09-10-2017 - 00:12

Góp ý về biên soạn và giảng dạy Truyện Kiều ở Ngữ Văn lớp 9

Tạp chí Hồng Lĩnh số 134 hân hạnh giới thiệu bài viết về "Góp ý về biên soạn và giảng dạy Truyện Kiều ở Ngữ Văn lớp 9" của nhà thơ Vương Trọng.

Truyện Kiều là tuyệt tác văn chương có một không hai của dân tộc ta trong suốt mấy ngàn năm lịch sử. Bởi vậy, dạy Truyện Kiều là giảng giải cho học sinh biết được tác phẩm này hay như thế nào, dù trong chương trình các lớp học phổ thông, chúng ta chưa thể làm trọn vẹn, nhưng từng bước một để hướng tới mục tiêu đó. Nhiều thập kỷ qua, học sinh ít say mê với Truyện Kiều, tôi đã kiểm chứng điều này trong dịp hỏi thi những học sinh được coi là giỏi văn khi các em thi vào trường Viết văn Nguyễn Du. Tình trạng này chắc có nhiều lý do, nhưng tôi tin rằng nguyên nhân chính do cách dạy Truyện Kiều ở trường phổ thông.

“Cách dạy” ở đây bao gồm việc soạn sách giáo khoa và sự giảng dạy của giáo viên văn, mà trong bài viết này tôi để tâm vào sách ngữ văn là chính, còn việc giảng dạy, phân tích, tôi chỉ nêu một ví dụ để giáo viên tham khảo.

 I – VIỆC SOẠN SÁCH NGỮ VĂN

Tôi chỉ bàn về bài viết của những người soạn sách Ngữ Văn lớp 9 trong phần hướng dẫn cho giáo viên giảng dạy và học sinh học Truyện Kiều. Và, với nội dung góp ý, tôi không bàn về những ưu điểm của phần biên soạn, mà chỉ lưu tâm tới những điều mà tôi cho là hạn chế.

a. Phần giới thiệu tiểu sử và cuộc đời Nguyễn Du.

Theo tôi, trong phần này, ngoài những ý sách ngữ văn đã nêu,  cần đặc biệt lưu tâm tới những yếu tố góp phần tạo nên thiên tài văn chương của Đại thi hào. Đó là:

- Xuất thân trong dòng họ, gia đình giàu truyền thống thi ca: Ông cụ thân sinh là Nguyễn Nghiễm có hai tập thơ là “Quân trung liên vận” và “Xuân đình tạp ngâm”…Anh trai là Nguyễn Khản, một người tài hoa, làm nhiều thơ và từng dịch “Chinh phụ ngâm” của Đặng Trần Côn. Nguyễn Nễ có hai tập thơ: “Quế Hiên giáp ất tập” và “Hoa trinh tiền hậu tập”. Hai người cháu gọi Nguyễn Du bằng chú là Nguyễn Thiện có “Đông phố thi tập” và là người nhuận sắc “Hoa Tiên” của Nguyễn Huy Tự. Nguyễn Hành, em ruột Nguyễn Thiện là một trong năm nhà thơ xuất sắc nhất nước ta thời ấy (An Nam ngũ tuyệt).

- Bố quê Nghệ Tĩnh, mẹ quê Kinh Bắc, Nguyễn Du được giao hòa dòng máu của hai vùng văn hóa có làn điệu dân ca nổi tiếng nhất nước ta từng được UNESCO tôn vinh Di sản Văn hóa phi vật thể thế giới là Dân ca Ví Giặm sâu nặng tình người và Quan họ Bắc Ninh duyên dáng, trữ tình.

- Nguyễn Du là người có kiến thức sâu rộng, am hiểu văn hóa dân tộc ta và văn chương Trung Quốc (như trong Ngữ văn 9).

- Ông sinh ra, lớn lên, gần 20 năm đầu đời sống ở Kinh đô Thăng Long, trên 10 năm sống ở kinh đô Phú Xuân nên có điều kiện tiếp xúc với sĩ phu Bắc Hà cũng như những người nổi tiếng của cả nước. Ông còn sống nhiều vùng đất khác, từng đi sứ Trung Quốc, được gặp gỡ, giao lưu với nhiều loại người.

- Ông có trái tim nhân hậu, “tương liên bất tại đồng”, đau nỗi đau của những cuộc đời bất hạnh, dù có hoàn cảnh khác mình…

Những điều kiện thuận lợi trên đây đã hỗ trợ cho tài năng bẩm sinh để Nguyễn Du trở thành Đại thi hào dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới.

b. Về phần các tác phẩm của Nguyễn Du

Các nhà soạn sách có nhầm lẫn: Nguyễn Du có ba tập thơ chữ Hán với 250 bài ( “Thanh Hiên thi tập” 78 bài, “Nam Trung tạp ngâm” 40 bài và “Bắc hành tạp lục 132” bài) chứ không phải là 243 bài như sách Ngữ văn đã nêu.

c. Phần giới thiệu Truyện Kiều

Theo tôi, cần nói cho học sinh biết sự “sáng tạo rất lớn”của Nguyễn Du từ Kim Vân Kiều Truyện đến Truyện Kiều:

- Truyện Kiều khá tôn trọng cốt truyện của Kim Vân Kiều truyện, nhưng Nguyễn Du đã thay đổi một số tình tiết cho hợp lý hơn và thơ hơn.

- Nguyễn Du đã lược bỏ đi nhiều nhân vật phụ và lời đối thoại của các nhân vật, phần lớn là ý của Nguyễn Du. Truyện Kiều dài 3.254 câu thì Nguyễn Du chỉ dựa vào ý của Thanh Tâm Tài Nhân để sáng tác ra 1.313 câu, còn 1.941 là ý của Nguyễn Du. Tất cả 222 câu tả thiên nhiên trong Truyện Kiều đều của Nguyễn Du, còn trong Kim Vân Kiều Truyện không có câu tả cảnh nào. Có khi trong Kim Vân Kiều Truyện chỉ vài dòng đơn giản, nhưng Nguyễn Du đã sáng tác ra một đoạn thơ dài bốn, năm chục câu lục bát, với tình và cảnh do tác giả Truyện Kiều nghĩ ra…

Để thể hiện điều này cho học sinh thấy được sự sáng tạo to lớn của Nguyễn Du, trong một số trường hợp điển hình, nên ghi đoạn dịch Kim Vân Kiều Truyện bên cạnh đoạn Kiều được trích giảng.

Phần tóm tắt tác phẩm, không nói đến chuyện Thúy Kiều gặp Đạm Tiên, theo tôi là một thiếu sót. Nhân vật Đạm Tiên đã theo Thúy Kiều từ đầu đến cuối truyện và thể hiện tư tưởng định mệnh của Nguyễn Du. Không nên coi định mệnh là hạn chế về mặt tư tưởng của Nguyễn Du rồi không đụng chạm tới, làm thiếu mất một phần hết sức quan trọng trong Truyện Kiều.

Truyện Kiều (Ảnh Internet)

d. Về giá trị  nội dung và nghệ thuật

Về giá trị nội dung, trong sách Ngữ văn 9 nếu rằng: “Truyện Kiều có hai giá trị lớn là giá trị hiện thựcgiá trị nhân đạo”. Tôi không đồng ý với nhận định này, ít ra là với sự sắp xếp thứ tự hai giá trị như vậy. Giá trị lớn nhất về mặt nội dung, bao trùm lên tất cả là giá trị nhân đạo, nhân văn. Nguyễn Du viết Truyện Kiều để thể hiện tình thương của mình chứ không với mục đích phản ánh hiện thực. Vì thương Thúy Kiều, bênh vực Thúy Kiều…nên lên án những thế lực làm hại đời nàng, trong đó có các thế lực của xã hội phong kiến đương thời. Nếu nói giá trị lớn nhất của Truyện Kiều là giá trị hiện thực, thì hiện thực xã hội nào, của Trung Quốc đời Minh hay Việt Nam đời Lê, Trịnh, Nguyễn? Chỉ có giá trị nhân văn là giá trị vĩnh cửu, thì Truyện Kiều mới là tác phẩm kiệt xuất mọi thời đại, chứ với phản ánh hiện thực, lên án chế độ phong kiến thối nát, nếu có hay, cũng là hay nhất thời hoặc một số thời nào đó. Theo tôi, đặt giá trị hiên thực lên cao nhất là hạ thấp giá trị của Truyện Kiều.

Về nghệ thuật: Trong sách ngữ văn nhận định: “Tác phẩm là sự kết tinh thành tựu trên các phương diện ngôn ngữ, thể loại. Với Truyện Kiều, ngôn ngữ văn học dân tộc và thể thơ lục bát đã đạt tới đỉnh cao rực rỡ…”. Đây là những kết luận đúng nhưng chưa hề được chứng minh bất cứ một ý nào trong Ngữ văn 9, nên học sinh nghe nói thế thì biết thế, chứ không hề cảm nhận được cái hay của Truyện Kiều. Nếu có em nào làm bài kiểm tra ghi đúng nguyên văn như trên, thì đó là thuộc sách mà thôi chứ không phải cảm nhận được. Tôi nghĩ rằng, sách ngữ văn cần gây cảm hứng cho học sinh, nên soạn giảng văn cần có VĂN khi nhận định về nghệ thuật của Truyện Kiều, đại loại như: “Lời lẽ xinh xắn mà văn hoa, âm điệu ngân vang mà tròn trịa, tài liệu chọn rất rộng, sự việc kể rất tường, lượm lặt những diễm khúc tình tứ của cổ nhân, lại góp đến cả phương ngôn ngạn ngữ nước nhà, mặn mà, vụn vặt không sót, quê mùa tao nhã đều thu. Nói tình thì vẽ được tình trạng hợp ly cam khổ, mà tình không rời cảnh, tả cảnh thì bày hết thú vị tuyết nguyệt phong hoa, mà cảnh vướng tình, mực muốn múa mà bút muốn bay, chữ hay phô mà câu hay nói, khiến người cười, khiến người khóc, khiến người vui, khiến người buồn, khiến người giở đi giở lại ngàn lần, càng đọc thuộc lại càng không biết chán, thật là một khúc Nam âm tuyệt xướng, một điệu tình phổ bực đầu vậy” (Đào Nguyên Phổ, Tựa Đoạn trường tân thanh, Kiều Oánh Mậu biên soạn khắc in năm 1902)

Theo tôi, cần lý giải nhận định trên kia, ít ra cũng một vài ý điển hình, như:

- Về tả cảnh, Nguyễn Du sử dụng thủ pháp “cảnh nói tình”, tả cảnh qua tâm trạng, cảm nhận của nhân vật, theo nguyên lý “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” hay “khi nên cảnh cũng chiều người”, chứ không tả cảnh qua con mắt khách quan của tác giả. Ví dụ như chơi hội thanh minh, khi Thúy Kiều vui thì cảnh đẹp “Cỏ non xanh tận chân trời/ Cành lê trắng điểm một vài bông hoa”; khi nghe kể chuyện Đạm Tiên, Thúy Kiều buồn thì cảnh cũng buồn theo: “Một vùng cỏ áy bóng tà/ Gió hiu hiu thổi một và bông lau”, nhưng khi gặp chàng Kim, tình yêu nhen nhúm, trên đường về dù đã cuối chiều nhưng cảnh lại trữ tình: “Dưới cầu nước chảy trong veo/ Bên cầu tơ liễu bóng chiều thướt tha”

- Về nghệ thuật thơ lục bát, cần chỉ cho học sinh biết, trong Truyện Kiều, Nguyễn Du chỉ sử dụng thể thơ lục bát gieo vần ở chữ thứ 6 và thứ 8 mỗi câu mà không sử dụng thể thơ gieo vần ở chữ thứ 4 của câu bát. Cần làm rõ quan niệm về vần và điệu trong lục bát Truyện Kiều: Lục bát chuẩn là chữ thứ 2, thứ 6, thứ 8 của mỗi câu phải thanh bằng, chữ thứ 4 của mỗi câu phải thanh trắc. Trong Truyện Kiều, tất cả 1.627 câu bát đầu chuẩn, còn câu lục thì có 26 câu lệch chuẩn, tức là chữ thứ hai thanh trắc hoặc chữ thứ 4 thanh bằng, chiếm chưa đầy 1,5 % số câu lục, nhưng khi đó, bao giờ Nguyễn Du cũng ngắt nhịp 3/3, chứ không ngắt nhịp 2/2/2 quen thuộc. Trong Truyện Kiều, hơn 50 % số câu được gieo vần tuyệt đối, có năm đoạn gieo vần tuyệt đối kéo dài trên mười câu, đoạn dài nhất 15 câu…Tuy khi làm thơ lục bát, gieo vần tuyệt đối chưa chắc đã hay hơn gieo vần tương đối, nhưng nếu không phải là một nhà thơ có tài, giàu ngôn ngữ thì thật khó gieo vần tuyệt đối một đoạn dài, mà câu thơ vẫn tự nhiên và rất thơ được.

Nếu các nhà soạn sách bảo rằng, do tiết học hạn chế nên chỉ nói văn tắt như thế, thì theo tôi, hoặc là thêm tiết, hoặc là bớt đi một đoạn trích giảng, chứ không thể nói Truyện Kiều hay mà học sinh không biết hay như thế nào!

Nhân đây, tôi muốn các nhà soạn sách xem lại một ý mà tôi cho là chưa chính xác. Đó là chú thích (6), cho câu “Tin sương luống những rày trông mai chờ”, trong bài “Kiều ở lầu Ngưng Bích”. Chú thích đó như sau: “ Ý nói Kim Trọng không biết Kiều đã bán mình đi xa, tới nay vẫn còn chờ mong tin tức nàng, thật là uổng công”.

Chúng ta đều biết rằng, sau khi hai người đính hôn, bất ngờ Kim Trọng phải về Liêu Dương hộ tang chú, còn Thúy Kiều vẫn ở nguyên nhà mình và chờ đợi. Kim Trọng ra đi không biết khi nào trở lại, tình hình ra sao…nên người ngóng tin phải là Thúy Kiều chứ không phải Kim Trọng, vì với Kim Trọng, khi nào xong việc thì trở lại với Thúy Kiều, chứ không có tin gì mà ngóng cả. Bởi vậy, “Tin sương luống những rày trông mai chờ”, đó là Kiều nói về mình đã từng ngóng đợi tin tức chàng Kim từ khi chàng ra đi, mình đang là người của chàng, còn giờ đây, sau khi đã bị bán mình rời nhà theo người ta về Lâm Tri này, thì mọi tin tức về chàng chẳng còn ý nghĩa gì nữa! Phải chăng, đây cũng là một ví dụ để nói rằng hiểu được Truyện Kiều là khó, không chỉ đối với học sinh!

II -  THỬ BÌNH ĐOẠN “ KIỀU Ở LẦU NGƯNG BÍCH”   

Ngưng Bích là tên lầu, ngụ ý màu xanh ngưng lại tạo nên màu của lầu, ngôi lầu màu xanh, cái màu đặc trưng của các khu nhà chủ chứa ở Trung Quốc ngày xưa bắt các cô gái hành nghề mại dâm. Có lẽ lúc này Thúy Kiều chưa cảm nhận được cái màu xanh kinh sợ đó, nhưng chẳng bao lâu nữa nàng sẽ nhận ra khu nhà này biến đổi nàng “Xưa sao phong gấm rủ là / Giờ sao tan tác như hoa giữa đường/ Mặt sao dày gió dạn sương / Thân sao bướm chán ong chướng bấy thân…”. Nhưng đó là trong tương lai gần, còn giờ đây, nàng chỉ coi lầu xanh là ngôi nhà giam cầm, khóa tuổi xuân mình, không đi đâu được. Nàng ngồi lặng một mình, phóng tầm mắt ra xa, gặp vầng trăng chân trời thu gần lại, dãy núi được đẩy ra xa để cả hai cùng nằm trên một bình diện như một bức tranh. Đây không phải là lần duy nhất nàng ngồi buồn ngắm cảnh ở lầu Ngưng Bích, mà dường như Tú Bà đã đưa nàng về ở đây trong nhiều ngày, làm nàng buồn chán, ngày cũng như đêm, “bẽ bàng mây sớm đèn khuya” trong cảnh buồn tủi, cô đơn. Cảnh gợi tình, nàng ngồi nhớ người thân, bắt đầu là người tình mà hoàn cảnh đã buộc nàng phụ lời hẹn ước. Trên bước đường lưu lạc, đây là lần thứ hai nàng nhớ chàng, lần thứ nhất khi ngồi trên xe ngựa theo Mã Giám Sinh trên đường từ Bắc Kinh về Lâm Tri, “Dặm khuya ngất tạnh mù khơi / Thấy trăng mà thẹn những lời non sông”, nhưng lần ấy nỗi nhớ chưa thật cụ thể như lần này:

Tưởng người dưới nguyệt chén đồng

Tin sương luống những rày trông mai chờ

“Dưới nguyệt chén đồng” là nàng nhớ lại chén rượu đính hôn cùng uống với chàng Kim trong cái đêm “Vầng trăng vằng vặc giữa trời” và cùng thề bồi “ Trăm năm tạc một chữ đồng đến xương”. Sau lần hẹn ước đó, chàng Kim phải về Liêu Dương hộ tang chú, nàng ở lại, “một ngày nặng gánh tương tư một ngày”, nàng nhớ chàng, mong đợi tin chàng ngày này qua ngày khác, “tin sương luống những rày trông mai chờ” là nàng nhắc lại tâm trạng của mình trong những ngày ấy. Ngày ấy hai người tuy xa nhau, nàng đợi tin chàng và hy vọng gặp lại, còn bây giờ, chàng vẫn ở chân trời, nàng trơ vơ một mình nơi góc biển, mọi hy vọng trùng phùng đã dẹp tắt, chỉ có tấm lòng son nàng nhớ chàng là vẫn vẹn nguyên. Câu thơ “Tấm son gột rửa bao giờ cho phải” có nhiều người hiểu khác nhau. Nhà thơ Trinh Đường chê hai chữ “gột rửa”, với lập luận rằng hai từ này chỉ dùng để chỉ việc loại trừ những vết bẩn, sao lại sử dụng để gạt bỏ nỗi thương nhớ in đậm vào tấm lòng son? Giáo sư Trương Tửu trong một lần trò chuyện với tác giả bài viết này đã trình bày một cách hiểu hoàn toàn khác, theo ông, là Thúy Kiều nghĩ không biết bao giờ mới gột rửa hết vết bẩn mà Mã Giám Sinh đã gây ra cho tấm lòng son của mình…Tôi không quá cứng nhắc như nhà thơ Trinh Đường và cũng không suy luận như giáo sư Trương Tửu và hiểu câu này ý nói rằng tấm lòng son sắt thương nhớ của Thúy Kiều đối với chàng Kim vẫn đậm đà và không có cách gì làm phai nhạt được. Động từ “gột rửa” chẳng qua chỉ các biện pháp thực hiện một cách mạnh tay, vẫn không hiểu quả mà thôi.

Sau khi nhớ chàng Kim, Thúy Kiều nhớ cha mẹ. Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du năm lần mô tả nỗi nhớ của Thúy Kiều, thì cả năm lầm đều có nhớ về cha mẹ, dù thời gian và hoàn cảnh đổi thay. Cả bốn câu tả nỗi nhớ cha mẹ của Thúy Kiều lần này đều dùng thủ pháp ước lệ và điển tích, như “tựa cửa”, “quạt nồng, ấp lạnh”, “Sân Lai”, “gốc tử” rất quen thuộc với văn học cổ điển để nói nỗi lo nghĩ của nàng về cha mẹ già yếu nơi quê nhà xa xôi không biết nhờ ai chăm nom, săn sóc, vẫn tháng ngày tựa cửa ngóng con…

Hết tả tình, sang tả cảnh từ xa đến gần. Bốn cặp lục bát tả cảnh đều mở đầu bằng “Buồn trông”, chỉ tâm trạng người ngắm cảnh. “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” là “tuyên ngôn” của tác giả Truyện Kiều, nên cảnh “cửa bể chiều hôm” hiện lên từ “thấp thoáng cánh buồm xa xa” đến “ngọn nước mới sa” phải đâu là cảnh đẹp? Hình tượng “hoa trôi man mác biết là về đâu” trong “ngọn nước mới sa” ấy dự báo thân phận trôi giạt của Thúy Kiều, chắc là khi nhìn những cánh hoa này, nàng cũng vận vào mình “đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh” như khi biết được thân phận Đạm Tiên. Hết nhìn biển, nhìn lên bờ gặp “ngọn cỏ rầu rầu”, làm nên một màu gợi buồn mặt đất, chân mây. Nhưng trong cảnh hoàng hôn, một mình ngắm cảnh cửa biển, Thúy Kiều không chỉ thấy buồn, mà có nỗi hãi hùng:

Buồn trông gió cuốn mặt duềnh

Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi

Trên mặt duềnh gió mạnh, có thể “cuốn” đi tất cả, và “quanh ghế ngồi”, tiếng sóng “ầm ầm” là nàng có cảm giác mình quá bé nhỏ, mềm yếu trước thực tại, như dự báo trước cuộc đời mình sẽ bị xô đẩy, chẳng có cách nào cưỡng nổi…

Chỉ qua đoạn trích này thôi, chúng ta cũng thấy được sự sáng tạo to lớn của Nguyễn Du khi sử dụng KVKT để sáng tác TK. Trong KVKT, đoạn này chỉ như sau: “ Ngôi lầu này, phía đông trông ra biển xanh, phía bắc nhìn lên kinh kỳ, phía nam ngó lại Chi Lăng, phía tây trông qua dãy núi Kỳ Sơn. Thúy Kiều đối cảnh buồn tênh, nhớ lại cái ngày cùng chàng Kim trao lời thề thốt, thân thiết biết chừng nào, mà nay vắng bặt tăm hơi, thê lương biết là dường nào, nhân cất bút viết ra mười bài “ Chẳng cùng nhau” để ghi lại tâm tình thương nhớ”. Như vậy, không những hơn chục câu lục bát tả cảnh trước lầu Ngưng Bích là hoàn toàn do Nguyễn Du nghĩ ra, mà ngay chuyện Thúy Kiều nhớ cha mẹ cũng là ý của tác giả Truyện Kiều. Chính nhờ Nguyễn Du mà Thúy Kiều trong TK đáng yêu hơn trong KVKT đâu chỉ ở lời đối đáp mà ngay trong cư xử và ý nghĩ của nàng.

Khi bình đoạn thơ này, nhà Xuân Diệu lưu ý rằng, nói là “nửa tình nửa cảnh như chia tấm lòng”, ai cũng biết là tác giả sẽ tả tình, tả cảnh… nhưng không ngờ được, tác giả tách bạch tám câu tả tình trước, rồi đến tám câu tả cảnh sau, không hề lẫn lộn, điều này chứng tỏ khi làm thơ, Nguyễn Du luôn luôn chủ động, để ý dắt theo lời, chứ không để lời lôi ý như một số nhà thơ khác.

Làm thơ tự do như đựng đồ đạc vào túi vải, chỗ nào có đồ đạc thì túi phồng lên, chỗ nào không có thì túi xẹp xuống. Làm thơ lục bát như đựng đồ đạc vào hộp các-tông, thể tích có sẵn, ai khéo tay thì lèn được nhiều đồ. Nguyễn Du là người “siêu tài” trong việc lèn ý vào các cặp lục bát. Hai câu đầu trong đoạn thơ trên là một trong những cặp lục bát điển hình lèn được nhiều ý:

Trước lầu Ngưng Bích khóa xuân

Vẻ non xa, tấm trăng gần ở chung

Là nhà thơ bình thường thì thật khó nghĩ ra để lèn hai chữ “khóa xuân” vào câu trên, và không tài nào diễn đạt nổi từng ấy ý của câu dưới chỉ gói gọn trong tám chữ. Đó chỉ là một phần nhỏ trong nghệ thuật lục bát của Truyện Kiều.

                                                                                                               V.T

. . . . .
Loading the player...