17-10-2016 - 21:18

Tố Hữu - Đinh ninh với một màu cờ

Tố Hữu (1920-2002), tên thật là Nguyễn Kim Thành, người Thừa Thiên. Là nhà thơ hàng đầu của thơ ca kháng chiến, sớm đến với hoạt động cách mạng, và làm thơ yêu nước, Tố Hữu được coi như là một nhà thơ trữ tình chính trị. Thành tích hoạt động và tác phẩm: + Tập thơ: Từ ấy (1946), Việt Bắc (1954), Gió lộng (1961), Ra trận (1962-1971), Máu và Hoa (1977), Một tiếng đờn (1992), Ta với ta (1999); +Tiểu luận: Xây dụng một nền văn nghệ lớn xứng đáng với nhân dân ta, thời đại ta (1973), Cho cuộc sống cách mạng và văn học nghệ thuật (1981). Tố Hữu từng giữ nhiều chức vụ quan trọng: Hiệu trưởng Trường Nguyễn Ái Quốc, Trưởng ban Tuyên huấn, Trưởng ban Khoa giáo Trung ương và Đại biều Quốc hội khoá 2 và khóa 7, Phó Tổng Thư ký Hội Văn nghệ Việt Nam (1948), Giám đốc Nha Tuyên truyền và Văn nghệ (1952), Phó Chủ tịch Hội Liên Hiệp Văn Học Nghệ Thuật Việt Nam (1963), Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (1976), Ủy viên Bộ Chính trị (1980), Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (1981-1986). Tố Hữu được Nhà nước phong tặng: Huân chương Sao vàng (1994), Giải thương Văn học Asean (1996), Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật đợt I (1996), Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng (1997) và nhiều phần thưởng cao quý khác.

 

Chiến thắng lịch sử vĩ đại mùa xuân năm 1975 của dân tộc, đi đến thống nhất ba miền đất nước, đã mở rộng không gian văn học nước nhà. Ngoài nền văn học cổ điển Hán - Nôm từ thế kỷ thứ 19 trở về trước, dòng văn học lãng mạn và hiện thực phê phán sau ba thập niên đầu của thế kỷ 20 đến năm 1945, công chúng đã thực sự được biết đến một nền văn học cách mạng, đa dạng và khởi sắc. Đó là một nền văn học mang nội dung nhân văn phong phú lành mạnh, rực rỡ sắc màu nghệ thuật, trong đó dòng thi ca kháng chiến được coi là những trang thi sử hiện thực, phản ánh cuộc đấu tranh chống ngoại xâm anh dũng của nhân dân. Tố Hữu là một nhà thơ tiêu biểu hàng đầu của bộ phận thơ ca cách mạng trong suốt cả hai thời kỳ chiến đấu chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ mà tác phẩm của ông đã chiếm một phần quan trọng với thời lượng nhiều nhất trong chương trình văn học ở các lớp phổ thông và đại học.

 Tương đồng với trường hợp nhà thơ Mayakosky (1893-1930) nổi tiếng trong nền văn học cách mạng Nga ở đầu thế kỷ 20, Tố Hữu hiện diện sớm trong môi trường hoạt động chính trị và văn chương nước nhà với chân dung đặc biệt của chàng trai còn ở tuổi thiếu niên dạt dào lòng yêu nước. Ngay từ những ngày đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp sắp đi vào giai đoạn quyết liệt mà đỉnh cao là cuộc cách mạng tháng Tám lịch sử, Tố Hữu được coi là điển hình của một tuổi trẻ không ngại gian khổ hy sinh, hăng hái dấn thân vào sự nghiệp giải phóng đất nước bằng trái tim sôi sục và luôn cả sinh mệnh của đời mình. Trước hết, bút danh Tố Hữu theo chữ Hán có hai nghĩa. Thứ nhất: Tố Hữu (素有) có nghĩa là có sẵn khí phách trong người và nghĩa thứ hai, Tố Hữu (素友) : là người bạn trong sáng. Tên thật của nhà thơ là Nguyễn Kim Thành, còn gọi là Lê Tư Lành, sinh ra tại Hội An, Quảng Nam. Thân phụ ông là Nguyễn Trần Nghi, một nhà nho nghèo, làm một công chức ở tòa khâm sứ tỉnh Quảng Nam, thích ca dao tục ngữ và thường dạy ông làm thơ. Mẹ Tố Hữu là Phan Thị Cẩn, con một nhà Nho thuộc nhiều dân ca Huế và rất mực thương con. Chính cha mẹ ông đã góp phần nuôi dưỡng hồn thơ Tố Hữu. Thời đi học, Tố Hữu thích đọc thơ : Victor Hugo, Anatole France…; Truyện Kiều, Chinh phụ ngâm…; thơ Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên…, thơ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh và Maxime Gorki, Jack London, tác phẩm Thép đã tôi thế đấy…Tố Hữu sống tại Hội An cùng cha mẹ cho tới năm 1928 thì cả gia đình cùng dời về Huế. Cuối năm 1931, Tố Hữu cùng mẹ vào Đà Nẳng. Năm ông 12 tuổi, thì mẹ mất. Nỗi đau sớm mồ côi mẹ đã kiến nhà thơ thể hiện một ân tình sâu nặng đặc biệt mỗi khi viết về người Mẹ ruột của mình và những bài thơ về đề tài người mẹ (Quê mẹ, Bà má Hậu Giang, mẹ Suốt, mẹ Tơm). Hai năm sau khi mẹ mất (năm 14 tuổi), Tố Hữu thi đỗ, với học bổng toàn phần, vào trường Quốc học Huế. Tại đây, Tố Hữu có cơ hội được tiếp xúc với tư tưởng Karl Marx, Friedrich Engels, Vladimir Ilyich Lenin, Maxime Gorki… qua sách báo, kết hợp với sự vận động của các đảng viên cốt cán, tiền phong của đảng Cộng sản Việt Nam lúc bấy giờ như : Lê Duẩn, Phan Đăng Lưu…, Tố Hữu-  Nguyễn Kim Thành tiếp cận với lý tưởng cộng sản. Năm 1936, Tố Hữu được vào đoàn Thanh niên Dân chủ Đông dương và hăng hái hoạt động trong phong trào học sinh Huế. Hai năm sau, ông gia nhập đảng Cộng sản Đông Dương, được cử vào Thành ủy Huế, phụ trách Tuyên huấn. Tháng 4 năm 1939, Tố Hữu bị thực dân Pháp bắt, bị tra tấn dã man và bị kết án 2 năm tù tại nhà giam Thừa Phủ (Huế) rồi chuyển sang nhiều nhà tù khác ở Tây Nguyên. Giữ vững khí tiết của con người cách mạng theo lý tưởng Đảng, trong nhà ngục, Tố Hữu không ngừng đấu tranh cùng các bạn tù, chống tra tấn nên ông bị tăng án và bị đày lên nhà tù Lao Bảo (Quảng Trị), Buôn Ma Thuột, Qui Nhơn và trại tập trung Daklay. Tháng 3 năm 1942, Tố Hữu vượt ngục, tìm bắt liên lạc với Đảng ở Trung bộ và Hà Nội. Sau đó, ông tìm cách về hoạt động bí mật ở huyện Hậu Lộc và huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa, để xây dựng cơ sở Đảng. Ông tham gia thành lập chiến khu Quang Trung gồm 3 tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, Hòa Bình và chủ biên tờ báo Đuổi giặc nước. Tháng 5 năm 1945, Tố Hữu tham gia Hội nghị Lãnh đạo Khởi nghĩa Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình. Tháng 8 năm 1945, ở cương vị Chủ tịch Ủy ban Khởi nghĩa Thừa Thiên- Huế đồng thời là Ủy viên thường trực Xứ ủy Trung kỳ, Tố Hữu lãnh đạo cuộc Khởi nghĩa giành chính quyền tại Huế.

 Vốn là một hồn thơ kiên định theo lý tưởng cách mạng, khi hoạt động bí mật nguy hiểm cũng như lúc bị giam giữ tù túng trong nhà ngục, Tố Hữu vẫn làm thơ và những tác phẩm mang tâm tư lắng đọng, thể hiện ý chí đấu tranh sắt thép của ông  lần lượt ra đời. Những bài thơ viết trên lá đã bí mật vượt song sắt nhà tù ra ngoài để truyền miệng trong quần chúng hay đăng báo công khai quảng bá khắp nơi. Tập thơ “Tố Hữu”, sau đổi thành “Từ ấy” đã ra đời trong thời kỳ đặc biệt này (7/1938). Đó là tiếng reo ca, hân hoan nồng nhiệt của một tâm hồn trẻ khát khao lẽ sống, đã bắt gặp lý tưởng cách mạng của Đảng và quyết tâm dâng hiến cuộc đời mình cho lý tưởng ấy:Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ/ Mặt trời chân lý chói qua tim/ Hồn tôi là một vường hoa lá/ Rất đậm hương và rộn tiếng chim. Đầu năm 1946, Trung ương điều Tố Hữu ra Hà Nội làm công tác văn hóa, tập hợp văn nghệ sĩ kháng chiến. Đến cuối năm này, ông trở lại Thanh Hóa tiếp tục làm Bí thư Tỉnh ủy. Tháng 8 năm 1947, Tố Hữu lập gia đình với cô cán bộ trẻ Vũ Thị Thanh vừa rời trường Nữ sinh Đồng Khánh Huế. Bà Thanh là người vợ, người bạn và là người đồng chí tận tụy, thủy chung sát cánh theo nhà thơ trong suốt cuộc đời làm cách mạng. Cuối năm 1947, Trung ương điều ông lên Việt Bắc để phụ trách văn hóa văn nghệ và làm công tác tuyên huấn. Từ đó, nhà thơ luôn được giao  những chức vụ quan trọng trong lĩnh vực văn nghệ, trong bộ máy lãnh đạo Đảng và Nhà nước : Phó Tổng thư ký Hội Văn nghệ Việt Nam, giám đốc Nha Tuyên truyền và Văn nghệ, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Trưởng ban Tuyên truyền Trung ương…Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng và Bí thư Ban Chấp hành Trung ương cho đến năm 1986. Tố Hữu cũng từng được cử làm Hiệu trưởng trường Nguyễn Ái Quốc, Trưởng ban Thống nhất Trung ương, Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương, Trưởng ban Khoa giáo Trung ương và Đại biểu Quốc hội khóa 2 và 7. Đầu năm 1949, trước tình hình căng thẳng của đất nước, Tố Hữu đầu quân chiến đấu cũng như nhiều văn nghệ sĩ khác. Tháng 5 năm 1954, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc thắng lợi vẻ vang với trận Điện Biên phủ chấn động địa cầu,  Tố Hữu cùng Trung ương rời chiến khu về tiếp quản thủ đô Hà Nội.

 Giã từ núi rừng Việt Bắc với nhiều kỷ niệm riêng chung, tập thơ nổi tiếng “Việt Bắc” (1946-1954) được xuất bản vào tháng 10 năm1954 - tập thơ ca ngợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp với những chặng đường gian lao, anh dũng và trưởng thành của cuộc kháng chiến sau hơn ba ngàn ngày khói lửa. Khi hòa bình lập lại, miền Bắc tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, miền Nam tiếp tực cuộc đấu tranh thống nhất đất nước. Tập thơ “Gió lộng” ra đời trong hoàn cảnh : Đưởng giải phóng mới đi một nửa/ Nửa mình còn trong nước lửa sôi/ Một thân không thể chia đôi/ Lửa gươm không thể cắt rời núi sông (Ba mươi năm đời ta có Đảng), với những vần thơ nồng ấm lạc quan, ca ngợi cuộc sống lao động tưng bừng xây dựng chủ nghĩa xã hội của nhân dân trên một nửa miền đất nước tự do. Gió ở đây mang giai điệu reo vui trong một không gian tự do của dân tộc vừa thoát khỏi xích xiềng nô lệ từ chế độ thực dân tàn ác. Tập thơ ca ngợi cuộc sống mới xã hội chủ nghĩa và gióng lên tiếng thét căm thù, đòi giải phóng miền Nam. Trong khi đó, ở miền Nam, đế quốc Mỹ nhúng tay leo thang, can thiệp trực tiếp vào chiến sự, gieo khói lửa, tóc tang cho đồng bào, lòng dạ nhà thơ cũng không thể nào được yên. Từ đó, ngòi bút thơ Tố Hữu tiếp tục vút lên những vần điệu chiến đấu vô cùng hào sảng, động viên đồng bào cả nước và cán bộ, chiến sĩ ba miền cùng nhau đứng lên quyết tâm đuổi giặc. Tập thơ “Ra trận” (1965-1971) được ra mắt người đọc, mang nội dung nóng bỏng với lời kêu gọi hào hùng và tha thiết ngợi ca cuộc hành quân ra trận của nhân dân ở cả hai miền Nam - Bắc.

  Ngày 2 tháng 9 năm 1969, Hồ Chủ tịch qua đời. Trong niềm xúc động ngập tràn, nghẹn ngào tiếc thương lãnh tụ, Tố Hữu viết bài thơ “Bác ơi” ngay trong đêm đó. Năm tiếp sau, nhà thơ Tố Hữu bất ngờ bị bệnh nặng. Tưởng đâu khó qua khỏi, nhà thơ đã gấp rút hoàn thành nốt bàn trường ca “Theo chân Bác”  (1970).  Theo chân Bác là một bài thơ hay nhất của Tố Hữu. Mỗi ý thơ trong câu là một lời hứa sắt son, một bước chân mạnh mẽ sảng khoái nhịp đều theo từng bước chân của Bác trong cuộc đời đầy thử thách gian lao, trong sự nghiệp vĩ đại và trong quyết tâm và ý chí sắt đá với tình yêu thương vô bờ. Theo chân Bác cũng là tấm lòng sâu nặng, thắm thiết của tác giả với Bác Hồ, vị cha già yêu thương của dân tộc : Bác đi… Đâu cũng nghe chân bước/ Như gió xuân về, đất nở hoa. Sau hiệp định Paris, trong niềm phấn khởi vì thắng lợi ngoại giao của nước nhà, Tố Hữu có dịp hành trình dọc Trường Sơn từ Bắc vô Nam và cho ra đời tập thơ “Nước non ngàn dặm” ca ngợi toàn cảnh non sông hoa gấm của đất nước anh hùng. Tháng 3 năm 1973, nhà thơ Tố Hữu cùng đoàn cán bộ Tổng cục Hậu cần, lại tiếp tục xuyên Trường Sơn vào Nam, nghiên cứu tình hình, chuẩn bị cho kế hoạch giành toàn thắng. Tháng 5 năm 1975, chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đại thắng, đất nước hoàn toàn giải phóng, Tập thơ “Máu và Hoa” được xuất bản. Hai tập thơ : “Một tiếng đờn” (1977-1992) và  “Ta với ta” (1993-2002) là bảng tổng kết cuối đời của nhà thơ về những chiêm nghiệm cô đọng và suy tư sâu lắng về con người và thế sự của Tố Hữu.

  Hiểu được thân thế, cuộc đời gắn kết hữu cơ với hoạt động cách mạng và sự nghiệp văn học, thi ca phục vụ Tổ quốc và lý tưởng cách mạng của Tố Hữu, người đọc dễ nhận ra mỗi tác phẩm của nhà thơ chẳng khác nào một trang sử bằng văn vần về cuộc đời, tâm tư thể hiện trọn vẹn chân dung hồn cốt đích thực của tác giả. Từ ấy, tác phẩm đầu tiên- tiếng ca vui khi tác giả vừa ngộ ra nhân sinh quan như một chân lý để sống có ý nghĩa trong cuộc đời; Việt Bắc là bản anh hùng ca về cuộc kháng chiến 9 năm gian khổ chống thực dân Pháp; Gió lộng  là niềm vui xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc; Ra trận là cuộc hành quân vĩ đại của nhân dân cả nước trên chiến trường chống Mỹ. Và sau cuối là tác phẩm Máu và Hoa của Tố Hữu, được coi là cảm nhận về cuộc chiến đấu thần thánh chống ngoại xâm giữ nước đã qua và thành tựu to lớn đáng tự hào của một dân tộc anh hùng. Những vần thơ thấm đẫm tính thời sự đẹp như một bản trường ca ấy đã phản ánh những chặng đường đấu tranh tù đày gian khổ của Tố Hữu với tất cả niềm tự hào và tấm lòng son sắt đinh ninh của nhà thơ với dân tộc anh hùng, với lãnh tụ kiệt xuất và Đảng quang vinh: : Còn gì vinh được chiến đấu dưới cờ/ Đảng chói lọi, Hồ Chí Minh vĩ đại.Chính nhà thơ có lúc đã chân thành tâm sự : “Suốt đời, tôi phấn đấu vì sự nghiệp độc lập dân tộc và lý tưởng cộng sản. Cùng với hoạt động cách mạng cũng vì sự nghiệp cách mạng tôi làm thơ” : Làm bí thư hoài có bí thơ/ Rằng Thơ với Đảng nặng duyên tơ… Trăm năm duyên kiếp : Đảng và Thơ.

Trong chiến đấu gian lao và hy sinh mất mác, đọc thơ Tố Hữu, dường như người yêu thơ  thấy  ấm lòng vững dạ để bước tiếp trên con đường đúng đắn đã vạch ra, với niềm ước mong chính đáng. Đó là được sống hạnh phúc trong độc lập tự do, dưới sự lãnh đạo của chủ tịch Hồ Chí Minh, một tâm hồn yêu thương nhân dân vô cùng rộng lớn: Người là Cha, là Bác, là Anh/ Quả tim lớn, bọc trăm dòng máu nhỏ.

 Hầu hết văn nghệ sĩ và bạn bè đồng chí cùng thế hệ chiến đấu đã có nhiều suy nghĩ tích cực và đúng đắn về Tố Hữu, lá cở đầu xứng đáng của nền thi ca cách mạng. Nhà thơ Xuân Diệu : “Tố Hữu đã đưa thơ chính trị đến trình độ là thơ rất trữ tình: trong từng giai đoạn của cuộc  đấu tranh, thơ chính trị đạt đến thơ hay là một niềm vui sướng cho tâm và trí của người đọc”. Tố Hữu  xứng đáng đứng ở vị thế một nhà thơ lớn của nền thi ca cách mạng, đã suốt đời một lòng thủy chung với đất nước, quê hương và đinh ninh với một màu cờ thiêng liêng của dân tộc.

Theo Nguyễn Thanh/baovannghe

. . . . .
Loading the player...