Sáng 25/11/2020, Đại hội lần thứ X Hội nhà văn Việt Nam đã bế mạc sau hai ngày làm việc sôi nổi và hiệu quả tại Hà Nội với sự tham gia của gần 600 đại biểu là các nhà văn trên cả nước. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều trở thành Tân Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam
Hội Nhà văn Việt Nam thành lập năm 1957, trực thuộc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, tập trung hoạt động trong bốn lĩnh vực: văn xuôi, thơ, phê bình, và dịch thuật. Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ IX (2015-2020) trước Đại hội, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khẳng định: 5 năm qua, nền văn học Việt Nam tiếp tục phát triển, đạt được những thành quả nổi bật trên cả 4 phương diện: đẩy mạnh sáng tác, xây dựng đội ngũ, quảng bá tác phẩm và hội nhập quốc tế.Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam nhiệm kỳ IX đã có nhiều biện pháp động viên các nhà văn bám sát đời sống, đi vào những vấn đề trọng tâm của đất nước, không ngừng nâng cao chất lượng và hiệu quả sáng tạo, đáp ứng yêu cầu xây dựng văn hóa, xây dựng con người. Tiếp tục thành tựu và xu hướng phát triển 35 năm Đổi mới, dòng chủ lưu của văn học Việt Nam hiện nay là đề cao lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, dân chủ, nhân văn và hội nhâp tích cực. Tư duy văn học, đề tài, chủ đề, phương pháp sáng tác tiếp tục được đổi mới, đem đến một diện mạo văn học đa dạng, phong phú, chấp nhận và khuyến khích nhiều cá tính sáng tạo, nhiều tìm tòi thể nghiệm cái mới… Ban Chấp hành đã tổ chức hiệu quả nhiều chuyến đi thực tế cho các nhà văn, tổ chức 15 trại sáng tác với gần 200 nhà văn đến làm việc.Ngoài ra, Hội Nhà văn Việt Nam còn phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ Công an, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Tư lệnh Hải quân tổ chức các cuộc thi văn học theo từng đề tài, từ đó tôn vinh các tác giả có tác phẩm xuất sắc.Tại Đại hội, các đại biểu cũng đã thảo luận về những kết quả tích cực, những điểm còn hạn chế trong hoạt động của Hội nhiệm kỳ IX, thống nhất phương hướng, nhiệm vụ phát triển văn học nhiệm kỳ 2020 – 2025. Đại hội xác định, trong nhiệm kỳ X, Hội tập trung thực hiện Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị khóa X, Nghị quyết 33 của Trung ương khóa XI, Kết luận số 76 của Bộ Chính trị về “xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước. Hoạt động phát triển văn học tập trung theo phương hướng “Tiếp tục đổi mới tư duy văn học, mở rộng đề tài, chủ đề, phương pháp sáng tác nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả văn học, góp phần xây dựng văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước”.
Cựu chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Hữu Thỉnh tặng hoa chúc mừng ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa mới - Ảnh: HOÀNG MINH
Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Hữu Thỉnh đưa ra danh sách 11 người do Ban chấp hành khóa IX (nhiệm kỳ 2015-2020) giới thiệu và đề nghị Đại hội giới thiệu thêm 4 người nữa. Trong đó đương kim Chủ tịch Hội Hữu Thỉnh không tiếp tục ứng cử Ban chấp hành khóa mới. Sau đó hơn 500 đại biểu đã thông qua danh sách 15 nhà văn, nhà thơ để bầu vào Ban chấp hành khóa X (nhiệm kỳ 2020 - 2025) và Đại hội đã tiến hành bỏ phiếu. Chiều ngày 24/11, Ban tổ chức Đại hội đã công bố danh sách các nhà văn trúng cử vào Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa X gồm 11 người: Nguyễn Thị Thu Huệ, Trần Hữu Việt, Bích Ngân, Trần Hùng, Vũ Hồng, Phan Hoàng, Khuất Quang Thụy và Lương Ngọc An. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều được bầu làm Chủ tịch Hội, nhà thơ Trần Đăng Khoa và nhà văn Nguyễn Bình Phương là hai Phó Chủ tịch.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều sinh năm 1957, ông hoạt động rộng rãi trong nhiều lĩnh vực của văn chương như văn xuôi, thơ, dịch thuật, phê bình. Ông còn là cây cầu nối nhiệt huyết giữa các văn nghệ sĩ Việt Nam và văn nghệ sĩ cựu binh Mỹ. Ông từng nhận hơn 20 giải thưởng văn học trong nước và quốc tế, trong đó có giải của Hội Nhà văn Việt Nam cho tập thơ “Sự mất ngủ của lửa” (1993). Năm 2018, ông là tác giả Việt Nam đầu tiên được trao giải thưởng Văn học quốc tế Hàn Quốc Chang won. Phát biểu tại Đại hội, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khóa mới, chia sẻ, sứ mệnh mới vinh quang, hạnh phúc thật lớn lao nhưng trách nhiệm cũng vô cùng nặng nề. Ông khẳng định, Ban Chấp hành mới sẽ tiếp bước, làm tốt hơn nữa trách nhiệm mà các nhà văn chân chính đã chọn, đồng hành cùng Cách mạng, đất nước. Ông cũng tin tưởng rằng, Ban Chấp hành mới sẽ mang đến tư duy, năng lượng mới, ngập tràn cảm hứng sáng tạo cũng như sự dâng hiến của các nhà văn chân chính cho nhân dân và dân tộc.
Tổng hợp: Linh Châu