15-05-2024 - 11:00

Thơ chọn lời bình: Đêm nay Bác không ngủ

Đêm nay Bác không ngủ của Minh Huệ là một trong những bài thơ thành công nhất về Bác Hồ và đã trở nên quen thuộc với nhiều thế hệ. Bài thơ được viết dựa trên những sự kiện có thực. Năm 1950, trong chiến dịch Biên giới, Bác Hồ đã trực tiếp ra mặt trận chỉ huy chiến đấu. Đầu năm 1951, nhà thơ Minh Huệ đang ở Nghệ An thì được một người bạn là bộ đội vừa từ Việt Bắc về kể cho nghe chuyện được gặp Bác Hồ. Ông đã viết nên bài thơ này. Văn nghệ Hà Tĩnh hân hạnh giới thiệu bài thơ qua lời bình của tác giả Nguyễn Thị Hà, giáo viên Ngữ văn trường THCS Hải Thượng Lãn Ông, Hương Sơn, Hà Tĩnh.

Thơ chọn lời bình: Đêm nay Bác không ngủ

 

 

Bác Hồ là vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc và cách mạng Việt Nam. Viết về Bác là niềm cảm hứng vô bờ và cũng thỏa nỗi khát khao thể hiện niềm vinh dự, tự hào, kính yêu, ngưỡng mộ của các văn nghệ sĩ đối với một người cha già dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới. “Đêm nay Bác không ngủ” của nhà thơ Minh Huệ thêm một lần cho thế hệ cháu con cảm nhận rõ nét về tấm lòng, nhân cách vĩ đại của Bác, qua câu chuyện về một đêm không ngủ của Người.

  Bài thơ dựa trên một câu chuyện có thật: Đó là một đêm sông Lam mùa đông năm 1950. Trong một căn nhà tranh gió lùa, Minh Huệ được người bạn kể cho câu chuyện Bác Hồ đi chiến dịch, trong đó có câu chuyện Bác không ngủ…Với các yếu tố tự sự, nhà thơ Minh Huệ đã kể câu chuyện bằng thể thơ 5 chữ có cốt truyện, có nhân vật, đối thoại của nhân vật, hoàn cảnh xảy ra và kết thúc câu chuyện. Cùng với đó là sự kết hợp với bút pháp miêu tả, các biện pháp nghệ thuật tiêu biểu đã khắc họa thành công, đậm nét hình ảnh Bác, một vị lãnh tụ, đồng thời là một người cha già đầy tình yêu thương và lo lắng. Cái hay ở đây là, từ câu chuyện có thật, nhà thơ đã chuyển thể thành một bài thơ trữ tình đặc sắc; hình ảnh Bác được miêu tả dưới góc nhìn của anh đội viên nên càng chân thực và cảm động.

Chủ tịch Hồ Chí Minh ( Ảnh: tư liệu )

 

     Khổ đầu bài thơ mở ra không gian, thời gian, nhân vật và một phần nội dung câu chuyện:                                                                                                               

                                              Anh đội viên thức dậy
                                              Thấy trời khuya lắm rồi
                                              Mà sao Bác vẫn ngồi
                                              Đêm nay Bác không ngủ

Trời đã về khuya, anh đội viên thức dậy sau một giấc ngủ và anh ngạc nhiên tự hỏi vì sao Bác vẫn không ngủ. Ta có thể hình dung, trong cơn mơ màng chưa tỉnh hẳn, anh vẫn nằm nguyên tại chỗ, lặng lẽ quan sát Bác. Từng hành động, cử chỉ, vẻ mặt, dáng hình của Bác được nhìn qua con mắt của anh vừa thực vừa mộng. Đó là vẻ “lặng yên”, “trầm ngâm”, “tóc bạc”, “cao lồng lộng”; hành động “đốt lửa”, “dém chăn”, “nhón chân nhẹ nhàng”. Đối với anh, lúc này Bác thật thân thương, gần gũi, chẳng khác gì “ người Cha”. Nghệ thuật ẩn dụ “người Cha mái tóc bạc” cho chúng ta cảm nhận rõ nét sự bình dị, chăm sóc chu đáo của một người cha già đối với các con của mình, đồng thời thể hiện niềm yêu kính của anh đội viên với Bác. Vì vậy, anh cảm thấy hết sức lo lắng, “thổn thức”. Đặc biệt đoạn đối thoại cho ta rõ hơn về tình cảm của anh đội viên với Bác, cũng như nỗi lòng của Bác dành cho các anh:

                           - Bác ơi! Bác chưa ngủ?
                           - Bác có lạnh lắm không?
                               .........
                           - Chú cứ việc ngủ ngon
                             Ngày mai đi đánh giặc

Hai câu hỏi dồn liên tục thể hiện sự quan tâm, lo lắng vì trời đã quá khuya, lại lạnh mà Bác chưa ngủ. Bác không trả lời đúng trọng tâm câu hỏi, mà chỉ khuyên anh đi ngủ. Cả hai bên đều dành hết cả tấm lòng cho đối phương. Anh đội viên vì vâng lời mà nhắm mắt, nhưng lòng làm sao yên được. Anh “bồn chồn”, “bề bộn” vì lo cho sức khỏe cuả Bác. Đặc biệt, ở lần thứ ba, hàng loạt từ láy, tính từ, dấu chấm cảm đã diễn tả cao độ sự lo lắng vô cùng của anh đội viên. Lần này, anh không hỏi nữa mà từ “hốt hoảng giật mình” sang “vội vàng nằng nặc” xin cho kỳ được:

                          Mời Bác ngủ Bác ơi!
                         Trời sắp sáng mất rồi
                         Bác ơi, mời Bác ngủ.

Hai từ “Bác ơi” thật khẩn thiết, yêu kính biết bao! Anh không còn thắc mắc vì sao Bác vẫn còn thức nữa, cũng không cần biết Bác có lạnh không nữa, anh chỉ cần Bác chợp mắt một chút, vì trời đã gần sáng. Quan sát cái dáng vẻ “ ngồi đinh ninh”của Bác là anh hiểu rằng, giá lạnh có là gì, trời khuya có là gì, Bác không hề quan tâm những điều đó. Quả thật, mối quan tâm của Bác là:

                        Bác thương đoàn dân công
                        Đêm nay ngủ ngoài rừng
                        Rải lá cây làm chiếu
                        Manh áo phủ làm chăn...

                        Trời thì mưa lâm thâm
                        Làm sao cho khỏi ướt
                        Càng thương càng nóng ruột
                        Mong trời sáng mau mau.

Bác không ngủ vì thương và lo. Bác ngồi đây, nhưng tấm lòng của Bác đặt cả ở ngoài kia. Bác ngồi nhóm lửa sưởi ấm cho các anh đội viên ở đây, lại cũng lo ngoài rừng hoang sương muối kia, những anh chị dân công không chỗ ngủ, không manh chiếu, mảnh chăn. Có bao nhiêu hạt mưa rơi xuống là có bấy nhiêu trăn trở, nghĩ suy trong lòng. Lúc này đây, Bác chỉ mong trời sáng, để đoàn dân công đỡ lạnh lẽo, khổ sở, để Bác cùng được chia sẻ với họ. Đến đây, anh đội viên mới hiểu hết vì sao cả mấy lần anh thức dậy đều thấy Bác không hề ngủ. Lần này, anh không vâng lời Bác nữa, anh không đi ngủ như lời Bác khuyên nữa. Anh thức với Bác với “lòng vui sướng mênh mông”. Lúc này, với anh, được ngồi cùng Bác chính là niềm hạnh phúc. Hiểu ra được nỗi lòng, tình yêu thương vô vàn của Bác đối với quân dân, anh cảm thấy vô vùng kính yêu và ngưỡng vọng.

  Khổ cuối của bài thơ, nhà thơ đã khái quát và khẳng định lại lý do không ngủ của Bác là “lẽ thường tình” vì “Bác là Hồ Chí Minh”. Lẽ thường tình ấy là một chân lý, chân lý ấy sâu xa, vĩ đại nhưng cũng rất gần gũi và dễ hiểu, gói trọn ở con người, nhân cách, cuộc đời Bác Hồ Chí Minh.

       Bảy mươi chín mùa xuân, đâu chỉ có đêm nay Bác không ngủ mà “trọn cuộc đời Bác có ngủ yên đâu”. Anh đội viên trong bài thơ thật hạnh phúc biết bao khi được chúng kiến, trò chuyện, ngồi cùng Bác trong đêm mưa rừng đặc biệt ấy. Cảm ơn người kể chuyện trong một đêm mùa đông sông Lam, cảm ơn nhà thơ Minh Huệ đã kể lại câu chuyện bằng thơ đầy cảm động. “Đêm nay Bác không ngủ” giúp ta thêm lần nữa được được đọc, tìm hiểu để thêm kính yêu, học tập và làm theo tấm gương của Người.

    

 

N.T.H

. . . . .
Loading the player...