03-08-2012 - 16:26

LÊ VĂN VỴ



Họ và tên: LÊ VĂN VỴ
 

Sinh ngày: 25-05-1955
Quê quán: Hương Sơn- Hà Tĩnh
Ủy viên BCH Hội LHVHNT Hà Tĩnh
Nơi công tác: Trung tâm GDTX Hương Sơn
Năm vào Hội liên hiệp VHNT Hà Tĩnh: 1983, chuyên ngành Thơ
 
Tác phẩm đã xuất bản:
-Hoa xương rồng (Tập thơ); Hội LHVHNT Hà Tĩnh, NXB Nghệ An, 2001
- Lời của cây (Tập thơ); NXB Văn học; Hà Nội 2004
- Nhặt (Tập thơ); NXB Văn học, Hà Nội 2007
- Ngộ (Tập thơ); NXB Hội nhà văn, Hà Nội 2009
- Người biết việc (Bút ký, PS)Hội LHVHNT Hà Tĩnh, NXB Nghệ An; 2005
- Muôn nỗi vui buồn (Bút ký, PS)NXB Nghệ An 2008
- Xuyến Chi (Tập thơ); NXB Văn học; Hà Nội 2012
- Những tác phẩm được giải (Thơ, Văn xuôi); NXB Văn học; Hà Nội 2012
 
Giải thưởng:
- Giải KK giải thưởng VHNT Nguyễn Du lần thứ IV(2000-2005) cho tập thơ: “ Lời của cây”
- Giải C, Giải thưởng của UBTQ LHVHNT Việt Nam cho tập thơ:  “Ngộ” năm 2010
- Giải bài thơ tốt về đề tài Phòng chống ma túy cho tác phẩm: “ Khúc vĩ thanh của làng” Do UB  Phòng chống ma túy; 2008
- Giải Nhì Cuộc thi Bút ký, PS do Báo GD&TĐ tổ chức năm 2005 với ba tác phẩm: “ Hồn chữ nổi”, “ Đá hai chân đều dẻo”, “ Khát”.
- Giải ba Cuộc thi “ Những người phụ nữ vượt lên số phân” do Báo Lao động và Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đồng tổ chức năm 2007 cho tác phẩm: “Tàn mà không phế”
- Giải nhất cuộc thi viết về đề tài Bưu điện do Bưu chính, Viễn thông Hà Tĩnh tổ chức năm 2005 với tác phẩm: “Muôn nỗi vui buồn”
- Giải KK cuộc thi “ Doanh nhân tôn vinh pháp luật” do Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức năm 2009, với tác phẩm: “ Tay trắng nên cơ nghiệp”.
- Tác phẩm đạt chất lượng tốt do Ban Chỉ đạo cuộc vận động Học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh năm 2009 cho tác phẩm: “ Người đánh trống trường”.
-  Giải nhì cuộc thi Bút ký, PS về Thầy giáo và nhà trường do Báo GD&TĐ tổ chức năm 2009 cho các tác phẩm: “ Từ cõi chết trở về sáng tạo”, “Vịn vào chính mình”, “ Xin hát về một rừng cây”.
10- Giải nhất Cuộc thi viết về mảnh đất và con người Hà Tĩnh do Hội đồng hương Hà Tĩnh tại TP Hồ Chí Minh tổ chức năm 2011 cho Tác phẩm: “Làng cu đơ”.
 
Tác phẩm tự chọn:
( Xem thêm phần tác giả- tác phẩm, chuyên mục: Thơ, Văn xuôi)

TỰ KHÚC
 
      Cảm xúc tình yêu khấp khởi tế bào, râm ran lồng ngực, bỗng nhú mầm thơ ca.
      Xé toạc vỏ già nua, lách thớ đá gan lì, chai sạn rưng rưng tơ non, hồi xuân giữa trần thế, ngạo nghễ nụ Trần thách thức thời gian. Mặt trời em tỏa hồng hào, quang hợp lá anh , mơn man sự sống. Mũi lao xiên ngang, chọc thẳng, cứng cáp, vậm vạp vứt bỏ cũ mèm, đơn điệu nỗi hứng cách tân.
       Như lửa ủ trong tro, trấu. Em thổi bùng lên khát vọng ái ân của ngôn từ, hình ảnh. Câu chữ trộn vào nhau, quấn quýt; tóc tai, hoa lá ngồn ngộn phồn thực Thánh Mẫu ban cho.
       Dập dờn sóng nhịp điệu, thủy triều em tung hứng thuyền thơ, Những dấu chấm buông neo xác thịt; những sấp, ngửa, ngả nghiêng câu chữ, cách tân khoái lạc mỗi lần.
       Anh đã viết gọi mặt trời lên hồng hào da dẻ, gọi trăng sao về rười rượi tẩy trần thơm nồng mùi vị, đốt nến lên, bật điện lên tóc râu ngồn ngộn hiện hình. Dưới ánh sáng, câu chữ xếp hàng, không có nơi ẩn nấp và chạy trốn. Thơ ca hiện nguyên hình trong vẻ đẹp của em. Bí ẩn trút bỏ áo xiêm dâng hiến.
         Anh đã viết bất chấp mưa phùn gió bấc, gió Lào rang khô da thịt, hay trong thời tiết giao mùa. Viết chiều 30 để gọi Xuân sang, Tết về, chạy theo thời gian vó ngựa.
         Anh đã viết trong phòng, trên đường, lúc rỗi rãi, lúc vội vàng, như chớp rạch, như đỉa bám dai dẳng.
         Viết như nhu cầu tự thân, giải phóng tâm linh, giải phóng bản năng, hiện diện là một người đàn ông duy nhất trên thế gian này được em lựa chọn.
          Đứng, ngồi, nằm tất cả không chối bỏ cảm xúc thăng hoa.   Đặt lên đùi, lên giường, lên xe, lên cỏ, lên cây, lên em mà viết. Viết bất cứ lúc nào, ở đâu, có hò hẹn là Thơ.
         Viết như điên dại, như chưa bao giờ được viết. Mực nhễ nhại chạm vào nhau thơm nức thịt da.
         Vội vàng không thể viết trường ca
          Rỗi rãi không thể xong tứ tuyệt.
          Một trăm tám mươi bài thơ. Gia tài đời người tích nhặt, không thể đem ra khoe mẽ hay tiêu pha. Chỉ cần em cười và la lên: “Trời ơi!”. Hơn mọi lời ngợi khen, bình phẩm.
          Cuộc ái ân với thơ vẫn còn tiếp tục. Vắt hết mình chưa đủ.   Kìa cỏ cây, trăng sao, sông suối, đất đai uống thi ca , lột xác chính mình để sinh sôi nẩy nở, di truyền nòi giống trong đa chiều phồn thực, tái sinh.
                                                            

                                                       Đêm 12-12-2007
              (Rút trong tập thơ: “ Ngộ”; NXB Hội nhà văn; Hà Nội 2009)

. . . . .
Loading the player...