Trong những năm qua, Hội Nhà văn Việt Nam và Hội đồng Đội Trung ương đã phối hợp chặt chẽ để tổ chức được 5 trại sáng tác tạo ra một sân chơi cho các em thiếu niên yêu thích văn học trên cả nước. Trước những tác động xấu của cuộc sống ngày nay, đây có thể coi là một hoạt động bồi dưỡng năng lực thẩm mỹ nhẹ nhàng mà quyết liệt để đầy lùi những tệ nạn đó.
Năm nay BTC đã lựa chọn mảnh đất có nền văn hóa Mường đặc sắc để giúp các em có các hoạt động như: thăm Làng văn hóa Mường, Nhà máy Thủy điện Hòa Bình, Tượng đài Bác Hồ… Các em cũng có cơ hội gặp gỡ, trao đổi kinh ngiệm sáng tác với các nhà văn, nhà thơ Lê Phương Liên, Phan Thị Thanh Nhàn, Nguyễn Đức Quang, Lê Va và các ThS. Nguyễn Thị Bích Ngọc, ThS. Bùi Việt Phương, ThS. Phan Mai Hương.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều- Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam và các đồng chí đại diện BTC trao giải thưởng cho các em thiếu niên đoạt giải
Nhà thơ Lê Va đã có những tâm sự chân thành với các em và cũng là lời tri ân mảnh đất Hòa Bình- tuy không phải là nơi “chôn nhau cắt rốn” nhưng đã hun đúc nên một tâm hồn thi sĩ. Nhà thơ kể: “Là một người con của đồng bằng, lần đầu tiên chú được cử đến bản Mái xã Hiền Lương vùng đồng bào dân tộc Mường. Từ Chợ Bờ đi bộ men theo sông Đà, qua hàng chục cây cầu treo vắt vẻo bên núi, bên sông… Đến đoạn đường bằng, trời tối mịt lại gặp ngã ba đường mòn mà không biết đường nào là đường về bản. Trong lúc bối rối đến phát khóc thì có tiếng mõ trâu lóc cóc phía trước. Thế là chú theo tiếng mõ trâu về bản. Đi bộ ròng rã một ngày giữa rừng, cái sợ át cái đói, giờ đến bản cái đói mới hành hạ. Chú trèo lên màn thang một nhà sàn đầu bản, bên cạnh bếp, một bà mế đang lúi húi quạt xôi gấc nghi ngút khói. Đang đói, tôi thấy xôi gấc mà nuốt nước miếng. Bà hỏi han rồi bảo chú ra ngoài nghỉ cho đỡ mệt. Mế thoăn thoắt trải đệm cho chú nằm, lấy chăn cho chú đắp. Khi được đánh thức thấy nhà có thêm người và ai cũng ra chào tôi. Một mình chú một mâm cơm, cơm trắng chứ không phải xôi gấc. Được ngủ một giấc, được ăn cơm no chú tỉnh táo hẳn và bắt đầu hỏi chuyện gia đình. Qua câu chuyện chú tế nhị được biết bữa ăn của gia đình nào có phải xôi gấc mà là củ nâu, thứ củ mà bà chú dùng để nhuộm vải. Chú bàng hoàng, cố như nghẹn lại mặc dù bữa cơm đã xong. Cả nhà ăn củ nâu trong khi chú ngủ để lúc tỉnh dậy yên lòng ăn bát cơm trắng. Tình cảm đầu tiên của người miền núi, những người còn chưa thạo tiếng phổ thông dành cho chú như thế đó. Lên miền đất này chú mới biết được ở cái chăn, cái đệm, cái chiếu lại có mảnh vải màu khâu ở mép để đánh dấu đâu là đầu trên, đâu là đầu dưới, mế dạy chú giơ đuốc ngang, sắp tắt lửa thì dốc đuốc xuống, già làng dạy chú qua suối thì đi nghiêng người cho bớt sức cản của nước. Những đêm trăng sáng, chú được nghe những làn điệu ví đúm tình tứ, thướt tha của người Mường, điệu khắp uyển chuyển, duyên dáng của người Tày, điệu múa chuông rộn rã của người Dao…”
Khép lại một buổi giao lưu đầy ý nghĩa, nhiều em đã đặt những câu hỏi hết sức hồn nhiên nhưng không kém phần sâu sắc về những giá trị văn hóa Mường, về những chặng đường cầm bút của nhà thơ Lê Va.
Cũng trong khuôn khổ hoạt động trại sáng tác lần này, BTC đã tổ chức trao giải Cây bút tuổi hồng lần thứ VI- 2016. Lễ trao giải được tổ chức trang trọng tại Hội trường lớn của Trung tâm hoạt động Thanh thiếu niên tỉnh Hòa Bình. Kết quả cuộc thi, em Đặng Nguyễn Bảo Trân, Lớp 7A5, THCS Tây Sơn, TP. Thái Bình - CLB PVN Trung tâm Thanh thiếu niên Thái Bình (với các sáng tác: Thông điệp của Diêm Vương; Búp bê cũng cần gia đình; Con ốc biển; Chuyện giữa đường), em Phạm Ngọc Ly, Lớp 11A1, THPT Vinh Xuân, Phú Vang, Thừa Thiên - Huế (với các sáng tác: Lớp học thêm và cô nàng bất trị, Bức thư không tên, Wait you come Manchester) đã xuất sắc đạt giải A. Các em đã được mời lên sân khấu giao lưu với nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam.
Bên cạnh đó, BTC cũng đã công bố cuốn sách: “Gọi tuổi thơ về”, tập hợp những tác phẩm đoạt giải “Cây bút tuổi hồng” do Trung ương Đoàn và Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức, do Nxb Kim Đồng ấn hành.
Hoạt động hướng đến thiếu nhi đã khép lại với những dư âm trong lòng các em thiếu niên đến từ nhiều địa phương trên cả nước và những người luôn quan tâm đến lực lượng sáng tác trẻ. Trước thềm Hội nghị viết văn trẻ lần thứ IX, hi vọng rằng trong tương lai sẽ có nhiều cây bút trong số các em sẽ trưởng thành để góp mặt trong những ngày hội lớn của những người viết văn, góp phần phát huy những nét đẹp của quê hương, đất nước.
Theo vanhocquenha.vn