Ngày 22 tháng 1 vừa qua, tại Khu di tích Nguyễn Du (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đã khai mạc Triển lãm Hội hoạ Truyện Kiều và Thi viết thư pháp Truyện Kiều.
Đến tham dự buổi triển lãm có Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Trần Báu Hà và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu.
Phó Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân Bùi Việt Hùng đọc diễn văn khai mạc triển lãm.
Họa sĩ Nguyễn Tuấn Sơn (SN 1978), tốt nghiệp Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Anh bắt đầu sáng tác tranh lấy cảm hứng từ "Truyện Kiều" từ năm 1999. Từ giấc mơ thấy Đại thi hào Nguyễn Du, 22 năm qua hoạ sĩ Nguyễn Tuấn Sơn đã dành tâm huyết để vẽ nên hơn 5.000 bức tranh lấy nguồn cảm hứng từ kiệt tác Truyện Kiều.. Bằng tất cả sự thấu hiểu và đam mê Truyện Kiều, họa sĩ Nguyễn Tuấn Sơn đã truyền đi cảm hứng sáng tạo của hội họa hiện đại vào những bức vẽ, góc nhìn đậm chất Việt, góp phần mang đến cái nhìn tinh tế đầy nghệ thuật về Truyện Kiều của Nguyễn Du. Triển lãm như một nén tâm hương tưởng nhớ và tri ân Đại thi hào Nguyễn Du, đồng thời lan tỏa tình yêu thương, lòng nhân ái và khát vọng sống đến tất cả những người yêu mến Truyện Kiều, góp phần làm sáng tỏ tầm cao tư tưởng và giá trị nghệ thuật di sản Truyện Kiều của Đại thi hào dân tộc Nguyễn Du.
Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu và Bí thư Huyện uỷ Nghi Xuân Phan Tấn Linh cắt băng khai trương triển lãm, sẽ diễn ra đến ngày 15/2/2022.
Mở màn buổi triển lãm, Câu lạc bộ Trò Kiều (xã Xuân Liên) tham gia biểu diễn trích đoạn: Gia cảnh Viên ngoại và chị em Kiều du xuân, gặp mộ Đạm Tiên.
Các đại biểu tham quan các tác phẩm nghệ thuật do hoạ sỹ Nguyễn Tuấn Sơn thực hiện
Một số tác phẩm tại triển lãm
Tranh Kiều của Nguyễn Tuấn Sơn còn là sự kết hợp giữa hội họa phương tây và những giá trị mỹ thuật dân tộc. Các bức tranh của họa sỹ đem lại cho người thưởng lãm những giá trị nhân văn mới từ góc nhìn hội họa, khiến họ thay đổi ít nhiều cách nghĩ quen thuộc về các nhân vật trong Truyện Kiều, nhìn ngắm họ từ nhiều khuôn mặt của cuộc đời, thêm những nỗi cảm thông với những thân phận bị cuộc đời hắt hủi, đày đọa. Hơn hai mươi năm sáng tác lấy cảm hứng từ Truyện Kiều, họa sỹ Tuấn Sơn đã có nhiều hoạt động gắn với Truyện Kiều như vẽ minh họa kết hợp với thư pháp chữ Nôm của nhà nghiên cứu Châu Hải Đường viết, triển lãm tranh cảm hứng từ các nhân vật trong Truyện Kiều, đem các tác phẩm vẽ về Truyện Kiều giới thiệu tại nước ngoài…Một số bức tranh giới thiệu tại triển lãm sẽ được họa sỹ Nguyễn Tuấn Sơn bán đấu giá để lấy kinh phí hỗ trợ người nghèo, gia đình gặp hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh).
Trong sáng cùng ngày, tại Khu di tích Nguyễn Du diễn ra cuộc thi viết thư pháp về Truyện Kiều với sự tham gia của 52 thí sinh là giáo viên các trường học trên địa bàn và học sinh khối THCS, THPT. Đây là sân chơi bổ ích để giáo viên, học sinh trên quê hương cụ Nguyễn thể hiện đam mê, tài năng viết thư pháp của mình.
Mỗi thí sinh phải thực hiện thi viết thư pháp bằng 1 câu thơ lục bát trong Truyện Kiều trên khổ giấy A2 và thời gian làm bài thi 20 phút
Đây là dịp để quảng bá, tôn vinh những giá trị của kiệt tác Truyện Kiều. Đồng thời, tạo điều kiện cho những người đam mê viết thư pháp thể hiện khả năng của mình, góp phần giữ gìn và phát huy nét đẹp văn hoá truyền thống của người Việt.
Kết thúc hội thi, Ban Tổ chức đã trao 2 giải nhất cho các thí sinh: Nguyễn Thị Hồng Lê - giáo viên Trường Tiểu học Xuân An và Lê Duy Minh Quân - học sinh lớp 8 A Trường THCS Thành Mỹ (Xuân Thành).
BTC đã trao giải nhì cho cô giáo Đặng Thị Chung Toàn (Trường Tiểu học Tiên Điền), cô giáo Ngô Minh Nguyệt (Trường Tiểu học Cương Gián 1) và em Nguyễn Thị Đan Thao - học sinh lớp 12 A1, Trường THPT Nghi Xuân (Cổ Đạm)...
…trao 6 giải 3
….và 8 giải khuyến khích cho các thí sinh
Đậu Hà