Ngày tháng năm sinh: 16 – 8 – 1981
Quê quán: khánh Lộc - can Lộc - Hà tĩnh
Đơn vị công tác: Hội liên hiệp VHNT Hà Tĩnh
Địa chỉ liên lạc: Hội liên hiệp VHNT Hà Tĩnh
Điện thoại CQ: 0393.855345 DĐ: 0983337293
Email: tranhaivanht@ gmail.com
Vào Hội liên hiệp VHNT Hà Tĩnh, chuyên ngành Văn xuôi, năm: 2006
Vài nét về quá trình học tập, công tác:
- Tốt nghiệp đại học Vinh năm 2004
- Cao học chuyên ngành Lí luận văn học năm 2009
- Từ 2004 – nay: Công tác tại Hội liên hiệp VHNT Hà Tĩnh
Tác phẩm tự chọn:
- Trăng sáng trên sông ( truyện ngắn)
- Xa xăm ngày cũ ( truyện ngắn)
- Hẻm tối ( truyện ngắn)
Lâu nay văn học thiếu nhi vẫn được xem là một phần không thể thiếu trong bức tranh văn học cả nước. Từ những khúc đồng dao, truyện cổ tích, truyền thuyết, thần thoại trong dân gian đến những bài thơ, truyện ngắn, truyện dài kỳ hay tiểu thuyết hiện đại, văn học thiếu nhi luôn là món ăn tinh thần bồi đắp tâm hồn cho trẻ nhỏ. Nhiều nhà văn Việt Nam đã dành trọn tâm huyết cho những sáng tác dành cho các em như Tô Hoài, Võ Quảng, Phạm Hổ, Đoàn Giỏi, Phùng Quán, Huy Cận, Nguyễn Nhật Ánh… Và nhiều tác phẩm đã sống mãi với tuổi thơ của bao nhiêu thế hệ trẻ em Việt Nam như Dế mèn phiêu lưu ký, Quê nội, Đất rừng phương Nam, Tuổi thơ dữ dội…
Vai trò quan trọng của văn học thiếu nhi và thành tựu của những lớp nhà văn đi trước trong lĩnh vực viết cho thiếu nhi là một điều không thể phủ nhận. Nhưng có một thực tế đáng buồn là văn học thiếu nhi hiện nay không còn thu hút nhiều sự thích thú, say mê từ phía các em như trước đây nữa. Trẻ em ngày nay thích chơi game, thích đọc truyện tranh Nhật Bản hơn là đọc những tác phẩm văn học thiếu nhi. Sự xuống cấp của văn hoá đọc dường như là một thực tế đáng báo động ở bất cứ tầng lớp xã hội nào. Bên cạnh đó thì sự quá tải của chương trình học trên lớp cùng với áp lực của việc học thêm càng khiến cho các em không còn thời gian dành cho việc đọc tác phẩm văn học. Nhưng còn một lý do nữa khiến cho trẻ em ngày nay không còn mấy hứng thú với văn học thiếu nhi chính là ở sự thiếu vắng những tác phẩm hay dành cho các em. Hiện nay có rất ít nhà văn dành tâm huyết cho việc sáng tác cho thiếu nhi. Sáng tác cho thiếu nhi chỉ là “ phụ’’ bên cạnh những sáng tác được xem là chính thống. Thậm chí có người còn cho rằng các tác phẩm văn học cho thiếu nhi chỉ là những tác phẩm giải trí, không chứa đựng những tư tưởng lớn. Chính vì những lẽ đó mà những nỗ lực sáng tác cho thiếu nhi của những nhà văn hiện nay như Nguyễn Nhật Ánh, Trần Hoài Dương, Phong Thu, Lê Phương Liên, Nguyễn Ngọc Thuần… là một điều rất đáng trân trọng nhưng vẫn chưa làm cho bức tranh văn học thiếu nhi Việt Nam trở nên tươi sáng hơn.
Văn học thiếu nhi Hà Tĩnh cũng không nằm ngoài quỹ đạo văn học thiếu nhi cả nước. Nhìn một cách tổng quát có thể thấy văn học thiếu nhi Hà Tĩnh khá phong phú về nội dung và đa dạng về giọng điệu cũng như bút pháp thể hiện. Ở mảng thơ thiếu nhi có đến gần một nửa số hội viên chuyên ngành thơ có sáng tác cho thiếu nhi và mỗi tác giả đều thể hiện những nét riêng trong sáng tác của mình. Xuân Hoài là một trong những nhà thơ có vai trò lớn trong việc xây dựng nền văn học nghệ thuật Hà Tĩnh từ những ngày đầu tái lập tỉnh. Một phần lớn trong sáng tác của ông chính là thơ thiếu nhi. Xuân Hoài có hai tập thơ viết cho thiếu nhi là Sen lên(NXB Kim Đồng, 1985) và Những cây dù đỏ (NXB Kim Đồng, 1992). Trong những tập thơ thiếu nhi của mình, Xuân Hoài luôn thể hiện một quan niệm đúng đắn về thơ ca viết cho các em. Theo ông, thơ viết cho thiếu nhi không chỉ dừng lại ở việc giúp các em phát hiện được sự tồn tại đầy lý thú của những sự vật xung quanh mình mà phải thông qua những hình ảnh sinh động của thơ ca để giáo dục thẩm mỹ cho các em. Trong những bài thơ của mình, Xuân Hoài đã tìm được một cách nói nhỏ nhẹ, tình cảm và những hình ảnh có sức lay động tâm hồn tuổi thơ. Với những bài thơ như: Chùm hoa dẻ, Sen lên, Trước bài toán khó, Đèn trong phố, Những cây dù đỏ… nhà thơ không chỉ khơi dậy cho các em những rung động trước vẻ đẹp của thiên nhiên, của cuộc sống mà còn hướng các em tới những việc làm đẹp đẽ, lý thú.
Có thể nói làm thơ cho thếu nhi không phải là một điều đơn giản. Một nhà thơ có thể làm thơ hay cho người lớn nhưng chưa hẳn đã có thơ hay cho thiếu nhi. Vì lẽ đó thật là đáng quý khi ở Hà Tĩnh lại có nhiều người làm thơ cho thiếu nhi đến vậy. Nhà thơ Lê Duy Phương có đến 4 tập thơ dành cho các em (Chùm nhãn ngọt, Cây hoa vừa lên, Thả diều, Như anh dắt em) và sau này những sáng tác cho thiếu nhi ấy được ông tập hợp trong cuốn Thơ thiếu nhi Lê Duy Phương. Trong thơ thiếu nhi của Lê Duy Phương, người đọc thấy thấp thoáng hình ảnh của một người cha, một người ông thật nhân hậu và gần gũi. Thơ của ông mộc mạc, chân chất nhưng trên hết cả vẫn là tiếng nói yêu thương, là nguồn tình cảm dồi dào, sâu lắng. Trong tình cảm gia đình có bao điều giản dị, bình thường nhưng được nhà thơ nói lên thật xúc động, thấm thía:(Con nhìn tóc bố/ Bạc trắng cả rồi/Nào con đã hiểu/Vì sao bố ơi/Bố chưa kịp nói/ Mẹ đã trả lời/ - Tóc xanh của bố/Dành cho con rồi (Dành cho con). Và dường như sau mỗi tập thơ của Lê Duy Phương người đọc đều cảm nhận được một thông điệp được ẩn giấu đằng sau từng câu chữ: Hãy yêu thương và bảo vệ con trẻ, hãy sống với trẻ thơ bằng tất cả tấm lòng chân thật.
Là một tác giả có nhiều thơ cho thiếu nhi, Thái Vĩnh Linh cũng tạo được nhiều dấu ấn trong đội ngũ những người làm thơ thiếu nhi ở Hà Tĩnh. Thái Vĩnh Linh có đến 6 tập thơ dành cho các em (Mưa sao ngân hà, Cánh cò trắng, Phố trong bản, Tay thơm, Hoa hậu của bé, Bố ngoan nhất nhà) và có lẽ cũng là người làm nhiều thơ thiếu nhi nhất ở Hà Tĩnh. Sự ngộ nghĩnh trong những quan sát về tạo vật, sự chân thật hồn hậu trong những tình cảm dành cho trẻ thơ làm nên nét đáng yêu trong thơ thiếu nhi của Thái Vĩnh Linh. Với tác giả Phan Duy Đồng thì thơ thiếu nhi lại là phần nổi bật nhất, thành công nhất trong sáng tác của ông. Phan Duy Đồng đã dành được giải thưởng của UB liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam cho tập thơ thiếu nhi Đom đóm vườn nhà (NXB Phụ nữ, 2005). Thơ thiếu nhi của Phan Duy Đồng khắc hoạ thật sinh động một miền quê đầy nắng gió ở miền Trung với cái nắng hè “bóc vỏ mo cau”, “uốn cong gọng vó”, cái nắng dữ dằn khốc liệt đến mức làm cho “cây bầu dè dặt leo giàn” và “chiếc lá rùng mình quăn lại”, nhưng “chính vì vậy mà chắt lọc được những giọt tâm hồn mát rượi, nuôi sống những mầm xanh quyết liệt vươn lên” (Nhà thơ Định Hải). Và giữa cái nắng bỏng, cái gió cháy ấy ta bất ngờ bắt gặp trong thơ ông một ánh nhìn tươi non của những đứa trẻ đầu trần chân đất, ta bắt gặp những người mẹ lam lũ vượt qua nắng lửa trở về với “gánh rơm chuốt vàng sợi nắng”…
Nếu sự chân chất đồng quê làm nên chất thơ cho Đom đóm vườn nhà thì sự tinh tế, sinh động trong những thụ cảm về thiên nhiên và cuộc sống xung quanh lại làm nên vẻ đẹp cho tập thơ thiếu nhi Quả trong vườn của Quỳnh Như. Qua cái nhìn của trẻ thơ, bức tranh thiên nhiên hiện lên trong thơ thiếu nhi của Quỳnh Như thật lung linh, kỳ thú (Tháng tư đi giữa vườn dưa/Ngỡ như ngọn gió cũng vừa biết thơm/Tháng tư bắc chiếc cầu vồng/ Dắt mùa hạ đến mênh mông nắng vàng (Tháng tư). Một không gian thật đáng yêu với vườn cây, với trái chín, với nắng vàng ươm như rót mật và những giọt sương long lanh được gợi lên trong mỗi tứ thơ trong trẻo của Quả trong vườn. Và ở đó, Quỳnh Như lại có những quan sát hồn nhiên, ngộ nghĩnh, những liên tưởng thú vị: (Gió nồm làm quạt/Sóng làm võng ru/Những người câu mực/Như là chơi đu (Câu mực), những khám phá bất ngờ về thiên nhiên và con người (Hạt mưa kéo trời xuống/Lưỡi cày lật đất lên/Đất trời như gần lại/Cho người bố cao thêm (Bố đi cày). Với tác giả Nguyễn Trọng Bính thì tập thơ thiếu nhi Hát đồng giao của ông lại tạo được ấn tượng cho người đọc bởi chất kỳ ảo mơ hồ lấp lánh trong mỗi tứ thơ (Ngày cây gạo thả/Hoa bay chơi vơi /Đêm đom đóm thả/Đèn bay như bơi/ Mẹ em không thả/ Mà gieo hạt vừng/ Hạt vừng chạm đất/Nảy mầm rưng rưng (Gieo và thả). Với Hoàng Văn Hoá thì trong tập thơ Gửi vào trăng của anh bên cạnh những bài thơ trong trẻo hồn nhiên lại có những câu thơ phảng phất những nỗi niềm nhân thế, của sống và chết, của còn và mất, của vĩnh cữu và phôi pha (Con bướm bay mỏi/Đậu vào bông hoa/Con thuyền đi xa/ Đậu vào bến đợi/ Hàng trăm câu hỏi/Đậu vào tim ta/Bao nhiêu lầm lỗi/Đậu vào hôm qua/Đậu vào xót xa/ Kẻ đi người ở/ Đậu vào than thở/ Kẻ khuất người còn/ Đậu vào má con/ Nụ hôn của mẹ/ Sống thời phải thế/Đậu vào nhau thôi/ Những gì đơn lẻ/ Hoá thành mồ côi (Đậu). Với Phạm Minh Huyền, Bùi Minh Huệ, Trần Thị Ngọc Liên thì chất nữ tính hồn hậu, tình cảm gia đình, tình mẫu tử nồng ấm dịu dàng đã làm nên sức cuốn hút cho thơ thiếu nhi của các cây bút nữ.
Trong đội ngũ những người làm thơ cho thiếu nhi ở Hà Tĩnh có những tác giả làm nhiều thơ cho thiếu nhi tuy chưa in thành sách nhưng tác phẩm của họ tạo được dấu ấn sâu đậm với bạn đọc. Đó là Nguyễn Ngọc Phú, Phan Thế Cải, Bùi Quang Thanh. Nguyễn Ngọc Phú có nhiều bài thơ hay cho thiếu nhi như Hạt, Cây rơm, Mắt bão, Cơn mưa mặc áo, Mùa chim, Đánh giặc giả…và nhiều bài trong số đó đã được đưa vào Tuyển thơ thiếu nhi Việt Nam. Cái nồng ấm của tình cảm, cái mộc mạc mà sống động của hình ảnh, sự bất ngờ đến kỳ thú của những liên tưởng, những so sánh làm nên vẻ đẹp của thơ thiếu nhi Nguyễn Ngọc Phú. Nhà thơ quan sát thiên nhiên, tạo vật bằng đôi mắt tươi non của trẻ thơ, phát hiện được trong đó bao nhiêu điều lý thú, bao nhiêu trìu mến, ngọt ngào:(Cây rơm không có lá/Nở một giấc mơ vàng/ Cọng rơm gầy gò quá/Nuôi chín bao mùa màng/ Ngày ủ bóng tre già/ Đếm quây thành nệm ấm/ Cho giấc mơ của em/Thơm mật ong đồng ruộng (Cây rơm). Thơ thiếu nhi của Bùi Quang Thanh ngộ nghĩnh với những câu chuyện đáng yêu của chú gà trống tía, của hoa và củ, của những chú chuồn kim và cô mây trắng, của thiên nhiên trong lành và tình người ấm áp. Thơ thiếu nhi của Phan Thế Cải lại thấm đẫm chất hồn hậu, nhân ái, đằm thắm (Hoa gạo, Chiếc võng của bố, Tiếng kẻng cô nuôi cá). Và dường như mỗi một sự vật nhỏ bé trong thơ thiếu nhi của ông đều chứa đựng những tình cảm lớn lao về quê hương, Tổ quốc. Bài thơ Tiếng kẻng cô nuôi cá của Phan Thế Cải từng được đưa vào sách giáo khoa cải cách cho học sinh tiểu học. Bài thơ chứa đựng trong đó tinh thần chiến đấu và xây dựng Tổ quốc XHCH vô cùng sôi nổi một thời nhưng cũng thật gần gũi với trẻ thơ.
Ở mảng văn xuôi, số tác giả viết truyện cho thiếu nhi ít hơn số tác giả làm thơ nhưng không phải không có những thành tựu đáng ghi nhận. Ngoài Như Bình với tập truyện thiếu nhi Dòng sông một bờ với những câu chuyện dễ thương, những khám phá và lý giải thú vị về những sự vật xung quanh các em, Minh Nho với những câu chuyện xúc động về những đứa trẻ bất hạnh - nạn nhân của chất độc màu da cam thì Phan Trung Hiếu vẫn là nhà văn viết nhiều truyện thiếu nhi nhất ở Hà Tĩnh. Anh có bốn tập truyện viết cho các em (Giấc mơ bong bóng- Tập truyện đồng thoại, Hội liên hiệp VHNT Hà Tĩnh, 1994; Vườn đất Thánh- Tập tự truyện - NXB Kim Đồng, 2000; Chú nhện đu bay- Tập truyện thiếu nhi, NXB Hội nhà văn, 2004, Hạt nắng bé con - NXB Kim Đồng, 2009). Nhà LLPB Vân Thanh đã có những nhận xét tinh tế về truyện thiếu nhi của Phan Trung Hiếu: “…Hồn nhiên, trong sáng, giàu trí tưởng tượng và đậm đà chất thơ là cảm nhận chung về truyện ngắn viết cho thiếu nhi của nhà văn Phan Trung Hiếu. Thiên nhiên và cuộc sống hiện lên trong tác phẩm của anh đầy màu sắc diệu kỳ, bộc lộ khả năng quan sát nhạy cảm và lối biểu đạt tinh tế. Nhà văn bắt chuyện được với các em bằng những ý nghĩ non tơ, khơi dậy lòng ham muốn tò mò tìm hiểu những điều mới lạ của thiên nhiên và cuộc sống. Truyện của anh đã thổi vào tâm hồn các em những ngọn gió lành, tạo hiệu ứng mỹ cảm trong trẻo trong tâm hồn độc giả.” Tập truyện Vườn đất thánh của Phan Trung Hiếu đã làm sống dậy trong mỗi chúng ta cái thế giới tuổi thơ trong trẻo, nguyên sơ, ngọt lành với góc sân và khoảng trời, với mảnh vườn và hương hoa trái, với ao nước, cái giếng làng và những chú cá bé nhỏ, với những trò chơi một thủa như đánh đáo, đánh gụ, chơi đồ hàng, rồng rắn lên mây, đánh trận giả… mà có lẽ không đứa trẻ nào từng sinh ra trong những làng quê Việt Nam lại không biết, lại chưa từng chơi. Đọc tập truyện này, mỗi người đã tìm thấy cho mình không gian huyền diệu của tuổi thơ mà hình như nó đang ngày càng xa dần, đang bị chìm lấp đi giữa bao nhiêu xô bồ của nhịp sống hiện đại. Những tập truyện khác của Phan Trung Hiếu như: Giấc mơ bong bóng, Chú nhện đu bay, Hạt nắng bé con thu hút các em bằng những câu chuyện nhỏ xinh và thật giàu ý nghĩa. Bằng những câu văn như được dệt bằng ánh sáng, gió mát, hương thơm của cỏ cây, thiên nhiên được gợi lên trong những câu chuyện ấy đầy màu sắc và đẹp diệu kỳ. Hạt nắng bé nhỏ vô tư và tốt bụng, mặt nước hồ trung thực dễ thương, làn gió, đám mây biết soi mình làm dáng, búp hoa sen can đảm và cứng cỏi như một mũi lao xanh trong đầm, chú ếch xanh với ước mơ thật ngộ “được đi dạo chơi cùng mặt trời để được nhìn thấy hồ nước quen thuộc chỉ còn bé như miệng giếng”… Một cách tự nhiên, truyện của Phan Trung Hiếu truyền cho các em một tình yêu đối với thiên nhiên, sống chan hoà với thiên nhiên và tình yêu, niềm tin đối với cuộc sống.
Là một nhà văn tiêu biểu của Hà Tĩnh, Đức Ban cũng có nhiều sáng tác hay cho thiếu nhi. Những truyện ngắn viết cho các em được nhà văn tập hợp trong các tập truyện: Hoa cúc vàng(NXB Kim Đồng, 1984), Những tiếng chim (NXB Thuận Hoá, 1986), Con mèo mun (NXB Kim Đồng, 2007). Truyện thiếu nhi của Đức Ban mở ra một thế giới kỳ thú khi ông viết về những loài vật gần gũi với các em như những cánh chim, những chú mèo, những con châu chấu áo xanh, những bông hoa trong vườn… Mỗi loài vật được nhân cách hoá có tâm hồn, có tính cách và có cuộc đời riêng. Nhà văn đặt chúng vào những tình huống, những câu chuyện thật sinh động và đầy cuốn hút đối với các em. Điều đặc biệt là truyện thiếu nhi của Đức Ban rất giàu chất thơ và thấm đẫm chất triết lý sâu lắng. Những chiêm nghiệm về cuộc đời, về lẽ sống, về cách sống của một tâm hồn từng trải đã được thổi vào trong mỗi truyện kể của ông một cách nhẹ nhàng và ý nhị. Nó thể hiện qua những bài học đầy ý nghĩa mà mỗi bạn nhỏ có thể cảm nhận được khi đọc những truyện ngắn viết cho thiếu nhi của Đức Ban. Đó là bài học về giá trị của cuộc sống, của lao động trong Con mèo mun, Chú gà bạch, bài học về lòng chân thật, về cái giá phải trả của sự háo danh, về sự nỗ lực của bản thân trong Bệ nhảy của châu chấu xanh, bài học về tình bạn, về lòng yêu thương trong Chim bã trầu và cây phong lá đỏ… Mỗi câu chuyện là mỗi bài học sâu sắc giúp các em hiểu thêm về ý nghĩa của cuộc sống, về cách ứng xử, cách sống sao cho đẹp, cho có ích và chúng được chuyển đến cho các em qua những lời kể giàu cảm xúc, qua một thứ ngôn ngữ truyện tinh tế và đầy dụng công của chính tác giả.
Với cái nhìn tổng quát có thể nói văn học thiếu nhi Hà Tĩnh trong những năm qua có nhiều thành tựu đáng được ghi nhận. Có nhiều tác giả dành tâm huyết cho các em, viết cho các em với tất cả tấm lòng yêu thương. Viết cho thiếu nhi là phải sống với tâm hồn, trí tuệ và tính cách của chính các em: hồn nhiên, trong sáng, ngộ nghĩnh, luôn có những phát hiện bất ngờ, thông minh, dí dỏm… và tất cả phải được hoà quyện trong một tình yêu trẻ chân thành, sâu sắc của tác giả. Chính vì thế mà khi nhìn vào bức tranh văn học thiếu nhi Hà Tĩnh hôm nay chúng ta thấy còn nhiều điểm hạn chế như có những bài thơ sa vào diễn dãi, khô, nhạt, thiếu chất hồn nhiên của trẻ thơ, thiếu những khám phá bất ngờ; có những truyện ngắn còn đơn điệu, chưa xây dựng được những tình huống lý thú với các em hoặc còn thiếu dụng công trong sử dụng ngôn ngữ. Văn học thiếu nhi Hà Tĩnh nhìn chung còn thiếu những tác phẩm dài hơi, những truyện dài kỳ có sức lôi cuốn và chung quy lại là còn thiếu một sự đầu tư nhất định để có những tác phẩm lớn dành cho các em. Đây cũng là tình trạng chung của văn học thiếu nhi Việt Nam khi càng ngày càng có ít những nhà văn chuyên tâm viết cho thiếu nhi. Bên cạnh đó, văn học thiếu nhi Hà Tĩnh đang tồn tại một thực tế đáng buồn là có những tác giả viết nhiều cho thiếu nhi đang có dấu hiệu chững lại, không có tác phẩm mới, chưa nói là tác phẩm hay. Làm sao để khuyến khích các nhà văn tiếp tục viết cho thiếu nhi, làm sao có được sự tiếp nối về thế hệ để những cây bút trẻ cũng dành một phần tâm huyết cho các em cũng là một điều đáng làm nhưng không dễ.
Thêm một điều đáng nói nữa là văn học thiếu nhi Hà Tĩnh nhất là ở mảng truyện thiếu nhi vẫn đang còn quanh quẩn với nhưng đề tài quen thuộc như thiên nhiên, đồng ruộng, ao vườn, muông thú… mà chưa vươn tới khám phá những mảng đề tài khác cũng không kém phần hấp dẫn đối với các em như: đề tài khoa học, những cuộc phiêu lưu, thế giới kỳ ảo, viễn tưởng… Những tập truyện Harry Poster của nữ nhà văn J.K. Rowlling kể về cuộc phiêu lưu của chú bé Harry Poster trong thế giới phù thuỷ mà gây nên cơn sốt đối với tất cả các em thiếu nhi trên khắp thế giới. Tất nhiên sự so sánh đó còn có phần khập khiễng nhưng cũng cho thấy một điều rằng người viết hôm nay cũng cần phải nhanh nhạy nắm bắt được sở thích hay thị hiếu của trẻ em hiện đại khi hằng ngày chúng vẫn đang tiếp xúc với thế giới ảo qua mạng internet. Đưa cái kỳ ảo, chất phiêu lưu vào truyện thiếu nhi là một điều cần thiết để kích thích óc khám phá, tưởng tượng ở các em và đồng thời cũng tăng thêm sức hấp dẫn của tác phẩm.
Một nỗ lực rất đáng ghi nhận để phát triển văn học thiếu nhi ở Hà Tĩnh là trong những năm qua, Hội liên hiệp VHNT Hà Tĩnh phối hợp với các tổ chức có liên quan đã tổ chức thành công các cuộc thi Viết - Vẽ tuổi học trò dành cho các em học sinh trong toàn tỉnh. Sau tám lần tổ chức, cuộc thi đã thu hút được hàng nghìn bài dự thi của các em học sinh ở mọi lứa tuổi từ tiểu học đến THPH và đạt được những kết quả nhất định. Nhiều cây bút trẻ đã được phát hiện qua cuộc thi như: Hồ Minh Thông, Nguyễn Thị Hạnh Loan, Nguyễn Vĩnh Long, Võ Thị Ánh Hồng, Phan Thị Thanh Quý, Nguyễn Thị Duyên, Hoàng Anh Minh, Nguyễn Thị Thanh Nga, Nguyễn Thị Kim Nhung, Diệp Thanh Xuân, Phan Linh Chi, Trần Thị Lan, Trần Đặng Thanh Lê, Lê Thị Huyền Trang, Đậu Sỹ Nguyên, Nguyễn Thị Luyến, Võ Thị Mỹ Ngà, Phan Thị Quỳnh Hậu…, nhiều tác phẩm đạt giải đã được giới thiệu trên các báo và tạp chí. Năm 2002, Hội liên hiệp VHNT Hà Tĩnh đã xuất bản cuốn Hai sắc mặt trời và năm 2010 đã cho xuất bản tiếp tập “ Ngày nắng lên” tuyển chọn các tác phẩm thơ - văn đạt giải và được chọn vào vòng chung khảo qua các lần tổ chức cuộc thi. Những tuyển tập viết- vẽ tuổi học trò Hà Tĩnh là những sắc màu phong phú, rực rỡ mà qua đó chúng ta có thể nhận ra những khao khát hồn nhiên, những ước mơ trong trẻo cũng như những trăn trở suy tư của các em trước hiện thực cuộc sống. Thành công của các cuộc thi đã làm phong phú thêm bức tranh văn học thiếu nhi Hà Tĩnh và góp phần phát hiện những mầm xanh văn học cho tỉnh nhà.