02-06-2017 - 14:35

Thơ thiếu nhi và lời bình

TIẾNG GÀ TRƯA
 
Trên đường hành quân xa
Dừng chân bên xóm nhỏ
Tiếng gà ai nhảy ổ
“Cục, cục tác… cục ta…”
Nghe xao động nắng trưa
Nghe bàn chân đỡ mỏi
Nghe gọi về tuổi thơ.
 
Tiếng gà trưa
Ổ rơm hồng những trứng
Này con gà mái tơ
Khắp mình hoa đốm trắng
Này con gà mái vàng
Lông óng như màu nắng.
 
Cứ hàng năm hàng năm
Khi gió mùa đông tới
Bà lo đàn gà toi
Mong trời đừng sương muối
Để cuối năm bán gà
Cháu được quần áo mới.
 
Cháu chiến đấu hôm nay
Vì lòng yêu tổ quốc
Vì xóm làng thân thuộc
Bà ơi, cũng vì bà
Vì tiếng gà cục tác
Ổ trứng hồng tuổi thơ

          Xuân Quỳnh


Hình ảnh minh họa từ interet


Lời bình của nhà thơ Nguyễn Ngọc Phú:

Có nhiều bài thơ cho các em viết về vẻ đẹp tâm hồn của người chiến sĩ như nhà thơ thần đồng Trần Đăng Khoa ngày nhỏ đã có sự phát hiện thật tinh tế và hồn nhiên: “Cháu nghe chú đánh những đâu - Những tàu chiến cháy những tàu Mỹ rơi - Ở đây chỉ thấy chú cười - Chú đi đánh nước chú ngồi đánh bi”. Có một đứa bé, một tuổi thơ ngay trong người lính.
Nhà thơ Xuân Quỳnh- thi sĩ của tình yêu lại có một tứ thơ khá xúc động khi viết về “Tiếng gà trưa” với những ký ức tuổi thơ gắn bó thân thiết với một làng quê nông thôn rơm rạ mộc mạc. Tiếng gà trưa như đánh thức tâm hồn rạo rực của người chiến sĩ khi hành quân xa dừng chân bên xóm nhỏ. Tiếng gà nhảy ổ cục tác, cục ta làm xốn xang lòng người. Ở đây nhà thơ không chỉ cảm thấy mà “nghe” được. Đó vừa là tiếng vọng của một thời tuổi thơ lại là náo nức của hiện tại: “Nghe xao động nắng trưa - Nghe bàn chân đỡ mỏi - Nghe gọi về tuổi thơ”. Tiếng gà làm tan đi mệt nhọc ngưng đọng ở một khoảnh khắc thời gian bóng nắng tròn, của ngưng nghỉ, của yên ắng. Tiếng gà nhảy ổ đẻ trứng - Một sự sống tươi ròn tròn trĩnh và đầy đặn đã chạm vào bao kỷ niệm thức dậy. Chỉ mấy nét chấm phá sắc màu tươi tắn của “ổ rơm hồng”, của gà mái tơ “mình hoa đốm trắng” và “Này con gà mái vàng - Lông óng như màu nắng”. Những gam màu hòa sắc với nhau: hồng, trắng, vàng giao thoa dệt nên màu nắng màu của ấm áp tình người. Và dòng ký ức cứ hiện lên từ mùa hè sang đông với hình ảnh người bà tần tảo, phúc hậu cứ hiện dần lên rõ nét với bao lo toan thực tế của đời thương. Thơ Xuân Quỳnh thường có sự nhạy cảm, trực cảm thương yêu chia sẻ như thế. Bởi trái tim chị, trái tim của một người mẹ thường hướng tới những sự thiếu hụt để khao khát mong một bù đắp lại sự trọn vẹn đủ đầy: “Bà lo đàn gà toi - Mong trời đừng sương muối - Để cuối năm bán gà - Cháu được quần áo mới” đã lay thức lòng người. Tôi cứ nghĩ sương muối của trời hay sương muối trên tóc bà - Cái rụng xuống theo quy luật của thời gian để chăm lo cái mọc lên của niềm vui con trẻ.
Khổ kết bài thơ viết về những điều lớn lao trong những điều đơn sơ giản dị nhất. Tiếng gà cục tác, cuộc sống bình yên ấy là ước mơ khao khát thanh bình của người lính hành quân ra mặt trận. Bài thơ kết lại nhưng ta vẫn còn nghe âm vang, âm vọng thiết tha ân tình bởi: “Cháu chiến đấu hôm nay - Vì lòng yêu tổ quốc - Vì xóm làng thân thuộc - Bà ơi cũng vì bà - Vì tiếng gà cục tác - Ổ trứng hồng tuổi thơ”. Với hạnh phúc thật đơn sơ như quây quần ríu rít với vẻ đẹp lý tưởng bắt đầu từ một vẻ đẹp tâm hồn trong trẻo và tinh khiết, bình dị như thế. Đó cũng chính là cội nguồn sức mạnh, ý chí chiến đấu của người chiến sĩ…

. . . . .
Loading the player...