Là nhà văn luôn khát khao khám phá chiều sâu bí ẩn trong con người, Nguyễn Minh Châu đã phân tích để chỉ ra rằng con đường đi đến hòa hợp dân tộc, hòa hợp con người không hề giản đơn.
Sau chiến thắng 1975, đất nước và con người Việt Nam đứng trước một thực tế ngổn ngang, bề bộn bao vấn đề bức xúc. Đó là những công việc phải làm của người cách mạng trước cái xác đầy ám khí của chế độ cũ ở Sài Gòn, thái độ đối xử với kẻ thù đã hạ vũ khí trong khi lòng hận thù âm ỉ bao năm đang có cơ hội trào dâng như một dòng nham thạch sục sôi trong quần chúng... Là nhà văn tâm huyết suốt đời nặng lòng với đất nước, nhân dân, Nguyễn Minh Châu đã thấy rõ tính chất phức tạp và khó khăn của “một thứ chiến trường mới” đang mở ra trước những người chiến thắng: “Mảnh đất vừa được giải phóng này như một lời thách đố (...) bước ra khỏi một cuộc chiến tranh cũng cần thiết phải có đầy đủ trí tuệ và nghị lực như bước vào một cuộc chiến tranh”(1). Trong khi phần lớn các nhà văn quân đội say sưa với những trang kí sự chiến tranh mô tả cuộc tiến công chiến lược cuối cùng, Nguyễn Minh Châu lại trăn trở để cho ra đời tiểu thuyết Miền cháy (1977), một cuốn sách đậm chất suy tư chính luận trong đó nổi lên một vấn đề mang ý nghĩa nhân đạo sâu sắc - lời đề nghị xóa bỏ hận thù, hòa hợp dân tộc.
Nhiều năm sống trong đau thương tang tóc, người dân Việt Nam đã ghi xương khắc cốt mối thù muôn đời muôn kiếp không tan (Tố Hữu) với kẻ thù xâm lược và bè lũ tay sai. Trong mối thù chung của đất nước, dân tộc còn tích tụ những mối thù riêng của từng cá nhân, gia đình. Nhưng khi chiến thắng đã về tay nhân dân, nếu mỗi con người còn nuôi giữ mối thù hận cá nhân thì tất yếu sẽ phá vỡ sự bình yên của xã hội, gây ra những cảnh đổ máu làm hoen ố chính nghĩa và lương tri cách mạng. Miền cháy đã đưa ra lời cảnh tỉnh kịp thời: Những mối thù cần phải đặt trong ánh sáng chiếu rọi của lí trí chứ không đơn thuần chỉ thuộc về tình cảm. Cả xã hội và mỗi cá nhân cần phải đào chôn thù hận, “lấp cái hào ngăn cách chia đôi dân tộc Việt Nam, mà Mĩ đã đào ra”, mở con đường hoàn lương cho những kẻ lầm lạc tìm lại nhân phẩm và tính thiện. Lời đề nghị của Nguyễn Minh Châu đã thâu tóm được quy luật đời sống và giàu tính triết học. Cuộc sống xã hội vốn đầy mâu thuẫn, khác biệt, thậm chí đối kháng, nhưng cũng là một chỉnh thể thống nhất, trong đó con người không phải lúc nào cũng sẵn sàng đấu tranh tiêu diệt nhau mà còn cần gắn bó giao hòa, xóa bỏ hoặc kìm nén hận thù để cùng tồn tại và phát triển.
Ước nguyện hòa hợp dân tộc còn trăn trở trong tâm thức Nguyễn Minh Châu và trở lại lần nữa trong cuốn tiểu thuyết ra đời mười năm sau. Với Mảnh đất tình yêu (1987), vấn đề hòa hợp dân tộc không đặt ra trong quan hệ đối xử với những kẻ cùng máu đỏ da vàng một thời đứng ở bên kia chiến tuyến như Miền cháy, mà dành cho trường hợp những con người mang dòng máu ngoại lai - nạn nhân của cuộc chiến tranh xâm lược. Lời nguyện cầu thiết tha, chan chứa tình nhân ái của Nguyễn Minh Châu trong tác phẩm: Hãy ôm giữ những con người vô tội ấy trong vòng tay ấm áp của cộng đồng chúng ta, đừng để họ phải mặc cảm, bơ vơ vì nửa dòng máu lạc loài chảy trong cơ thể! Dưới ánh sáng soi đường của chủ nghĩa nhân văn, Mảnh đất tình yêu đã đi một bước xa hơn Miền cháy - ước nguyện hòa hợp dân tộc đã được mở rộng thành khát vọng hòa hợp con người với con người.
Là nhà văn luôn khát khao khám phá chiều sâu bí ẩn trong con người, Nguyễn Minh Châu đã phân tích để chỉ ra rằng con đường đi đến hòa hợp dân tộc, hòa hợp con người không hề giản đơn. Những oán hờn, định kiến... đã ăn sâu vào tâm lí, tình cảm tự nhiên của mỗi con người như một thứ kí sinh trùng bám chặt vào tâm não không dễ gì rứt bỏ, tẩy sạch. Trong Miền cháy, ý muốn trả thù riêng không chỉ trào sôi ở những người dân thường như mụ Kho mà còn nhen nhúm trong thâm tâm của một cán bộ thông tỏ chủ trương đường lối như Cúc. Một con người có tấm lòng từ ái như mẹ Êm cũng không tránh khỏi những biến động đầy mâu thuẫn khi được tác giả đặt trong phép thử tâm lí. Trước sự thật về Sinh - đứa con của tên sĩ quan ngụy, thằng bé từng được bà chăm sóc, ấp ủ đã trở thành “niềm yêu thương và nỗi căm ghét của chính mình”. Nỗi ác cảm đối với bất cứ cái gì gợi liên tưởng đến kẻ thù ấy còn ám ảnh Quy (Mảnh đất tình yêu). Ngay giữa lúc tình thương yêu đối với Hoa - cô gái lai Mĩ - tưởng như đã đưa đến sự hòa nhập trọn vẹn hai tâm hồn, Quy “bỗng nhận ra cái khoảng cách đầy bi đát giữa chúng tôi lại nằm ngay bên trong tôi. Đó là lúc tôi rùng mình, thảng thốt nhìn thấy cái màu xanh trong mắt Hoa, ôi, cái màu xanh bi ve trong mắt những tên lính Mĩ, kẻ đã gây nên cảnh máu chảy, xương phơi, trên dải đất này”. Đi vào những góc khuất tâm lí phức tạp ấy, ngòi bút Nguyễn Minh Châu đã tránh được lối minh họa giản đơn cho chính sách nhân đạo, đồng thời vạch rõ cái thử thách khắc nghiệt của “sự giáp mặt” mà nếu đủ bản lĩnh và nhân hậu để vượt qua, con người sẽ tìm được sự trong trẻo của tâm hồn trong ánh sáng nhân văn.
Ước nguyện hòa hợp dân tộc, hòa hợp con người với con người của Nguyễn Minh Châu không phải được thoát thai từ một ý tưởng khô cứng thuần lí trí hay máy móc dựa theo chủ trương, chính sách xã hội mà xuất phát từ trái tim một nhà văn giàu niềm trắc ẩn, bao dung và ưu ái đối với con người. Ông ái ngại, thương cảm trước cảnh ngộ của thằng bé Sinh (Miền cháy) và bộc lộ niềm xót xa vô hạn nhưng kín đáo đối với cô bé lai Mĩ đáng yêu từng bị hắt hủi, hành hạ đến mức trong con mắt “chỉ còn cái màu trắng nhợt nhạt của một nỗi tuyệt vọng đầy đau đớn” (Mảnh đất tình yêu). Thân phận những đứa trẻ vô tội ấy đã thức tỉnh lương tâm mọi người: Sự đối xử bất công dù xuất phát từ ý thức (định kiến của một số người lớn) hay vô thức (trò nghịch của trẻ con xóm Bến Đá) đều vi phạm quyền con người. Nghiêm trọng hơn, sự phân biệt đối xử ấy đã đi ngược với truyền thống giàu tình thương, giàu lòng tha thứ của dân tộc Việt Nam và đến một mức độ nào đó sẽ trở thành tội ác.
Bằng việc khắc họa những hình ảnh vừa cụ thể vừa mang tính tượng trưng, Nguyễn Minh Châu đã thể hiện đậm nét tư tưởng hòa hợp dân tộc, con người trên nền tảng của chủ nghĩa nhân đạo. Cảnh kết của Miền cháy mang đường nét, hình khối của một nhóm tượng đài; hình ảnh bà mẹ Việt Nam với khuôn mặt đau đớn khắc khổ đầy “những nếp nhăn chằng chịt từ đâu xô đến như những lớp sóng” giơ tay nâng tên sĩ quan ngụy đang quỳ sụp đứng dậy, đặt vào tay hắn “cái bàn tay trẻ con thật mềm mại, ấm nóng” có ý nghĩa như một dấu chuyển tiếp giữa quá khứ và tương lai, giữa lòng nhân từ độ lượng của nhân dân và sự ăn năn phục thiện của kẻ lầm lạc. Ý nghĩa hòa hợp còn được Nguyễn Minh Châu khéo phổ vào bức tranh trong truyện Cỏ lau mô tả đoàn người đi khai hoang trên vùng kinh tế mới sau ngày thống nhất: “Gia đình nào cũng có người mặc áo lính, không bên này thì bên kia. Một người đàn bà (...) lục chiếc làn lôi ra một mảnh áo quân phục bộ đội rách nát, lựa một miếng đem đặt úp lên chỗ vai áo rằn ri rách (...) Ngồi sau lưng người đàn bà là một thằng bé tóc xoăn tít, đen như cột nhà cháy đang ngủ gà ngủ gật, vẫn ôm khư khư trong hai bàn tay một cái bát hương”. Trong Mảnh đất tình yêu, ý nghĩa ấy chứa đựng trong chi tiết ông ngoại của Quy “đặt bàn tay của một người sắp từ giã cõi đời lên mái tóc đen của tôi rồi lần sang mái tóc vàng như rơm của con Mĩ trắng. Cái bàn tay gỗ hay run rẩy đặt trên mái đầu hai đứa chúng tôi khá lâu” như muốn dùng chất kết dính của tình thương gắn cả hai làm một. Đặc biệt, cái dáng ngồi “như cô đúc từ bao số phận đàn bà” và “có cái gì như từ bao đời xưa để lại” của cô gái lai Mĩ có giá trị như một biểu tượng thể hiện cao độ khát vọng nhân đạo của Nguyễn Minh Châu - khát vọng dung nạp, hòa nhập một sinh linh mang nòi giống xa lạ của kẻ thù vào mạch nguồn thẳm sâu của truyền thống dân tộc Việt.
Như vậy, có thể thấy, khát vọng hòa hợp con người với con người của Nguyễn Minh Châu đã được đẩy lên đến tinh thần nhân bản của nhân loại. Tinh thần ấy vượt lên mọi thiên kiến chính trị nhỏ nhen, mọi phân biệt hẹp hòi về quốc gia, sắc tộc. Căn cứ, tiêu chuẩn duy nhất để đi đến sự giao cảm đồng loại trên tinh thần ấy là cái Thiện và những giá trị nhân bản vĩnh hằng. Thực chất đó không phải là một tình thương chung chung, mơ hồ, siêu giai cấp mà được dựa trên nền tảng vững chắc của sự kết hợp hài hòa giữa tư tưởng nhân đạo và tư tưởng biện chứng triết học. Tinh thần nhân bản của nhân loại ấy còn là tiếng khóc và nỗi thương xót tột độ của người lính châu Phi trong đội quân viễn chinh trước cảnh người nữ du kích Việt Nam bị tra tấn, giết hại (Những ngày lưu lạc), là mối quan hệ mặn mà tình nghĩa giữa Việt Nam và đất nước Triệu Voi trong bút kí Hái hoa rừng Lào, mối quan hệ “chứa một cái gì thật là nhân bản, cái tinh thần nhân bản cổ xưa của hai dân tộc mà thiên nhiên đã gắn lại với nhau bằng một dãy núi dài”. Đặc biệt, trong Hòa đồng cùng nhân loại - tiểu luận đầy tâm huyết được viết cuối đời, nhà nghệ sĩ dũng cảm Nguyễn Minh Châu đã cất lên lời nguyện cầu cháy bỏng: Việt Nam phải thoát khỏi tình trạng “sống tách biệt với đồng loại” trong bao năm do được nuôi dưỡng bởi lòng tự hào dân tộc để “tìm cách sống hòa hợp, hòa đồng, cởi mở cùng nhân loại, bắt kịp nhịp đi của thời đại, để tìm con đường cơm no áo lành cho sáu chục triệu con người”.
Tư tưởng hòa hợp dân tộc và hòa đồng cùng nhân loại của Nguyễn Minh Châu - thể hiện mãnh liệt ngay từ cuối thập kỉ 70, đầu thập kỉ 80 của thế kỉ trước - là khát vọng hoàn toàn phù hợp với chính sách đại đoàn kết dân tộc của Đảng từ ngày lập quốc và chính sách mở cửa, làm bạn với tất cả các nước của Việt Nam hôm nay. Điều đó cho thấy ở ông tập trung cao độ tính nhạy cảm nghệ sĩ với khả năng nắm bắt, lắng nhận được từng hơi thở, bước đi của đất nước, thời đại. Với một sức nghĩ, sức nhìn thẳm sâu và khoáng đạt, khát vọng của Nguyễn Minh Châu không chỉ vỗ cánh trong khung trời nhỏ hẹp của một dân tộc mà ở mức độ nhất định đã vượt ra không gian mênh mông xa thẳm của loài người. Những ý tưởng nhân văn có xu hướng “vượt lên trên mọi bờ cõi và giới hạn” (Nam Cao) ấy đã góp phần quan trọng làm nên tầm vóc một nhà văn lớn.
Duy Văn/vanvn.net
-------
1. Mọi trích dẫn trong bài đều lấy từ bộ sách Nguyễn Minh Châu - toàn tập (5 tập), Nxb Văn học, Hà Nội, 2001.
Nguồn: Văn nghệ Quân đội