo quy định của Tòa soạn.
- Tất cả các tác phẩm được chọn vào chung khảo, sẽ được tập hợp, in thành sách, và tác giả sẽ được trả nhuận bút theo quy định.

X - Ban tổ chức: Trưởng ban chỉ đạo cuộc thi: Chủ tịch Hội Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - Nhà thơ Hữu Thỉnh ra quyết định thành lập ban tổ chức cuộc thi; Trưởng ban Tổ chức cuộc thi: Nhà văn Khuất Quang Thụy - TBT báo Văn nghệ; Phó Trưởng ban: Nhà thơ Chu Thị Thơm - Chi hội trưởng Chi hội Nhà văn Giáo dục – Hội Nhà văn Việt Nam. Thường trực cuộc thi: Nhà thơ Lương Ngọc An - Thư ký tòa soạn báo Văn nghệ. Và một số nhà báo, nhà văn báo Văn nghệ, các nhà văn, nhà báo, nhà giáo thuộc Chi hội Nhà văn Giáo dục.

XI - Ban giám khảo:
- Tòa soạn báo Văn nghệ, Chi hội Nhà văn Giáo dục sẽ mời các nhà văn, nhà giáo, nhà báo, nhà khoa học chuyên ngành và nhà quản lý có uy tín và có kinh nghiệm về Giáo dục chấm thi vào các ban Cố vấn, Sơ khảo, Chung khảo, để đảm bảo chọn ra được những tác phẩm đoạt giải xứng đáng nhất.

Ban Tổ chức cuộc thi Vì sự học ngày nay viết về ngành Giáo dục rất mong nhận được sự hưởng ứng và tham gia nhiệt tình của các cây bút trong và ngoài ngành, trong và ngoài nước, để Sự học của nước nhà ngày càng lớn mạnh, xứng đáng với tiềm năng và lòng mong mỏi của toàn xã hội.


. . . . .
Loading the player...