01-08-2016 - 21:11

Trần Đăng Khoa, người kể chuyện có duyên

Hầu chuyện Thượng Đế không chỉ là cuốn sách đáp ứng các nhu cầu hiểu biết cho tuổi học trò, mà còn rất bổ ích cho cả những người làm công tác giảng dạy văn học trong nhà trường và những người yêu thích văn chương.

 

Đọc Hầu chuyện Thượng Đế (NXB Văn học, năm 2014, tái bản lần thứ tư, năm 2016) của Trần Đăng Khoa, người đọc có thể nhận thấy, đây là một cuốn sách độc đáo, có sức hấp dẫn rất đặc biệt, không chỉ ở thể tài mà còn ở cách viết linh hoạt, biến ảo của một cây bút từng trải, giàu kinh nghiệm sáng tác và bình luận văn chương. Suốt từ trang đầu đến trang cuối, người viết đã dồn hết tâm huyết để trả lời tất cả câu hỏi mà bạn đọc ở lứa tuổi học trò đặt ra, bằng những diễn ngôn nghệ thuật độc đáo, nhưng không mang tính hàn lâm, mà với ngôn ngữ đời sống thường nhật. Đây là cách viết rất khó, không phải ai cũng làm được. Vậy mà đối với Trần Đăng Khoa, đó lại là một sở trường.

Tính sống động trong ngôn ngữ diễn đạt của Trần Đăng Khoa trước hết thể hiện ở chỗ, bài viết nào của anh cũng chứa đầy các từ ngữ biểu cảm, mà giới nghiên cứu thường gọi là yếu tố tình thái tính. Yếu tố này tạo nên sự đưa đẩy, giao kết giữa các mảng từ ngữ - các ý hay, các tư tưởng mà nhà thi sĩ họ Trần muốn truyền đạt thành một khối thống nhất. Có thể coi, mỗi bài viết của Trần Đăng Khoa là một bài giảng về kinh nghiệm sáng tác văn học, về cách đọc tác phẩm văn chương hoặc ứng xử xã hội… Những bài học ấy, tất thảy được trình bày một cách nhẹ nhàng, vừa tường minh vừa hàm ý, vừa hài hước, vừa dí dỏm, đôi khi pha chất lãng mạn ngây thơ, song tựu trung vẫn toát lên một tinh thần nghiêm túc của người từng trải, thuộc bậc “đàn anh”, “cha chú” nói chuyện với thế hệ sau…

Lấy nguyên tắc “Khách hàng là Thượng Đế” làm mục đích tối thượng để phục vụ, Trần Đăng Khoa không chỉ huy động những năng khiếu bẩm sinh về văn chương mà còn cố gắng đem những hiểu biết về sách vở, về sự từng trải cuộc đời để giải đáp cho các em lứa tuổi học trò nhiều vấn đề đặt ra. Đó là cách đọc và tiếp cận tác phẩm văn học (hay cách thẩm bình văn học), phương pháp và xu hướng sáng tác của nhà văn, đặc điểm phong cách tác giả, phương pháp học tập, chuyện Tết, chuyện nhà trường, chuyện thầy cô giáo, chuyện về các nhà văn, nhà thơ tiền bối và đương thời… Có thể nói, các bài viết của Trần Đăng Khoa dung chứa nhiều đề tài và đầy ắp các kiến thức rất cần cho tuổi trẻ. Song quan trọng hơn cả, tất thảy các kiến thức ấy không phải được trình bày theo kiểu thuyết giáo khô khan, mà theo hướng gợi mở với ngôn ngữ diễn đạt sinh động, nhằm đánh thức khả năng suy nghĩ của các em.

Chẳng hạn, trả lời một câu hỏi về việc “học làm thơ”, trước hết Trần Đăng Khoa phân tích cho các em thấy được sự khác biệt giữa thơ và văn xuôi: “Thơ khác văn xuôi vì có vần và có nhạc điệu. Tất nhiên, trong sự phát triển rất đa dạng của thơ hôm nay, nhiều thi sĩ không còn câu nệ vào vần, nhưng vẫn cố gắng để có một nhịp điệu nào đó. Điều đó không sao nếu tác giả viết hay, làm người đọc xúc động” (tr 93-94). Sau vài nhận định có tính phổ quát, Trần Đăng Khoa bắt đầu giảng giải: “Học là để sáng tạo ra cái mới, mang dấu ấn của cá nhân mình, chứ không phải mô phỏng, lặp lại cái đã có của người đi trước” (tr 93). Rồi anh bày tỏ kinh nghiệm: “Cách học tốt nhất là đọc sách. Đọc thẳng vào những tác phẩm kinh điển, đã được thời gian sàng lọc. Rồi tách ra đọc sâu hơn. Không chỉ đơn thuần để biết nội dung, mà cao hơn là tìm hiểu nghệ thuật xây dựng tác phẩm của mỗi tác giả” (tr 94). Để các em dễ tiếp thu, Trần Đăng Khoa đưa ra lối nói rất hình ảnh và quen thuộc trong đời sống nông nghiệp: “Học cũng phải khéo, như con tằm ăn lá dâu, nhưng rồi phải nhả ra tơ vàng là sản phẩm của chính mình chứ không phải ăn lá dâu để rồi lại nhả ra nguyên lá dâu” (tr 94). Rõ ràng, mỗi phát ngôn của Trần Đăng Khoa không chỉ là sự đúc rút những kinh nghiệm sáng tác của bản thân anh mà nó còn là những nhận định có tính lý luận. Nó chẳng những rất hữu ích cho những ai muốn đi vào con đường sáng tác thơ văn, mà còn rất bổ ích đối với việc học văn ở nhà trường.

Đọc toàn bộ tập sách của Trần Đăng Khoa, có thể nhận thấy, anh là người có khả năng tổ chức văn bản theo nhiều khuôn hình cấu tạo khác nhau. Tuy nhiên, dù biến đổi theo cách nào thì mỗi bài của anh đều chứa đựng hai vấn đề đáng chú ý, đó là lý luận và thực tiễn. Thông thường, để giải đáp một cách hiệu quả câu hỏi của các em, trước hết Trần Đăng Khoa đưa ra những vấn đề lý luận chung mang tính khái quát, sau đó anh dùng thí dụ thực tiễn phân tích, làm sáng tỏ luận điểm lý thuyết đã nêu. Xét về mặt lý thuyết giao tiếp, Trần Đăng Khoa có thể được coi là một gã (nói theo cách Trần Đăng Khoa hay dùng) hùng biện có tài. Còn xét về phương diện sư phạm, có thể coi anh là một nhà sư phạm già lão có thâm niên trong nghề, theo đúng câu “thầy đàn già con hát trẻ”.

Hầu chuyện Thượng Đế tuy đa dạng về cách viết, nhưng tựu trung hướng vào ba chủ đề lớn mà bạn đọc rất quan tâm. Đó là chuyện văn mình, văn người và chuyện đời. Chuyện văn mình gồm một số bài mang tính tâm sự có tính nghề nghiệp, hoặc là công việc của bếp núc văn chương, như “Ai cũng có một góc sân và khoảng trời”, “Chuyện sửa thơ hay lao động thơ”, “Trường ca lão Khoa ưng ý nhất”... Chuyện văn người, gồm rất nhiều bài viết luận bàn về tác giả, tác phẩm văn chương kim cổ, hoặc sự suy nghĩ về xu hướng phát triển của văn học, như: “Nguyễn Du và Nguyễn Đình Chiểu”, “Bài thơ hay nhất trong đời thơ Hoàng Cầm”, “Các nhà… nghệ thuật vị nghệ thuật”, “Về các tác giả trẻ và những xu hướng sáng tác mới”… Chuyện đời gồm các bài viết tự trào về bản thân, trong chừng mực nhất định, có thể coi là các tiểu khúc hay truyện mi-ni, gồm “Sự thật về chuyện lão Khoa đi buôn”, “Lão Khoa và cô bé mơ mộng”, “Bí mật của lão Khoa ở nước Nga”…

Ngoài ba chủ đề nêu trên còn có một số bài (chiếm một lượng không đáng kể) được viết dưới dạng tản văn, bộc lộ suy nghĩ của tác giả về những kỷ niệm riêng tư, về văn hóa dân tộc và về nhân vật lịch sử như: “Ngày Tết nhớ cô giáo cũ”, “Nhớ mãi trường quê”, “Ngày Tết bàn chuyện Tết”, “Đại tướng Võ Nguyên Giáp”, “Vị tướng của lòng dân”...

Điểm nổi bật trong cách viết của Trần Đăng Khoa là, dù chuyện đi theo chủ đề nào thì lối dẫn dắt người đọc của anh vẫn là của một người kể chuyện có duyên. Trong đó, người kể chuyện luôn thay đổi linh hoạt với một phong cách và cá tính rất riêng, không lẫn với người khác. Tôi đã đọc kỹ tất cả bài viết của anh trongHầu chuyện Thượng Đế, trong Chân dung và đối thoại, và nhận thấy, đến tập này, văn bình luận của Trần Đăng Khoa đã tiến sang một cấp độ khác. Ngoài lối viết dí dỏm và khả năng phẩm bình, thẩm định văn chương sắc sảo vốn có, lần này văn anh còn hiện ra những diễn ngôn lập luận mang tính sư phạm. Nói cách khác, đến Hầu chuyện Thượng Đế, mọi lời phẩm bình, nhận định của Trần Đăng Khoa về văn chương, về tác gia văn học đã chứa đựng những lập luận chắc chắn, có những suy nghĩ về chiều sâu, chứ không tùy hứng tung tẩy theo lối viết xúc cảm là chính. Bởi thế, hoàn toàn có thể khẳng định rằng, đến Hầu chuyện Thượng Đế, Trần Đăng Khoa đã có một bước tiến mới trong nghệ thuật viết phê bình và tản văn.

Theo nhandan.com.vn

. . . . .
Loading the player...