Chiều 19/06/2023, Sở VH-TT&DL tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật tỉnh tổ chức chương trình tọa đàm “Đề cương văn hóa Việt Nam đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, văn học nghệ thuật Hà Tĩnh". Đến tham dự buổi tọa đàm có Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đặng Duy Báu, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nguyễn Thị Hà Tân cùng lãnh đạo một số sở, ban, ngành, nhà nghiên cứu văn hóa; các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Hội Liên hiệp VHNT Hà Tĩnh, Chi hội trưởng các chi hội văn học nghệ thuật. Đồng chí Bùi Xuân Thập - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và đồng chí Trần Nam Phong - Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh chủ trì buổi tọa đàm.
Các đại biểu tham dự buổi tọa đàm
Giám đốc Sở VH-TT&DL Bùi Xuân Thập trình bày báo cáo đề dẫn chương trình tọa đàm.
Đề dẫn tại tọa đàm, đồng chí Bùi Xuân Thập khẳng định Văn hóa là một lĩnh vực gắn bó mật thiết với tất cả các hoạt động của đời sống xã hội. Văn hóa là tổng thể các giá trị do con người sáng tạo ra, bao gồm cả những giá trị về vật chất và các giá trị về tinh thần. Phát huy những giá trị của Đề cương văn hóa Việt Nam, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của Hà Tĩnh đạt được nhiều thành tựu. Đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao, nhiều giá trị văn hóa mới được xây dựng, nhiều hủ tục văn hóa cũ được xóa bỏ; đội ngũ văn nghệ sĩ ngày càng đông đảo, lớn mạnh, sáng tạo nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị; công tác bảo tồn di sản văn hóa được quan tâm, nhiều di tích của tỉnh được đầu tư tôn tạo, phát huy tốt giá trị; nhiều di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh……
Bên cạnh những kết quả đạt được, văn hóa Hà Tĩnh vẫn còn rất nhiều việc phải làm, phải trăn trở để giải quyết. Đó là môi trường văn hóa vẫn chưa thực sự văn minh, lành mạnh; Nhận thức, hành động của xã hội về vai trò, vị trí của văn hóa, con người trong phát triển bền vững quê hương, đất nước có lúc, có nơi, có mặt chưa đầy đủ; Ngân sách đầu tư trên lĩnh vực văn hoá còn hạn chế, sự nghiệp phát triển văn hóa chưa ngang tầm với sự phát triển kinh tế, tỷ trọng chi ngân sách cho văn hóa chưa tương ứng với tốc độ tăng trưởng kinh tế. Việc đầu tư các thiết chế văn hóa nhất là tuyến cơ sở còn nhiều khó khăn; Tiềm năng văn hóa ở một số địa phương, đơn vị chưa được khai thác, phát huy; Lĩnh vực văn học, nghệ thuật phát triển chưa tương xứng với truyền thống văn hóa, con người hà Tĩnh và yêu cầu phát triển của tỉnh.
Tại tọa đàm hôm nay, các đại biểu đã nhận được nhiều ý kiến góp ý, hiến kế hữu ích để qua đó từng bước góp phần đưa văn hóa Hà Tĩnh ngày càng phát triển, xứng đáng với mảnh đất “địa linh nhân kiệt”.
Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Đặng Duy Báu: “Tự hào Hà Tĩnh là một cái nôi Văn hóa của cả nước, đào tạo ra nhiều nhân tài, cốt cán của tỉnh nhà…”
Nhà văn Phạm Đức Ban - Chi hội trưởng Chi hội Nhà văn VN tại Hà Tĩnh - Nguyên Giám đốc Sở VHTTDL, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Tĩnh với tham luận “Đề cương Văn hóa 1943 với văn học Hà Tĩnh”: “Từ năm 1943 khi đề cương văn hóa Việt Nam ra đời đến nay Đảng và nhà nước đã có nhiều nghị quyết, kế hoạch, chương trình hành động về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đã bản sắc dân tộc.”
Nhà văn Phan Trung Hiếu – Nguyên Chủ tịch Hội liên hiệp Văn học nghệ thuật tỉnh với tham luận “Mạch nguồn văn nghệ Hà Tĩnh trong dòng chảy văn hoá” : “Với một đội ngũ văn nghệ sĩ khá hùng hậu, luôn đồng hành với Đảng và dân tộc, chắc chắn thời gian tới, Hội sẽ vượt qua những khó khăn thách thức để tiếp tục phát huy truyền thống, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng đời sống văn hóa tinh thần, đáp ứng nhu cầu khát vọng về Chân - Thiện - Mỹ của nhân dân, phục vụ đắc lực nhiệm vụ chính trị chung của tỉnh nhà trong công cuộc đổi mới xây dựng quê hương, đất nước”
Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam - Nguyên Trưởng Ban VHXH-HĐND tỉnh Đoàn Đình Anh với tham luận “Tác động xã hội của nghị quyết Hội đồng Nhân dân tỉnh trên lĩnh vực văn hóa Hà Tĩnh giai đoạn 2010 – 2020”: “Giai đoạn 2010 -2020 đảng bộ và chính quyền chỉnh Hà Tĩnh rất chú ý tập trung để phát triển lĩnh vực văn hóa, các Nghị quyết cũng chú trọng khá đồng bộ và hướng trọng tâm về cơ sở, cũng như bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của con người Hà Tĩnh”
Nhà nghiên cứu Hà Quảng với tham luận “Văn hóa và sự phát triển văn học - nghệ thuật”: Nói một cách tổng quát, văn hóa và văn học, nghệ thuật trong quá trình phát triển có sự tương tác hỗ trợ cho nhau. Văn hóa giúp các tác giả nâng cao tầm tư tưởng - thẩm mỹ trong hành động sáng tạo...Văn học nghệ thuật xây dựng thành công chuẩn con người Việt Nam tạo điều kiện cho văn hóa nâng cao chất lượng tác động đến các lĩnh vực khác.
Chi hội trưởng Chi hội VNDG Việt Nam tại HT - Nguyên PGĐ Sở VHTTDL Phan Thư Hiền với tham luận “Vai trò của đội ngũ nghệ nhân trước nhiệm vụ bảo tồn di sản văn hóa” : “Việc quan tâm sâu sát của các cấp các ngành sẽ là động lực thúc đẩy để anh chị em nghệ nhân phấn đấu không mệt mỏi, để các giá trị di sản văn hóa phi vật thể sẽ không bao giờ biến mất hoặc mai một trước xu thế hội nhập và phát huy những giá trị tích cực trong công cuộc xây dựng đất nước hiện nay”
Nguyên Giám đốc Sở VHTT&DL Bùi Đức Hạnh với tham luận “Tầm nhìn chiến lược và giá trị xuyên suốt của đề cương văn hoá Việt Nam 1943” : “Đề cương văn hoá Việt Nam 1943, tính đến nay, tròn 80 năm kể từ ngày ra đời. Sau Luận cương chính trị của Đảng do Trần Phú soạn thảo 1930 thì đây là văn kiện quan trọng vạch ra đường lối vận động của nền văn hoá Việt Nam”
Phó Ban VHXH-HĐND tỉnh Thái Văn Sinh với tham luận “Đề cương Văn hoá Việt Nam, những giá trị xuyên thời đại” : “Trên 80 năm qua, trước những biến động không ngừng của lịch sử và các yêu cầu mới của sự phát triển, các luận điểm của Đề cương về văn hóa Việt Nam vẫn còn nguyên giá trị, trở thành một cương lĩnh khởi nguồn cho việc xác lập và hoàn thiện tư duy lý luận cũng như hoạt động thực tiễn về phát triển văn hóa, phát triển con người ở Việt Nam”
Phó Chủ tịch Hội liên hiệp Văn học nghệ thuật tỉnh - Trưởng Ban Nhiếp Ảnh Trần Hướng với tham luận “Nhiếp ảnh Hà Tĩnh đồng hành cùng sự phát triển, đổi mới của quê hương, đất nước” : “Để Nhiếp ảnh Hà Tĩnh tiếp tục đồng hành cùng sự phát triển, đổi mới của quê hương đất nước, mỗi thành viên phải thực sự lao động và không ngừng trau dồi nghiệp vụ chuyên môn, phấn đấu có được những tác phẩm đạt nội dung và hình thức nâng tầm giá trị thưởng lãm nghệ thuật của công chúng.”
Trưởng phòng QLVH - Sở VHTTDL Nguyễn Tùng Lĩnh với tham luận “Di sản Hán Nôm ở Hà Tĩnh thực trạng và một vài giải pháp” : “Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, bao thế hệ người dân Hà Tĩnh đã trao truyền, sáng tạo nên một nền văn hóa vô cùng phong phú, đa dạng, trong đó có nguồn tư liệu Hán Nôm vô cùng quý giá, rất cần được nghiên cứu, tìm tòi và khám phá”
GĐ Trung tâm VH-TT - Chi hội trưởng CHVHNT Hương Sơn Trịnh Ngọc Chung với tham luận “Hoạt động Văn học Nghệ thuật huyện Hương Sơn trong thời gian qua; nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới” : “Chi hội VHNT Hương Sơn hiện nay có 9 thành viên là Hội viên hội VHNT của tỉnh và rất nhiều cộng tác viên, nghệ nhân, các CLB thơ khá hùng hậu và tài năng, trong nhiều năm qua, với tình yêu và tâm huyết, miệt mài lao động và sáng tạo Nghệ thuật…”
Tổng kết buổi tọa đàm, Giám đốc Sở VH-TT&DL Bùi Xuân Thập ghi nhận, tiếp thu những ý kiến từ các tham luận đã được trình bày và trăn trở khi Vẫn còn thiếu hụt nguồn cán bộ quản lý là văn nghệ sĩ có uy tín; chưa có nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật lớn, phản ánh công cuộc xây dựng và phát triển quê hương đồng thời khẳng định ngành văn hóa sẽ đề xuất, tham mưu cho lãnh đạo tỉnh để tìm giải pháp tháo gỡ những hạn chế, vướng mắc trong sự nghiệp xây dựng và phát triển của văn hóa, văn học nghệ thuật tỉnh nhà.
Linh Châu