Kỷ niệm 110 năm ngày sinh Đồng chí Lý Tự Trọng - Người đoàn viên thanh niên Cộng sản đầu tiên (20/10/1914 - 20/10/2024). Tạp chí Hồng Lĩnh số 218 tháng 10/2024 trân trọng giới thiệu tùy bút “Con đường từng qua” của nhà thơ Ngô Đức Hành
Bà nội tôi vốn sinh ra ở Thạch Hà. Can Lộc đi qua cầu Già là đến đất Thạch Hà. Trong ký ức tôi, Thạch Hà là nơi bàn chân tôi từng đặt chân đến nhiều lần.
Tôi nhớ bao lần chở bà nội về thăm lại quê cũ, bằng chiếc xe đạp cà tàng, không phanh, không chuông... Bà mặc mấn nhuộm bùn, chân quê, thân thuộc. Mồm bà lúc thì bỏm bẻm nhai trầu, lúc hát Phụ tử tình thâm. Bà luôn tự hào, Thạch Hà là quê hương Lý Tự Trọng. Nội tôi vốn là người hoạt động phụ nữ, thanh niên, một thời sôi nổi.
Bà tôi không còn trên dương gian này để chứng kiến các thay đổi, ngay cả tên đất. Một thời khi tìm hiểu về Can Lộc, người ta cứ hỏi: “Eng ở chi lộc”; với Thạch Hà thì hỏi: “Ả ở Thạch chi”... các huyện trong tỉnh đều thế. Nay tên cũ được gọi lại.
Quê hương Lý Tự Trọng, từ năm 2020 mang tên mới là Việt Tiến; nhưng đó cũng là một xã được ghép từ tên của ba xã cũ là Phù Việt, Việt Xuyên và Thạch Tiến. Cứ sáp nhập, mở rộng địa giới hành chính xã là các xã mới phải lấy một “chữ” trong tên xã cũ. Tâm lý người Việt là vậy, cứ phải công bằng, dù một cái tên gọi.
Ngay cả Thạch Hà, bà tôi cũng không còn được chứng kiến, bao lần thay đổi. Thị xã Hà Tĩnh lên thành phố, mở rộng địa giới; thành lập huyện Lộc Hà, từ một số xã của Can Lộc, Thạch Hà. Mới đây nhất, Nghị quyết 196/NQ-HĐND ngày 30/9/2024 của HĐND tỉnh Hà Tĩnh đã quyết nghị tán thành chủ trương sắp xếp, thành lập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025. Các đơn vị cấp huyện như TP Hà Tĩnh, huyện Thạch Hà, Lộc Hà có sự thay đổi lớn về đơn vị hành chính.
Bà tôi không biết rằng, các xã Đỉnh Bàn, Thạch Hải, Thạch Hội, Thạch Khê, Thạch Lạc, Thạch Thắng, Thạch Trị, Thạch Văn, Tượng Sơn, Tân Lâm Hương và Thạch Đài của Thạch Hà sẽ được sáp nhập vào thành phố Hà Tĩnh; các xã còn lại của Lộc Hà như thị trấn Lộc Hà, Thịnh Lộc, Tân Lộc, Hồng Lộc, Ích Hậu, Phù Lưu, Thạch Mỹ, Mai Phụ, Bình An, Thạch Kim, Thạch Châu sáp nhập vào huyện Thạch Hà. Huyện Lộc Hà sẽ xóa tên khỏi bản đồ tỉnh Hà Tĩnh. Trong muôn vàn sự thay đổi, nội luôn luôn thuộc về Thạch Hà. Xã của người thanh niên cộng sản mà bà từng tự hào luôn thuộc về Thạch Hà. Cũng như Can Lộc quê nhà, Thạch Hà quê nội, bà tôi đã không còn để chứng kiến sự thay đổi. Hà Tĩnh có lẽ là địa phương tiên phong, đi đầu về xây dựng nông thôn mới. Nếu bà tôi sống lại, chắc chắn bà sẽ được đi trên những con đường không còn lầy lội, bê bết cát ẩm như xưa.
Thị trấn Thạch Hà hôm nay. Ảnh: PV
Thạch Hà được mùa toàn diện, năng suất vượt trội; xây dựng mới 9 mô hình sản xuất có doanh thu từ 100 triệu đồng trở lên. Đến nay có 160/187 (đạt 85,56%) khu dân cư được công nhận kiểu mẫu. Năm 2024, xã Thạch Liên và Thạch Sơn phấn đấu đạt chuẩn NTM nâng cao và xã Nam Điền phấn đấu đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Các xã còn lại duy trì, cập nhật, nâng cấp các tiêu chí. Thị trấn Thạch Hà - cửa ngõ vào thành phố Hà Tĩnh đã đạt 8/9 tiêu chí đô thị văn minh. Thực hiện các tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao, toàn huyện đạt 70% so với yêu cầu.
*
“Tôi hành động không phải là không suy nghĩ. Tôi hiểu việc tôi làm. Tôi làm vì mục đích cách mạng. Tuy tôi chưa đến tuổi thành niên thật, nhưng tôi đủ trí khôn để hiểu rằng con đường của thanh niên chỉ có thể là con đường cách mạng và không thể là con đường nào khác. Tôi tin rằng nếu các ông suy nghĩ kỹ thì các ông cũng cần phải giải phóng dân tộc, giải phóng những người cần lao như tôi đã làm”, bà tôi không thuộc câu nói nổi tiếng này của người anh hùng, liệt sỹ Lý Tự Trọng. Tuy nhiên, bà nhắc nhiều đến con đường cách mạng. Bà mừng khi tôi lớn lên, học hết phổ thông thi đỗ vào một trường của Lực lượng vũ trang. Trong mớ chữ ít ỏi của thời thế mà nội học được, nội nghĩ cứ ra đi là “làm cách mạng”.
- Nói đơn giản dễ hiểu, sống đơn giản đỡ lo. Bà tôi dặn ngày tôi khăn gói “quả mướp” ra Hà Nội học hành. Bà chỉ có một nguyện vọng gửi gắm, mong tôi trở thành người tử tế.
Cuối năm 2023, nhân một lần về Thạch Long, tôi có tranh thủ thời gian ghé thăm quê hương Lý Tự Trọng. Đường làng, ngõ xóm khang trang, hương lúa, hương quê man mác. Việt Tiến có 15 thôn, tổng diện tích trên 20 km2, dân số 9.357 người. Việt Tiến từ lâu có phong trào xây dựng nông thôn mới có tính lan tỏa sâu rộng, thu hút nhiều thành phần tham gia. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tập trung xây dựng, nhất là hạ tầng phục vụ sản xuất, phúc lợi, thiết thực hoàn thiện các tiêu chí, tạo ra diện mạo mới cho từng thôn xóm. Điều làm tôi chộn rộn là từng khu dân cư ở đây được xây dựng kiểu mẫu, từng vườn mẫu muôn vàn hoa lá, khoe sắc. Toàn xã có 72 vườn mẫu được công nhận đạt chuẩn cho thu nhập từ 100 - 150 triệu đồng. Theo lãnh đạo xã Việt Tiến, phát triển kinh tế vườn là yếu tố quan trọng góp phần nâng cao nguồn thu nhập cho người dân, tạo cảnh quan môi trường khu dân cư xanh - sạch - đẹp. Toàn xã đã tổ chức hàng ngàn đợt ra quân. Công lênh khó tính thành tiền, nhưng cứ suy từ “công nhật” thuê thợ, dân trong xã Việt Tiến đã đóng góp hàng chục tỷ đồng chăm sóc quê hương mình.
Từ năm 2022 đến nay, Việt Tiến làm mới được 8,2km đường giao thông nông thôn, 3,7km kênh mương nội đồng, rải thảm 9km; đổ bê tông mở rộng 10km đường; xây dựng 4,8km bồn hàng rào xanh; vận động Nhân dân hiến 900m tường rào mở rộng hành lang đường. Cơ sở vật chất trường học được đầu tư xây dựng theo hướng kiên cố, chuẩn hóa và từng bước được hiện đại hóa. Chất lượng giáo dục cơ bản được giữ vững. Cơ sở vật chất văn hóa, thiết chế văn hóa được quan tâm đầu tư, đảm bảo nhu cầu sinh hoạt của người dân. Hiện 15/15 thôn có nhà văn hóa và khu thể thao được lắp đặt các thiết bị, đảm bảo sinh hoạt và vui chơi cho người dân. Việt Tiến đã có 9/15 thôn được tỉnh công nhận khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu theo bộ tiêu chí mới; 6 thôn còn lại đang đẩy nhanh tiến độ triển khai các hạng mục chỉnh trang khu dân cư, vườn hộ để đề xuất tỉnh thẩm định, hoàn thành và cuối 2024.
Kinh tế phát triển đa dạng; nông nghiệp, thương mại dịch vụ có nhiều chuyển biến tích cực. Người dân sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng hàng hóa, nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao. Trên địa bàn có 14 doanh nghiệp, 5 hợp tác xã, 3 tổ hợp tác đang hoạt động có hiệu quả. Xã có 2 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao phát triển tốt về thương hiệu và doanh thu.
Đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày được nâng cao. Tỷ lệ hộ nghèo trong năm giảm xuống còn 3,79% theo chuẩn NTM; tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 93,7%. Phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao phát triển mạnh mẽ, sôi nổi ở các khu dân cư.
Đến cuối tháng 6/2023, Việt Tiến đã được các sở, ngành của tỉnh đánh giá hoàn thành đạt chuẩn và trên chuẩn 20/20 tiêu chí xã nâng cao. Cách đây một năm, ngày 13/9/2023, UBND tỉnh công nhận xã Việt Tiến đạt xã nông thôn mới nâng cao. Theo lãnh đạo Việt Tiến, xã đặt mục tiêu tiếp tục duy trì và đẩy mạnh thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xây dựng thêm 6 khu dân cư kiểu mẫu. Phấn đấu trong năm 2026 xây dựng thành công xã nông thôn mới kiểu mẫu.
Ở “thế giới người hiền”, hẳn nhiên liệt sỹ Lý Tự Trọng cũng mừng vui với quê nhà, về “con đường cách mạng”, mà ông đã dấn thân khi mới lên mười và hy sinh lúc 17 tuổi.
*
Ngày còn ở quê, tôi hay đi xe qua cầu Già vào đất Thạch Liên của Thạch Hà mua dưa hồng về cho mẹ. Mẹ tôi muối lên, lúc thì kho với cá đồng, lúc thì xào với tóp mỡ. Đến mùa thu hoạch hai bên đường quốc lộ 1A, người nông dân bày bán la liệt.
Ký ức gọi tôi về với Thạch Hà, vùng khoai lang, đất cát. Ngày còn chiến tranh, đấy cũng là nơi cơ quan tỉnh Hà Tĩnh sơ tán. Tôi đã đi bên cạnh những ngôi nhà thưng bằng rơm với đất, lợp lá cọ... Dưới bàn chân tôi, cát mùa mưa ngậm nước mát lạnh, mùa hè bỏng rát.
Tôi đã từng đi qua nhiều con đường, mái trường, công viên mang tên Lý Tự Trọng. Hà Nội công viên Lý Tự Trọng ở một góc Hồ Tây lộng gió, ngan ngát mùa thu. Ở đó, mỗi buổi chiều nam thanh, nữ tú vẫn check-in, dành tặng nhau những khuôn hình có cánh chim sâm cầm, tiếng chuông Trấn Vũ...
Trên dặm dài lang thang cùng suy ngẫm, tôi nhớ bà nội. Nhớ con đường bà, cháu từng đi qua...
Ngày 9/10/2024
N.Đ.H