Giải thưởng văn học Hà Nội luôn được công chúng chờ đợi, nhất là khi Ban Chấp hành Hội Nhà văn Hà Nội vừa trải qua quá trình kiện toàn và phải xét giải thưởng cho cả hai năm (2016 - 2017). Kết quả giải thưởng có thể chưa làm hài lòng mọi người nhưng được kỳ vọng là nguồn động viên các tác giả tiếp tục sáng tác và cống hiến những tác phẩm chất lượng, có giá trị nghệ thuật cao.
Không trao giải cho thơ
Chia sẻ ngay sau Lễ trao giải, ông Nguyễn Việt Chiến, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng Thơ cho biết, đã chọn được 5 trong tổng số 35 tác phẩm thơ gửi đến Hội đồng chung khảo. Đó là các tác phẩm: Tự do của Hoàng Xuân Tuyền, Canh chừng lãng quên của Vương Cường, Mùa trong gốm của Lê Anh Phong, và hai tập do Hội đồng Thơ của khóa trước giới thiệu được bảo lưu là Chi chi chành chành của Tô Thi Vân, Cây chuyển mùa của Vũ Từ Trang… Các tác phẩm đều đã giành số phiếu tương đối cao của Hội đồng Thơ và được đánh có khởi sắc hơn so với mấy năm trước.Ngày 10.12, Hội Nhà văn Hà Nội đã tổ chức Lễ trao giải thưởng 2017. Mùa giải thưởng năm nay ghi nhận sự đột phá về mảng văn xuôi và phê bình khi có tới 4 tác phẩm đoạt giải, gồm: Tiểu thuyết 6 ngày của Tô Hải Vân; phê bình, đối thoại văn học Trang sách mạch đời của Phạm Khải; tác phẩm dịch, tiểu thuyết Búp bê của Boleslaw Prus, văn học Ba Lan, Nguyễn Chí Thuật dịch; tác phẩm đầu tay Hồi ức lính của Vũ Công Chiến. Tuy nhiên, tác phẩm thơ dự giải có vẻ bình lặng hơn, mặc dù đội ngũ sáng tác thơ luôn áp đảo các tác giả thể loại khác.
Tuy nhiên, Hội đồng chung khảo vẫn quyết định không trao giải thưởng thơ. Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến cho hay: “Thực ra với nền tư duy bạn đọc đang phát triển như hiện nay, chúng ta phải nâng cao chất lượng giải thưởng. Những tập thơ này đã có dấu hiệu của giọng điệu mới, đôi khi phần “xương cốt” ý tưởng rất chắc, nhưng bên cạnh đó, “mặt da thịt” lại có vẻ hơi mỏng. Các bài thơ bị ý tưởng trùm lấp, cho dù nó rất mới, rất cảm xúc”.
Các tác phẩm được trao Giải thưởng văn học Hà Nội 2017
Hồi ức lính và Giải thưởng tác phẩm đầu tay
Với chủ trương nâng cao chất lượng, tác phẩm được trao giải đều phải đạt 75% số phiếu trở lên, chứ không quá bán như trước. Các Hội đồng đã phải chia từng nhóm đọc, thảo luận để lựa chọn những tác giả thật sự xứng đáng. Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội Nguyễn Thị Thu Huệ cho biết, tính từ sách in quý III.2015 - quý III.2017, trong tổng số 111 tác phẩm tham dự giải, có đến 60 cuốn văn xuôi. “Nhìn vào số lượng, năm nay văn xuôi được mùa, đấy là tín hiệu đáng mừng. Văn xuôi thường được chờ đón hơn, có lẽ do nhà văn phải dồn nhiều sức lực, kể cả khối lượng và thời gian cho một tác phẩm”.
Chủ tịch Hội đồng văn xuôi, nhà văn Y Ban cho rằng, văn chương cũng như thời vụ, có thể cuộc chiến tranh đã qua mấy chục năm nhưng những người đi qua cuộc chiến bỗng nghĩ đây là thời điểm họ phải viết lại tất cả những gì họ cần viết, nếu không sẽ muộn, sẽ chậm hoặc không bao giờ viết được nữa. Chính vì vậy, thông qua các tác phẩm dự giải năm nay có thể thấy, xu hướng sáng tác văn học những năm gần đây nở rộ thể loại hồi ký, hồi ức chiến tranh.
Ngoài những cuốn hồi ký Chuyện lính Tây Nam (Trung Sĩ), Lính Hà (Nguyễn Ngọc Tiến), gây ấn tượng nhất có lẽ là Hồi ức lính của Vũ Công Chiến. Chưa bàn đến sự đồ sộ của tác phẩm, Hồi ức lính cứ “tưng tửng như không khi nói về sự sống và cái chết. Nó khiến tác phẩm dù rất dài dòng, hồn nhiên nhưng không để người đọc cảm thấy nhàm chán. Lối viết và câu chữ của Vũ Công Chiến dẫn dắt người đọc vào cuộc chiến hồn nhiên, trong sáng, từ chuyện đào ngũ, sinh hoạt tập thể, đến những xúc cảm riêng tư của người lính…”, nhà văn Y Ban nhận xét.
Có lẽ khoảng thời gian sau chiến tranh quá xa là thời điểm để người lính đã trải qua cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước viết đầy đủ hơn, bình tĩnh hơn, nhìn một cách thấu đáo về cuộc sống và chiến đấu mà mình đã trải qua. Dù cuốn sách dày hơn 700 trang, khổ lớn, co chữ nhỏ, nhưng đọc lôi cuốn, hấp dẫn vì những trang viết giản dị, trung thực và ngồn ngộn tư liệu, chi tiết đời sống lạ lùng của lính chiến. Ở đây không thiếu những trang viết hóm hỉnh mà rất lính. Đó cũng là lý do đặc biệt khi lần đầu tiên BCH Hội Nhà văn Hà Nội quyết định trao Giải thưởng tác phẩm đầu tay cho Hồi ức lính để ghi nhận và cổ vũ tác giả khi bước đầu ông đến với văn học và đã để lại ấn tượng tốt.
Song, đúng như chia sẻ của nhà văn Y Ban, “văn chương giống như cau khô”, mỗi người mỗi ý, không thể hoàn toàn hài lòng và mong nó tròn trịa. Các tác phẩm được lựa chọn trao giải vì chất lượng cao nhất, có nhiều tìm tòi, đổi mới trong sáng tác, phần nào đáp ứng đòi hỏi của công chúng hiện nay. Hy vọng, giải thưởng sẽ tạo động lực cho các tác giả, qua đó góp phần xây dựng tương lai mới, tươi sáng hơn cho văn học nghệ thuật Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung.
Nguồn: Đại biểu nhân dân (Hồng Hà)