Nhà văn Hà Quảng tên thật Trần Ninh, sinh năm 1942, quê quán: huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, vào Hội nhà văn: 01-2012. Ông nhiều năm dạy học, một thời gian đi bộ đội chiến trường Quảng Trị, về công tác Sở Giáo dục & Đào tạo Hà Tĩnh, được phong tặng NGƯT năm 2000. Nhiều năm tham gia Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Tĩnh. Tạp chí Hồng Lĩnh số 220 tháng 12/2024 trân trọng giới thiệu chân dung, bài viết Đến với “thơ hay” và những ngộ nhận của nhà văn Hà Quảng và bài viết “Một bản lĩnh phê bình” của tiến sĩ Đặng Lưu
Nhà văn Hà Quảng
Nhà văn Hà Quảng tên thật Trần Ninh, sinh năm 1942, quê quán: huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, vào Hội nhà văn: 01-2012. Ông nhiều năm dạy học, một thời gian đi bộ đội chiến trường Quảng Trị, về công tác Sở Giáo dục & Đào tạo Hà Tĩnh, được phong tặng NGƯT năm 2000. Nhiều năm tham gia Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Tĩnh.
Ngoài dạy học, ông làm thơ và viết văn. Thơ đã xuất bản các tập Hương quê (1980), Tình ca Người lính (1989) in chung với Xuân Hoài và Nguyễn Trọng Tạo. Mặc dù không phải là nhà viết LLPB chuyên nghiệp, nhưng có thể nói Hà Quảng là cây bút viết nghiên cứu phê bình chuyên nghiệp duy nhất ở Hà Tĩnh. Trong nhiều năm qua, Hà Quảng vẫn miệt mài đọc, quan sát, cập nhật thường xuyên đời sống văn học trong nước và địa phương. Với vốn lý luận phong phú vững chắc, năng lực thẩm bình sâu sắc và tinh tế, cách nhìn nhận khá điềm tĩnh và khoa học về đời sống văn chương, ông đã có những trang viết thuyết phục về đời sống văn chương, đặc biệt là một cái nhìn cụ thể và toàn cảnh về văn học đương đại. Ông là hội viên Hội nhà văn Việt Nam, là Trưởng ban LLPB của Hội VHNT Hà Tĩnh trong nhiều năm. Lĩnh vực LLPB vốn thiếu, mỏng về đội ngũ gần như đã có ông “gánh vác” thay. Sức đọc, sức viết và sức nghĩ của một người chuyên tâm và say mê với tác phẩm văn chương thể hiện ra trong hơn chục cuốn sách phê bình, nghiên cứu mà ông đã xuất bản: “Văn chương, cảm nhận và phân tích” (2000), “Thơ lục bát mới” (1998), “Thơ ca yêu nước và cách mạng Hồng Lam” (2000), “Bên những dòng văn” (2002), “Nhành hoa bên suối” (Nxb. Hội Nhà văn, 2007), “Văn chương - một góc nhìn” (Nxb. Hội Nhà văn, 2009), “Nguyễn Du - sao mai lấp lánh” (2010), Nhà văn Hà Tĩnh đương đại (2012), Hồng Lam - đất văn chương, đất khoa bảng (Biên khảo, Nxb. Thông Tấn, 2012), Cảm nhận và suy ngẫm (Nxb. Hội Nhà văn, 2012), “Văn chương, ký ức và sáng tạo” (Nxb. Hội Nhà văn, 2014) và “Đến với thơ đương đại” (Nxb. Hội Nhà văn, 2017), Dưới bóng Sao Khuê (Nxb. Hội Nhà văn 2024).
Những đóng góp của ông cho lĩnh vực nghiên cứu LLPB đã được ghi nhận bằng Giải thưởng VHNT Nguyễn Du (Lần I,II,III, IV,V) và tặng thưởng của Hội đồng LLPB TW năm 2018 và 2023.
Đến với “thơ hay” và những ngộ nhận
HÀ QUẢNG
Nhà thơ Trần Nhuận Minh khi bàn về Thơ có nói: “Tôi không quan tâm đến các chủ nghĩa, các trường phái chỉ quan tâm đến thơ hay [...] Và khi đã đạt đến cái hay thì mọi giá trị ngang nhau. Nhưng hay thế nào thì tôi không giải thích được “(báo Văn nghệ số 40 tháng 10-2022)… Một nhà thơ từng trải đã nói vậy, chúng tôi nghĩ khó có thể giải thích thêm, tuy nhiên trên con đường đi đến cái lĩnh vực “thơ hay đầy hoang hoải mịt mờ” đó chỉ mong nói đến vài ngã rẽ ngõ hầu có thể tự nhắc mình và các bạn trẻ đi vào cái lối chính để tìm đến “thơ hay” đỡ phần ngộ nhận!
Thử làm vài cuộc khảo sát chân thành và thiết thực: Nhớ lại cuộc hội thảo năm nào về Thơ Mai Văn Phấn và Đồng Đức Bốn, rồi hội thảo về Thơ Nguyễn Quang Thiều, Thơ Hà Nội 45 năm…, gần đây là Cuộc thi Thơ của báo Văn Nghệ, người ta ghi nhận sự thành công của chúng về mặt tổ chức, về sự tham gia của người yêu thơ nhưng về sự nhận thức sáng tỏ hơn về cái gọi là thơ hay, để bổ sung cho sự cảm thụ của công chúng thì quả thật chưa thỏa mãn. Tự ám thị, thấy “cái chuẩn” của thơ hay không dừng lại tình yêu của các fan hâm mộ về các phong cách sáng tạo kỹ thuật thơ độc đáo, của các sở thích cá nhân về cái mới lạ và kể cả sự đề cao của một bộ phận độc giả cộng đồng mà dấu ấn thi ca đã thành nếp. Nó là một cái gì sâu sắc và bao quát hơn nhiều.
Đi đến thơ hay có nhiều ngả. Một ngả chủ trương làm mới Thơ, nâng cao chất lượng Thơ chủ yếu là đổi mới về kỹ thuật, là trau chuốt ngôn ngữ, dụng công nhuận sắc các con chữ, các con âm theo kịp các trào lưu hiện đại phương Tây. Ngã khác, kiên trì đi về phía dân gian, cố gắng dân gian hóa thơ ca của mình theo một lối dân dã mới, gắn với cuộc sống thời mở cửa. Ngã thứ ba, phấn đấu thơ đạt chất lượng cao chủ yếu ở sự ổn định tiếp nối truyền thống cố gắng cách tân vài thành tố về thể loại, ngôn ngữ… Từng ngả đề cao những phương thức những thủ pháp nghệ thuật riêng, những chân lý riêng cho Thơ. Các phương cách sáng tạo đó không phủ định nhau mà chỉ góp phần làm phong phú Thơ. Tuy nhiên để không sa vào cái chân, giả lẫn lộn mà thời nào cũng có và người đời hay vướng bận, vài điều cần lưu ý.
Nhà thơ lớn nào cũng là bậc thầy về ngôn ngữ, về kỹ thuật thơ ca, nhưng cái người ta suy tôn trước hết là ở cái nội dung lớn lao, cao cả mà nhà thơ làm rung động tâm hồn nguời đọc chứ không phải ở phép “phù thủy” của kỹ thuật. Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương… sống mãi trong lòng mọi người là ở tấm lòng nhân mênh mông của các vị. Độc giả muốn tìm một ý nghĩa gì đó về thân phận con người về thế giới đa sắc đa hương được các tác giả thể hiện làm cho tâm hồn mình thêm giàu có chứ không phải để ngạc nhiên trước các thủ thuật thơ ca.
Ở Phương Đông và Việt Nam nói riêng thời nào cũng có những nhà thơ coi trọng hình thức, những nhà thơ duy mỹ ưa chuộng sự kỳ dị hiểm tích trong việc dùng chữ, gieo vần. Vào cuối thế kỷ trước bên Âu Mỹ có các trường phái Thơ Ngôn Ngữ, Thơ Tân Hình thức, cũng với khuynh hướng trau chuốt hình thức, tuyệt đối hóa ngôn ngữ, nó lan nhanh sang các nước và thịnh hành trong một số nhà thơ Việt Nam hải ngoại cũng như quốc nội và không phải không có những thành công nhất định, nhưng cũng có không ít những vấn đề khiến người đọc băn khoăn, suy nghĩ khi những đặc tính của nó được áp dụng vội vã.
Sự phát triển của Văn học - Nghệ thuật đương đại hướng đến hai tính chất thoáng nhìn như “trái ngược” nhưng thực ra có một quan hệ biện chứng, là đồ thị một hệ phương trình mà trục tung là tính dân tộc (truyền thống) trục hoành là tính hiện đại (cái mới), tuy có hai tham số nhưng tích hợp lại cùng một phương. Cái khó là tìm ra phương tích hợp của đồ thị, cũng tức là tìm ra chân giá trị của tác phẩm, sự thống nhất hai phẩm tính đó trong một hình tượng nghệ thuật thơ. Vì giữa các khái niệm Mới, Đẹp, Hay của thơ ca không phải lúc nào cũng chồng khít lên nhau. Có người nặng về cái mới, cái lạ , có người thiên về cái truyền thống và cho đó chính là cái đẹp, cái hay của thi pháp Thơ. Rồi mối quan hệ giữa những cái đó với hiện thực… Sự bộn bề của Thơ bắt nguồn từ đó. Thơ hiện nay quả thật đang trong “cuộc kiếm tìm, thử nghiệm” và phê bình thơ cũng vậy, trước mắt là những câu hỏi lớn về truyền thống và cách tân, về sự hội nhập và bản sắc dân tộc, về cái đẹp chân chính của thơ ở nội dung đời sống hay kỹ thuật ngôn từ… Theo chúng tôi, đó chính là vấn đề còn nhiều “khoảng mờ” của Thơ về cái sự đọc cũng như lý luận - phê bình thơ hiện nay và quả thật chưa có công trình nào giải thích một cách khả tín, tạo được sự tin tưởng về cái điều mà nhà thơ Trần Nhuận Minh đã nêu lên.
Con đường gập ghềnh của sự đi tìm “cái khác lạ” đã thành vệt tự ngàn xưa, phê bình giúp thơ và cũng tự giúp mình khỏi vấp ngã sa vào các ngã rẽ cực đoan và phiến diện mà đi vào cái lối chính để đến với cái chuẩn của thơ hay, thỏa mãn những yêu cầu trong cuộc phối sinh giữa đời sống với những khả thể của thơ. Dẫu rằng Thơ có những đặc tính và sức mạnh có “chân lý riêng” nhưng Thơ không tự đặt ra một cái chuẩn “tự mình”. Để thực sự còn lại với thời gian, thơ và phê bình thơ đừng quá ham thanh chuộng lạ chạy về phía các “Chủ nghĩa” này nọ mà xa rời các yêu cầu trong đời sống thực tế, có nhiều ngả đến với Thơ hay nhưng tất yếu ngả nào cũng không thể tách rời các nhu cầu và thị hiếu thẩm mỹ của cộng đồng đặt ra trong thực tại.
Trong những tiêu chí tạo nên cái chuẩn thơ hay chúng tôi cho rằng tính lý tưởng toát lên từ cuộc sống hiện tại vẫn là hàng đầu, thứ mới đến những vấn đề của thi pháp, của hình thức, ngôn ngữ. Chế Lan Viên, một đỉnh cao của siêu thực một thời cũng đã tỉnh ngộ: ….Vạt áo nhà thơ không đựng hết bạc vàng mà đời rơi vãi/, Hãy nhặt những chữ trong đời mà viết nên chương. Hay: …Máu thấm vào lòng đất đã sâu/ Sao trang giấy lòng anh suy nghĩ cạn. Tất thảy đều muốn nói đến quan hệ, sự gắn bó thơ ca với cuộc sống. Thơ cần có mục đích, cần có tư tưởng. Thơ cần hướng đến độc giả số đông chứ không chỉ hướng đến số ít “tầng lớp ưu tú”, thậm chí “chỉ viết cho tôi” như có người nghĩ! Các bậc thi bá xưa nay đều mong thơ mình lan tới các hang cùng ngõ hẻm, UNESCO công nhận Nguyễn Du là danh nhân văn hóa cái tiêu chí đầu tiên là sức lan tỏa của nó trong cộng đồng, người đời có thể quên tác giả nhưng không quên thơ! Một hệ luận nảy sinh: Hồn thơ phải rung động hồn người. Cái chuẩn thơ hay phải chăng có thể xa lạ với điều này! Cái chuẩn này nó vượt mọi định chế xã hội, thời gian và không gian.
Không nên máy móc nghĩ rằng đã là nhà thơ lớn thì tất cả thi phẩm của họ cũng đạt được phẩm chất trên, họ vẫn có những bài thơ khô khan thuần lý, tình không kịp ý, chỉ đơn thuần lạ về kỹ thuật, về ngôn từ. Nhà phê bình ngụy biện, đem sự “thất bại” đó làm mẫu cho các nhà thơ trẻ vì cái thương hiệu mà nhà thơ tạo nên. Một dãy các loại thơ “bắt chước” khô cứng bắt đầu xuất hiện từ đấy! Một vài khuôn mặt thì phong phú đa dạng nhưng khi tràn lan đại diện cho cả một nền thơ thì nghèo nàn đơn điệu, xa lạ với đời sống, cộng đồng.
Để chiếm lĩnh tình cảm người đọc không nên dừng lại nơi thói quen cảm thụ đã thành nếp nhưng cũng không phải bằng sự hướng chú ý của họ vào “cái mới” qua ngôn ngữ kỳ khu hoặc qua những hình thái tổng hợp bí hiểm vô thức. Sau ngày thống nhất trong sự giao lưu văn hóa thế giới, nhiều thứ chủ nghĩa lan vào văn hóa ta, có một phương cách sáng tạo thơ mà có nhà phê bình đã nhắc đến, đó là “trốn vào ngôn ngữ”, từ cái luận điểm “thế giới là văn bản” họ lái đến “thơ ca là ngôn ngữ”, ngôn ngữ là trên hết, tạo cái khác lạ, khó hiểu, có vẻ như có chiều sâu suy cảm, đó chỉ là một thứ lãng mạn mới, thoát ly những mâu thuẫn khó khăn trong cuộc sống trốn vào ma trận ngôn ngữ gây ảo giác cho người đọc! Đối chiếu các chặng đường phát triển nghệ thuật thời gian qua cho thấy tác phẩm nào mà có tiếng vang, nhiều độc giả tìm đến, đều có gốc rễ từ việc luôn đề cập đến những vấn đề độc giả quan tâm, với một hình thức độc giả ưa thích, nó không hề vượt ra ngoài “tầm đón nhận” của công chúng.
Nói về ý nghĩa, sự ảnh hưởng của cái “mới”, “cái lạ” của ngôn ngữ nói riêng và các hình thức nghệ thuật nói chung, chúng tôi rất tâm đắc với câu nói được J.P. Sartre trích dẫn trong tác phẩm của mình: “Các từ là những khẩu súng đã nạp đạn. Nếu ông nói nó sẽ nổ. Ông có thể nín lặng, song bởi vì ông đã quyết định bắn cho nên đấy phải là một con người nhắm đích mà bắn chứ không phải là một đứa bé hú họa nhắm mắt mà bắn và chỉ để thích thú vì nghe tiếng nổ .” (*)
Các phương cách sáng tạo Thơ, các hình thức ngôn ngữ, suy cho cùng đó không nên là mục đích của thơ, đó chỉ là phương tiện, cái mục đích, cái cuối cùng của thơ, cái đích bắn là sự tác động vào tâm hồn người đọc, còn tiếng nổ - các kiểu ngôn từ - có thể làm thích thú ai đó nhưng đó không phải là cái đích của thơ ca. Đi tìm cái hay của Thơ nên chăng nghĩ về điều đó. /.
H.Q
_____________
(*) J.P.Sartre - Văn học là gì - Nxb. Hội Nhà văn 1999- Tr31.
Một bản lĩnh phê bình
(Nhân đọc “Bên những dòng văn”,
tập phê bình của Hà Quảng, Hội LHVHNT Hà Tĩnh, 2001)
ĐẶNG LƯU
Chúng ta đã nghe không ít những lời phàn nàn về tình trạng tẻ nhạt của phê bình văn học thời nay. Một thực trạng không thể nói khác được. Đối với văn nghệ một địa phương, vấn đề đó lại càng bức xúc. Vì lẽ đó, thật đáng trân trọng những suy ngẫm của tác giả Hà Quảng được hoàn kết trong tập sách Bên những dòng văn do Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Tĩnh ấn hành giữa năm này.
Với 21 bài viết thuộc về những mảng khác nhau, cuốn sách đã động đến nhiều vấn đề khá nhạy cảm của đời sống văn học đương đại. Tuy nhiên, gây chú ý cho người đọc hơn cả có lẽ là những bài tranh luận về thơ hiện đại. Bản lĩnh, tri thức lý luận, chủ kiến của nguời viết cũng được bộc lộ rõ hơn hết qua những bài viết này.
Ta biết rằng khoảng mươi năm lại đây đã từng rộ lên những cuộc tranh cãi khá gay gắt về vấn đề thơ truyền thống và thơ hiện đại. Điều này bắt đầu từ sự đa dạng của thực tế sáng tác. Quả là trong đời sống văn học đã xuất hiện những tác phẩm thơ thể hiện sự tìm tòi, cách tân về hình thức nghệ thuật nhằm biểu đạt những tư tưởng cảm xúc mới. Thơ Trần Dần, Lê Đạt, Đặng Đình Hưng, Nguyễn Quang Thiều, Mai Văn Phấn… đưa đến những cảm thức hiện đại là lẽ thường tình trong những bộ phận độc giả khác nhau. Điều đáng nói là trong rất nhiều bài viết, một số cây bút phê bình đã thể hiện những chiều hướng cực đoan trong đánh giá (hoặc phủ nhận hoặc đề cao đến mức tuyệt đối). Đối thoại với những quan niệm này Hà Quảng tỏ ra điềm tĩnh đưa ra những kiến giải của riêng mình, góp thêm một tiếng nói có sức thuyết phục. Thái độ của người viết là luôn luôn đặt lợi ích của học thuật lên hàng đầu, chịu khó lắng nghe, theo dõi, chấp nhận nhiều cá tính, nhiều tiếng nói khác biệt, nâng niu những tìm tòi, nhưng cũng không khoan nhượng với những điều tác giả cho là lệch chuẩn. Không thể nào có hiện tượng “ngôn ngữ thơ ca chết đi hóa thân thành siêu ký ức”, trái lại, ký ức lan toả còn có nghĩa là thơ ca còn, “mà thơ ca ở đây chính là cái chỉnh thể nội dung thơ cùng tồn tại với ngôn ngữ thơ vậy" (trang 23). Có thế giải thích hình tượng thơ nhưng cũng có khía cạnh không thể giải thích đuợc, “cái phần hữu lý và cái phần phi lý giaơ nhau, tạo nên sự đa dạng, sự phong phú của việc thưởng thức nghệ thuật. Nhưng từ đó đi đến ý niệm xem thơ ca chỉ cần “cảm" không cần "hiểu” là cực đoan” (trang 25).
Đằng sau những câu chữ kia, tôi hình dung cái biên độ khá rộng trong cái gu thẩm mĩ của người viết thể hiện qua việc thẩm định các giá trị thơ ca. Nhưng đáng biểu dương hơn là tác giả đã không bị “lóa" trước những ngôn từ “mạ kền" bóng lộn cũng như những thuật ngữ lạ tai vốn xuất hiện dày đặc trong các bài viết chẳng hạn: “vô thức cộng đồng", “siêu văn hóa’’, “siêu ký ức”, “siêu ngôn ngữ”, “tiểu ngã", “đại ngã”, “văn học phản tỉnh", cùng rất nhiều tri thức triết học hiện đại được tung ra ào ạt. Hà Quảng đã lặng lẽ xuyên qua những “trùng vi thuật ngữ" ấy cố nắm cho được cái lõi tư tưởng của người viết thể hiện từ các luận điểm, đặng tranh luận với một thái độ thẳng thắn, chân thành, cởi mở. Được như vậy là do tác giá rất chịu khó đọc để gắng nắm bắt những vấn đề mới, có ý nghĩa đang được đặt ra thường xuyên. Tôi cho rằng, đây là chỗ khả thủ nhất của tập sách này.
Có lẽ từ cái nền lý luận khá vững vàng ấy, tác giả có điều kiện thẩm định, phê bình thấu đáo những tác phẩm mới xuất hiện. Hà Quảng đã góp một tiếng nói kịp thời khi các tác phẩm mới ra đời làm xôn xao dư luận. Tôi đã có điều kiện đối sánh với những bài viết xuất hiện cùng thời điểm để nhận ra sự thẩm bình thấu tình đạt lý về những tập sách mới được ấn hành, ông chịu khó đọc kỹ nghiền ngẫm khái quát được những đặc điểm riêng về kiểu tư duy cùng những cảm xúc bao trùm của họ. Chẳng hạn: cảm xúc lịch sử trong Hạt đắng của Bùi Quang Thanh, cách cảm nhận tình yêu trong thơ của Nguyễn Trọng Bính, chất hư ảo, cổ kính mà chân quê, triết lý mà thấm đẫm tình nguời cùng ánh sáng tâm linh trong thơ Lê Quốc Hán... Một cái nhìn khá tinh tế của người viết phê bình khiến người đọc dễ có được tấm lòng cộng cảm khi đọc “Bên những dòng văn". Hơn thế nó còn gợi ra những vấn đề có thế trao đổi thêm rất thú vị./.
Đ.L