Ngã ba Đồng Lộc không chỉ là một địa danh lịch sử mà còn là một biểu tượng cho tinh thần anh dũng, kiên cường và lòng yêu nước của nhân dân Việt Nam. Văn nghệ Hà Tĩnh hân hạnh giới thiệu bài thơ Hoa Sim Đồng Lộc của nhà thơ Lê Văn Vỵ qua lời bình của tác giả Nguyễn Thị Hà, Trường THCS Hải Thượng Lãn Ông, Hương Sơn, Hà Tĩnh.
HOA SIM ĐỒNG LỘC
Chắt chiu từ máu lửa
sim nở hoa bên những hố bom
sim xanh biếc Trọ Voi
sim mười tám, đôi mươi
ru giấc ngàn thu anh hùng liệt nữ
Có phải mười trinh nữ hóa sim?
hay sim hóa hồn trinh nữ
mà lá tươi xanh đời hoa bất tử
mà hương thơm, thơm đến nao lòng
Khẽ khàng nào cánh mòng bướm ong
ngàn thu ru sim Đồng Lộc
hồn mười cô, hồn quê hương đất nước
như cỏ hồi sinh, như cây biếc xanh chồi
Ngày tiễn đưa nước mắt mẹ rơi
mọc lên đồi hoa mua tím biếc
ngày tiễn đưa nước mắt em rơi
mọc lên hoa sim bất diệt
Hoa sim, ơi hoa sim, năm cánh nõn nà hé nở
Cúc Tần Xuân Nhỏ Hường Hà Hợi Rạng Xuân Xanh(1)
lặng lẽ bước ra
Theo bước chân người
đất ngát hương hoa.
LỜI BÌNH
Nhà thơ Lê Văn Vỵ là người đi nhiều, viết nhiều. Mỗi mội vùng đất khi đặt chân đến hay đi qua đều neo đậu lại trong ông những trăn trở, thao thức khôn nguôi. Riêng với mảnh đất Hà Tĩnh quê hương, ông dành tình yêu đặc biệt với từng phận cỏ*, giếng làng*, non nước con người nơi đây. Bài thơ “Hoa sim Đồng Lộc” là một trong số rất nhiều tác phẩm thể hiện tình người, tình đất, tình quê với cái nhìn của một người con, ngưởi em với thế hệ đi trước đã anh dũng hi sinh khi tuổi còn xanh để bảo vệ mùa xuân đất nước. Bài thơ gồm 6 khổ thơ với số dòng khác nhau, khổ nào cũng đều xoay quanh hai hình ảnh hoa sim và 10 cô gái. Điều đặc biệt là hai hình ảnh này dường như không tách bạch mà song hành, thậm chí như hòa làm một tuyệt diệu. Hay nói cách khác, đến với Đồng Lộc, nhà thơ nhìn hoa sim với con mắt đặc biệt. Trước hết là hình ảnh hoa sim bên những hố bom:
Chắt chiu từ máu lửa
sim nở hoa bên những hố bom
Ai cũng biết rằng sim thường mọc ở những vùng đất đồi, hay vùng nông thôn. Nhưng ở đây, sim vươn lên từ những hố bom, từ máu lửa chiến tranh để lại, nên “chắt chiu” hơn bao giờ hết. Cái hiện thực và lãng mạn đứng cạnh nhau, hay nói đúng hơn, từ trong hiện thực chết chóc ngày ấy, giờ đây cái đẹp được tái sinh. Trong mạch cảm xúc ấy, chúng ta cảm nhận được cái riêng của bài thơ trong rất nhiều thơ viết về hoa sim Đồng Lộc. Như một lẽ dĩ nhiên, màu tím hoa sim trở thành ấn tượng đặc biệt trong hồn thơ của nhiều tác giả. Nhưng ở đây, nhà thơ Lê Văn Vỵ triển khai mạch ý thơ theo cái màu xanh, cái nõn nà và hương thơm của sim:
- Sim xanh biếc Trọ Voi
- Mà lá tươi xanh đời hoa bất tử
mà hương thơm, thơm đến nao lòng
- Như cỏ hồi sinh, như cây biếc xanh chồi
- Hoa sim, ơi hoa sim, năm cánh nõn nà hé nở
đất ngát hương hoa.
Hàng loạt từ ngữ chỉ sắc xanh và hương thơm của sim: “Xanh biếc”, “tươi xanh”, “hương thơm”, “biếc xanh”, “cỏ hồi sinh”, “nõn nà”, “ngát hương” gắn liền với tên mười cô gái đưa ta về với ngày ấy, khi các cô gái đang độ xuân xanh, tiếng nói cười, tiếng hát vẫn vang lên trong những khi miệt mài, đối diện hiểm nguy với công việc san lấp hố bom. Hay nói cách khác, với nhà thơ, với mỗi chúng ta các chị vẫn mãi mãi ở tuổi 17 đến 24 như thuở ấy:
Có phải mười trinh nữ hóa sim?
hay sim hóa hồn trinh nữ
Một câu hỏi như một lời khẳng định, rằng các chị vẫn còn đây, hóa vào sim, vào cỏ hoa, hòa làm một tuyệt diệu nên đến muôn đời sau, hồn “anh hùng liệt nữ” vẫn còn,“sim mười tám đôi mươi” vẫn mãi mướt xanh.
Cũng trong mạch ý đó, nhà thơ nhìn hoa sim trong cái bất tử, hay nói đúng hơn là cái hồi sinh. Sim và hồn người hòa làm một tuyệt diệu và trường tồn mãi cùng nhau:
- Hồn mười cô, hồn quê hương đất nước
như cỏ hồi sinh, như cây biếc xanh chồi
- Mọc lên hoa sim bất diệt
Hồn người, cỏ hoa, hồn quê, hồn đất, hồn nước hòa trong nhau và đi liền với thời gian, năm tháng, chẳng bao giờ bị lãng quên. Bởi thế, yêu hoa sim ta tưởng nhớ người, gọi hoa sim, hồn trinh nữ hiển linh, hoa sim nở các cô gái bước ra. Hoa sim làm đẹp, làm thơm cho đất như các anh hùng liệt nữ đã không tiếc tuổi xanh cho sự hồi sinh của non nước quê hương này :
- Hoa sim, ơi hoa sim, năm cánh nõn nà hé nở
Cúc Tần Xuân Nhỏ Hường Hà Hợi Rạng Xuân Xanh
lặng lẽ bước ra
- Theo bước chân người
đất ngát hương hoa.
Tác giả Lê Văn Vỵ đã rất nhiều lần đến, viết về Đồng Lộc. Lần nào cũng vậy, khi về nơi đây, mảnh đất lịch sử, thắp nén hương lên mộ các anh hùng liệt sĩ, giữa bạt ngàn đồi sim, ông xúc động và không thể không viết. Trong một tập bút ký, ông đã từng cho rằng “với 10 cô gái Đồng Lộc, sim không chỉ là tuổi thơ, là quê hương mà còn là thân phận. Với thể thơ tự do, ngôn ngữ giản dị, có thể xem bài thơ “Hoa sim Đồng Lộc” như một cành hoa xinh tươi dâng lên hương hồn các chị, để cùng đất và người nơi đây, xin được “ru giấc ngàn thu anh hùng liệt nữ”.
*: Tên 2 tác phẩm của tác giả Lê Văn Vỵ
Nguyễn Thị Hà