Thơ Đường, một đỉnh cao "không tiền khoáng hậu" của thi ca cổ điển Trung Hoa, cũng là đỉnh cao hiếm có của thi ca thế giới, do nguồn gốc lịch sử, từ lâu đã trở nên rất quen thuộc với người Việt Nam, đặc biệt là tầng lớp nho sĩ, trí thức. Hơn thế nữa, với một đất nước được coi là "quốc gia thơ" có truyền thống "ngàn năm văn hiến" với bản lĩnh riêng của mình, thơ Đường vào Việt Nam không chỉ được yêu thích, chấp nhận mà còn được Việt hóa không ngừng, trở thành một dòng thơ Đường - Việt rất riêng, đóng góp vào kho tàng thi ca và văn hóa Việt Nam những giá trị quý giá không ai có thể phủ nhận được.
Thơ ca Lý, Trần, thơ của các nhà thơ cổ điển lớn Việt Nam như: Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Cao Bá Quát, Bà Huyện Thanh Quan..., cả phần thơ chữ Hán và thơ Nôm, rất nhiều tuyệt tác sử dụng phương tiện thơ Đường nhưng hồn cốt, phong cách Việt đã nói lên rất nhiều về bản lĩnh và sức sáng tạo của văn hóa Việt Nam khi giao lưu, tiếp nhận những tinh hoa văn hóa nhân loại làm giàu thêm cho mình. Nhật ký trong tù của nhà văn hóa lớn Hồ Chí Minh lại là một đỉnh cao mới của thơ Đường - Việt Nam trong thời đại mới. Quách Mạt Nhược, nhà thơ nổi tiếng của Trung Quốc đánh giá: Một số bài thơ trong Nhật ký trong tù có thể xếp ngang hàng với những bài thơ Đường hay nhất của Trung Quốc. Nhưng khi có người hỏi, Bác nói vui: "Bác có làm thơ Đường đâu. Thơ Hồ đấy chứ!". Quả thật, mượn hình thức thơ Đường nhưng thơ Đường Hồ Chí Minh rất khác. Đúng như Lời nói đầu sách Hồ Chí Minh - Thơ toàn tập của GS.TS Mai Quốc Liên, do Nhà xuất bản Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh và Trung tâm nghiên cứu Quốc học xuất bản năm 2000: "So với các nhà thơ phương Đông, quá khứ và cùng thời, thơ Hồ Chí Minh có một vị trí đặc biệt. Đó là thơ của một con người vĩ đại về nhiều phương diện. Nhưng con người vĩ đại ấy không thích ngôn chí (tỏ chí) trong thơ, mà thích làm một con người bình thường của nhân loại mênh mông và lẩn tránh sự vĩ đại. Đó là thơ của tình yêu và khát vọng tự do, thơ của đức tin và hy vọng, thơ của tình người muôn vẻ, thơ của "nước mắt" và nỗi đau, thơ của u-mua và cay đắng, thơ của một con người như một con người, bình dị, từng trải, với những sự vật nhỏ bé, tầm thường".
Tiếp tục truyền thống thơ cổ điển phương Đông về cảm hứng, thi pháp..., Hồ Chí Minh đã đổi mới thơ trên nhiều phương diện. Từ đề tài, nhân vật, thể tài, ngữ ngôn, giọng điệu, văn luật..., Hồ Chí Minh đều sử dụng một cách chủ động, phóng khoáng, cốt để đạt ý mình và biến thơ Đường thành "thơ Hồ". Đúng hơn, một phong cách mới đã đến và làm phong phú thêm cho thơ Đường luật vĩ đại của Trung Hoa và Việt Nam.
Vậy là từ hàng trăm năm, nghìn năm, thơ Đường thâm nhập vào Việt Nam, nó đã được tiếp thu và không ngừng được đổi mới, Việt hóa cho phù hợp với tâm hồn Việt Nam, văn hóa Việt Nam, đặc biệt là qua các nhà thơ kiệt xuất của dân tộc mà đỉnh cao mới là thơ Hồ Chí Minh, không chỉ người đọc Việt Nam và cả thế giới, ngay cả ở Trung Quốc, quê hương của thơ Đường cũng ghi nhận như một đóng góp mới cho thơ ca nhân loại.
Nét đặc sắc nhất của thơ Đường là vừa tiếp thu những tinh hoa của các nền thi ca trước nó vừa có sự đổi mới mạnh mẽ, tạo nên sức sống và những độc đáo riêng chưa từng có trước đó. Thi nhân thời thịnh Đường được chia ra 2 dòng chính: "Dòng thơ biên tái" chú trọng những đề tài chiến tranh, chính trị với phong cách mạnh; "Dòng thơ điền viên" cảnh vật thiên nhiên, sơn thủy hữu tình với phong cách uyển chuyển, mềm mại hơn. Sách "Toàn Đường Thi" do người Thanh sưu tầm biên soạn, có tới 48.900 bài thơ của hơn 2.300 nhà thơ. Trong đó có các tác giả lớn như Cao Thích, Sầm Tham, Vương Xương Linh, Vương Chi Hoán, Vương Duy, Mạnh Hạo Nhiên... cùng ba đỉnh cao là Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị cho thấy những tài năng thật sự xuất sắc đều có những đặc sắc riêng cho mình, "không giống ai", dù họ cùng chung một dòng thơ, sử dụng một thể thơ được coi là khuôn mẫu.
Đọc và nghiên cứu thơ Đường, các nhà thơ và nhà nghiên cứu phương Tây rất cảm phục thơ Đường ở sự hàm súc, cô đọng đến kinh ngạc của nó. Chỉ gói gọn trong 4 câu, 8 câu, vài chục con chữ mà nó có thể nói lên cả không gian rộng lớn, ý tưởng sâu sắc, cảm nhận tinh tế đến vô cùng của thi nhân mà thơ ca phương Tây kể cả truyền thống đến hiện đại đều ít khi làm được. Đó thực là "Ý tại, ngôn ngoại". Người làm thơ Đường luôn phải đứng trước thách thức lớn: ngoài những đòi hỏi nghiêm khắc về niêm luật, cú pháp có phần rất gò bó, phải tìm sao cho được những chữ nghĩa cô đọng nhất, đắc địa nhất để khi đặt vào rồi không ai có thể thay thế được, nhưng lại vẫn giữ được vẻ tự nhiên, không hề gò bó. "Nhất tự thiên kim" chính là như vậy.
Vào những năm cuối thập kỷ 60 của thế kỷ trước, khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội, chúng tôi được học văn học cổ điển Trung Quốc do Giáo sư người Trung Quốc giảng dạy. Ông giảng rất hay về thơ Đường nhưng cũng rất thích thú nghiên cứu về thơ Đường ở Việt Nam do các nhà thơ Việt Nam sáng tác. Ông thích nghe đọc thơ Đường bằng âm Hán - Việt vì nhạc điệu của nó có sự hấp dẫn hơn nghe đọc bằng âm Hán chính gốc. Năm 2000 có dịp được sang thăm Trung Quốc, đến Thượng Hải, Bắc Kinh, Hàng Châu, Tô Châu và một vài nơi khác, nhiều cảnh tượng lần đầu tiên mới được đặt chân tới mà tôi lại có cảm giác bồi hồi thân quen như đã gặp ở đâu đó. Hóa ra là "Những nơi chưa đi mà lòng đã đến", bởi từ lâu đã thuộc những câu thơ nhắc đến cảnh và người nơi đây. Những "Dạ bạc Tần Hoài cận tửu gia", "Yên hoa tam nguyệt hạ Dương Châu", những lầu Hoàng Hạc, Kính Đình Sơn... đang hiện ra trước mắt nhưng lòng đã nhắc từ lâu. Nhìn sông Tiền Đường cuồn cuộn chảy bỗng nao nao tưởng tượng cảnh đã được đại thi hào Nguyễn Du viết trong Truyện Kiều bất hủ: "Ngọn triều non bạc trùng trùng - Vời trông còn tưởng cánh hồng lúc gieo".
Thấy tôi ngâm nga mấy câu thơ Đường dọc đường đi, Giám đốc Tổng biên tập, Nhà xuất bản Nhân dân Thượng Hải, Quách Chí Khôn, vốn xuất thân từ nhà giáo, tỏ ra rất tâm đắc. Chỉ qua trò chuyện ít câu về thơ Đường, ông tỏ ra rất thích thú, quý mến và có sự thân tình đặc biệt trong suốt chuyến đi Hàng Châu, Tô Châu mà ông tình nguyện trực tiếp đi với đoàn. Ông cho biết ở Trung Quốc bây giờ, lớp trẻ rất ít quan tâm đến thơ Đường nói riêng và văn hóa truyền thống của dân tộc nói chung, một điều rất đáng lo ngại. Từ sự cùng quan tâm, yêu quý thơ Đường, chúng tôi đã nhanh chóng cảm thấy gần gũi, tâm đắc với nhau nhiều điều như đã từ lâu quen biết.
Một câu hỏi được đặt ra:
- Vì sao những năm gần đây, phong trào sáng tác thơ Đường luật ở Việt Nam lại được phát triển mạnh mẽ chưa từng có, đến mức hình thành nhiều Câu lạc bộ thơ Đường thuộc Hiệp hội UNESCO thơ Đường Việt Nam, hoạt động khá sôi nổi từ Bắc chí Nam, từ trung ương đến nhiều địa phương trong cả nước, trong khi ngay ở Trung Quốc, quê hương của thơ Đường lại dường như im ắng, không được hưởng ứng và tôn vinh như vậy? Thật khó lý giải điều này nếu không xuất phát từ việc xem xét nguồn gốc thơ Đường Việt Nam với nét đặc sắc riêng cùng sức sống của nó trong dòng chảy thơ ca truyền thống Việt Nam. Nhật Bản đâu phải là quê hương xa xưa nhất của trà, nhưng chỉ ở Nhật mới hình thành "Trà đạo" mà ở những quốc gia có truyền thống sản xuất trà lâu đời nhất như Trung Quốc, Ấn Độ lại không có được. Người Nhật đã thổi hồn dân tộc mình vào trà, nâng việc uống trà lên thành một nghệ thuật thiêng liêng và tự hào về nó. Thơ Đường ở Việt Nam có lẽ cũng nằm trong trường hợp tương tự. Việc phục hồi, sáng tác và phát triển phong trào thơ Đường trong cả nước hiện nay, sau một thời gian dài dường như bị lãng quên, nằm trong ý thức và sự đòi hỏi chính đáng cần quan tâm gìn giữ phát huy những tinh hoa của văn hóa dân tộc do cha ông để lại, đặc biệt là khi đời sống vật chất đã ổn định, từng bước được nâng cao và trong tiến trình hội nhập quốc tế. Phục hồi thơ Đường với chúng ta hôm nay chính là phục hồi cái hồn Việt xưa trong thơ Đường, sức sống Việt Nam trong thơ Đường, ngọn lửa truyền thống văn hóa Việt Nam rất đáng tự hào trong thơ Đường, chớ đâu phải đơn giản là phục hồi thể loại thơ Đường với hình thức, niêm luật đã được đóng khung của nó. Lực lượng nòng cốt trong các Câu lạc bộ thơ Đường hiện nay chủ yếu là cán bộ, bộ đội, những nhà hoạt động văn hóa, trí thức đã nghỉ hưu, coi việc làm thơ nói chung, thơ Đường nói riêng như một nhu cầu thiết yếu để di dưỡng tinh thần, vừa để nói lên được tình cảm, nghĩ suy, cảm xúc của mình với cách mạng, với quê hương đất nước, với người thân và cho riêng mình, vừa góp phần gìn giữ phát huy những tinh hoa văn hóa dân tộc của cha ông để lại. Nếu người làm thơ Đường ngày trước chỉ là những nho sĩ, vua quan, những người được coi là tầng lớp trí thức, quan chức của xã hội, trong khi đại bộ phận dân chúng mù chữ, đặc biệt là chữ Nho thì nay tình hình đã hoàn toàn đổi khác. Mấy năm trước trong một lần về xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh, một địa phương đi đầu trong phong trào phát triển nuôi tôm hùm lồng của tỉnh và cả nước ở thời điểm ấy, tôi đã rất ngỡ ngàng, thích thú khi đi thuyền đêm trên biển đến với những lồng nuôi tôm hùm, nghe ông chủ tỷ phú tôm hùm tức cảnh sinh tình ngâm nga bài thơ Đường bất hủ "Phong kiều dạ bạc" của Trương Kế: "Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên/ Giang phong ngư hỏa đối sầu miên/ Cô Tô thành ngoại Hàn Sơn tự/ Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền".
Hỏi ra mới biết ông tỷ phú tôm hùm Thiều Quang Khoa này vốn chỉ là một người dân bình thường ở làng chài từ lâu đã rất mê thơ Đường. Anh cũng đã viết được hàng trăm bài thơ trong đó có thơ Đường. Điều lý thú là trong ngày hội thơ Đường ở Nha Trang vừa qua, tôi gặp lại anh từ Vạn Ninh vào, cũng trong ngày này anh được trao quyết định của CLB thơ Đường kết nạp anh là hội viên. Vậy là thơ Đường ngày nay đã được đại chúng hóa, quần chúng hóa rất rộng rãi, cả về người làm thơ lẫn đề tài được đề cập đến trong thơ. Dường như bất kỳ ai có tìm hiểu, nắm được niêm luật đều có thể làm được thơ Đường. Chẳng cần quan tâm đến mình thuộc "Dòng thơ biên tái" hay "Dòng thơ điền viên", người viết tha hồ lựa chọn, dường như không hề có đề tài nào là "cấm địa" với thơ Đường hiện nay. Nhưng nếu có ai đó nghĩ rằng mình mới làm được dăm bảy bài thơ theo đúng luật bằng bằng, trắc trắc và những quy tắc đã được đóng khung khác của thơ Đường đã vội nghĩ rằng mình là nhà thơ và xã hội phải tôn vinh, vì đây là thơ Đường thì thật là sai lầm thảm hại. Thơ thật sự là thơ thì ở thể loại nào, thời nào và ở đâu cũng luôn là quý hiếm, còn những thứ giống thơ nhưng không phải thơ luôn đầy rẫy. Cái hộp bề ngoài dù dán nhãn mác gì nhưng bên trong là hàng nhái, hàng dỏm thì không bao giờ có được giá trị thực, được tôn trọng.
Cần đổi mới thơ Đường Việt Nam hôm nay như thế nào là vấn đề lớn, mang tính sống còn mà các CLB thơ Đường hôm nay nên đặc biệt quan tâm nếu muốn phong trào sáng tác thơ Đường ngày càng được duy trì, phát triển, đi sâu vào cuộc sống đương đại. Muốn "trẻ hóa" được đội ngũ những người làm thơ Đường luật, trước hết cũng phải giải mã được vấn đề này. Nếu chỉ ở mức là thứ thơ chủ yếu do những người cao tuổi viết rồi thù tạc như một thú tiêu khiển trong cảnh điền viên, tuy cũng có ích đôi chút nhưng tương lai trước mắt sẽ bị tàn lụi, khi lớp người này không còn, là điều chắc chắn. Đổi mới thơ Việt nói chung hiện nay đã là chuyện vô cùng khó. Rất nhiều cuộc hội thảo, hàng năm bài nghiên cứu tranh luận, tốn nhiều thời gian, giấy mực mà đáp án dường như vẫn mù mịt đâu đó. Nhiều người làm thơ muốn đổi mới, bứt phá đã lâm vào bế tắc, đẻ ra những "quái thai thơ" vừa mới sinh đã chết yểu. Đổi mới thơ Đường Việt Nam hôm nay càng khó gấp bội. Có điều thời gian qua, chúng ta mới chỉ quan tâm chủ yếu đến phong trào theo chiều rộng mà ít chăm sóc chiều sâu, quan tâm đến số lượng hơn là chọn lấy chất lượng, quan tâm đến hướng dẫn cách làm thơ Đường theo những bài bản đã có sẵn mà ít quan tâm đến việc làm thế nào để có thể thổi nguồn sinh khí mới vào thể loại thơ truyền thống rất đáng được trân trọng này. Thơ, bất kỳ thể loại nào, muốn hay được, điều quan trọng đầu tiên và cuối cùng tất nhiên phải là tài năng, tu dưỡng, gắn liền với mục đích, tâm huyết của người làm thơ. Nếu mục đích người làm thơ hướng tới chỉ là danh lợi tầm thường, nhỏ nhen thì làm sao thơ có thể cất cánh tới trái tim người đọc? Tài năng, tâm huyết càng lớn thì cái riêng càng được bộc rõ. Thơ rất kỵ sự bắt chước, tự đánh mất mình để lẽo đẽo làm cái bóng của người khác. Người làm thơ phải luôn tự khẳng định mình một cách trung thực, hết mình. Là cây tùng, cây bách giữa rừng hay cây liễu ven hồ, thậm chí là cỏ dưới chân đi đều có thể mang lại vẻ đẹp, có ích cho đời. Bài học về đổi mới thơ Đường và khẳng định cái riêng "mài chẳng khuyết, nhuộm chẳng đen", không cần tìm đâu xa. Nhật ký trong tù của Hồ Chí Minh là một mẫu mực tuyệt vời, có thể rút từ đây bao nhiêu điều bổ ích, lý thú và rất hiện đại cho những người làm thơ Đường hôm nay.
"Thơ cần có ích. Hãy bắt đầu từ nơi ấy mà đi". Lời nhắc nhở tưởng chừng giản đơn nhưng rất sâu sắc, thấm thía của nhà thơ Chế Lan Viên rất đáng để chúng ta suy nghĩ, với tất cả những người làm thơ, trong đó có thơ Đường.