09-04-2019 - 14:01

Sách ảnh “Việt Nam - Cuộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước 1930 - 1975”: Một giai đoạn lịch sử được viết bằng ảnh

Sách ảnh “Việt Nam - Cuộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước 1930 - 1975” được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm tổ chức biên soạn, in ấn thực hiện từ đề án “Đặt hàng sáng tác và công bố các tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, phản ánh cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ cứu nước giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước giai đoạn 1930 - 1975” theo Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 01 tháng 6 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Đề án 844).

Bìa cuốn sách ảnh: “Việt Nam - Cuộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước 1930 - 1975” 

Ban Soạn thảo của cuốn sách gồm đại diện các cơ quan: Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm; Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam; Ban Tuyên giáo Trung ương; Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.

Trong gần hai năm, Ban Soạn thảo đã làm việc trách nhiệm, tâm huyết để biên soạn thành công cuốn sách ảnh này. Từ hơn 1.000 tác phẩm nhiếp ảnh của các cơ quan, tổ chức, các gia đình, các tác giả… gửi về, Ban Soạn thảo đã chọn ra hơn 400 tác phẩm nhiếp ảnh có giá trị cao, thể hiện rõ nhất, chân thực nhất từng giai đoạn lịch sử. Đây là những tác phẩm của các nhà báo, nghệ sỹ nhiếp ảnh - những người trực tiếp tham gia hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

Các tác phẩm nhiếp ảnh được chụp trực tiếp, chính xác các sự kiện, bước ngoặt của cách mạng, các cột mốc lịch sử và các nhân vật ưu tú trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm... Các nhà báo, phóng viên chiến trường đã dùng ống kính và trái tim nhiệt huyết, ghi lại những hình ảnh sinh động, chân thực của hai cuộc kháng chiến. Nhiều bức ảnh đã phải trả bằng máu, bằng sự hy sinh của các nhà nhiếp ảnh. Nhiều ảnh trong cuốn sách lần đầu tiên được công bố. Nhiều tác giả đã mất, đã hy sinh nhưng tác phẩm của họ còn sống mãi với thời gian, với chiều dài lịch sử dân tộc.

Đón đồng đội thoát khỏi ngục tù tại bến sông Thạch Hãn, Quảng Trị (1973)

Những tác phẩm nhiếp ảnh trong cuốn sách đã ghi lại những trang sử hào hùng, những khoảnh khắc khốc liệt của hai cuộc chiến; khắc họa một cách chân thực hình ảnh đất nước, con người Việt Nam trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm; thể hiện sâu sắc tinh thần yêu nước, ý chí quật cường, bất khuất, sự gian khổ, hy sinh của quân và dân ta vì nền độc lập, tự do của dân tộc; nêu bật những giá trị văn hóa, nhân văn của dân tộc Việt Nam…

Sách được bố cục mạch lạc, hình ảnh, bài viết theo từng giai đoạn, phản ánh trung thực diễn trình lịch sử của dân tộc giai đoạn 1930 - 1975, từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đến khi đất nước hoàn toàn độc lập. Đan xen với những chủ đề thể hiện các giai đoạn của hai cuộc kháng chiến: chủ đề diệt giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm; chủ đề phụ nữ trong thời chiến; thế giới ủng hộ Việt Nam; đường Trường Sơn - con đường huyền thoại; đường Hồ Chí Minh trên biển… tạo âm hưởng sâu sắc, có giá trị lịch sử to lớn, góp phần tôn vinh, truyền cảm hứng yêu nước, tự hào dân tộc cho các thế hệ của dân tộc Việt Nam hôm nay và mãi mãi về sau, nhất là thế hệ trẻ - những người không trải qua những năm tháng chiến tranh ác liệt, nhưng rất oai hùng của dân tộc.

Trận địa pháo phòng không 37 ly sẵn sàng bắn máy bay trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Để mẹ đi đánh Mỹ (xã Thạch Linh, Thạch Hà, Hà Tĩnh, 1968)

Nhân dân Hà Nội đón chào các chiến sĩ trung đoàn 57 (sư đoàn 304)

Để có được sự thành công của cuốn sách này, là sự phối hợp, đóng góp những tác phẩm ảnh có giá trị cao của Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, Bảo tàng Hải quân, Bảo tàng Cà Mau, Bảo tàng Phú Yên, các tổ chức, gia đình, cá nhân và các nhà nhiếp ảnh Việt Nam...

Chiến tranh đã lùi xa, đất nước đã được hòa bình, thống nhất; những mất mát, đau thương, chia cắt cũng dần được hàn gắn, xoa dịu.

Cuốn sách ảnh “Việt Nam - cuộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước 1930 - 1975” được biên soạn và xuất bản đã mang lại ý nghĩa đặc biệt, thực sự có giá trị lịch sử to lớn cho các thế hệ mai sau; góp phần hữu ích cho công tác nghiên cứu, học tập của độc giả trong nước và quốc tế.  

Chuyển pháo vào chi khu Cái Kèo, Cà Mau (1963)

Trung đoàn 24 sư đoàn 10 đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất (1975) 

Nguồn: Cục Mỹ thuật Nhiếp ảnh và Triển Lãm

. . . . .
Loading the player...