03-12-2020 - 08:02

NHỮNG GIÁ TRỊ TRƯỜNG TỒN TRONG DI SẢN NGHỆ THUẬT NGUYỄN DU

Tạp chí Hồng Lĩnh số 171 tháng 11/2020 trân trọng giới thiệu bài viết "Những giá trị trường tồn trong di sản nghệ thuật Nguyễn Du" của tác giả Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài TNVN, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình VHNT Trung ương.

NHỮNG GIÁ TRỊ TRƯỜNG TỒN

TRONG DI SẢN NGHỆ THUẬT NGUYỄN DU

                                                                           

Nguyễn Du vốn đã rất vĩ đại nhưng ông trở nên vĩ đại hơn khi tiếng khóc thương vì số phận con người của ông được cả nhân loại nghe thấy. Kiệt tác Truyện Kiều của Nguyễn Du đã trở thành máu thịt, hồn cốt của dân tộc, được dịch ra hơn 20 thứ tiếng với hơn 30 bản dịch, khiến nhân loại phải đi sâu tìm hiểu và chiêm ngưỡng. Bản dịch gần đây nhất của các nhà thơ Nga và Việt Nam ra mắt bạn đọc đầu tháng 11 năm 2015 thêm một lần nữa khẳng định giá trị to lớn của tác phẩm này. Nhà thơ Nga Vaxili Pôpôp, người dịch Truyện Kiều sang tiếng Nga đã nói: “Đọc xong Truyện Kiều của Nguyễn Du, tôi đã trở thành một con người khác”. Năng lượng tỏa ra từ Truyện Kiều thật vô tận, Nguyễn Du đã giúp chúng ta nối dài vòng tay với nhân loại, gắn kết thế giới bằng chữ Tâm, chữ Tình. Truyện Kiều giống như một viên ngọc nhiều màu sắc càng mài càng sáng, mà mỗi một con người và mỗi một dân tộc tự soi vào đó đều thấy số phận của mình.

Nguyễn Du, tự là Tố Như, sinh tại Thăng Long. Quê cha ở làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh; quê mẹ tại Đông Ngàn, Kinh Bắc (nay thuộc Từ Sơn, Bắc Ninh). Đây đều là những vùng đất văn vật, có truyền thống văn hiến, khoa cử nổi tiếng. Nguyễn Du chịu ảnh hưởng sâu đậm truyền thống văn hóa, tri thức của gia đình và của ba vùng đất tiêu biểu Thăng Long, Kinh Bắc và đặc biệt là quê hương sông Lam, núi Hồng, Nghệ Tĩnh. Những năm tháng tuổi thơ êm đẹp của ông trôi qua rất nhanh. Năm lên 10 tuổi ông mồ côi cha, năm 12 tuổi mồ côi mẹ, phải ở nhờ nhà anh cả. Năm 1780, anh cả Nguyễn Khản bị hạ ngục, 1782 bị kiêu binh truy sát, nhà cửa bị cướp phá, phải chạy trốn. 1786, nhà Tây Sơn ra Bắc diệt chúa Trịnh. 1789, Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế, đại phá quân Thanh, đuổi Lê Chiêu Thống ra khỏi Thăng Long. Những sóng gió cuộc đời và những biến cố lịch sử lớn lao đương thời đã khiến chàng trai trẻ phải phiêu bạt khắp nơi (gia đình ly tán, anh em “chia năm xẻ bảy”, bản thân ông lúc lận đận trên núi rừng Thái Nguyên, khi lang thang cô độc nơi quê vợ Thái Bình, lúc bị bắt giữ ở Hà Tĩnh...) với nhiều năm khốn đốn, vất vả trong đói rét, hiểm nguy nhưng cũng nhờ vậy mà nhà thơ đã có điều kiện sống gần gũi với người dân, thấu hiểu nỗi thống khổ và yêu tha thiết họ. Nhà Nguyễn thống nhất đất nước, Nguyễn Du được trọng dụng và giữ nhiều chức vụ quan trọng như Cần chánh điện học sĩ, rồi Hữu Tham tri bộ Lễ, làm Chánh sứ đi sứ Trung Quốc… Nhưng “vị quan lớn” này luôn cảm thấy đau lòng, day dứt vì nhân tình thế thái, tâm hồn nghệ sĩ của ông quá nhạy cảm trước nỗi khốn cùng của con người.

Những giá trị nghệ thuật trong di sản văn học của Nguyễn Du, đặc biệt là tác phẩm Đoạn trường tân thanh (mà chúng ta quen gọi là Truyện Kiều) của ông là kết quả tài năng xuất chúng của cá nhân Đại thi hào nhưng cũng là kết tinh của tiến trình mấy nghìn năm phát triển của văn hóa, văn học dân tộc kết hợp với những thành tựu của văn hóa khu vực Đông Á và Đông Nam Á... Những giá trị văn hóa kiệt xuất ấy đã thuộc về nhân dân, thuộc về dân tộc và thuộc về nhân loại, sẽ trường tồn cùng thời gian. Có được điều đó bởi sự nghiệp văn học mà Nguyễn Du để lại cho nhân loại với những tập thơ chữ Hán đầy chất suy tư, trắc ẩn, chứa đựng những giá trị hiện thực lớn lao của cả một thời đại như Bắc hành tạp lục, Thanh Hiên thi tập, Nam trung tạp ngâm, bài Văn tế thập loại chúng sinh khóc thương cho thân phận chúng sinh, đặc biệt là cho những con người bất hạnh trong xã hội như các em bé mồ côi không nơi nương tựa, các cô gái làm nghề kỹ nữ và bao kiếp người đau khổ khác… Đặc biệt, Truyện Kiều bất hủ đã thể hiện một cách sinh động chủ nghĩa nhân đạo cao cả, lòng thương yêu con người tha thiết, ca ngợi vẻ đẹp thể chất và tâm hồn con người, khát vọng giải phóng họ khỏi sự áp bức, bất công, vươn tới tự do, bình đẳng, hạnh phúc. Những tác phẩm ấy đã tôn vinh vẻ đẹp của ngôn ngữ dân tộc, vẻ đẹp của thơ ca, của cốt cách và tâm hồn Việt Nam, khẳng định vị trí số một của Nguyễn Du trong nền văn học dân tộc và từng bước chiếm lĩnh văn đàn thế giới như một trong những nhà thơ vĩ đại nhất của nhân loại. 

Nguyễn Du từng đi sứ sang Trung Hoa, quê hương của Nho giáo và trên con đường thiên lý đầy hiểm nguy, trắc trở nơi xứ người, ông đã thấu triệt chân lý: ở nơi đâu thì những người dân lành, đặc biệt là người phụ nữ, người tài hoa đều có số phận đau khổ giống nhau, họ đều phải chịu biết bao sự đọa đày, bóc lột từ những kẻ có quyền lực trong một thể chế bộc lộ bản chất phi nhân tính. Ông yêu thương, xót xa cho họ và viết lên những tác phẩm bất hủ có sức mạnh tố cáo mãnh liệt và cũng chứa đựng những tình cảm yêu thương mãnh liệt. Trong ông, những giáo điều mang tính sách vở đã dần tan vỡ trước thực tế khắc nghiệt; đã lớn dậy một tình yêu thương nhân loại sâu thẳm. Tình yêu thương ấy không chỉ dành cho những sinh linh đất Việt mà cho cả những con người bất hạnh khốn cùng nơi Trung Hoa bạt ngàn gió bão, cho cả nhân loại chúng sinh. Nguyễn Du là một nhà tư tưởng lớn và ở ông có nhiều nhận thức mới mẻ đi trước thời đại, đặc biệt tập trung trong những giá trị nhân văn nổi bật của các tác phẩm, trong vấn đề thay đổi nhận thức về thực trạng tư tưởng và thực trạng xã hội, trong đó có vấn đề giải ảo Trung Hoa trước sự đổ vỡ của tư tưởng Nho giáo, “giải ảo” những ảo tưởng nhiều đời về một Trung Hoa lý tưởng trong quan niệm của biết bao thế hệ nho sĩ Việt Nam, đem lại cho thế hệ ông một thức nhận mới, cho văn học Việt Nam và văn học thế giới một bức tranh giàu giá trị hiện thực về thực trạng của một chế độ xã hội đã đến thời cáo chung.

Đoạn trường tân thanh được viết bằng truyện thơ Nôm - một thể loại văn học thuần túy dân tộc, có nguồn gốc sâu xa từ truyện thơ dân gian đã được bác học hóa và là sáng tạo nghệ thuật của Nguyễn Du, của văn học thế kỷ XVIII - XIX. Thể thơ mà Nguyễn Du lựa chọn là lục bát, cũng là một thể thơ thuần túy dân tộc, đã tồn tại trong văn học dân gian từ lâu đời, là hình thức thể hiện của những bài ca dao, dân ca làm say lòng người trong các lễ hội dân gian trải dài khắp mọi miền đất nước. Nhưng cũng chính thể thơ lục bát qua bàn tay thiên tài của đại thi hào đã được gọt rũa thành những viên châu ngọc ngời sáng vẻ đẹp dân tộc. Lục bát, ca dao, dân ca sau Truyện Kiều đã trở thành một thứ lục bát, ca dao, dân ca đẹp hơn, dân tộc hơn, vừa cao sang, vừa gần gũi. Với Truyện Kiều, Nguyễn Du đã trở thành người phục hưng những giá trị văn hóa, văn học mang tính bản địa của dân tộc, và ông đã phát triển đến đỉnh cao những thành tựu tinh thần này, khiến chúng trở thành bản sắc của văn học Việt Nam trong khu vực và thế giới.

 Số phận con người, cũng như sự phê phán những mặt trái, hạn chế của chế độ phong kiến, đã trở thành vấn đề cấp bách, được đặt ra một cách đầy gay gắt trong sáng tác của nhà thơ. Con người với thế giới tâm hồn phong phú, với đời sống nội tâm sâu sắc, phức tạp và thân phận bi kịch của họ đã được Nguyễn Du khám phá, phát hiện ở những tầng bậc sâu xa nhất. Ông trở thành một trong số rất ít nghệ sĩ bậc thầy trên thế giới về nghệ thuật miêu tả tâm lý. Đại thi hào đã cho chúng ta thấy nỗi đau tinh thần, sự giằng xé trong nội tâm con người còn đớn đau, vật vã hơn nhiều so với nỗi đau thể xác. Đây là một trong những thành tựu nghệ thuật hết sức to lớn của văn học dân tộc mà Nguyễn Du là tiêu biểu.

Lòng thương xót, sự cảm thông, việc đề cao nhân cách, tài năng của người phụ nữ được Nguyễn Du kế thừa từ tinh thần nhân văn của văn hóa dân tộc mà truyền thống tôn trọng người phụ nữ, tín ngưỡng thờ mẫu đề cao vai trò người mẹ là những giá trị tiêu biểu. Những giá trị nhân văn trong các tác phẩm của Nguyễn Du còn được Đại thi hào kế thừa từ tinh thần nhân đạo và dân chủ của văn hóa, văn học dân gian, từ các giá trị nhân bản của Phật giáo, Nho giáo, Đạo giáo và từ tín ngưỡng, phong tục, tập quán dân tộc. Tuy nhiên, nhà thơ không chỉ kế thừa mà đã nâng các giá trị nhân văn đó lên một bước mới, đem lại cho nó giá trị nhân loại. Nhân vật Thuý Kiều trong Đoạn trường tân thanh của Nguyễn Du đã thể hiện vẻ đẹp tâm hồn và những phẩm chất truyền thống cao quý của người phụ nữ Việt Nam như tấm lòng thủy chung son sắt, sự nết na, thùy mỵ, bản lĩnh và nghị lực, thái độ coi trọng nhân cách, coi trọng sự trắng trong của tâm hồn và thể xác... Nguyễn Du ca ngợi tài năng đặc biệt của Kiều - những thứ tài không những không được người đời chấp nhận mà còn bị khinh rẻ, dập vùi. Sự tài hoa đã trở thành tiêu chí của cái đẹp, cái thẩm mỹ. Ông không xây dựng nhân vật của mình thành một thánh nữ. Thúy Kiều của Nguyễn Du hết sức đời thường, gần gũi, như bước vào trang sách từ chính cuộc đời thực.

Khác với quan niệm gò bó của Nho giáo, Nguyễn Du thông qua các tác phẩm của mình đã cho chúng ta thấy chính tình yêu thương, trong đó có tình yêu đôi lứa, đã cảm hoá con người, làm con người trở nên nhân đạo hơn, tốt đẹp hơn. Thuý Kiều của Nguyễn Du trong những giờ phút khắc nghiệt nhất của cuộc đời đã nghĩ đến mối tình đầu với Kim Trọng và điều đó giúp nàng vượt lên khỏi cái chết, sự đau khổ để tiếp tục sống và giữ gìn nhân phẩm của mình. Quan niệm của Nguyễn Du về chữ “trinh”, về nhân cách con người thật mới mẻ, nhân đạo, phá vỡ những chuẩn mực đạo đức giáo điều xa rời thực tế của tư tưởng chính thống. Thiên nhiên trong Đoạn trường tân thanh ở các đoạn miêu tả tình yêu đôi lứa đều hết sức đẹp đẽ, rung động bởi nó mang tâm trạng và niềm vui của con người.

Khát vọng tự do, công lí, khát vọng chính nghĩa đều là những chủ đề lớn của văn học thế kỷ XVIII - nửa đầu thế kỷ XIX được thể hiện một cách mãnh liệt trong Đoạn trường tân thanh của Nguyễn Du, đặc biệt qua hai nhân vật Từ Hải và Thúy Kiều. Những khát vọng đó cũng là khát vọng của bao đời, được thể hiện một cách mãnh liệt trong văn học dân gian và trong văn học viết dân tộc, đã được thể hiện một cách tài hoa trong tác phẩm của Đại thi hào.

Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du viết: “Trời còn để có hôm nay /Tan sương đầu ngõ, vén mây giữa trời”..; “Sen tàn cúc lại nở hoa..” hay Đến bây giờ mới thấy đây/  Mà lòng đã chắc những ngày một hai”...Từ nửa thế kỷ trước, trong hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt, đất nước còn muôn vàn gian khổ, cùng với Nghị quyết của Ủy ban Hòa bình thế giới, Đảng và Nhà nước ta đã tổ chức Kỷ niệm 200 năm sinh Nguyễn Du. Truyện Kiều đã cùng bao thế hệ thanh niên ra trận, đã ru những đứa bé trong hầm trú ẩn, vang lên trong xưởng máy, trên ruộng đồng, ngõ xóm, cùng tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ngày hôm nay, Nguyễn Du lại cùng chúng ta bước vào một kỷ nguyên mới của dân tộc: kỷ nguyên của hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển, hội nhập với thế giới, sánh bước cùng nhân loại. Trong mỗi con người chúng ta đều có hình bóng của Nguyễn Du với những câu Kiều thấm sâu trong lòng từ những ngày mẹ ru trong nôi, khi đau khổ hay vui sướng ta đều tìm đến Truyện Kiều và bắt gặp mình trong đó. Truyện Kiều đã có những ảnh hưởng hết sức lớn lao trong đời sống xã hội, trong văn hóa và văn học, trở thành cuốn sách của mọi người, tạo nên xung quanh nó một môi trường văn hóa đặc biệt với những hình thức như bói Kiều, lẩy Kiều, vịnh Kiều, chèo Kiều, cải lương Kiều v.v… Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh thích lẩy Kiều và Người đã lẩy Kiều rất tài tình. Nhiều bài thơ, câu nói của Người mang âm hưởng của thơ Nguyễn Du. Nhiều nguyên thủ các nước khi đến Việt Nam hay tiếp các đoàn khách Việt Nam đều đọc Kiều, lẩy Kiều. Những người nông dân Hà Tĩnh quê hương Đại thi hào đã cầm cuốn Kiều soi lên ánh mặt trời để cố tìm xem đằng sau những dòng chữ kia có chứa đựng sức mạnh gì mà ghê gớm đến vậy? Vì sao mà nó có thể làm lay động lòng người sâu sắc đến nhường vậy? Ngẫm thay, sức mạnh đó chính là sức mạnh của tình người, của những giá trị nhân văn, nhân đạo  sâu thẳm. Truyện Kiều chính là vật báu vô giá muôn đời của dân tộc luôn khiến nhân loại mãi sững sờ chiêm ngưỡng. Những giá trị nghệ thuật mang bản sắc dân tộc của Nguyễn Du đã trở thành tài sản chung của cả nhân loại.

Từ Lễ kỷ niệm 250 năm sinh và tưởng niệm 200 năm ngày mất của Nguyễn Du, chúng ta mong muốn những tư tưởng nhân văn cao đẹp của Nguyễn Du sẽ được các thế hệ người Việt Nam và toàn thế giới biết đến nhiều hơn nữa, bởi đây chính là chiếc cầu nối dân tộc ta với nhân loại. Đây cũng là dịp để tất cả chúng ta trân trọng kế thừa, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, giới thiệu bản sắc văn hóa với bạn bè năm châu, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước mà Nghị quyết 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) đã đề ra. Di sản nghệ thuật của Nguyễn Du nói chung, kiệt tác Truyện Kiều nói riêng mãi trường tồn, mãi mãi đồng hành cùng chúng ta trong công cuộc xây dựng một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc. 

            Nguyễn Thế Kỷ                                                           

__________________

 

. . . . .
Loading the player...