09-06-2020 - 16:44

Truyện ngắn “Trúc” của Nguyễn Thị Bảo Ngọc

Nữ nhà văn người Pháp Claudie Gallay đã từng nói : “Có những người được số phận sắp đặt để gặp nhau. Dù họ có ở đâu chăng nữa. Dù họ có đi đâu chăng nữa. Một ngày nào đó họ sẽ gặp nhau….” Văn Nghệ Hà tĩnh hân hạnh giới thiệu truyện ngắn “Trúc” của em Nguyễn Thị Bảo Ngọc, lớp 12 trường THPT Cao Thắng, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh.

 
    TRÚC

 
     Nắng nhè nhẹ những ngày vào độ giao mùa. Xuân chưa tiễn hẳn mà hè đã gõ cửa. Tôi lặng lẽ ngồi nhìn ra cửa sổ. Tiếng máy điện tim kêu píp píp thật đều. Mọi thứ có lẽ đang tạm ngưng lại, duy chỉ suy tư là xuôi về lối mòn của kí ức…
     Trước đình làng là một khóm trúc quanh năm chung tình một màu xanh. Nơi đây được xem là lãnh địa riêng của đám trẻ con chúng tôi. Chơi gì cũng ùa nhau ra đây. Năm đó, tôi lên mười, còn Trúc lên tám. Dù nhỏ tuổi hơn nhưng hai đứa lớn bằng nhau. Nhà chúng tôi cách nhau có vài bước chân. Tôi là con trai, dĩ nhiên chơi mấy trò con gái không thuộc phạm trù chuyên môn, nhưng với Trúc, tôi lại chơi rất thân. Bởi Trúc mạnh mẽ như một thằng con trai vậy. Dám chơi, dám chịu, dám cả đánh nhau. Nhiều khi, “chiến trường” của tôi mà Trúc vẫn phóng ra như nhân vật chính. Dám đánh nhau thì cũng dám “chịu roi” một lần.
     Đúng như cái tên, Trúc, cô nàng có dáng người mảnh mai. Nhìn vậy thôi nhưng khỏe phết. Tôi hay trêu Trúc cái câu bà tôi vẫn thường nói:
                                                       “Trúc xinh trúc mọc đầu đình
                                                Em xinh em đứng một mình cũng xinh.”

     Ban đầu Trúc dí cho tôi mấy quả đấm, về sau chỉ thấy em cười. Tôi thích nhìn Trúc lúc em xõa tóc. Mái tóc ấy làm tôi nhớ đến khóm trúc đầu làng. Trúc cũng thích xõa tóc, thích được để tóc bay bay trong gió. Cứ chiều đến, tôi lại đạp xe chở Trúc. Đoạn đường đê chưa ngày nào vắng bóng chúng tôi. Vậy mà...
   Chiếc xe tải đỗ ngay trước nhà Trúc. Bố mẹ Trúc và vài người hàng xóm nữa, trong đó có cả bố mẹ tôi, đang khiêng bàn ghế lên xe. Tôi chưa biết chuyện gì xảy ra thì thấy Trúc đứng một mình bên góc cửa. Trúc nhìn thấy tôi liền nước mắt giàn giụa. Tiếp đến là tủ quần áo được đưa lên xe. Dường như tôi đã hiểu, đúng hơn là đang từ chối hiểu. Trúc khóc, khóc rất nhiều và tôi cũng khóc. Tôi hỏi Trúc bao giờ quay lại nhưng chỉ có một cái lắc đầu đáp lời. Hai đứa trẻ ôm nhau rưng rức cả một buổi, cho đến khi cả bố mẹ tôi và bố mẹ Trúc an ủi, chúng tôi mới rứt nhau.  Chiếc xe lăn bánh, tôi cố đuổi theo để vớt vát chút ánh nhìn. Đến khóm trúc đầu làng, chiếc xe rồ máy nhanh hơn, rồi vụt mất…
      Hai mươi lăm năm sau, tôi trở thành một bác sĩ ngoại khoa, có gia đình và hai con. Kể từ lúc Trúc chuyển nhà cho đến bây giờ, tôi không còn một tin tức về cô ấy. Mọi sự chờ đợi năm đó đều là vô nghĩa. Tôi vẫn nghĩ  rằng, khoảnh khắc đó đã là ngã rẽ chia cách cuộc đời hai chúng tôi. Giữa tôi và Trúc chỉ còn là tình bạn và những kỉ niệm đặc biệt dành riêng cho nhau. Lâu dần tôi cũng quên đi những hụt hẫng năm đó. Vốn dĩ công việc của một bác sĩ rất vất vả, hầu hết thời gian của tôi đều ở bệnh viện, nhưng thời gian này không như vậy. Đó là khi tôi phát hiện vợ mình bị suy tim cấp cách đây gần một năm. Tất cả mọi thứ đều trì hoãn lại, kể cả công việc của tôi. Bạn bè đồng nghiệp đều hiểu rõ khó khăn của chúng tôi lúc này. Họ luân phiên đến thăm vợ tôi và cũng lặng lẽ gánh vác thay tôi phần nào công việc ở bệnh viện. Tôi rất biết ơn họ!
      Suy tim cấp- tôi biết rõ sự nguy hiểm của căn bệnh này. Một năm nay, sức khỏe của vợ tôi không có chút tiến triển nào. Bệnh nhân nằm yên trên giường, bất đắc dĩ chọn bình oxi làm vật bất ly thân, ngày nào tôi chẳng nhìn thấy điều đó, nhưng lúc này, đối diện với vợ mình, cảm giác như ngàn nhát dao đang cứa lấy gan ruột mà rỉ máu.
     Một ngày cuối xuân, lác đác vài ba giọt mưa phùn chẳng thể làm ướt mặt đất. Bệnh viện vợ tôi nằm cũng là nơi tôi công tác. Căn phòng chăm sóc đặc biệt trước giờ vẫn quen với lặng thinh. Bất giác chuông điện thoại trong túi quần tôi kêu lên. Là cuộc gọi của một đồng nghiệp: “Anh đến phòng cấp cứu nhanh đi!”
     Mặc dù công việc của tôi đã được giảm đi rất nhiều nhưng lúc cần nhân lực, tôi vẫn xung phong làm.  Kịp dặn dò y tá đôi điều rồi chạy vội đến phòng cấp cứu, đã có người sẵn chờ tôi, cầm theo áo phẫu thuật và găng tay. Chiếc xe đẩy bệnh nhân chạy qua trước mắt, người này… Một thoáng mơ hồ nổi lên, lòng tôi chợt có linh cảm lạ. Tôi không thể nghĩ nhiều, thái độ khẩn trương làm việc kéo tôi về lại thực tại.  Tôi mở cửa phòng bước đến cạnh bàn mổ, ngoài tôi còn hai bác sĩ mổ và ba phụ tá. Bệnh nhân đang trong tình trạng nguy hiểm. Trên cở thể xuất hiện khá nhiều vết thương lớn, có những chỗ lộ rõ cả phần cơ thịt. Não có hiện tượng xuất huyết trong.
-“Sao kinh khủng thế này?” Một phụ tá nữ chau mày.
     Bởi bệnh nhân cũng là nữ. Dáng người gầy guộc và làn da ngăm đen. Cô ấy nằm đó, gương mặt hốc hác đã tái ngắt. Tôi cắt tóc cho cô ấy. Vì vùng đầu chịu tổn thương lớn nên buộc phải cắt tóc mới có thể tiến hành phẫu thuật. Từng mảng tóc rơi xuống, mái tóc khá dài, chẳng biết đã xảy ra chuyện gì nhưng ngay lúc này, tôi vẫn cảm nhận được sự mềm mượt của nó. Chắc cô ấy rất yêu mái tóc của mình. Một thoáng, tôi chợt nhớ về mái tóc bay bay năm đó.
- “Bệnh nhân Trúc, 33 tuổi,  là công nhân xây dựng, gặp tai nạn khi đang làm việc..”
- “Cái gì?”

     Tôi không nhớ lúc đó mình đã hét lớn cỡ nào. Thần trí của tôi trở nên loạn xạ. “Trúc? Chẳng lẽ là cô ấy ? Có trùng lặp chăng?”. Tôi cố gắng tự trấn an mình. Hơi thở dồn dập không thoát ra khỏi khẩu trang khiến mặt tôi nóng bừng. Các đồng nghiệp bất ngờ trước phản ứng của tôi. Bình tĩnh, dù có phải là Trúc mà tôi quen biết hay không, tôi vẫn phải hoàn thành công việc của mình trước. Tôi tự nói với bản thân rằng mình có thể tiếp tục.
     Mười tiếng trôi qua, mũi khâu cuối cùng được cắt chỉ, sáu con người vẫn chưa thể thở phào. Cuộc phẫu thuật mặc dù giữ được tính mạng, nhưng e rằng người nhà phải chuẩn bị tinh thần… Tôi bước ra khỏi phòng trong nặng nề. Trước mắt tôi là hai kẻ già nua đang quằn quại trong đau đớn. Tôi nhận ra bố mẹ Trúc. Vậy thì, người trong đó, không thể sai được. Đôi mắt bỗng chốc nhòe đi. Dường như có một khối vô hình đang đè lên từng hơi thở của tôi. Giọt nước mắt lăn dài trên gò má. Tôi không biết phải làm gì nữa.
 
Có những người được số phận sắp đặt để gặp nhau ( Tranh: Miho Hirano)

    Trúc nằm ở phòng chăm sóc đặc biệt, cùng chung dãy nhà với vợ tôi. Mỗi ngày tôi đều qua đó, trò chuyện cùng Trúc. Càng nhìn cô ấy, lòng tôi càng thêm xót xa. Một màu trắng của băng gạc y tế quấn khắp người, tôi chỉ có thể nắm tay cô ấy, bàn tay thô ráp, sần sùi những vết chai sạn. Tôi đã gặp bố mẹ Trúc, giới thiệu bản thân. Họ thấy tôi, nước mắt càng thêm nước mắt. Cuộc sống vốn dĩ chẳng ai biết trước điều gì. Bao nhiêu ấp ủ lúc khăn gói ra đi chỉ còn là dĩ vãng. Những mưu sinh hết đường cùng này đến đường cùng khác. Bố mẹ đều đã có tuổi. Bố Trúc bị thoái vị đĩa đệm thành ra không chỗ nào người ta dám nhận. Chỉ còn dựa vào hai người đàn bà. Sức của mẹ chỉ có thể đỡ đần được đôi chút. Tất cả đè nặng lên vai Trúc . Không thể học hết cấp ba, một thân cố làm mọi việc để trang trải, kể cả xây dựng như bây giờ. Ba mươi ba tuổi, chưa lập gia đình. Tôi hỏi họ sao không về quê, mẹ Trúc chỉ lườm chồng mình một cái rồi cúi đầu.
    Chuông điện thoại lại reo lên. Lần này là tiếng hồ hởi từ người bên kia.
- “Vợ anh được cứu rồi.”
Tôi không nghĩ mình nghe rõ lời của đồng nghiệp.
- “Được…được cứu…là sao?” Tôi cuống đến mức nói lắp.
- “Anh bị ngốc à, tìm được người hiến tặng rồi.”

    Lòng tôi như vỡ ào đến nơi. Tôi chạy đến bên vợ, nắm lấy tay cô ấy mà khóc. Bản thân tôi biết, cách duy nhất trả vợ tôi lại như bình thường là một trái tim…
    Quyết định phẫu thuật nhanh chóng triển khai ngay lúc đó. Thời gian chuẩn bị đủ kịp để tôi chạy ngược chạy xuôi, lo mọi thủ tục . Vợ tôi được đưa vào trong. Dù là một bác sĩ nhưng vì là người nhà bệnh nhân, tôi không được tham gia. Ngồi ở băng ghế chờ, lòng tôi cứ phấp phổng không yên.
     Một giường bệnh nữa được đẩy vào. Chiếc khăn trắng che kín từ đầu đến chân. Khi chiếc giường gần đến cửa, tôi kịp nhìn ra một thứ. Một nửa bàn tay ngăm đen với những nốt sần sùi nổi bật trên nền trắng của chiếc khăn.
- “Trúc…Trúc, em…, sao lại như thế? Không được, không…”
    Tôi nhận ra Trúc, nhận ra bàn tay của em. Nhưng sao lại như thế? Tôi không tin , không dám tin vào cảm giác của mình. Tôi điên cuồng lao về phía trước. Hai tay quơ quơ muốn giữ chiếc giường lại nhưng không thể. Phụ tá giữ chặt tôi, cố khuyên can để tôi không kích động. Bao nhiêu lời dỗ dành có là gì. Tôi khóc, nước mắt vỡ ào. Nỗi đau bóp nghẹt trái tim đang chết lặng. Tôi chỉ biết điên loạn vùng vẫy trong vô vọng mà nhìn theo chiếc giường biến mất sau cánh cửa. Một vòng tay ôm lấy tôi. Tiếng nức nở áp sát bên tai, người đó cũng đang khóc. Tôi ngước gương mặt dàn giụa nước mắt của mình lên nhìn, mẹ Trúc đang ôm tôi.
    Thế giới bên ngoài cửa sổ lặng lẽ như chính lòng người lúc này. Một cơn gió nổi lên, cơn gió cuối cùng còn mang hơi se sắt. Tôi đóng cửa sổ không cho chúng quấn lấy vợ mình. Cô ấy đã tỉnh lại chỉ là bây giờ đang ngủ một giấc ngon lành. Chuông điện thoại reo lên
- “Cháu à, cô chú về đến đầu làng rồi. Cảm ơn cháu nhé!”
                                                                                                              
 
  Lãnh Nghi
. . . . .
Loading the player...