22-12-2015 - 20:57

Lời bình bài thơ "Đồng chí"

ĐỒNG CHÍ
 
Quê hương anh nước mặn đồng chua
Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá
Anh với tôi đôi người xa lạ
Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau
Súng bên súng đầu sát bên đầu
Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ
Đồng chí!
Ruộng nương anh gửi bạn thân cày
Gian nhà không, mặc kệ gió lung lay
Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính
Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh
Sốt run người vầng trán ướt mồ hôi
Áo anh rách vai
Quần tôi có vài mảnh vá
Miệng cười buốt giá
Chân không giày
Thương nhau tay nắm lấy bàn tay
 
Đêm nay rừng hoang sương muối
Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới
Đầu súng trăng treo.

                                        Năm 1948
                                        Chính Hữu 
 

Hình ảnh minh họa bài thơ "Đồng chí" (ảnh: Internet)

Lời bình của Nguyễn Ngọc Phú:
Trong mạch thơ kháng chiến chống Pháp có nhiều bài thơ hay xúc động viết về tình đồng đội, tình quân dân như: “Cá nước”của Tố Hữu, “Nhớ” của Hồng Nguyên, “Lên Cấm Sơn” của Thôi Hữu… Đặc biệt bài thơ “Đồng Chí” của nhà thơ Chính Hữu đã ghi một dấu ấn sâu đậm- một trong những thi phẩm xuất sắc của thi ca Việt Nam,
Theo từ điển “Tiếng Việt” đồng chí là: “Người cùng chí hướng chính trị trong quan hệ với nhau”. Đây là tình cảm gắn bó giữa những người cùng cảnh ngộ, cùng môi trường sống. Bài thơ thoạt đầu đọc tên lên tưởng là khô cứng, nghiêm ngắn của nhà binh nhưng chỉ có duy nhất từ “đồng chí” được nhắc đến một lần còn là những hình ảnh chân thật mà vô cùng sống động để đẩy tới cao trào của biểu tượng khi kết bài “Đầu súng trăng treo”. Đây cũng là tên tập thơ hay nhất của Chính Hữu. Ông viết ít nhưng độ ngân xa, ngân vọng của thơ ông vẫn âm hưởng đến bây giờ vừa cảm xúc vừa giàu trí tuệ, có độ dồn nén lay động. Mỗi bài thơ như một thông điệp chứa đựng cả hạt nhân tư tưởng, kết tinh từ những kinh nghiệm của đời sống người lính - thi sĩ gắn bó suốt đời mình với quân đội.
Bài thơ bắt đầu từ mạch tự sự, tâm tình: “Quê hương anh nước mặn đồng chua - Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá”. Một cách giới thiệu tự nhiên gốc gác của người lính, xuất thân từ nông thôn thuần Việt. Ngày đó vũ khí, quân trang còn thô sơ: “Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ- Đồng chí!”. Hơi ấm của tình đồng đội thật đơn giản mà cảm động. Câu thơ như nghẹn khắc hình ảnh “Đồng chí”, như cái choàng vai tin cậy, như một dáng đứng vững chãi thu về một tâm điểm của sức mạnh niềm tin rắn rỏi. Nhịp thơ của Chính Hữu thường ngắn, hàm súc nhưng có độ vang vọng như tiếng lòng cộng hưởng bởi nhiều liên tưởng thành chuỗi dây chuyền kích hoạt vào nhau, chạm tới hạt nhân của tình cảm tạo ra độ chênh, độ vang từ các chi tiết của hiện thực đời sống, có sự chọn lọc, phản quang hồi âm da diết. Ông viết: “Ruộng nương anh gửi bạn thân cày/ Gian nhà không, mặc kệ gió lung lay” mà cứ ngỡ như đang rủ rỉ tâm tình trước hoàn cảnh éo le nhưng lại có cái tư thế quyết đoán “mặc kệ gió lung lay” xếp lại cảnh nhà để lên đường chiến đấu. Vì thế hình ảnh và tâm tình người lính thuần phác ở đây rất thật. Chính cái thật bình dị, chân chất này mới tạo ra sự đồng cảm: “Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh/ Sốt run người vầng trán ướt mồ hôi”.Vượt lên sự đồng cảm đó là đồng cảnh. Đồng cảnh trong những hoàn cảnh thử thách khắc nghiệt mới càng thấm thía nghĩa tình đồng đội.
Thơ chống Pháp có nhiều bài hay viết về tình đồng đội bởi ngày đó mọi người sát lại nhau, gần gũi hòa đồng với thiên nhiên mới đồng cảnh, đồng cảm từ sự thiếu thốn gian khó mà vẫn hi vọng lạc quan: “Áo anh rách vai/ Quần tôi có vài mảnh vá/ Miệng cười buốt giá/ Chân không giày” mấy câu thơ tưởng như là kể, là tả nhưng đến “Thương nhau tay nắm lấy bàn tay” đã tạo ra sức truyền cảm không còn tả, kể nữa mà đó là những chia sẽ có chút vụng về, ngượng ngập của anh lính về quốc đoàn. Cái hay của tứ thơ là sự lặp lại của những cặp đối xứng so sánh thật hồn nhiên “Tôi - anh”, “Quần - áo”, “Cười buốt giá - Chân không giày”. Hình ảnh người lính- đồng chí được nâng dần lên từ sự gian khó thiếu thốn bao nhiêu thì vẻ đẹp tâm hồn càng được nâng lên bấy nhiêu. Từ một tư thế chủ động “Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới” như mở đầu bài thơ nhà thơ vẽ nên sự gắn bó thân thiết: “Súng bên súng đầu sát bên đầu”. Mới hay sức mạnh lớn lao của quân đội ta quyết định vẫn là chính con người. Vẻ đẹp lí tưởng của anh “Bộ đội cụ Hồ” tỏa sáng, tỏa ấm và tỏa rạng vun đắp tạc nên một biểu tượng có tính khái quát cao lay thức lòng người “Đầu súng trăng treo”. Đây có lẽ là câu thơ ngắn nhất, hay nhất lan tỏa nhất khi viết về hình ảnh anh bộ đội còn sống mãi với thời gian bởi chúng ta luôn khao khát ánh trăng hòa bình nhưng không thể rời tay súng…

Theo vanhocquenha.vn

. . . . .
Loading the player...