Ra đời cuối thế kỷ 19, sau hơn 100 năm bị lãng quên tại Thư viện Viện Pháp (Pháp), bản thảo Lục Vân Tiên cổ tích truyện vẽ bằng tranh mầu đã được “đánh thức”, công bố tới đông đảo công chúng. Đây là kết quả của quá trình nghiên cứu khoa học bài bản, công phu của các nhà khoa học Pháp và Việt Nam.
Bản thảo Lục Vân Tiên cổ tích truyện được trưng bày tại Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội).
Nói về số phận kỳ lạ của bản thảo Lục Vân Tiên cổ tích truyện, GS Phan Huy Lê kể lại rằng, câu chuyện bắt đầu từ năm 2011, trong một dịp sang Pháp, ông có cơ hội ghé thăm Thư viện Viện Pháp - vốn là nơi lưu giữ nhiều văn bản, thư tịch và tư liệu cổ. Giám đốc Thư viện giới thiệu cho ông một số văn bản, tư liệu quý, trong đó có những tư liệu về Việt Nam và Đông Dương. GS Phan Huy Lê chú ý đến một bản thảo viết tay được bọc trong một lớp giấy cổ, dày dặn nhưng rất đơn sơ. Ông ngạc nhiên khi tìm thấy cuốn sách có đề là năm thứ nhất Đồng Khánh, ngay ở giữa có những câu thơ về Lục Vân Tiên bằng chữ Nôm, bốn phía chung quanh được minh họa bằng tranh. Sau cả thế kỷ nhưng mầu sắc của cuốn sách vẫn còn nguyên vẹn. Bản thảo do Đại úy pháo binh Hải quân Pháp tên là Ơ-gien Gin-be đã từng làm việc tại Huế (Việt Nam) tặng Viện Hàn lâm Pháp vào ngày 26-5-1899. Dự cảm đây có thể là một di sản vô cùng quý giá cho nên GS Phan Huy Lê đã trao đổi, đề nghị với các học giả thuộc Viện Viễn đông Bác cổ cùng nghiên cứu, đánh giá về giá trị thẩm mỹ, sử liệu của tập bản thảo này.
Từ năm 2011, các học giả Pháp và Việt Nam đã hợp tác nghiên cứu nghiêm túc và cẩn trọng về bản thảo này. Bản thảo tranh vẽ truyện Lục Vân Tiên đã được ra đời từ ý tưởng của Đại úy Ơ-gien Gin-be. Dựa trên bản in tiếng Pháp của A-ben đơ Mi-sen, yêu thích tác phẩm văn học nổi tiếng của Nguyễn Đình Chiểu, Ơ-gien Gin-be đã tổ chức thực hiện bản thảo chép tay truyện thơ nổi tiếng này bằng cả chữ Nôm lẫn tiếng Pháp với phần tranh minh họa do họa sĩ cung đình Huế Lê Đức Trạch thực hiện trong khoảng thời gian từ năm 1895 đến năm 1897. Sự kết hợp giữa thơ ca và hội họa dưới đôi tay khéo léo, kỳ công của nghệ nhân đã tạo nên giá trị độc đáo cho tác phẩm. Hơn hai nghìn câu thơ chữ Nôm chia làm nhiều đoạn, mỗi đoạn có lời thơ kèm theo hình ảnh minh họa nội dung. Dù “phủ bụi” suốt hơn một thế kỷ nhưng các bức tranh vẫn giữ nguyên hình ảnh tươi tắn, rõ ràng. Mầu sắc sinh động và hài hòa, đường nét phóng khoáng mà tinh tế, tạo cảm giác về sự pha trộn giữa phong cách của tranh Đông Hồ (Bắc Ninh), tranh làng Sình (Huế) và cả hội họa cung đình. Nhưng cách làm lại dựa trên kỹ thuật mới lạ hơn so với dòng tranh khắc dân gian thời đó, họa sĩ không in khắc mà chỉ vẽ nét rồi tô mầu. Khi trở về Pháp vào năm 1899, ông Ơ-gien Gin-be đã trao tặng công trình này cho Viện Hàn lâm Pháp. Kể từ đó trong suốt 112 năm, bản thảo được lưu giữ tại Thư viện Viện Pháp.
TS Ô-li-vi-ê Tét-xi-ê (Viện Viễn đông Bác cổ), người giữ vai trò trưởng nhóm biên tập cuốn sách cho rằng, bản thảo bộ truyện Lục Vân Tiên bằng tranh mầu, là sản phẩm “cuộc gặp gỡ” từ xa của bốn nhân vật lịch sử Nguyễn Đình Chiểu, dịch giả A-ben đơ Mi-sen, Ơ-gien Gin-be và Lê Đức Trạch là “duy nhất”, có giá trị lớn cả về lịch sử, mỹ thuật và văn hóa. Để tác phẩm này tiếp cận được với người đọc, các nhà nghiên cứu lịch sử ở Viện Viễn đông Bác cổ, Viện Văn Khắc và Mỹ Văn Pháp, Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội đã cùng phân tích, dịch trong suốt hơn ba năm. Năm 2016, Viện Viễn đông Bác cổ phối hợp NXB Văn hóa - Văn nghệ xuất bản tập bản thảo này thành sách gồm hai tập, chia làm ba phần: tập một (phần một) là truyện thơ có tranh minh họa, tập hai (phần hai là phần chú giải của Ơ-gien Gin-be cùng phần ba là bản in truyện thơ). Đây là một trong những tác phẩm văn học đầu tiên của Việt Nam ở thế kỷ 19 được xuất bản bằng ba thứ tiếng là tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Pháp; qua đó góp phần quảng bá rộng rãi đến các độc giả trên thế giới để hiểu rõ hơn về ý nghĩa của tác phẩm này. Cuốn sách đã bổ sung, đóng góp vào kho tàng truyện Lục Vân Tiên một dị bản có niên đại rõ ràng. Kết quả của công trình nghiên cứu này góp phần vào việc tăng cường hơn nữa mối quan hệ hợp tác và trao đổi khoa học giữa hai nước Việt Nam và Pháp.
Vừa qua GS Mi-sen Din, Thư ký Viện Văn Khắc và Mỹ Văn Pháp đã sang Việt Nam, trao danh hiệu vinh danh GS Phan Huy Lê vì sự nghiệp nghiên cứu khoa học xã hội và những đóng góp của giáo sư cho công cuộc bảo tồn di sản lịch sử và văn hóa của Việt Nam. Giáo sư Mi-sen Din đánh giá cao vai trò đóng góp của GS Phan Huy Lê trong việc "đánh thức" tác phẩm Lục Vân Tiên trưng bày tại Thư viện Viện Pháp.
Theo nhandan.com.vn