Văn nghệ Hà Tĩnh xin giới thiệu bài viết khảo cứu văn hóa về DÒNG DÕI TƯỚNG CÔNG LÊ TRÁC của tác giả Lê Trâm Anh (Trung tâm Văn hóa - Truyền thông huyện Lộc Hà)
DÒNG DÕI TƯỚNG CÔNG LÊ TRÁC
Được hình thành lâu đời nơi vùng bãi ngang ven biển Cửa Sót, xã Thạch Châu nổi tiếng là vùng quê giàu truyền thống văn hóa - lịch sử của huyện Lộc Hà. Trước Cách mạng tháng 8, xã có tên là Trung Châu, bao gồm 04 làng: Đông Bình, Gia Thiện, Hữu phương và Gia Mỹ. Thạch Châu ngày nay hiện có 11 thôn, diện tích tự nhiên 733 ha, dân số gần 5880 người. Với đức tính chịu thương chịu khó, cần cù lao động, từ bao đời nay, người dân nơi đây bên cạnh nghề truyền thống trồng lúa, trồng hoa màu đã biết duy trì và phát triển các nghề phụ để mưu sinh như: nghề mộc, nề, nung vôi, ép dầu, trồng dâu nuôi tằm. Đặc biệt phát huy lợi thế nguồn sinh thủy dồi dào từ Lạch Sót chảy ra biển, nhiều người dân còn gắn bó với nghề làm muối, nuôi trồng - đánh bắt - chế biến thủy sản. Cùng với đời sống văn hóa phong phú và đa dạng, nơi đây còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa phi vật thể, trò chơi dân gian mang đậm bản sắc. Trên địa bàn xã, hiện đã có 01 di tích được xếp hạng di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia, 04 di tích được xếp hạng di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh. Trong số 54 dòng họ định cư tại địa phương, dòng họ Lê Văn luôn được biết đến là dòng họ lớn cả về quy mô dân số cũng như nhiều đóng góp hiển vinh trong lịch sử xây dựng và phát triển quê hương đất nước.
Nước có sử ký, nhà có gia phả. Ngược dòng thời gian, theo gia phả của Họ Lê ở Thạch Châu, dòng họ Lê Văn ở Thạch Châu có nguồn gốc từ Thanh Hóa. Vào đầu thế kỷ XIV, cách đây khoảng 700 năm, trong các đoàn người theo chân cuộc khởi nghĩa Lam Sơn vào Nghệ An rồi thiên di đến các vùng đất ở Hoan Châu định cư lập nghiệp, có đoàn của gia đình ngài Lê Đôn Dương vào định cư tại vùng chân rú Bờng thuộc Tổng Canh Hoạch, tỉnh Hà Tĩnh, ngày nay thuộc thôn Minh Quý, xã Thạch Châu, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh.
Nói về Tướng công Lê Trác, tên thụy là Lương Khê Hầu, chắt nội của cụ khởi tổ Lê Đôn Dương, thuộc đời thứ 4 dòng họ Lê Văn. Đến tuổi trưởng thành, Lê Văn Trác gia nhập đội lính thủy quân, cùng nhiều anh em, con cháu của dòng tộc họ Lê đầu quân hưởng ứng cuộc khởi nghĩa của Lê Lợi ở Lam Sơn. Ông được giao quản lý vùng biển từ Cửa biển Nam giới đến cửa Xích Mộ (Hà Hoa). Trải qua nhiều lần cầm binh chiến thắng, với tài năng, đức độ về chỉ huy quân thủy. Khoảng năm 1444, vua Chiêm Thành là Bí Cai đem quân cướp phá thành Châu Hóa, được Lê Khôi biết đến, Lê Trác là người có tài, tinh binh chọn làm phó tướng chỉ huy trong đoàn thủy binh nam chinh chiến Chiêm Thành do Lê Khôi làm chủ tướng. Đến năm 1446, Bình Chương sự Trịnh Khả vâng lệnh vua mang đại quân đánh dẹp Chiêm Thành. Lúc bấy giờ, Lê Khôi được cử làm tướng tiên phong, đem quân ở trấn Nghệ An tiến trước mở đường và Lê Trác được Lê Khôi giao trọng trách Phó Tướng giúp Lê Khôi tiến đánh Chiêm Thành, đánh đến đâu, quân Chiêm thua chạy tới đó, sau trận này, vua Chiêm Thành cũng bị bắt (Theo Tạp chí Thế giới Di sản số 8 - 2015 (107) trang 31, 32). Trên đường khải hoàn trở về, Lê Khôi bị bệnh nặng, đến núi Long Ngâm gần cửa biển Nam Giới (ngày nay thuộc huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) thì qua đời. Còn vị Tướng công Lê Trác cũng qua đời trên đường đánh trận trở về, theo truyền nhân kể lại, xác Lê Khôi trôi dạt vào Núi Nam Giới còn xác của Lê Trác trôi dạt vào cửa lạch hói Sót thuộc Làng Gia Mỹ, xã Thạch Châu. Biết tin ông qua đời, vua Lê cho các quân thần đến viếng và làm tang lễ cho Tướng công Lê Trác, Mộ Tướng công được an táng bên dòng hói Sót (khu đất Nhà thánh) làng Gia Mỹ, xã Thạch Châu.
Dù không được sử sách viết nhiều nhưng công trạng của tướng công Lê Trác đã từng có nhiều sắc phong của các triều đại khẳng định ông là một vị tướng công lúc sinh thời và khi mất là Dực bảo Trung Hưng. Đặc biệt vào ngày 25/7, năm Vua Khải Định thứ 9 (1924, thời Nhà Nguyễn), có bản sắc còn ghi: “Sắc ban cho giáp Lê thôn Gia Thiện, phủ Thạch Hà, Tỉnh Hà Tĩnh trước nay thờ phụng vị thần vốn được tặng là Dục bảo Trung hưng linh phù bản thổ Lương khê hầu, Lê tướng công phủ quân tôn thần, Thần giúp nước che dân, lâu nay linh ứng rõ ràng, từng được cấp sắc phong ban cho phép thờ phụng. Nay nhân dịp đại khánh húy Trẫm tuổi tứ tuần, nay ban chiếu mở rộng ơn, lễ thịnh, nâng bậc, gia tặng rõ là Đoan túc tôn thần, đặc chuẩn cho thờ phụng, để ghi lại dịp quốc khánh mà mở rộng tự điền, phải kính lắm lắm…”
Sắc phong hiện đang được lưu giữ tại bàn thờ Tướng công Lê Trác ở nhà thờ họ Lê Văn Tiểu tông Thạch Châu
Còn nhân dân trong vùng tổng Canh Hoạch đã tôn vinh ông là Thành hoàng làng cho đến ngày nay. Bởi trong thực tế, vào ngày rằm, mồng một hàng tháng nhân dân trong vùng đến tại khu lăng mộ Tướng Công Lê Trác để thắp hương cầu an, cầu hòa, cầu cho con cháu học hành đỗ đạt…; các ngư dân, thuyền buôn mỗi khi đi qua nơi vùng sông nước này, đều lên bờ vào thắp hương ở mộ của Tướng công Lê Trác để cầu xin cho mưa thuận gió hòa, ra khơi an lành, đánh bắt được nhiều hải sản, bán buôn được nhiều hàng hóa…
Để ghi nhớ công ơn, trên khu đất rộng hơn 1.330 m2 nhìn ra biển Cửa sót, đối diện với núi Long Ngâm, nơi có đền thờ Vũ mục Đại vương Lê khôi; tọa lạc trên 1 vị trí mà theo phong thủy là “tọa sơn, vọng thủy, đắc khí, tăng phong”, cùng với lăng mộ ông còn có một khu đền Nhà thánh được xây dựng quy mô 3 tọa nhà gỗ Lim, gồm nhà tam bảo, giải vũ. Hàng năm con cháu họ Lê và người dân địa phương với tâm nguyện “linh ứng sở cầu” đều tổ chức lễ giỗ vào ngày 1/5 âm lịch; thắp hương tưởng nhớ vị thần giúp nước che dân vào ngày mồng một và ngày rằm hàng tháng. Trước Cách mạng tháng 8, nơi đây phong trào Bình dân học vụ của làng Gia Mỹ, xã Thạch Châu được thành lập để dạy chữ quốc ngữ cho nhân dân xóa mù chữ và con em trong làng. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử và thiên tai, khu nhà thờ đã bị phá hủy còn lại khuôn viên khu đất rộng lớn, chỉ có một cái miếu nhỏ được lập lên cùng khu lăng mộ nằm nguyên vẹn, lặng lẽ dứới những gốc phượng già ven hói Lạch Sót ở thôn Châu Hạ, xã Thạch Châu là nơi cô kết tình cảm của nhân dân trong vùng và con cháu dòng họ. Năm 2021 theo tâm nguyện của toàn thể con cháu dòng họ Lê Văn, cháu Lê Văn Vượng đời thứ 16 của dòng họ là người khởi xướng cùng con cháu trong dòng họ phát tâm công đức và được sự giúp đỡ của nhân dân trong vùng, ngày 01 tháng 5 năm Tân Sửu công trình khu lăng Mộ tướng công Lê Trác được bắt đầu khởi công tôn tạo đến ngày 01 tháng 5 năm Nhâm Dần hoàn thành, đưa vào sử dụng.
Khu lăng mộ tướng công Lê Trác hiện nay
Gương sáng tiền nhân vằng vặc, với quyết tâm xây dựng quê hương, các thế hệ con cháu dòng họ Lê Văn nguyện ra sức vun bồi rạng danh dòng tộc, bằng tấm lòng luôn ghi nhớ ơn đức tiên tổ. Từ bao đời lại nay, con cháu trong dòng họ sống quây quần, tập trung chủ yếu tại các thôn An Lộc, Lâm châu, Châu hạ, Kim Ngọc, Thanh Tân và Quang Phú. Nhà thờ họ Lê Văn đại tông hiện đóng tại thôn An Lộc đã được con cháu dòng họ tôn tạo lại bề thế, khang trang, Nhà thờ Họ Lê Văn tiểu tông được xây dựng tại làng Gia Thiện nay là Thôn Kim Ngọc xã Thạch Châu, Nhà thờ được xây dựng và tôn tạo nhiều lần nhưng theo thời gian, biến cố lịch sử đã xuống cấp và không đáp ứng được việc thờ cúng. Đến năm 2017 theo tâm nguyện của toàn thể con cháu dòng họ Lê Văn, cháu Lê Văn Tú đời thứ 16 của dòng họ là người khởi xướng đầu tư xây dựng, tôn tạo lại nhà thờ. Ngày 02 tháng hai năm Đinh Dậu khởi công xây dựng đến ngày 12 tháng Giêng năm Kỷ Hợi 2019 hoàn thành, đưa vào sử dụng.
Quang cảnh khu nhà thờ tướng công Lê Trác và họ Lê Văn tiểu tông
Nhà thờ họ Lê Văn là một trong những công trình kiến trúc truyền thống của người Việt. Đó là nơi thể hiện lòng tôn kính, nơi tưởng nhớ tới các bậc tiền bối, cha ông, những người có công của dòng họ. Kiến trúc Nhà thờ họ Lê Văn mang những đặc điểm riêng, nó thuộc về phạm trù của kiến trúc tâm linh, do đó vấn đề về phong thủy cũng như thiết kế được chú trọng hơn so với những kiến trúc khác. Nhà thờ gồm 3 tòa (Thượng điện, Trung điện và Hạ điện) được làm bằng 220 m3 gỗ Lim và gỗ hương; Nhà sắc, cổng Nghi môn, cổng Tam quan và các công trình phụ trợ làm bằng đá tự nhiên và bê tông cốt thép trên khuôn viên 1.668 m2. Công trình được sự giúp đỡ thiết kế, quy hoạch của Viện Bảo tồn di tích thuộc Bộ văn hóa, Thể thao và Du lịch; Công ty TNHH Song Ngọc. Với tổng kinh phí trên 11 tỷ đồng từ nguồn vận động quyên góp trong chính con cháu dòng họ Lê Văn đang sinh sống tại địa phương cũng như ở khắp mọi miền Tổ quốc. Hàng năm, vào ngày rằm, mồng một đầu tháng con cháu dòng họ luôn tổ chức tổ chức dâng hương bái lễ để tri ân tiên tổ và các bậc tiền nhân. Đặc biệt vào dịp rằm tháng Giêng, rằm tháng Bảy, ngày giổ Tổ, Hội đồng dòng họ cùng con cháu tổ chức nhiều hoạt động giao lưu văn hóa văn nghệ, thể dục, thể thao, trao quà khuyến học, làm lễ nhập đinh… tạo được sự kết nối, đoàn kết, đồng lòng hướng về cội nguồn, xây dựng dòng họ ngày càng phát triển. Nhà thờ họ Lê Văn nơi lưu giữ đạo sắc, lưu truyền nghi thức trong tế lễ trong sinh hoạt cộng đồng về văn hóa tâm linh của con cháu trong dòng tộc, đồng thời là nơi hội tụ, giao lưu về văn nghệ, thể dục, thể thao, vinh danh những thành tích con cháu đạt được trong học tập, lao động, sản xuất cũng như những đóng góp về vật chất tinh thần cho dòng họ.
Đức tổ dài lâu muôn đời thịnh
Nếp nhà đầm ấm bốn mùa xuân
Lịch sử luôn được bồi tụ bởi những chiến công lừng lẫy, những tấm gương trung liệt để người đời sau ngưỡng vọng biết ơn trong niềm tự hào. Tiếp nối truyền thống vẻ vang của dòng tộc, trải qua gần 18 đời truyền nối, các thế hệ con cháu Họ Lê Văn ở Thạch Châu, huyện Lộc Hà, luôn hướng về nguồn cội, tri ân tiên tổ, tỏ rõ khí phách tinh anh, cống hiến sức mình. Trải qua các thời kỳ xây dựng, bảo vệ và phát triển quê hương, đất nước, đã có hàng trăm con em họ Lê Văn thành đạt trên khắp mọi miền tổ quốc, đóng góp trên nhiều lĩnh vực chính trị, kinh tế, Văn hóa, xã hội, quân sự, ngoại giao, chiếm 1 tỉ lệ cao trong các dòng họ đang sinh sống nơi đây. Những đóng góp to lớn của Tướng công Lê Trác và nét văn hóa hóa đặc sắc của dòng họ Lê Văn đã góp không nhỏ trong việc duy trì các lễ hội truyền thống của địa phương, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể; tuyên truyền, giáo dục về tinh thần yêu nước, truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta.
Hòa trong khói hương man mác cố kết tâm linh với mạch cội nguồn tiên tổ, từ sâu thẳm tâm niệm của mình, các thế hệ cháu con của dòng Họ Lê Văn Thạch Châu đều nguyện cầu, không ngừng đoàn kết, nổ lực vì sự phát triển của bản thân, gia đình và dòng họ. Đặc biệt, hôm nay đây, với niềm tự hào khi khu lăng Mộ và Nhà thờ tướng công Lê Trác vinh dự được UBND tỉnh Hà Tĩnh xếp hạng công nhận là di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh càng tô thắm truyển thống vẻ vang và thôi thúc thêm ước vọng của dòng tộc Lê Văn cũng như bà con nhân dân trong vùng cùng góp phần phục dựng lại khu Đền Nhà thánh thờ Tướng công trên nền đất cũ, ngay sát khu lăng mộ người sớm trở thành hiện thực để xứng đáng với công lao, ân đức mà tướng công Lê Trác đã vì nước vì dân vì dòng tộc họ Lê hào kiệt trường tồn sử sách mà hy sinh đóng góp.
Bằng xếp hạnh di tích cấp tỉnh
Bài và ảnh: Lê Trâm Anh.