03-11-2015 - 20:52

Mẫu người văn hóa trong thơ chữ Hán của Nguyễn Du

Ở phần trước tác thơ chữ Hán, bạn đọc không chỉ được gặp gỡ một Nguyễn Du nghệ sỹ, một Tố Như có tấm lòng đau đáu nỗi đau đời; qua từng bài thơ chữ Hán chúng ta còn nhận ra hình tượng tác giả in đậm dấu ấn mẫu người văn hóa.



MẪU NGƯỜI VĂN HÓA TRONG THƠ CHỮ HÁN CỦA NGUYỄN DU
( Phan Quốc Thanh – THPT Hương Khê)
 

        Đại thi hào Nguyễn Du đã để lại cho đời kiệt tác Truyện Kiều bất hủ. Trong lịch sử nghiên cứu, phê bình đã có rất nhiều tiếng nói gặp gỡ, khẳng định chủ nghĩa nhân đạo vĩ đại của tác phẩm, suy tôn Nguyễn Du là bậc thầy của nghệ thuật ngôn từ. Và bên cạnh một Đoạn trường tân thanh, di sản văn học của nhà thơ để lại còn có Văn tế thập loại chúng sinh, Văn tế Trường Lưu nhị nữ, Thác lời trai phường nón, bộ ba tập thơ chữ Hán: Thanh Hiên thi tập, Nam trung tạp ngâm và Bắc hành tạp lục. Ở phần trước tác thơ chữ Hán, bạn đọc không chỉ được gặp gỡ một Nguyễn Du nghệ sỹ, một Tố Như có tấm lòng đau đáu nỗi đau đời; qua từng bài thơ chữ Hán chúng ta còn nhận ra hình tượng tác giả in đậm dấu ấn mẫu người văn hóa. Ở đây, Tố Như đã nhìn người, nhìn đời dưới góc nhìn văn hóa, cái tôi trữ tình trong thơ là cái tôi văn hóa. Trong khuôn khổ một bài viết, chúng tôi xin bước đầu tìm hiểu vẻ đẹp của mẫu người văn hóa trong một số bài thơ chữ Hán của cụ Nguyễn Tiên Điền trên một số phương diện:
1 Con người với cảm thức tha hương, biệt li
Thơ là tiếng nói của cái tôi nội cảm, là tiếng nói thân phận con người. Trong thơ chữ Hán của Nguyễn Du, chúng ta thấy bóng dáng của con người chí lớn là khá mờ nhạt. Trong khi đó con người của muôn vàn tâm trạng hiện lên đậm nét. Cảm thức biệt li, mặc cảm bị lìa xa cội rễ, gốc nguồn, đau đáu nỗi nhớ nhung cố hương là nguồn cảm hứng chủ đạo và cũng là một thực cảnh đau lòng của nhà thơ. Tron tâm cảm của thi nhân, thế giới hiện tại là một thế giới bất ổn, phiêu bạt, con người luôn bị đặt trong những cảnh huống bất ngờ, trong những trạng thái cô đơn, day dứt sớm Sở tối Tần; trong lòng luôn gợn lên một cảm thức lạc loài trôi nổi: 

“Chốn non Hồng không còn nhà, anh em tan tác,
Đầu bạc nhiều giận nỗi ngày tháng trôi”
                                                                      (Quỳnh Hải nguyên tiêu)
Con người cá nhân mang mối đa hận:
“Đầu bạc rồi vẫn phải làm khách không nhà”                           
                                                 (Tống Nguyễn Sĩ Hữu nam quy)

Với Nguyễn Du, quá nửa tuổi xuân đã lưu lạc nơi chân trời góc bể. Ông như ngọn cỏ bồng lìa gốc. Danh trở thành hư danh, có thân trở thành vong thân. Cảm thức lưu lạc thành một ám ảnh thường trực:
“Vừa qua sông Long Vĩ
Đã là người tha hương”
                                     (Độ Long Vĩ giang)
Cũng như Nguyễn Trãi, nhà thơ nghe tiếng quốc kêu biết là tiết xuân đã muộn. Tiếng chim quốc trong thơ xuân Nguyễn Trãi mở ra một không gian mưa bụi, hoa xoan đầy sân gợi nên vẻ yên tĩnh, con người nhàn nhã thoát tục, còn trong thơ Nguyễn Du tiếng quốc kêu gợi lên tâm trạng của kẻ vong quốc, gợi bao nỗi biệt li xa ngái. Nhà thơ tự nhắn với lòng: “Đỗ vũ (nhất) thanh (xuân) khứ hĩ/Hồn hề qui lai bi cố hương” (Ngẫu thư công quán bích). Hình bóng quê nhà trở thành niềm đau đáu nhớ thương: “Trông ngóng quê nhà xa tựa như ở bên mặt trời”. Nhiều lúc chỉ vì một chức quan nhỏ buộc chân nên quê nhà có gần đó nhưng thi nhân vẫn mãi không được về: 

“Chỉ cách một ngọn núi trong dãy Hoành Sơn
Khá thương đường về nhà chỉ mất có ba ngày
                            Mà riêng ôm lòng nhớ nhà đã bốn năm”
(Nễ Giang khẩu hương vọng)
Chủ thể trữ tình trong thơ chữ Hán Nguyễn Du luôn ở trong tâm trạng của kẻ cùng đồ, kẻ tha hương. Trong khi tự biểu hiện mình là một kẻ lưu lạc, Nguyễn Du thường gọi mình bằng các từ tự xưng như “hành nhân”, “chinh nhân”, “du tử”, “du khách”, “lữ muộn”, “chinh khách”... với tần số xuất hiện 37 lần trong ba tập thơ. Mỗi lần nhà thơ tự xưng là một cung bậc tâm trạng xót thương thân lưu lạc. Trong thơ, xuất hiện khá nhiều hình ảnh con người mệt mỏi, đau ốm, gian truân: 

“Trong đám phong trần còn lại kẻ da bọc xương
Gối khách buồn thiu hai mái tóc rối bù”
                                                             (Trệ khách)
Nhà thơ luôn sống trong trạng thái của kẻ tìm đường, dò đường, kẻ dễ mất phương hướng. Nhiều câu hỏi không có lời đáp cứ câu thúc, nặng trĩu suy tư: “Tha hương nhân dữ khứ niên biệt/Quỳnh Hải xuân tòng hà xứ lai”?(Xuân nhật ngẫu hứng). Cảm thức bơ vơ đã làm cho thi nhân cô đơn đến mất luôn cả ý niệm về thời gian ngày tháng: “Năm này qua năm khác sắc thu vẫn như thế/Người ở đất khách chẳng tự biết mà thôi” (Giang đầu tản bộ).
 
2. Con người của gia đình
Nguyễn Du trước sau vẫn là con người hướng về những giá trị nhân bản với tình cảm gia đình, an em, vợ chồng, chủ - tớ… Nỗi nhớ Thăng Long trong mỗi vần thơ của thi nhân là những xúc cảm đậm màu tang thương dẫy lên tự đáy lòng. Nó không phải là thứ tình cảm hoài cổ chung chung mà là những cảm xúc, tâm sự hướng về cảnh ngộ của bản thân tác giả, của bà con anh em ruột thịt. Nơi một thời bên Giám hồ cảnh sinh hoạt của gia đình lúc nào cũng đầy tiếng cười, tiếng tơ tiếng trúc. Nay do thời cuộc đổi thay, do kế sinh nhai mỗi người phiêu bạt mỗi nơi. Vì một chức quan nhỏ buộc mình, người anh trai phải phiêu dạt tới những miền lam chướng đồn thú cũng đã ba năm. Cách trở ngàn trùng đến cả ước muốn gặp nhau trong giấc mộng cũng đã khó lắm thay. Là kẻ suốt đời làm khách xa nhà nên những người ở xa luôn là mối bận tâm, là nỗi thương cảm của nhà thơ. Một lần ở quê, chợt trong giấc ngủ Nguyễn Du gặp người vợ quá cố hiện về. Nàng đánh đường từ Thăng Long vào tìm chồng. Cảm thương cho duyên kiếp lỡ làng, đời hoa chóng tàn, thi nhân thăm hỏi, an ủi người vợ yêu nhưng cũng là để tự giải tỏ lòng mình, an ủi chính mình: “Bao năm không gặp nhau/Lấy gì an ủi nỗi nhớ nhau” (Ký mộng).
Trong giấc mộng, nhà thơ thấy rõ hình hài, dung nhan và cả những nỗi niềm tâm sự của nàng. Thoạt đầu người vợ đi tìm chồng trên bến sông Lam. Cả hai cùng nghẹn ngào không nói hết lời tâm sự. Nguyễn Du hỏi người vợ nhưng cũng là tự hỏi chính lòng mình. Hỏi để cho vơi nỗi nhớ thương bấy lâu đằng đẵng cách xa: “Bình sinh không biết đường sao tìm về được đây”? Người vợ của nhà thơ lúc sinh thời chưa một lần được về quê chồng để viếng thăm mồ mả, gia tộc nên giọng thơ uất nghẹn một nỗi cảm thương vô hạn: “Đường đi hiểm và dữ/Thân yếu đuối dựa vào đâu”? Lúc mơ cũng như lúc tỉnh, nhà thơ canh cánh một nỗi nhớ thương vợ con. Nguyễn Du tự thấy thương mình là khách trọ chốn nhân gian những mười năm trời, trong khi bạn bè thân hữu ngày một thưa vắng. Nhà thơ thường gọi mình là “kỵ lữ” rong ruổi trên đường đời với nhiều nước mắt nhớ thương:
“Lâu năm làm khách xa nhà, lệ rơi dưới đèn,
Nghìn dặm nhớ quê, lòng gửi theo vầng trăng”
Những ngày ra làm quan, dù được cất nhắc, được Gia Long để ý và có thể nói là được “biệt nhỡn liên tài” nhưng tâm trạng Nguyễn Du cũng chẳng khác gì tâm trạng nàng Kiều “vui là vui gượng kẻo là”. Làm quan xa quê ngàn dặm, ông vẫn chưa tàn giấc mộng “cỏ bờ ao”, chỉ tiếc rằng tấm thân đã làm chim trong lồng. Mong được trở về làm ông chài biển Nam, phường săn núi Hồng nhưng rồi thi nhân chợt nhận ra mình đã nhầm. Lòng tự nhủ lòng chớ có than thở, ước ao làm gì khi: Vì phía nam sông này là đất nhà vua rồi! Nguyễn Du cũng như người xưa đi đâu, ở đâu cũng là đất nhà Chu. Dù có ý muốn trốn quan, lánh đời nhưng biết tìm đâu chốn dung thân, dưới gầm trời đâu đâu cũng là đất thiên tử! Quyền lực đế vương vừa hữu hình, vừa vô hình cứ chụp lên đầu. Dẫu biết mũ áo nhà nho lừa dối con người nhưng chẳng thể làm khác.
 
 1.3. Cảm nhận về con người và cuộc đời ở góc nhìn văn hóa
Năm 1813, Nguyễn Du phụng mệnh triều đình nhà Nguyễn dẫn đầu đoàn sứ bộ đến Trung Quốc. Trên hành trình tới Yên Kinh, nhà thơ có dịp chứng kiến, tiếp xúc cảnh vật, con người trên đất nước Trung Hoa, được tận mắt chiêm ngưỡng những danh thắng, những dấu tích văn hoá - lịch sử hàng nghìn năm. Đó là một cơ hội để nhà thơ hiểu hơn về cuộc sống nhân dân và tình người, tình đời xưa nay.
Với một vốn sống thực tế hết sức phong phú, một trái tim nhạy cảm của người nghệ sĩ, một cặp mắt nhìn đời sâu sắc, từng trải, vượt qua cái nhìn định kiến giai cấp đối với Hoàng Sào cũng như với các cuộc khởi nghĩa nông dân thường bị quan lại phong kiến xem là giặc cỏ, là loạn tặc, Nguyễn Du ngợi ca vẻ đẹp khí phách anh hùng khác thường của người nghĩa sĩ. Nhà thơ quả rất bản lĩnh khi đi khen một kẻ nổi loạn chống lại triều đình với một thái độ ngưỡng vọng thực sự:
“Nào ngờ vua Kim Thống đất Tần Trung
         Lại là anh chàng ở ngoài bảng Tôn Sơn”
                                                            (Hoàng Sào binh mã)
Nguyễn Du không những đồng tình với hành động đứng về dân đen của bậc nghĩa sĩ chống lại triều đình, ông còn thấy được sức mạnh vô dịch có thể làm biến đổi gió mây ở con người này.
Viết về những danh nhân văn hoá, nhà thơ đặc biệt dành tình cảm nồng hậu tha thiết đối với Khuất Nguyên - một thi nhân, một nhân cách suốt đời Nguyễn Du ngưỡng vọng, kính phục. Người xưa dẫu đã xa cách 2000 năm nhưng hương thơm của tâm hồn cố nhân như còn thoảng đâu đây cùng hoa lan hoa chỉ. Nguyễn Du đánh giá rất cao trước tác của tiền nhân: Sở Từ mãi mãi là áng văn tuyệt tác của muôn đời. Nhà thơ gọi Khuất Nguyên là người “độc tỉnh” là kẻ “cô trung”.
Cũng như Khuất Nguyên, Đỗ Phủ là nhà thơ vĩ đại, là danh nhân văn hoá của dân tộc Trung Hoa. Suốt một đời Nguyễn Du ngưỡng mộ: “Mộng hồn dạ nhập Thiếu Lăng thi”. Đó là tâm tình, hoài bão một đời của nhà thơ lúc còn ở trong nước. Nay đi sứ Trung Hoa có dịp thi nhân được trực tiếp viếng mộ Đỗ Phủ, trực tiếp tiếp xúc cảnh và người trên đất Trung Nguyên. Và đây cũng là cơ hội nhà thơ bày tỏ trực tiếp tấm lòng của mình với bậc thánh thơ. Nguyễn Du không chỉ hiểu nỗi niềm nhà thơ xưa mà còn biết rõ tính tình, khí chất của Đỗ Phủ. Phải quan tâm nhiều lắm, có mối bận tâm sâu sắc, lòng thương yêu chân thành mới có những câu thơ chân tình, thâm cảm:
“Chứng lắc đầu cũ đã chữa khỏi được chưa ?
Dưới đất đừng để cho lũ ma quỷ cười mình”.
Khi viết về các danh nhân, thi sĩ, bậc lương tướng tôi hiền, viết về người phụ nữ, nhà thơ bao giờ cũng nhìn nhận, đánh giá con người dưới góc nhìn văn hóa. Nhớ tới câu chuyện nàng Dương Quý Phi và vua Đường Minh Hoàng, quan quân nhà Đường cũng như sử sách Trung Hoa thường vu cho nàng tội khuynh thành khuynh quốc làm mê hoặc đế vương dẫn đến mất nước, nhân dân sống trong cảnh điêu linh. Kết cục nàng bị bắt phải thắt cổ tự tử ở gò Mã Ngôi. Dưới con mắt Nguyễn Du, người phụ nữ thuộc một trong tứ đại mỹ nhân của đất nước Trung Hoa không phải là người gây tội. Dưới cái nhìn của tác giả, nàng là kẻ vô tội, tội lỗi đó thuộc về vua quan nhà Đường:
“Từ đấy cả triều đều là người đứng như phỗng,
Mà nghìn năm còn đổ tội oan cho người đẹp khuynh thành”
                                                                                            (Dương Phi cố lý)
Cách nhìn nhận của nhà nhân đạo Nguyễn Du là cách nhìn, cách đánh giá của một con người trải đời, vượt qua cái nhìn định kiến xem thường và quy tội cho phụ nữ của xã hội phong kiến. Nhà Đường lâm nguy, loạn An - Sử hoành hành, trăm họ điêu linh, thủ phạm chính là sự bất tài của quan quân nhà Đường ngày thường ăn chơi xa hoa đến khi sự biến xảy ra tất cả đều đứng ngây như tượng đá, sao lại đổ lỗi cho một mình người đẹp? Sự biện luận, bênh vực của nhà thơ đối với sự kiện lịch sử, đối với số phận Dương Quý Phi giúp người đọc thấy được nhân cách cao đẹp của một mẫu hình con người văn hóa in đậm bản lĩnh và cốt cách Việt.
1.4. Con người mang nỗi thương hoài ngàn năm trước những bi kịch cái đẹp bị vùi dập, tiêu trầm 
Trước những bậc tài hoa, nhân cách cao đẹp bị vùi dập, giọng điệu thơ là giọng cảm thương, thành kính ngợi ca. Ông cũng đã có những bài thơ hay nhất suy tôn bậc thánh thơ Đỗ Phủ. Mỗi lần đọc đến câu thơ “Nho quan đa ngộ thân” của Đỗ Thiếu Lăng lại một lần Nguyễn Du khóc cho nỗi đau của bậc tài tử đa cùng. Giữa Đỗ Phủ và Nguyễn Du có rất nhiều nét tương đồng để cảm hiểu và sẻ chia. Cũng là bậc tài thơ, sống cảnh loạn li phiêu dạt nhiều nơi, phải gửi tấm thân nhiều bệnh nơi đất khách, cùng sống trong bão táp của mỗi thời đại, nếm trải những cảnh ngộ trớ trêu của hiện thực bất thường của chiến tranh… Khi Nguyễn Du viết những câu thơ về Đỗ Phủ:
“Văn chương ngời sáng dùng được việc gì?
Trai gái rên khóc chẳng đành lòng nghe”
(Lỗi Dương Đỗ Thiếu Lăng mộ II)
Tình cảnh của người xưa và cũng là thực cảnh của Nguyễn Du. Trên đường chạy loạn giữa mùa đông rét giá, chiều tàn Đỗ Phủ phải đi đào khoai rừng cứu đói các con thơ nhưng tuyết phủ dày cả khu rừng đành phải về không. Con thơ đói bụng gào thét, người cha sợ hùm beo nghe tiếng phải bịt miệng con, nén nỗi đau đứt ruột vượt quãng đường dài. Bậc thánh thơ đã từng phải trải qua tình cảnh “Con trai con gái kêu rên, bốn vách lặng ngắt”(Càn Nguyên trung ngụ Đồng Cốc huyện tác ca thất thủ) thì tình cảnh Nguyễn Du cũng chẳng hơn gì: “Thập khẩu đề cơ Hoành Lĩnh bắc/Nhất thân ngoạ bệnh đế thành đông” (Ngẫu đề). Đây là những câu thơ được viết bằng máu và nước mắt của những người trong cuộc. Cho nên người đời có khen khao, mơ ước tài danh của bậc thánh thi thì Tố Như lại thương cho Đỗ Thiếu Lăng phải gửi nắm cô phần nơi đất khách. Nguyễn Du hơn ai hết thấm thía nỗi đau của kiếp người lưu lạc:
“Cộng tiễn thi danh sư bách thế,
Độc bi dị vực ký cô phần”
                                                                 (Lỗi Dương Đỗ Thiếu Lăng mộ II)
Nằm trong mạch cảm xúc thương tài, khóc kiếp tài hoa bạc mệnh, Độc Tiểu Thanh ký là một trong những bài thơ tiêu biểu cho giọng điệu cảm thương. Nguyễn Du đến với người thiên cổ và qua đây nhà thơ giải bày tấm lòng thương cảm sâu sắc đối với những kiếp tài hoa xưa nay, về nỗi cô đơn và bất hạnh của con người. Đọc tập truyện nàng Tiểu Thanh, Nguyễn Du gửi vào trang thơ một khát vọng đồng cảm sẻ chia tới mai sau. Nguyễn Du khóc cho nàng Tiểu Thanh cũng là khóc chung cho những kiếp người tài tình mang nỗi oan phong vận trớ trêu. Sinh thời Nguyễn Du đâu gặp được người tri kỉ, cho nên nhà thơ chỉ còn biết hướng tới mai sau - và điều đó ông tin với một niềm tin tiền định như nhà thơ đã là tri kỉ của Khuất Nguyên, của Đỗ Phủ mà chúng ta đã thấy. Bản chất con người vốn giàu niềm tin, đặc biệt là những tâm hồn nghệ sĩ lớn bao giờ cũng chứa chan hi vọng. Chẳng phải như thế sao khi nhà thơ của chúng ta đã gửi gắm tất cả lòng mình vào Truyện Kiều, vào Văn chiêu hồn, vào thơ chữ Hán? 


1.5. Một nhân cách Việt in đậm tinh thần tự hào dân tộc và tư tưởng mang tầm nhân loại
Một đời kinh lịch, đi qua nhiều nơi trên đất nước cũng như chuyến hành trình sứ bộ sang Trung Quốc, Nguyễn Du đã tận mắt chứng kiến dấu tích của bao kẻ xưng bá đồ vương, bao âm mưu làm hại đến muôn người, cản bước tiến của lịch sử. Giọng điệu thơ là giọng điệu của một người đứng trên lập trường công lí, chính nghĩa, trên lập trường dân tộc để luận tội, phủ định mạnh mẽ những toan tính thiển cận, những mưu đồ đen tối...
Trong quá trình khảo sát tập Bắc hành tạp lục chúng tôi nhận thấy điều đặc biệt là trong tập thơ, “con người chánh sứ”, con người chức năng, phận vị hiện lên mờ nhạt. Trong khi mẫu hình con người văn hóa hiện lên đậm nét. Ở nhiều bài thơ, cái nhìn nghệ thuật đã vượt qua cái nhìn tư duy phân loại của thơ ca trung đại để đưa tới cho thơ một cái nhìn uyển chuyển, đa chiều; “con người công cụ”, hình ảnh ông chánh sứ hoàn toàn vắng bóng để hiện lên hình tượng tác giả mang tư tưởng nhân văn chủ nghĩa, có tầm nhìn vượt thời đại.
 Trên đường đi sứ, tác giả gặp đền thờ Mã Viện, tên tướng giặc đã từng đem quân xâm lược nước ta, sau đó phương Bắc bắt lập đền thờ, chôn trụ đồng sách nhiễu, hù doạ nhân dân. Mã Viện là tên tướng xâm lược đã bị Nguyễn Du đưa ra luận tội trong một chùm bài viết về y. Ở Giáp Thành thuộc châu Lạng Giang về phía Nam ải Chi Lăng có miếu thờ Mã Viện, Nguyễn Du nhắc lại câu chuyện bi hài của tên tướng hám danh đã sáu mươi tuổi vẫn ra oai ra uy với nhà vua để được đi xâm lược Giao Chỉ. Tưởng rằng cuộc chinh chiến này sẽ đưa về vàng ngọc cho gia quyến, được lưu danh muôn đời, nhưng mỉa mai thay tấm thân già rút cục phải vùi nơi đất khách, lòng tham của y đã hại đến con cháu đời sau. Âm mưu giảo quyệt rút cục chỉ là trò trẻ con hù doạ đàn bà yếu vía. Với một tinh thần tự hào dân tộc và lòng căm thù giặc sâu sắc, Nguyễn Du đã ném ra câu hỏi mỉa mai đay lại nỗi nhục, nỗi đau của kẻ đi xâm lược:
“Họ tên chỉ đáng được ghi ở gác Vân đài,
Sao còn ngoảnh về nước Nam đòi hỏi việc cúng tế hàng năm?”
                                                                          (Giáp Thành Mã Phục Ba miếu)
Hành động xâm lược phương Nam của Mã Viện được vua quan nhà Hán xem là một kỳ công! Nguyễn Du chỉ thấy xưa nay quân phương Bắc kéo sang xâm lược Việt Nam có đi nhưng chẳng trở về, tất cả chỉ thấy gió lạnh thổi vào đống xương trắng ngày càng chất cao của bao oan hồn tử sĩ, những con người khờ dại, bất hạnh chết phí thân cho mưu đồ xâm lược của bọn phong kiến phương Bắc. 
Đứng trước ngôi miếu thờ Mã Viện ở Đại Than, một lần nữa Nguyễn Du nhắc lại nỗi hận của tên tướng giặc. Lúc cất quân xâm lược phương Nam, người em họ Thiếu Du đã khuyên can y đừng vì danh hão mà bỏ thân nơi hòn tên mũi đạn. Khi y cất quân sang đánh Giao Chỉ đến hồ Dâm Đàm lam chướng đầy trời, quân không tiến được, nhớ lại lời khuyên của người em họ nhưng tất cả đã muộn. Một lần nữa Nguyễn Du nhắc lại với giọng điệu mỉa mai:
“Chiều tà dưới lớp gai góc phía tây thành,
Nỗi hận ở Dâm Đàm rốt lại như thế nào rồi?”
                                                                                    (Đề Đại Than Mã Phục Ba miếu)
Câu hỏi cũng là lời cảnh tỉnh đối với bất cứ kẻ nào còn rắp tâm nuôi âm mưu đi xâm lược nước người. Khi Mã Viện chết, có người tâu với vua Hán lúc y từ Giao Chỉ về nước có mang theo xe ngọc nhưng không cống tiễn triều đình. Chuyện hư thực ngàn năm khó phân định, chỉ biết con cháu y không dám đưa thi hài về quê an táng đành phải chôn y nơi đất khách. Mỗi lần gặp lại dấu tích của y trên đường đi sứ, nhà thơ không bỏ sót cơ hội nhắc lại nỗi nhục của tên tướng giặc. Nhìn đống xương trắng chất đầy gò bãi, Nguyễn Du nhân danh vì con người mà lên án chiến tranh.
Nếu như đối với Mã Viện, Nguyễn Du đứng trên lập trường dân tộc vạch tội tên tướng xâm lược thì qua đất Hứa Đô cũ, thi nhân vạch tội loạn thần của tên giặc thoán vị Tào Tháo. Những câu hỏi phủ định liên tiếp xuất hiện trong nhiều bài thơ về tên nguỵ tặc thể hiện thái độ khinh bỉ, cái nhìn phủ định của nhà thơ đối với hành động phi nghĩa của y:
“Từ cổ được nước đều lấy chính nghĩa,
Sao lại lừa vợ goá dối con côi của người ta ?”
                                                                                     (Cựu Hứa đô)
Nhà thơ luận tội Tào Tháo cũng là lời cảnh báo đối với quân phi nghĩa: “Lũ gian hùng cướp ngôi có kẻ nào còn đâu”? Cái còn lại là bia miệng, sự phỉ nhổ của người đời đối với hành vi phi nghĩa của cha con họ Tào:
“Duy hữu Kiến An nhị thập ngũ niên sự,
Nhân khẩu thành bi chung bất hoại”

Nhắc lại câu chuyện 72 ngôi mộ giả, Nguyễn Du không kìm nổi khinh bỉ trước hành vi xảo quyệt của Tào Tháo. Để được toàn thây sau khi chết Tào Tháo đã cho xây cất 72 ngôi mộ giả hòng che mắt người đời về tội lỗi của y. Nhưng tất cả chỉ để lại mối ngờ và sự chê cười của thế nhân. Nhà thơ đã ném ra những câu mỉa mai vạch trần sự gian xảo của y:
“Tiếng xấu đầy quách thì còn che dấu kĩ để làm gì ?
Nắm xương tên giặc nghìn đời, bị chửi bới cũng chẳng hay biết”
 Dưới con mắt nhà thơ, chỉ có nhân nghĩa hợp lòng dân mới lưu danh thiên cổ. Sự đối sánh giữa Lưu Bị và Tào Tháo cho thấy lập trường, thái độ và cảm hứng của nhà thơ:
“ Sao bằng miếu tiên chủ ở Cẩm Thành,
Đến tận ngày nay cây tùng cây bách vẫn còn toả sáng”
Trên đường đi Hà Bắc, gặp tấm bia dựng bên đường cái ghi mấy chữ “KÌ LÂN MỘ”. Mượn câu chuyện tương truyền về con vật báo điềm lành, Nguyễn Du bày tỏ trực tiếp lòng tự hào dân tộc của người Đại Việt với thái độ xem thường các bậc đế vương Trung Hoa vốn xưa nay tự xưng là bậc thiên tử. Nhân câu chuyện có màu sắc huyền thoại, Nguyễn Du đã vén bức màn lịch sử, phơi bày cho chúng ta thấy được bản chất thật của các bậc đế vương Trung Hoa vẫn thường tự xem mình là thánh đế xưa nay. Thoạt đầu Nguyễn Du tiếp tục khẳng định tín ngưỡng của mọi người về việc báo hiệu điềm lành của con kỳ lân:
“Than ôi, kỳ lân vì đâu mày hiện ra?
Than ôi, kỳ lân là giống vật báo điềm lành ở trên trời!”
                                                                                (Kỳ lân mộ)
 Kì Lân là sứ giả của nhà trời báo điềm lành, báo hiệu dưới trần có bậc minh chủ. Còn sự thật lịch sử lúc đó như thế nào? Nguyễn Du đã cho chúng ta thấy:
“Ôi kỳ lân! ôi kỳ lân! sao mày khổ thế!
Huống nữa Yên Đệ là người như thế nào?
Cướp ngôi của cháu để tự lập làm vua, y không phải là bậc minh quân:
Để hả một cơn giận y giết cả mười họ (người ta)
Giết trung thần bằng cách đánh bằng gậy lớn và nấu trong vạc dầu lớn
Trong năm năm giết trên trăm vạn mạng người
                            Xương trắng chất thành núi, đất ngập máu”
Dưới con mắt của các bậc túc nho Việt Nam, danh hiệu thiên tử chỉ là cái vỏ bọc cho những âm mưu tàn bạo của chúng. Nguyễn Du đã thẳng thừng vạch mặt vua Minh Yên Vương Đệ. Từ đó, nhà thơ đặt một câu hỏi cho Kỳ Lân mà hàm chứa bao niềm tự hào khôn xiết của một người con Đại Việt đối với bậc thánh đế của mình. Cụ Nguyễn Tiên Điền khẳng định Lê Lợi là bậc thánh nhân. Câu hỏi có hình thức nghi vấn nhưng ý nghĩa của nó là một sự khẳng định đầy tự hào:
“Nếu bảo Kỳ Lân vì thánh nhân mà hiện ra,
Thì thời ấy sao không lượn chơi sang phương Nam”?
Thơ chữ Hán của Nguyễn Du là một thế giới nghệ thuật vô cùng đặc sắc, giàu tính thẩm mỹ. Bên cạnh một Nguyễn Du nghệ sỹ, một nhà nhân đạo vĩ đại, Đại thi hào còn là một một mẫu người văn hóa tiêu biểu cho thời đại và dân tộc. Đi qua những bi kịch của bản thân, gia đình và thời đại, thi nhân để lại cho đời niềm ngưỡng vọng về một bản lĩnh, một nhân cách tin tưởng sâu sắc vào con người; khẳng định, suy tôn những giá trị nhân văn cao đẹp của con người; một hình mẫu về ứng xử, tiếp biến văn hóa vô cùng uyển chuyển, linh hoạt để làm giàu thêm bản sắc văn hóa dân tộc. Có thể nói, mẫu người văn hóa trong thơ chữ Hán của Nguyễn Du đã được kết tinh từ nhiều nhân tố: Gia đình, quê hương, thời đại, tố chất cá nhân và sự từng trải cuộc đời của nhà thơ./.

                                                                                                            P.Q.T

. . . . .
Loading the player...