08-04-2017 - 21:30

Hình tượng Bác Hồ dung dị, gần gũi trong vở kịch “Dấu xưa“

Vở kịch đang được biểu diễn tại nhiều trường học, khu công nghiệp phục vụ sinh viên, học sinh và công nhân lao động.

Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần, Thành phố Hồ Chí Minh vừa công diễn vở kịch nói "Dấu xưa", tác giả kịch bản Nguyễn Thanh Bình, đạo diễn NSƯT Trần Minh Ngọc, với sự tham gia diễn xuất của NSƯT Thanh Điền, NSƯT Mỹ Uyên, nghệ sỹ Chánh Trực... Vở kịch đang được biểu diễn tại nhiều trường học, khu công nghiệp phục vụ sinh viên, học sinh và công nhân lao động.

Một cảnh trong  vở kịch "Dấu xưa".

Câu chuyện về chuyến công tác của Bác đến công trình đào mương làm thủy lợi ở xã Đại Phong, đưa khán giả về lại những năm khó khăn gian khổ của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội trên miền Bắc khi đất nước còn chia cắt. Qua câu chuyện người xem cũng liên tưởng đến nhiều vấn đề thời sự nóng bỏng hiện nay như: chuyện giải tỏa đất đai, công tác đền bù, công tác dân vận, việc bổ nhiệm chức vụ, phân công công tác cán bộ không hợp lý, rồi những biểu hiện tiêu cực, quan liêu, tham nhũng, lãng phí của công... 

NSƯT Thanh Điền bày tỏ, mỗi lần thể hiện hình tượng Bác, ông đều trăn trở rất nhiều. Lần này, tái hiện hình tượng Bác Hồ gần gũi với nhân dân, ông phải nghiên cứu kỹ từng cử chỉ, động tác của Bác từ tư thế chống tay, động tác chỉ tay hay vuốt râu, rồi những lúc suy nghĩ, đăm chiêu… Theo ông khó nhất là thể hiện được cái thần thái, tình cảm của Bác với nhân dân. Khi diễn, nghệ sỹ đã quên chính bản thân mình mà hoàn toàn hóa thân là Bác nói, Bác chỉ đạo. Để có được điều ấy, ông phải xem rất nhiều phim tư liệu, đọc rất nhiều câu chuyện về Bác khi ấy.

Theo NSƯT Thanh Điền, tư tưởng lớn nhất của vở diễn chính là sự gần gũi với nhân dân của Bác. Vì vậy ông luôn nghĩ phải diễn sao cho bình dị, thể hiện tấm lòng thương dân, lo cho dân của Bác. Ông tâm sự: Qua vở kịch Dấu xưa, ông học ở Bác tư tưởng đại đoàn kết dân tộc, lấy dân làm gốc trong từng việc làm cụ thể, toát lên vẻ đẹp và nhân cách chói sáng của Người.

"Dấu xưa" không sa vào cách thể hiện thần tượng hóa. Bác Hồ xuất hiện giản dị và gần gũi, truyền cảm xúc từ những hành động, câu nói nhỏ, thể hiện tư tưởng, tác phong, đạo đức của Người. Ví dụ như khi Bác trao quả cam cho người cận vệ, có anh một mực không dám ăn vì đang làm nhiệm vụ. Bác bảo cho Bác mượn cây súng rồi nói: “Đấy, Bác canh gác thay rồi, cháu cứ ăn cam đi!”...

NSƯT Mỹ Uyên đảm nhiệm vai người làm bếp và tổ chức dàn dựng vở kịch phục vụ công chúng cho biết: Hình tượng Bác Hồ đã đi sâu vào tâm trí của nhiều thế hệ người Việt Nam. Việc học tập và làm theo Bác là nhu cầu thể hiện sự kính trọng của cả dân tộc đối với vị lãnh tụ của mình. Chính vì vậy, khi nhận kịch bản chị đã thấy rất trân trọng và yêu mến nhân vật Bác Hồ. Kịch bản rất dung dị và gần gũi với các bài học về tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

NSƯT Mỹ Uyên xúc động nói: "Tình cảm tôi dành cho Bác Hồ từ lúc đi học, còn bé. Lớn lên đọc rất nhiều tác phẩm sách về Bác, cũng như xem nhiều phim tài liệu… thì thấy đã yêu Bác từ lúc nào không biết. Cộng thêm nữa là NSƯT Thanh Điền vào vai Bác quá thành công. Làm cho tôi nghĩ không phải tôi đứng trên sân khấu nữa mà là tôi được gặp Bác thật sự".
 

Cao trào gây xúc động của vở diễn là sự tái hiện cảnh cán bộ huyện quan liêu, thu hồi đất làm thủy lợi nhưng cách làm không hay đã khiến người dân căm phẫn. Người xem tìm được sự đồng cảm khi liên tưởng đến những vấn đề bức xúc hôm nay, nhiều vị công bộc của dân đã đi lệch đường hướng, làm trái với tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác.

Nghệ sỹ Chánh Trực, người vào vai Chủ tịch huyện - nhân vật phản diện trong vở diễn cho biết: vai diễn được điển hình hóa có các tính xấu của một bộ phận không nhỏ cán bộ đó là đưa chủ trương của Đảng vào cuộc sống một cách cứng nhắc, máy móc, thành kiến, quan liêu hách dịch nên nhân dân phản ứng. Ông chủ tịch huyện ấy còn là người hình thức, lãng phí, xu nịnh khi bày vẽ việc đón Hồ Chủ tịch về thăm…

Nghệ sỹ Chánh Trực nói: "Bác Hồ bằng cách sống, cách ứng xử đã dạy cho người cán bộ không tốt này những bài học rất đích đáng. Là khi đưa chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng, Nhà nước, Chính phủ vào cuộc sống thì phải đưa một cách hợp tình, hợp lý, vận dụng sao cho khéo léo để đạt được sự đồng thuận của xã hội. Đối với người cán bộ, quan trọng nhất là gần dân, được dân tin tưởng yêu thương và đó là người phải minh bạch".  

Tất cả nghệ sỹ tham gia vở diễn "Dấu xưa", từ các nghệ sỹ cao tuổi như đạo diễn Nghệ sỹ Ưu tú Trần Minh Ngọc, diễn viên chính NSƯT Thanh Điền, NSƯT Mỹ Uyên... đến các diễn viên nhí đều dành rất nhiều cảm xúc thật cho vai diễn của mình. Đó là cơ sở để vở diễn chạm đến trái tim công chúng người xem, góp phần vào việc nâng cao chất lượng cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị hiện nay./.

Theo VOVn.vn

. . . . .
Loading the player...