09-07-2019 - 14:33

Một miền đất giàu bản sắc văn hóa và ấm áp tình người

“Mỹ thuật miền núi và dân tộc” là cuốn sách tuyển chọn các tác phẩm tiêu biểu, tự chọn của các tác giả là hội viên chuyên ngành mỹ thuật Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam. “Khá đa dạng về thể loại, chất liệu và đề tài, sự nhiệt thành của giới sáng tác mỹ thuật ở nhiều vùng miền khác nhau…” là nhận xét tổng quan của những người biên soạn ấn phẩm giới thiệu phong trào sáng tác mỹ thuật tại các tỉnh miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong cả nước.

Trương Lộ, Thu hoạch

Chế Kim Trung, Làng Chăm ơn Bác Hồ 

Chu Thị Thánh,  Chiều vùng cao

Là người chủ biên và trình bày cuốn sách, tôi thật sự may mắn khi cùng lúc được gặp gỡ, trao đổi trực tiếp hoặc qua điện thoại với những người sáng tác mỹ thuật, là hội viên Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam. Tập hợp các tác phẩm tranh, tượng vào một cuốn sách làm quà tặng trong dịp Đại hội lần thứ VI Hội VHNT các dân tộc thiểu số sẽ tổ chức vào cuối năm 2019. Đây là việc làm rất ý nghĩa đối với các họa sỹ và nhà điêu khắc. Cuốn sách không chỉ có giá trị lớn về tư liệu, làm quà tặng kỷ niệm mà là sản phẩm in ấn tuyên truyền phục vụ rất tốt cho quảng bá đất nước và con người Việt Nam  với nhân dân thế giới.

Trịnh Huy, Mùa cấy ở vùng cao

Vẻ đẹp phong cảnh miền núi Việt Nam và các phong tục tập quán vùng miền được thấy rất rõ trong các tác phẩm của các họa sỹ gạo cội như Cầu Long Đống, Chợ Cao Bằng, Góp lương nuôi quân của cố họa sỹ Vi Kiến Minh (Cao Bằng), hay trong các tranh thủy mặc của họa sỹ Trương Hán Minh, Trương Lộ (Tp. Hồ Chí Minh); của họa sỹ Chu Thị Thánh với Mùa xuân rẻo cao, Ném Còn; của họa sỹ Hà Cắm Dì qua các phiên chợ miền núi ở Lạng Sơn, trong các lễ hội Tây Nguyên của các tác giả miền Trung Tây Nguyên, của Hà Thị Lệ Thu (TP. Huế), của nhiều họa sỹ lớp lứa sau đang sáng tác ở miền núi phía Bắc như Nguyễn Đình Thi, Lê Hùng... Sự kết hợp khá nhuần nhuyễn giữa lối kết cấu truyền thống và chất liệu mới trong các tranh tượng của các họa sỹ Trần Thái, Ngân Chài, Chế Kim Trung, Quách Hùng.v.v… cách lựa chọn chất liệu và bố cục phá cách của Vi Kiến Thành, Đặng Phương Linh.v.v…

Vi Kiến Minh, Thợ Cao Bằng

Lê Hùng, Sắc màu cao nguyên

Lê Cù Thuần, Phía sau thung lũng 

 

Một mảng đề tài hấp dẫn các tác giả nhiều vùng miền khác nhau là hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh - người cha của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, đây là chủ đề lớn không chỉ với các tác giả miền núi phía Bắc như Cao Bằng, Tuyên Quang, Thái Nguyên .v.v… nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh từng sống và làm việc, mà ngay cả ở Tây Nguyên xa xôi, trong các bức tranh khắc gỗ, sơn mài.v.v… của nhiều tác giả trưởng thành sau ngày miền  giải phóng (1975).

Cũng qua biên soạn cuốn sách, người viết chia sẻ, đồng cảm với các họa sỹ, nhà điêu khắc đang sống thiếu thốn, làm việc vất vả  ở các tỉnh miền núi, bởi cũng như nhiếp ảnh, việc tạo ra một sản phẩm tranh, tượng phụ thuộc không nhỏ vào chất liệu và phương tiện hành nghề, liên quan đến nhiều yếu tố vật chất khác nhau mà không dễ gì người làm nghề vượt qua được, dù có ý tưởng sáng tạo lớn lao.

Nguồn tin: Cục Mỹ thuật Nhiếp ảnh và Triển lãm

. . . . .
Loading the player...