02-08-2012 - 08:55

Nhà văn ĐỨC BAN

Diễn ngôn một cách khiêm tốn chăng nữa thì Nhà văn Đức Ban vẫn chiếm một vị trí đáng kể trong số các nhà văn đương đaị Hà Tĩnh. Anh hội tụ được một số phẩm chất của một nghệ sĩ đi đường dài, vững chãi trên lộ trình văn nghiệp đầy thử thách: có một vốn sống phong phú, một khả năng giao lưu cởi mở và một năng lực tiếp nhận cái mới của kỹ thuật nghề nghiệp.



Họ và tên:   PHẠM ĐỨC BAN
Bút danh:   Đức Ban
 
Sinh ngày 10 tháng 01 năm 1949.
Dân tộc : Kinh
Nguyên quán: Xã Vĩnh Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh.
Hộ khẩu thường trú: Khối 4, Phường Nguyễn Du, Thành phố Hà Tĩnh.
Nguyên Chủ tịch Hội liên hiệp VHNT, Giám đốc Sở VHTT Hà Tĩnh
Hội viên Hội nhà văn Việt Nam
 
3. Quá trình học tập và công tác:
- Từ 1956- 1966: Học sinh
- Từ 1966- 1974: Sản xuất nông nghiệp, đi TNXP N299.P18
- 1974- 1982: Cán bộ biên tập và sáng tác văn học - Hội VHNT Hà Tĩnh và Nghệ Tĩnh
- 1982- 1985: Học khóa II, trường viết văn Nguyễn Du
-1986- 1991: Ủy viên BCH Hội VHNT Nghệ Tĩnh
- 1991- 1994: Phó Chủ tịch Hội VHNT Hà Tĩnh, Phó TBT Tạp chí Hồng Lĩnh
- 1995- 2004: Chủ tịch Hội, Tổng biên tập Tạp chí Hồng Lĩnh
- 2005- 2009: Giám đốc Sở VHTT ( sau là Sở VHTT& DL) Hà Tĩnh
- Hiện nay: Đã nghỉ hưu, Chi hội trưởng Chi hội nhà văn VN tỉnh Hà Tĩnh, UVBTV Hội liên hiệp VHNT Hà Tĩnh
 
* Tác phẩm đã xuất bản:
 13 tập sách, gồm Tiểu thuyết, Truyện vừa, Truyện ngắn. 
* Tác phẩm chính:  
- Đêm thức - Tập truyện ngắn,  Nhà xuất bản Văn học, năm 1994;
- Trăng vỡ - Tiểu thuyết, NXB Hội Nhà Văn Hà Nội, xuất bản năm 1992; Tái bản 2003.
-Truyện ngắn và truyện vừa; NXB Văn học; năm2008.
Đức Ban -  Truyện ngắn và Truyện vừa; NXB Văn học, Hà Nội 2003
 
* Giải thưởng văn học:
- 01giải A; 01 giải C Giải thưởng của Uỷ ban TQ Liên hiệp VHNT Việt Nam năm 1993 và năm 1994.
- Giải B cuộc thi Truyện ngắn Báo Văn nghệ - Hội Nhà văn Việt Nam (năm 2000), 1 giải C- Giải thưởng VHNT Nguyễn Du của tỉnh Nghệ Tĩnh ( năm 1990) 3 giải A (năm1995, 2000, 2005) - Giải thưởng VHNT Nguyễn Du của tỉnh Hà Tĩnh và một số giải thưởng các cuộc thi văn học TW và địa phương.  
        
 Nhà văn Đức Ban với việc đổi mới truyện ngắn
           Diễn ngôn một cách khiêm tốn chăng nữa thì Nhà văn Đức Ban vẫn chiếm một vị trí đáng kể trong số các nhà văn đương đaị Hà Tĩnh. Anh hội tụ được một số phẩm chất của một nghệ sĩ đi đường dài, vững chãi trên lộ trình văn nghiệp đầy thử thách: có một vốn sống phong phú, một khả năng giao lưu cởi mở và một năng lực tiếp nhận cái mới của kỹ thuật nghề nghiệp.Tốt nghiệp Đại học viết văn Nguyễn Du vào những khoá đầu tiên, về công tác ở tỉnh lẻ, trải nhiều chặng đường công tác, gắn bó đeo đẳng văn chương cho đến bây giờ. Đến nay anh đã cho ra đời trên vài chục đầu sách với nhiều thể loại truyện , bút ký, kịch, chân dung văn học...nhưng thành công nhất có lẽ là truyện ngắn. Với một “thi pháp tự sự” đổi mới có chọn lọc, nhiều tác phẩm đã gây được ấn tượng sâu đậm trong lòng bạn đọc trong cũng như ngoài nước. Trong guồng quay của sự tìm tòi một lối viết mới mà thế hệ anh theo đuổi, và không ít nhà văn đồng hương đã có những thành công như Xuân Thiều, Nguyễn Khắc Phê, Nguyễn Quang Thân..., Đức Ban có những đóng góp tạo nên một khuynh hướng mới mẻ trong dòng chảy của văn xuôi đương đại. Với cách nhìn cuộc sống dưới một góc độ mới, tác phẩm Đức Ban đã tiếp cận một lối viết khác trước không đơn giản -nhất thể hoá đời sống vốn đa chiều, đa phương, nhiều nghịch lý.
 
       Nông thôn là mảng đề tài được thể hiện khá đầy đặn trong tác phẩm Đức Ban. Là một thử thách vì đây cũng là mảng đề tài đã được thể hiện khá phong phú, sinh động trong nhiều trang viết của các nhà văn đàn anh trước Cách.mạng cũng như trong hai cuộc kháng chiến và thời kỳ xây dựng XHCN. Anh chọn một lối đi riêng: đề cập đến mảng khuất khó nhìn thấy trong đời sống những người nông dân sau chiến tranh với một bút pháp hiện thực mới, tạo được hiệu ứng thẩm mỹ không theo lối mòn ở nhiều tầng lớp độc giả. Trong cơ chế thị trường nông thôn bị cuốn vào cơn lốc “kim tiền”, sự tha hoá đạo đức, sự cám dỗ của đời sống vật chất đã len vào phá hoại những quan hệ truyền thống giữa người và người vốn dựa vào đạo lý, tình làng nghĩa xóm. Đó là những cô Nhi, ông Trìu, chị Lài, ông Cự... (Khúc hát ngày xưa, Ngôi sao hôm leo lét, Hoa Bần, Mắt giếng, Miếu làng ...) trong dòng chảy mới phải chịu nhiều mất mát, nhiều hệ luỵ, người thì mất nhà, kẻ mất cửa, nhiều lứa đôi chia lìa, thậm chí có người vào tù khuynh gia bại sản. Một vòng quay của sự mất phương hướng phủ lên những làng thôn sau những cơn bão lửa, bom đạn.
          Những nhân vật của Đức Ban đa phần tội nghiệp, bé nhỏ, sống với những ước vọng cũng bé nhỏ, nhưng trải nhiều nghịch cảnh như là định mệnh luôn rình rập đẩy họ vào những sự không may. Không may về duyên số, không may về thân phận, luôn chịu những hàm oan. Viết về nông thôn Đức Ban không kể nhiều về chuyện làm ăn kinh tế, chuyện mùa màng được mất, mà anh trình bày miêu tả những thân phận, những kiếp người. Những cuộc đời ngang trái, éo le và bất lực trước những âm mưu thủ đoạn, những đổ vỡ vì hiểu lầm hoặc vì định kiến cũng có. Trong đó, số phận không may mắn thường nghiêng về người phụ nữ: chị Nhàn, chị Thảo, em Nợi, cô Tề, người đàn bà điên...Những mối tình thật mãnh liệt họ vượt qua ngăn trở, qua định kiến, chịu đựng thử thách (Miếu làng, Mắt giếng, Chuyện quanh quán cây dừa, Tiếng đêm, Đền thờ Đức Thánh mẫu) để sống với tâm niệm của mình. Đó là những cô gái hồng nhan phận bạc: chị Nghĩa, chị Len,chị Thảo, cô gái điên (Đêm thức, Sóng bến Duềnh,Hoa bần, Tiếng đêm), họ là nạn nhân của thói hám danh, sự lừa gạt, phụ bạc cũng như bao tập tục khác còn nặng nề ở nông thôn. Nó đọng lại nơi tiếng hát mẹ con người đàn bà điên về “con lươn” cồm cộm trong đêm như dư âm một kiếp người. Nó là tiếng than của mẹ con cô Lài nơi bến Duềnh, vật hy sinh cho thói ham mê sắc dục của những kẻ quyền thế .Những người đàn bà mà số phận đưa đến nhiều thiệt thòi, mất mát cả về tình yêu, sinh kế cũng như tuổi xuân, họ đi về nơi vô định mà ký ức ấm áp ngày trước le lói một quầng sáng hư hao như là chiêm bao...Đó là hai người đàn bà trong câu chuyện Mồng mười tháng tám, những người đàn bà “từ rừng về”, những ngưòi ngày nào đẹp đẽ, mạnh mẽ, nay ốm o vụng về, đi trong trời mưa như vãi gạo, về thị xã mua vải mới, họ vất vưởng như “chẳng giống người trần” (như ma). Đó còn là những ông lão bị vùi dập sống trong tủi hờn: ông Trìu, lão Dụt, lão Đa (Ngôi sao hôm leo lét, Đền thờ Đức Thánh mẫu, Hoa bần ). Những nạn nhân không tự giác của những định kiến, của thói vụ lợi, con đẻ của chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, những ký sinh sống bám vào Cách mạng, phát triển nhan nhản trong mùa thắng lợi thời kỳ đầu xây dựng, khi xã hội chưa định hình được các chuẩn tắc. Đổi thay cách làm ăn có thể chỉ vài ba năm, nhưng đổi thay một nếp nghĩ một tập quán lâu hơn nhiều .
        Đề tài chiến tranh, Đức Ban không trực tiếp miêu tả các trận chiến, hay đời sống hậu phương thời binh lửa mà ngòi bút anh tập trung vào thân phận những người lính, những người TNXP thời hậu chiến. Các tác phẩm tiêu biểu như: Sông nước, Mồng mười tháng tám, Cô Tề làng tôi, Chuyện vẫn còn…Nỗi đau chiến tranh bây giờ không chỉ còn lại ở sự không hoàn hảo lành lặn của thân thể, mà còn chìm lặn vào nỗi thương tổn trong tâm hồn vì sự thờ ơ lạnh nhạt của con người với quá khứ, vì thói vô ơn, vì thói vụ lợi. Đó là nỗi đau của các cô gái lỡ thì, tuổi xuân để lại dọc Trường Sơn chồng chất bom đạn, giờ họ sống với những ước mong bình thường, đơn giản nhưng nào có được, không những thế những kẻ ác khẩu lại mỉa mai, bóng gió khiến những mất mát họ càng cháy bỏng như những vết thương (Mồng mười tháng tám)...
         Viết về một hiện thực lớn của xã hội, ngòi bút Đức Ban biết lảy ra vấn đề từ những sự việc hằng ngày tưởng như bằng lặng nhưng lại có sức nổi sóng. Anh biết chọn chi tiết để tạo tình huống. Đằng sau những sự việc và hành động của nhân vật Đức Ban thường đi sâu khơi gợi những khiá cạnh khác nhau, có khi chỉ là những khía cạnh rất nhỏ, rất riêng, dễ bỏ qua nhưng lại quyết định trong việc hình thành tính cách nhân vật. Từ tính cách nảy sinh số phận. Nhiều nghịch lý giữa tính cách và số phận làm bật lên nội dung nhân đạo sâu sắc. Tính triết lý của tác phẩm cũng từ đó bộc lộ. Câu chuyện “sông nước” trong tác phẩm cùng tên, nhà văn dựng lên câu chuyện tình tay ba tưởng như đã cũ nhưng lai khơi gợi người đọc một suy nghĩ mới về hạnh phúc. Khang và Tịnh yêu nhau. Khang đi lính không may bị thương lạc ngũ, về làng bị Hưng một kẻ cơ hội, hãnh tiến tiếm đoạt tình yêu của anh, rồi tìm cách hãm hại anh.  Nhưng cái kết thúc có hậu mang màu sắc dân gian đã tô vẽ cho câu chuyện hấp dẫn. Gặp lại Khang,  hối hận, Tịnh lại trao thân cho người tình cũ trong một đêm sông nước chơi vơi, đứa con oan trái với dị tật do chất độc da cam ngấm sâu từ thân thể Khang truyền sang đã trả Tịnh về cho anh, vì đó là bằng chứng để Hưng thấy Tịnh không còn là của mình. Bên cạnh tiếng nói lên án chiến tranh, lên án thói sa đoạ nhân tính, cái chân lý giản đơn “tình yêu lại đến với người ta yêu” được khắc hoạ trong một bối cảnh làng quê sông nước hữu tình là những trang viết chân thực về một tình yêu thế tục mộc mạc dân dã, gây nhiều cảm hứng cho độc giả thời mở cửa. Bình luận về các nhân vật trong tác phẩm này, nhà văn Bùi Hiển có nhận xét : "…nhân vật để lại ấn tượng nhất là nhân vật phụ cô Tịnh, chỉ hiện diện trong một phần ba, phần tư thân truyện nhưng gợi cho người đọc nhiều thương cảm, tính tình thẳng thắn lòng dạ thuỷ chung quá mềm yếu nhu mì nên là nạn nhân của sự gả bán ép uổng, âm mưu mua chuộc... , cô chống đỡ tội nghiệp ..."
          Tiểu thuyết Trăng vỡ (1992), cuốn sách tác giả viết vào thời kỳ đổi mới. Một cái nhìn mới mẻ về mặt trái của chiếc mề đay. Lấy bối cảnh những hoạt động của một tổng đội TNXP sau ngày chiến tranh, nhưng tác giả không nói về những chiến công về những gương sáng như ta thầm nghĩ. Qua ngôi thứ nhất –Lương, cũng chính là tác giả- kể lại những điều anh trải qua, chứng kiến: một sự tha hoá, một bi hài kịch trong thời hậu chiến. Tổng đội trưởng Phong, vị đại diện cho Tổng đội lại chính là kẻ bệnh hoạn xảo trá. Một trong hai tội lỗi thường gặp ở những kẻ có quyền uy mà tha hoá là “gái”, và “tiền”. Y đã lợi dụng chức quyền hại đời bao cô gái: Phượng- cô TNXP bị hãm hại sau khi có thai, đến Thuỳ Linh cũng vậy, Phong lại đẩy cái “vỏ ôc” cho Lương, người “văn hay chữ tốt” của đơn vị. Nạn nhân là đôi trai gái Lương- Linh. Lương mơ hồ trong cảm nhận, Linh ý thức tội lừa dối của mình. Nhưng tất cả đều chịu đựng. Tâm lý đôi trẻ này tác giả miêu tả khá đạt: những phút đắn đo, dằn vặt, những lo âu, nhưng rồi tình cảm con người trong hoạn nạn, cùng với cái bản ngã giới tính kéo họ đi qua những mặc cảm để trở thành tri kỷ. Cái bi hài kịch của Lương, người tạm gọi là trí thức trong cuộc chơi đành chấp nhận sự thoả hiệp. Nhưng vết thương có bị khoả lấp thì vết sẹo vẫn còn trong cái bản chất thiên lương của Thuỳ Linh nên cô bỏ đi, và lòng nhân đạo khiến Lương đi tìm về. Yên lòng để tồn tại, vết thương sẽ lãng quên, chỉ có phần thức tỉnh nhân phẩm ở độc giả. Một nhân vật trong tiểu thuyết Trăng vỡ đã thốt lên: Bom đạn thằng Mỹ nó khủng khiếp nó làm cho con người thương tật đui què,  thấy rõ ràng. Đằng này người ta làm cho anh bị thương nhưng không thấy người ta đâu ...Đó là cái thực tế Trăng vỡ - một thực tế tồn tại cả ngoài đời và trong hồn người. Một chủ đề mạnh dạn và táo bạo chỉ có thể viết ở thời kỳ đổi mới. Và chính cái táo bạo này đưa Trăng vỡ vào quỹ đạo cuả dòng văn chương đổi mới. Xã hội có thể lúc thế này, lúc thế kia, nhưng những kẻ tha hoá thì thời nào cũng có. Ngòi bút Đức Ban đi sâu khai phá cái hiện thực u ám, mặt trái của cơ chế thị trường để cảnh tỉnh lương tâm con người.
          Ngòi bút tinh tế giàu tình cảm của anh còn được thể hiện trong một số sáng tác cho thiếu nhi (Hoa Cúc vàng - NXB Kim Đồng 1987, Những tiếng chim - NXB Thuận hoá 1986).  Tình cảm chân thành cộng với trí tưởng tượng phong phú giúp nhà văn xây dựng một thế giới trẻ thơ giàu màu sắc âm thanh. Những mẫu hình hoa lá chim muông từ con chuồn, con chim bã trầu, chú chèo bẻo, anh gà bạch, từ hồ nước đến đám mây, rồi hoa cúc, hoa hồng, lá bàng vàng, cây phong lá đỏ... đều hiển hiện trong trang sách thành những biểu tượng gần gũi và thú vị. Tác giả nhân hóa tài tình giúp các bé với niềm vui bạn bè, tình yêu thiên nhiên vươn lên trong cuộc sống để dần hoàn thiện nhân cách thành những gương sáng con ngoan, trò giỏi.
         Hiện thực trong mắt nhìn Đức Ban phong phú đa dạng, nghệ thuật bởi vậy cũng có nhiều thay đổi. Đó là lối kể chuyện pha màu sắc “cổ tích thời hiện đại” (Khúc hát ngày xưa, Miếu làng, Chuyện cổ tích…).  Không gian: nơi ấy, thời gian : năm ấy, ngày xưa, được lấy làm bối cảnh cho nhiều câu chuyện. Nhân vật đa phần là những con người số phận thiệt thòi. Họ không gặp tiên phật để đổi đời mà họ dựa vào niềm tin và sự nỗ lực của bản thân, trưởng thành trong mất mát chứ không theo cái quy tắc truyền thống “ở thiện gặp lành ở ác gặp ác”. Tính hiện đại ở tác phẩm Đức Ban còn thể hiện ở sự kết hợp các yếu tố hữu thức với vô thức. Tính chất kỳ ảo, hư tưởng xuất hiện trong tác phẩm như một thành phần không thể thiếu cuả cấu trúc hình tượng (Đêm thức, Hoa đại ). Khi là ánh lửa mờ ảo, khi là tán cây nhập nhoạng, cái lò gạch hoang tàn, khi thì người đàn bà hát ca điên dại, khi là tiếng vọng bên sông... không khí huyền hoặc, đượm màu liêu trai tạo một bối cảnh mờ sương ở nhiều tác phẩm.
        Nói đến nghệ thuật dựng truyện là nói đến cách chọn chi tiết, xây dựng cốt truyện và khắc hoạ nhân vật. Chi tiết trong truyện Đức Ban gợi nhiều liên tưởng, từ một cái đầm làng, một gốc bồ đề, hay một ngôi đền đều ẩn chứa nhiều giai thoại, huỳền thoại, dắt dẫn trí tưởng tượng người đọc vượt không gian, thời gian đến những miền xa xôi của ký ức. Thực ra, cốt truyện ở các tác phẩm Đức Ban không có nhiều mới lạ nhưng bù vào anh chú ý tạo dựng những kết cấu khá độc đáo. Đó là lối kết cấu tương phản (Mồng mười tháng tám), đưa nhân vật vào hai tuyến trái ngược làm bật ra ý nghĩa chủ đề, hay lối kết cấu “truyện trong truyện” tạo một hồi hộp cho người đọc ( Sông Nước, Sóng Bến Duềnh) hay lối đồng hiện (Mạng nhện) quá khứ, hiện tại được thể hiện theo tâm trạng, không theo thời gian tuyến tính. Lối kết cấu đa dạng được cộng hưởng bằng một giọng văn đa dạng nhiều sắc thái (đa thanh), đưa đến  cho người đọc nhiều cảm xúc thẩm mỹ, khi thì chậm rãi theo lời kể dẫn chuyện, khi trào lộng hài hước theo tâm trạng nhân vật, lúc thì ngôn ngữ phóng túng dân dã nhưng cũng có khi lại trang trọng cổ kính đầy triết lý. Văn Đức Ban là một dấu nối giữa quy phạm và tự do. Nó không đơn điệu mà sinh động giàu âm hưởng đời sống – nhịp điệu nhanh chậm, độ ngắn dài cũng như hình ảnh, từ ngữ rất gợi cảm.
      ...Chao cái lửa củi của làng quê ấy...Đến cái khói của nó cũng ấm ngọt...Anh bỗng thấy nhớ làng cồn cào. Anh phải về có chết cũng chết ở làng. Đất làng anh dẻo quắn, ấm sực. Anh quyết thế và rời gốc bằng lăng. Giữa trưa anh nom thấy dãy tre làng. Tự nhiên người anh run lên. Cái cơn run không phải vì rét. Mắt anh cay xè. Anh lang thang ngoài thành phố bao nhiêu năm trời. Thật tệ. Tệ với làng. Tệ với cô ấy. Anh bỏ cô ta? Cô ta bỏ anh? Không biết ai dúng ai sai nữa. Cơ mà cái duyên trời buộc vào cổ tay hai người hàng chục năm nay rồi thì cứ sống trong anh lúc nó bùng rực lửa, lúc nó leo lắt. Cái đầu anh thì càng thêm mụ mị chuyện nọ xọ chuyện kia. Anh nhớ làng có cái cầu tre bắc qua sông nhỏ đầy cá mương và bống đất...( Miếu làng ). Nhịp điệu câu văn gấp gáp, từ ngữ chân quê, nhiều than, nhiều hỏi.., nó như hiển hiện cái tâm trạng bồn chồn của người lính áo vải nhớ về làng, về người thân không phút giây yên ắng hay ngơi nghỉ.
          Nhân vật trong truỵên của anh đa phần có số phận không may mắn: một lão Trìu, ông Dụt, con Hệ, con Nợi...ngay cái tên cũng gợi nhiều uẩn khúc oan trái. Cái cũ cái mới lẫn lộn. Thành kiến, hủ tục, gia trưởng chi phối bao số phận, đặc biệt là phụ nữ. Họ đều là sản phẩm của một nông thôn đang trên đường thay đổi, là những mẫu người quanh quẩn bên con sông Nghèn quê anh. Chân chất, gan dạ vượt lên trên những bất hạnh để tồn tại. Có một cái gì gần gũi giữa họ với Lão Khúng của Nguyễn Minh Châu, những con người Xứ Nghệ nghèo khổ, chân thật gan góc nhưng rất độ lượng và giàu tình thương. Đức Ban cũng là nhà văn mà trong tác phẩm không ngại đưa vào nhiều yếu tố nhục cảm. Nhục cảm mà không gợi dục, nó chỉ thể hiện sắc nét hơn đặc điểm tính cách nhân vật. Đó là tâm trạng bứt rứt của một người phụ nữ lỡ thì trong đêm cố dằn xuống những dục vọng bản năng bao tháng ngày dồn nén hay cảm giác hoan hỉ của một đôi tình nhân dâng hiến cho nhau tràn đầy trên sông nước...Những bản năng nhân tính, theo cách nói của K.Marx, là những động lực giúp con người tìm thấy bản thân. Với những tìm tòi, mạnh dạn kể trên trong một số tác phẩm của Đức Ban hiệu ứng thẩm mỹ được nâng cao, tuy nhiên đó chỉ là những yếu tố bột phát chưa là một chủ ý để lặp lại thường xuyên của cá tính sáng tạo của tác giả. Bao năm sống chết với Văn, dẫu có lúc thăng, lúc giáng anh nghĩ về nghề rất rõ ràng: "...Gần ba chục năm cầm bút, tôi chưa bao giờ viết vì miếng cơm manh áo cho dù tôi đã hàng chục năm sống thiếu thốn và cả nghèo đói nữa. Ấy là điều mỗi lúc ngoảnh nhìn tự thấy bằng lòng. Còn nữa, chưa khi nào tôi tự bằng lòng với trang viết của mình. Cứ khao khát không nguôi thông qua ngôn ngữ chế biến tư tưởng tình cảm của mình thành những món ăn ngon cho đời. Cứ luôn thấy mình mắc nợ. Cứ luôn thấy mình tài hèn sức mọn trước văn chương nghệ thuật... Chao ôi cái nghề văn mới khắc nghiệt làm sao. Và có lẽ vì thế mà tôi cũng như bao người khác yêu nó đến kiệt sức"
           Anh về hưu, công việc sự vụ, hành chính không còn làm anh bận rộn, có nhiều thời gian cho văn chương. Sự từng trải và khả năng nhanh nhạy luôn bắt kịp cái mới chắc chắn còn giúp anh nhiều trên con đường sáng tạo. Một thế hệ tác giả trẻ chịu ảnh hưởng của phong cách truyện ngắn Đức Ban đang dần đông góp phần làm phong phú nền văn chương tỉnh nhà thời kỳ mới.
                                                                           ThS Trần Thị Anh Thư
                                                                                                   (Nguồn: .www.htu.edu.vn)
. . . . .
Loading the player...