12-07-2016 - 21:09

Dế cơm mùa nước lụt

Lúc còn nhỏ, gia đình tôi sinh sống tại Huy Khiêm – Hoài Đức (nay là huyện Tánh Linh, Bình Thuận). Nhà lợp tranh, nền đắp bằng đất thịt, mỗi lần mưa dầm, quanh nhà ngập nước, chỉ còn cái nền nhà là hơi cao ráo. Hang dế cơm bên ngoài bị ngập, chúng tìm lối thoát, và cái nền nhà chính là chỗ để chúng trú thân. Anh em tôi cứ rọi đèn soi từng ngóc ngách, thấy con nào bắt con đó. Chỉ quanh cái nền nhà thôi mà vui nhớ đời. Được vài con hai anh em xuống bếp nướng chấm muối. Dế cơm là cách gọi của người dân Quảng, loại dế này con to nhất bằng ngón tay cái người lớn. Mình dế màu nâu bóng. Những chú dế non có đôi cánh ngắn củn để lộ thần hình tròn vo.

Ngày mưa tạnh bọn trẻ chúng tôi lại rủ nhau tìm hang dế cơm để bắt. Bắt dế cơm dưới hang vui không chi bằng, mỗi đứa mang theo cái ấm đựng đầy nước, thấy hang dế là trút nước xuống, dế bị ngợp nước phải trồi đầu lên, chỉ chờ có vậy là ra tay bắt ngay. Dế bắt được cho vào cái thùng nhựa miệng nhỏ hoặc cái chai, được chừng mươi con là xúm nhau vào bếp nướng, dế cơm nướng cháy xèo xèo bốc mùi thơm phức, nghe thôi đã thèm.

 

Ở Bình Thuận dế cơm không nhiều như miền Trung. Vùng có nhiều dế chủ yếu Đức Linh, Tánh Linh, nhất là những cánh đồng, gò đất hai bên sông La Ngà. Bắt dế cơm ở Bình Thuận chủ yếu thú vui của tuổi thơ, người lớn cũng có nhưng rất ít.

Với người miền Trung, nhất là bà con ở làng Lệ Bắc xã Duy Châu huyện Duy Xuyên Quảng Nam, bắt đế cơm nơi đây đã thành chuyên nghiệp, mùa vụ.

Thôn Lệ Bắc nằm kẹp giữa hai dòng chảy của sông Thu Bồn, nó trở thành một cù lao nỗi. Mùa lũ đổ về, Lệ Bắc bị cô lập giữa bốn bề sông nước. Do vị trí địa lý như vậy, nên lụt lội đối với Lệ Bắc gần như năm nào cũng có.

Gian khổ, khó khăn đủ điều, nhưng chẳng có mấy ai bỏ đất, bỏ làng ra đi. Người ta đã quen sống với cảnh lụt lội, quen với màu nâu đất phù sa ướp xanh rì lá dâu, lá thuốc. Năm nào nước sông Thu Bồn chậm về là người Lệ Bắc thấy “buồn”, thấy “nhớ”. Không có lụt là đất không có phù sa, chuột bọ, sâu bệnh sẽ xuất hiện nhiều và những cánh đồng ớt, đậu phộng… sẽ kém năng xuất. “Nhớ” lụt, người Lệ Bắc còn có nỗi nhớ rất tuổi thơ, nhớ mùa dế cơm “trốn lũ”.

Đi bắt dế cơm trong những trận lũ đầu mùa vừa là niềm vui vừa là cách kiếm thức ăn rất hiệu quả của người dân Lệ Bắc. Những đêm mưa dầm, nước Thu Bồn dâng trắng bờ trắng bãi, ấy là thời điểm lũ đầu mùa từ trên nguồn đổ về. Dọn dẹp đồ đạc nhà cửa đâu vào đấy, trai gái, trẻ già trong thôn đổ ra đồng đi bắt dế. Đuốc, đèn sáng trưng, người lội nước, kẻ bơi xuồng, tiếng bì bõm trong đêm hòa với tiếng nói tiếng cười giống như đêm hội hoa đăng.

Khi nước lũ đổ về, hang dế bị ngập, chúng phải bỏ hang tìm những cành nhánh, bụi lùm để bám thân tránh lũ. Người đi bắt dế cứ bám vào những bờ dâu, ruộng mía… còn phơi ngọn, rọi đèn, dế bị say lũ, say mưa chỉ biết nằm im, cứ thế dùng tay mà bắt. Đi bắt dế dụng cụ mang theo chỉ cần cái xô nhựa hoặc chiếc thùng thiếc, cho nước vào phân nửa để dế khỏi búng nhảy ra. Thanh niên trai tráng có sức lực thì bơi xuồng ra những bưng gò có nhiều lùm bụi tìm bắt. Phụ nữ, trẻ em rọi đèn bắt quanh vườn, quanh ruộng gần nhà, những nơi đã quen đường đi nước bước. Bắt giỏi vài giờ được cả xô dế.

Những đêm bắt dế cơm là những đêm không ngủ. Thức với dế ngoài ruộng mãi đến khuya, về nhà lại tiếp tục thức ngồi cùng dế, lặt cánh, làm ruột, rửa sạch cho vào rổ tre để ráo nước. Xong đâu đó, món dế xào nóng hổi thế nào cũng được chế biến ngay để các ông lai rai. Mùi hành phi, mùi gia vị, mùi dế rim bốc thơm ngào ngạt. Trời mưa, gió lạnh, lũ lên, ngồi trên gác xếp bên đĩa dế xào nóng bốc khói hỏi có gì hơn. Với các bà các chị thì thích món bánh xèo nhân dế hoặc món dế chiên giòn.

Dế bắt được nhiều, người Lệ Bắc thường chế biến để dành làm thức ăn trong những ngày lũ lụt, hoặc gởi làm quà tặng bà con.

Năm nay mùa nước lụt lại sắp đổ về theo dòng Thu Bồn. Người thôn Lệ Bắc lại tất bật với bao công việc trong những ngày dài tránh lũ. Cực khổ vậy, nhưng họ vẫn ngong ngóng đợi chờ cơn lũ đầu mùa để được một đêm say sưa cùng lũ dế.

Và với tôi, kẻ xa quê, trong vô vàn nỗi nhớ, có nỗi nhớ lấm lem mùa nước lụt, nỗi nhớ mùi khói ướt, mùi dế nướng thơm lừng. Nỗi nhớ dế cơm!

(Nguồn: Báo Văn nghệ)

. . . . .
Loading the player...