30-07-2017 - 02:58

Hình ảnh người lính trong hồi ký sau 1975

Mỗi năm, kí ức của những ngày tháng Tư hào hùng lại dội về, nhắc nhớ chiến thắng, nhắc nhớ những hi sinh, nhắc nhớ những âm thầm cống hiến của bao người trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc.


Có thể nói, chiến thắng vẻ vang ngày ấy không chỉ nhờ sự lãnh đạo tài tình của Đảng và Bác Hồ, của những tướng lĩnh lừng danh mà có được nhờ công sức rất lớn của những người trực tiếp ra trận - những người lính có tên hay không tên nhưng là một phần không thể thiếu để tạo nên những trang vàng cho lịch sử dân tộc. Hồi kí sau năm 1975 với những trang viết thấm thía, lắng đọng, đã góp phần khắc nhấn một trong những hình tượng nổi bật nhất của văn học nước ta từ cổ chí kim và bổ sung thêm nhiều sắc diện mới mẻ về người lính.

Là hình tượng trung tâm thể hiện chủ nghĩa yêu nước - một cảm hứng chủ đạo, xuyên suốt trong lịch sử phát triển của văn học Việt Nam, hình tượng người lính đã đi vào mọi thể loại văn học, được khám phá trong nhìều chiều kích khác nhau cũng như được soi rọi dưới nhiều quan niệm, tư tưởng phong phú. Trước năm 1975, nhân vật người lính thường được khai thác bằng thủ pháp lãng mạn hóa, đi vào thơ văn với tư thế của người anh hùng mang bao phẩm chất tốt đẹp, là tinh hoa của thời đại, nơi kết tinh mọi giá trị kiểu mẫu của nghệ thuật: Kính chào Anh! Con người đẹp nhất/ Lịch sử hôn Anh, chàng trai chân đất (Bài ca xuân 68 - Tố Hữu). Sau năm 1975, không còn hiện lên trong ánh hào quang, hình ảnh người lính trong cuộc chiến và giữa đời thường đã được các nhà văn như Nguyễn Minh Châu, Bảo Ninh, Khuất Quang Thụy, Lê Lựu, Chu Lai, Lê Minh Khuê… bóc tách ở những tầng bậc mới với những suy tư giằng xé, những bi kịch tâm hồn chất chứa, những cuộc chiến tinh thần khốc liệt và căng thẳng. 

Trong những tác phẩm hồi kí sau năm 1975, hình ảnh người lính hiện lên chủ yếu qua dòng hồi ức của các tướng lĩnh, các cựu binh, đôi khi trong những trang viết của những nhà văn đã từng vào sinh ra tử nơi chiến trường. Bằng những cảm nhận của người trong cuộc, qua lăng kính của kí ức, những chiến công của họ được gợi về đậm rõ hơn, góp thêm nhiều tư liệu lịch sử quý giá và chân thật. Hình tượng người lính trên trận tuyến chống thù trở nên sắc nét hơn qua cách miêu tả trực diện và thủ pháp “chụp ảnh”, bắt lấy tâm điểm của sự kiện: “Nhìn trên bản đồ tác chiến, năm cánh quân của ta như năm bông sen nở tung ra từ năm mục tiêu tiến công chủ yếu. Quân đoàn 1 đã chiếm Bộ Tổng tham mưu ngụy và khu Bộ Tư lệnh các binh chủng địch. Quân đoàn 3 chiếm sân bay Tân Sơn Nhất…” (Đại thắng mùa xuân - Văn Tiến Dũng). Lời văn giàu hình ảnh cùng nhịp văn dàn trải đã khiến những câu chữ thoát khỏi sự khô khan của cách ghi chép sự kiện để vút lên như một bài ca đầy dư ba, tinh tế về người lính. Và trong những lời văn như đang hát lên theo nhịp khải hoàn này, không ai mang trong mình dòng máu Việt có thể ngăn lại niềm tự hào đang chảy tràn trong huyết quản khi hình dung khí thế bừng bừng của đoàn quân ở những khoảnh khắc làm nên lịch sử: “Trong những cánh quân trùng trùng điệp điệp tiến lên phía trước, mỗi chiến sĩ ta rạo rực trong lòng niềm tin chiến thắng, tràn trề hi vọng vào tương lai dân tộc và tình yêu đất nước. Sức bật của Tổ quốc tích lũy nhiều năm hôm nay chính mắt anh chiến sĩ được thấy và sức bật của chính anh không thủ đoạn nào của kẻ thù ngăn lại được” (Đại thắng mùa xuân - Văn Tiến Dũng).

Nhưng đằng sau niềm hân hoan chiến thắng, hồi kí còn mang đến những sự thật khác: “Thủ pháo và lựu đạn của ta trùm lên trận địa địch, tiểu liên nổ ran. Chiến sĩ Thăng cầm cờ lao lên cách mục tiêu mười mét thì trúng đạn hi sinh. Chiến sĩ Ân lấy chiếc chăn phủ lên người bạn, nhặt lá cờ thấm máu đồng đội, lỗ chỗ vết đạn…” (Tổng tập hồi kí Võ Nguyên Giáp, Hữu Mai ghi); “Trong hai trận đã xuất hiện tấm gương dũng cảm ngoan cường của khẩu đội trưởng Phan Đăng Cát, ba lần bị thương vẫn không chịu rời vị trí chiến đấu. Anh chỉ huy khẩu đội cho đến khi kết thúc trận đánh, hi sinh và trở thành liệt sĩ đầu tiên của bản anh hùng ca đánh thắng không quân đế quốc Mĩ” (Hồi kí thượng tướng Phùng Thế Tài - Trọn một đời theo chân Bác, Thế Kỷ ghi). Hai đoạn văn xuất hiện ở hai tác phẩm khác nhau nhưng có lối diễn đạt khá giống nhau. Chỉ là những lời kể đơn giản, những dòng tên rất đỗi bình thường nhưng lại có sức lay động lòng người bởi sự thật về những hi sinh, mất mát của người lính trong chiến tranh lúc nào cũng đủ ám ảnh chúng ta hơn bất cứ điều gì. Chung mạch cảm hứng, nữ sĩ Anh Thơ trong hồi kí Tiếng chim tu hú đã dõi theo bước chân những người lính chiến để hình dung mọi nỗi vất vả đoạn trường, qua đó càng thương hơn sự hi sinh thầm lặng mà to lớn của anh em: “Tôi thấy thương anh em quá. Đêm còn phải nhịn đói hành quân dưới sương lạnh như thế. Tự liên hệ công việc mình, dù có vất vả, nhưng so với dân quân, có thấm vào đâu hết nỗi nhọc nhằn? Rồi họ ra đi có còn trở lại hay không?”.

Hồi kí viết về người lính đã không chỉ là bài ca hân hoan, ngợi ca chiến thắng một màu như trước năm 1975. Bên cạnh những niềm vui phơi phới, bên cạnh sự tin tưởng, lạc quan vào ngày mai thì người lính không tránh khỏi những phút chán chường, dao động: “Chiến sự ác liệt, tổn thất hi sinh hằng ngày đã làm một số anh em nao lòng, nhụt chí. Tôi nhớ, khi đó anh em trong đơn vị đã truyền nhau mấy câu lục bát:
Vòng Cung đi dễ khó về
Đạn chen đầu đạn, bom kề
                             hố bom

hoặc                     
Tưởng là lên lộ, đi xe
Ai ngờ trở lại không ghe,
                   không xuồng”

(Đời chiến sĩ - Hồi kí đại tướng Phạm Văn Trà, Duy Tường ghi)

Người lính - nhà thơ Tố Hữu không che giấu những phút yếu lòng, những phút đấu tranh để giữ mình vượt qua thử thách lao tù: “Thực sự đó là một cuộc đấu tranh rất căng thẳng giữa lí trí và bản năng. Tôi mượn thơ để trợ lực cho mình. Thế là tôi lẩm nhẩm trong đầu bài Con cá chột nưa dưới dạng cuộc đấu tranh giữa cái đầu và cái bụng” (Nhớ lại một thời - Tố Hữu).

Những người cựu chiến binh tái hiện bao nỗi đau của anh em đồng đội trong chiến đấu như nói về nỗi đau của chính mình. Kí ức chiến tranh của Vương Khả Sơn gây ám ảnh qua từng câu chữ: “Họ đi như người mất hồn vì không còn đơn vị để trở về nữa”. Chỉ một câu miêu tả tưởng chừng lạnh lùng mà ta đọc trong đó biết bao đồng điệu, cảm thương sâu sắc. Có những vị tướng đã ghé xuống những mảnh đời nhỏ bé của binh lính, chiến sĩ để không ngừng suy tưởng, mường tượng về tương lai của họ - cũng là của chính mình - khi chiến tranh khép lại và một thời đại mới đang mở ra: “Số phận của những người đồng đội, sau hai cuộc chiến đấu trường kì, ở thế kỉ XXI ra sao, một khi đã tản mát về bốn phương trời? Trong khoảng bấy nhiêu năm, âm vang của họ giống như những viên sỏi ném xuống mặt nước, lúc đầu lan tỏa thành những vòng tròn đậm và dày, sau càng thưa, càng mờ” (Nhớ và quên - Phạm Hồng Sơn, Đặng Anh Đào). Mượn lời hồi kí, Đặng Anh Đào đã nói hộ chồng những băn khoăn, day dứt khi nghĩ về thân phận đồng đội.

Bên cạnh đó, người lính hiện lên qua hồi kí không chỉ là những người cầm súng lạnh lùng, chỉ biết đến lí tưởng, nhiệm vụ mà họ còn có những nỗi niềm riêng, có một tâm hồn mơ mộng với những tình cảm dễ bị quy là uỷ mị, yếu đuối. Nhưng đó mới chính thực là những con người bằng xương bằng thịt với mọi cảm giác đời thường không hề bị che giấu. Là anh lính đặc công ngay trong những giờ phút căng thẳng nhất của trận địa ác liệt, vẫn kịp hòa mình vào khung cảnh diễm tuyệt, an lành của thiên nhiên để càng hun đúc thêm quyết tâm chiến đấu, bảo vệ sự thanh bình và vẻ đẹp cho quê hương xứ sở: “Ngồi trên máy bay trinh sát nắm địch, mới thấy được phần nào vẻ đẹp của vùng biển đảo tây nam Tổ quốc. Trải dưới cánh máy bay, biển xanh biếc, điểm xuyết từng gợn sóng bạc đầu, thuyền buồm đánh cá hàng trăm chiếc như đám lá tre rải trên mặt hồ. Còn đảo lại xanh mướt một màu cây cối. Cảnh quan đất nước thật thanh bình, nếu như không ẩn giấu sau vẻ đẹp cổ điển đó là những bóng ma diệt chủng. Phải chặn đứng bàn tay vấy máu của chúng” (Đời chiến sĩ - Hồi kí đại tướng Phạm Văn Trà, Duy Tường ghi). Là anh lính trẻ mang trọn yêu thương gửi vào những lá thư cho người vợ bé nhỏ nơi hậu phương: “Anh vẫn bận nhưng không ốm. Tiêm thuốc, uống thuốc nhiều nhưng vẫn xanh… Đào ạ, anh có rau ăn rồi vì đã trồng được, không phải gửi nữa. Hôm nay anh chẳng có gì gửi Đào, ngoài một tình thương vô hạn” (Nhớ và quên - Phạm Hồng Sơn, Đặng Anh Đào). Trong hồi kí sau 1975, có không ít những khoảng lặng riêng tư với cảm xúc rất “người” như thế. Ở điểm này, hồi kí viết về người lính đã có sự gặp gỡ với những tiểu thuyết và truyện ngắn tiêu biểu như Cỏ lau của Nguyễn Minh Châu, Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, Ăn mày dĩ vãng của Chu Lai...

Có thể nói, hồi kí sau 1975 của các tướng lĩnh, các cựu chiến binh đã khắc họa chân dung người lính một cách chân thực, sinh động, giúp bạn đọc hiểu hơn về những cống hiến và những gian khổ, hi sinh của họ trong cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc. Hiểu để thêm trân trọng những gì đã có hôm nay.
Theo Văn nghệ quân đội
. . . . .
Loading the player...