Tạp chí Hồng Lĩnh số 220 tháng 12/2024 trân trân trọng giới thiệu bài viết “Mê lộ bạch dương” và những thân phận người của nhà thơ Hoàng Vũ Thuật (Đọc thơ Hương Giang, Nxb. Hội Nhà văn - 2024)
Không khác mấy so với tập “Bài Thánh ca cho Anh”, “Mê lộ bạch dương” là một bức - tranh - thơ huyền bí với đôi mắt ướt “thầm ghì vào cánh cửa đợi sáng’’ (ngắm sao cùng nhau), “một muỗng thiền của Osho’’ (mùi hương khác) đang thấm vào tâm can. Vẫn giọng riêng, kín đáo trầm tĩnh, nhưng Hương Giang đã thay đổi. Sự thay đổi mặc nhiên trước sóng xô của cuộc đời. Cái riêng trong Hương Giang làm ta thêm lần nữa tin tưởng con đường thơ đang đi của “người thơ” càng ngày càng được mở rộng, thăm thẳm tận cùng:
Bìa tập thơ
không phải đứng trên hào quang là tỏa sáng
bóng tối chính là bạn…
không phải khi một mình là một mình…
cú đập cánh của chú bướm xinh
đôi khi là cơn lốc
đôi khi
là tĩnh lặng
(khoảnh khắc Eureka)
Ý thức văn chương của Hương Giang được hình thành ngay từ khi bước chân tới ngưỡng cửa đại học. Thật may mắn, Học viện Puskin nơi cô sinh viên theo học chính thức cho đến ngày ra trường đã đào tạo nên một Hương Giang điềm tĩnh và trong trẻo. Sáng tạo nghệ thuật là trời phú, nhưng bản lĩnh kiên định sáng tạo là phạm trù cá nhân. Đọc hết tập thơ một lần chưa đủ, tôi phải đọc lại nhiều lần để hiểu thơ chị. Trong tập đầu tay “Bài thánh ca cho Anh” Hương Giang đã bộc bạch “Thơ bất chấp mọi thứ để yêu người không thể yêu mình/ Thơ không thể nói hết/ Thơ cũng không cần phải nói hết, (hình như Thơ cũng chưa thể biết tất cả mọi thứ)/ những cơn giận dữ trẻ con của Thơ khiến cho tình yêu không sâu đậm/ như bản chất của tưởng tượng…”. Cái giọng tưởng như khó nghe ấy đã tạo ra cái nhìn của bạn đọc về phong cách và vị trí thẩm mỹ mới ở “Mê lộ bạch dương”. Tôi nghĩ rằng, tự thân thơ đã chia làm hai nhánh. Thơ cổ súy và thơ tâm trạng. Không ai bắt buộc thơ phải theo cách này, hoặc cách khác. Thơ là thơ. Muôn thuở thơ vẫn là áng hùng ca về đất nước, thiên nhiên, chiến tranh hay hòa bình; nhưng thơ còn là nỗi buồn, thân phận, tình yêu riêng tư của con người. Chỉ một bài thơ “Tình tuyệt vọng” của Arvers đã làm độc giả Việt Nam say đắm đó sao? Có thể nói rằng, Hương Giang đã đi theo lối rẽ thứ hai này. Con đường ấy không dễ dàng gì, bởi nó đòi hỏi các thủ pháp nghệ thuật, sử dụng các hình tượng, biểu tượng thật linh hoạt. Khi bắt được mạch xúc cảm, nhà thơ phải biết lựa chọn tìm ngôn ngữ, hình ảnh sao cho phù hợp với sự sáng tạo để bài thơ sinh ra không thô thiển, cứng nhắc.
Trong cái miệt mài ấy, tôi nhìn Hương Giang đầy quý mến và thiện cảm. Chị không ngần ngại số lượng độc giả sẽ đọc tập thơ này nhiều hay ít, có bằng lòng hay không. Không ai đánh giá vội vàng trước một tác phẩm nghệ thuật cả.
một ly café trứng
anh khuấy như đứa trẻ lên ba
thơm bừng những rung chấn
điệu nhạc Pháp giữa phố chật
em pha bài hát cũ trên môi
chúng ta ca cho hoa cúc nghe trái tim của anh
(quán cafe Ban Công)
Chúng ta thường cảm nhận hương café thơm bừng, ít khi ai nói “thơm bừng những rung chấn”. Nhưng đấy là rung chấn bên trong, một trạng huống tình cảm của con người trong bối cảnh ngổn ngang nào đó. Thế mới dẫn đến một câu thơ kiểu như là trật khớp “em pha bài hát cũ trên môi”. Lượng độc giả ít hay nhiều không đo được sản phẩm của người nghệ sĩ. Cái cần thiết bài thơ nói lên điều gì. Chẳng ai yêu cầu nhà toán học phải đưa ra định luật sao cho nhiều người hiểu, như thế mới tài ba. Theo nhà thơ “cho hoa cúc nghe trái tim của anh”. Một câu thơ tưởng như dửng dưng, lơ lửng làm sao. Nếu để ghi lại hiện tượng diễn biến trong không gian nào, rõ ràng người làm thơ chỉ cần thể hiện sao cho ngôn ngữ trong sáng là đủ. Thơ là cái chưa ai nói, thơ vượt qua rào cản thông thường để đi tới một giá trị thẩm mỹ khác. Tất cả những vinh quang một thời rồi cũng suy tàn, chỉ sáng tạo mới tồn tại. Và sáng tạo bản thân nó cũng thế, không có nghĩa đứng yên một chỗ, không đổi thay gì cả. Tôi nhớ một câu thơ ai đó “cái mới ban mai, ban chiều đã cũ”.
Kinh Phúc Âm lần đầu được thể hiện bằng ngôn ngữ bình dân, cho quảng đại quần chúng dễ hiểu và dễ thuộc. Sau đó kinh Phúc Âm được soạn lại bằng ngôn ngữ hiện đại. Nghệ thuật thơ ca cũng tồn tại hai dòng như thế. Nhưng xét cho cùng, cách tân nghệ thuật luôn là tín hiệu thăng tiến của nhân loại.
Hương Giang còn trẻ. Chị đã làm được điều ấy, khi trải bao thăng trầm trong cuộc đời. “Mọi thứ đang mất đi, thêm một lần nữa,/ nhưng tôi đang ngắm loài kiến chúa/ đợi cơn mưa// tôi nằm trên những chiếc lá phong khô/ bên cạnh nỗi buồn và chán nản/ nhìn thấy chú kiến thợ trăng hoa”. Thay vì đi tìm những chủ đề lớn, những ý tưởng phổ quát, chị lại để ý những cảnh ngộ nhỏ bé, gần gũi quanh mình. Điều ấy không làm cho tư tưởng bài thơ hẹp đi, trái lại cảm giác bừng ngộ được đánh thức trong lòng bạn đọc về thân phận muôn loài trước thời cuộc biến thiên chóng mặt:“tôi không cần những lời tin cậy/ tôi chết vinh quang trong tâm trí này/ một giọt nước trên má hồng/ chuyển động/ như mây” (tôi). Hoặc “từng đứng dưới rất nhiều cơn mưa/ từng cạn cõi mơ/ bây giờ/ tôi có thể khóc một mình hoặc cùng với người khác/ trừ anh” (những viên ngói tím). Hoặc nữa “rất nhiều loài hoa đổ về sông Hương/ giải thích nỗi buồn” (đồi sương Bạch Diệp).
Tôi mang cảm giác lạ từ giọng điệu đến cách viết của chị. Hương Giang đang đi từ cái lạ này đến cái lạ khác qua mỗi bài thơ. Mối quan hệ giữa phong cách của chủ nghĩa siêu thực và chủ nghĩa lãng mạn tạo ra năng lượng sáng tạo, giá tri thẩm mỹ trong Hương Giang chăng? Tôi đọc và tự hỏi, có phải thơ đặt ra cho con người nhiều vấn đề không sao trả lời được. Hay con người đặt ra cho thơ nhiều uẩn khúc chỉ có trời mới biết. Tôi cũng nghĩ thơ ca là cái gì đó vừa gần gũi vừa xa xôi, vừa đồng tình vừa chối bỏ. Thơ không bao giờ bằng lòng chính nó. Là sứ mệnh thiêng liêng không diễn đạt bằng tiếng nói thường ngày, nên phải sinh ra thơ ca mà hàng nghìn năm nay chưa lý giải nổi. Phùng Quán nói “Có những phút ngã lòng/ tôi vịn câu thơ mà đứng dậy” để tự tạo sức mạnh và tình yêu chân thật. Thơ huyền bí lắm Hương Giang ạ.
8/2024
H.V.T