Mới đây, NXB Kim Đồng vừa ấn hành “Người quản tượng của vua Quang Trung” của nhà văn Ngọc Toàn – một cây bút chuyên canh - tác - chữ trên cánh đồng lịch sử. Các tác phẩm của ông đã để lại nhiều dấu ấn với độc giả qua các thế hệ.
Tập truyện gồm 10 truyện ngắn, được xem là tinh tuyển của ông về đề tài này cho thiếu nhi.
Đọc “Người quản tượng của vua Quang Trung”, ta như được diện kiến, nói chuyện cùng những nhân vật kiêu dũng oai hùng như Cao Lỗ, Trần Hưng Đạo, Trần Nhật Duật, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Khoái, Yết Kiêu, Nguyễn Huệ, Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân… Nhưng chân dung lịch sử hiện lên sống động, lôi cuốn và cũng thật gần gũi, thân thuộc.
"Người quản tượng của vua Quang Trung" trong diện mạo xuất bản mới.
Với câu chuyện về chiếc nỏ thần An Dương Vương và Mỵ Châu “trái tim lầm chỗ để trên đầu” trong truyện “Triệu Đà”, với hào khí Đông A của quân và dân nhà Trần chống giặc Nguyên Mông trong “Cái chết của Đại Hãn” và “Yết đảo”, với cuộc tình “linh thiêng và hào hoa” của tướng Trần Quang Diệu và đô đốc Bùi Thị Xuân hòa cùng tình yêu non sông đất nước trong “Hai vị tướng trẻ”, với sức mạnh của nghĩa quân Tây Sơn và người dân khi vận nước lâm nguy trong “Cái đuôi sam”, “Ông chéo ngà bà rách tai”... bạn đọc sẽ được đắm mình trong không khí lịch sử, vừa mạnh mẽ hào hùng, vừa có những góc riêng tinh tế, đượm tình. Nhà văn Ngọc Toàn, bằng ngòi bút tài hoa, đã đưa chúng ta ngược thời gian bước về quá khứ theo một đường dây xuyên suốt.
Lịch sử chưa bao giờ là “lãnh địa” dễ dàng với các nhà văn. Nếu không đủ tài hoa, người viết rất dễ thành người sao chép sử, khô khan và cứng nhắc. Chưa kể, lịch sử dân tộc vẫn còn những khoảng trống/khoảng trắng, những điểm mù. Đấy là “hố đen” mà người viết có thể bị sa lầy, nếu non tay. Nhà văn Ngọc Toàn đã khéo léo đưa ngòi bút mình đi trên lằn ranh chênh vênh ấy.
Nương vào cứ liệu lịch sử, trải rộng trang viết theo trí tưởng tượng, sử dụng thế mạnh ngôn ngữ vững chãi và chính xác, ông đã phục dựng thành công không khí của các thời đại/thời đoạn vàng son quá vãng.
Nhà văn Triệu Xuân từng chia sẻ: “Cách dựng truyện, cách kể của Ngọc Toàn tự nhiên, dung dị, nhẹ nhàng như không hề cố ý làm văn. Có lúc ông tiếp thu lối kể chuyện dân gian, có lúc ông viết theo lối mới. Nhưng vượt lên tất cả là tấm lòng, tình cảm của ông thổi vào nhân vật, tạo hồn cốt cho nhân vật. Các nhân vật chính - chính diện cũng như phản diện - như bước ra từ quá khứ để nói với hiện tại về những bài học xương máu, những chân lý kết đọng từ quá trình chống ngoại xâm, dựng nước và giữ nước.”
Với việc xuất bản “Người quản tượng của vua Quang Trung”, NXB Kim Đồng tiếp tục mở ra những cánh cửa lịch sử, đưa các độc giả nhỏ tuổi về với nguồn cội, về với những chân giá trị của lịch sử dựng nước và giữ nước. Điều này càng cần thiết hơn trong bối cảnh hôm nay, khi một bộ phận giới trẻ có khuynh hướng vọng ngoại và có phần lơ là quá khứ.
Nhà văn Ngọc Toàn (1939 – 2016) từng công tác trong nhiều lĩnh vực, đảm nhiệm nhiều chức vụ khác nhau. Song song với công việc chuyên môn, ông gần như dành trọn đời mình và chung thủy với nghiệp cầm bút. Ông là tác giả của “Người quản tượng của vua Quang Trung” (NXB Kim Đồng, tái bản nhiều lần), “Hai vị đô đốc” (NXB Kim Đồng), “Cái chết của Đại Hãn” (NXB Đồng Nai), “Cha con Triệu Đà, Vùng đất mới”, “Bí mật đền Sỹ Nhiếp” (NXB Văn Học), “Hổ thần” (NXB Hội Nhà văn) và hơn 40 truyện ngắn, 500 bài báo, tùy bút, phóng sự điều tra đăng trên các báo.
Theo cand.com.vn