Trong những năm gần đây thuật ngữ “văn hóa đọc” đã trở nên phổ biến chứ không còn bó hẹp trong một thư viện, một nhà xuất bản hay chuyện bàn tròn của các nhà văn.
Trên thực tế, văn hóa đọc đang hàng ngày diễn ra như thế nào và sự hình thành đội ngũ độc giả, quan niệm của người đọc lại chưa có những thống kê cụ thể. Trên một phương diện nào đó, những cuộc giao lưu giữa nhà văn, tác giả những cuốn sách và độc giả trẻ tuổi đang ngồi trên ghế nhà trường là đối tượng tiếp cận các lý thuyết và tác phẩm văn chương sẽ là một minh chứng để giúp chúng ta cảm nhận được phần nào văn hóa đọc của những người trẻ tuổi hôm nay.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa trong Ngày thơ Việt Nam 2017
Vốn sống chi phối nhiều đến văn hóa đọc
Đọc vốn là hoạt động tiếp nhận thông tin, tri thức từ nguồn tư liệu. Nhưng ở mức độ cao hơn đọc còn là sự rung động, hồ nghi, bức xúc, đồng cảm… trước những thực tế cuộc sống, quy luật tâm lý, các phạm trù thẩm mỹ, đạo đức.
Trong nhà trường phổ thông, bên cạnh việc cung cấp kiến thức chuẩn (đã được định tính, định lượng) bằng các tài liệu sách giáo khoa, bài giảng, các thày cô giáo còn khuyến khích các em đọc tham khảo các tài liệu bổ trợ và tổ chức ngoại khóa ngoài giờ giảng. Không ít nhà trường đã tổ chức cho học sinh được giao lưu với các nhà văn có tên tuổi, tiếp cận với văn học địa phương, hay tác giả của một cuốn sách đang được quan tâm. Tuy nhiên, khi bước vào các cuộc giao lưu ở rất nhiều trường cho thấy sự xuất hiện của các giáo viên chủ nhiệm lớp chỉ có mục đích là giám sát về sĩ số. Đó có thể là một yêu cầu tất yếu của ngành giáo dục vì ngoài kiến thức còn cần sự uốn nắn, chấn chỉnh thường xuyên để các em có được tính kỉ luật. Tuy nhiên, điều đó còn xuất phát từ việc luôn có sự lệch pha, “vênh” giữa khách mời và độc giả. Điều đó xuất phát từ nhiều nguyên nhân: Khách mời có độ tuổi khá chênh lệch với độc giả do vậy nên khó nắm bắt tâm lý và đưa ra cách thuyết trình chưa thực sự hợp lý. Do những bạn đọc trẻ ngồi trên ghế nhà trường còn quá ít trải nghiệm, vốn sống để cảm nhận, thấu hiểu trước những thực tế được các vị khách mời đề cập đến. Tuy nhiên, không hiếm trường hợp các nhà văn vẫn biết cách thuyết phục người nghe bằng nghệ thuật thuyết trình, bằng những chia sẻ, tâm sự vượt ra ngoài giới hạn tuổi tác như nhà thơ Trần Đăng Khoa, Hoàng Nhuận Cầm, nhà văn Chu Lai, Nguyễn Nhật Ánh…
Đọc sách trong nhà trường là một nhu cầu cần thiết của các độc giả nhỏ tuổi (ảnh: giaoduc.edu.vn)
Những bất cập trong công tác giảng dạy văn học
Có thể nói, nguyên nhân không nhỏ của những bất cập này xuất phát từ những bất cập giữa cách tiếp cận của các độc giả đang ngồi trên ghế nhà trường và đời sống văn học. Từ những nguyên nhân khách quan như chương trình giáo dục còn mang nặng lý thuyết, đa phần các em được tiếp xúc các bài văn mẫu, các luận điểm mà khả năng đọc, cảm thụ, hay đơn giản hơn là thời gian đọc tác phẩm chưa được nhiều. Khi học về một trích đoạn văn xuôi trong một cuốn tiểu thuyết, một trường ca, các em chưa có điều kiện đọc toàn bộ tác phẩm nên rất khó hình dung về thể loại ấy.
Nhưng cũng không thiếu trường hợp sự bất cập đến từ chính cách giảng dạy và định hướng của các thày cô giáo. Tôi đã từng chứng kiến việc các em học sinh dõng dạc giới thiệu tiết mục đọc thơ của mình là: Bài thơ Đất nước của Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm. Trong khi, đó chỉ là một trích đoạn trong trường ca Mặt đường khát vọng. Hẳn chúng ta đều biết thơ và trường ca là hai tiểu loại khác biệt dẫu cùng sử dụng hình thức câu thơ. Không chỉ có vậy, việc giảng dạy văn học trong nhà trường cũng luôn bó hẹp trong phạm vi thi cử, văn chương trở thành công cụ để đạt được mục đích lập nghiệp chứ không còn ý nghĩa giáo dục thẩm mỹ, bồi dưỡng tâm hồn. Chính khoảng trống này đã làm nảy sinh xu hướng thờ ơ với văn chương, chán ghét môn học này và tìm đến những nguồn khác để đọc, để tìm hiểu.
Văn hóa đọc nhìn từ phía các độc giả trẻ tuổi cho chúng ta thấy những bất cập như thế. Cho dù, ở đâu đó vẫn xuất hiện những cây bút trẻ có sự am hiểu văn hóa, lịch sử, viết thành thạo ngôn ngữ tiếng Việt và trở thành nhà văn trẻ. Tuy nhiên, đó không hẳn là sự phản ánh đầy đủ nhất cho số đông các em học sinh đang gặp phải những khó khăn trong cách tiếp cận với sách, với tri thức và nhận thức về cuộc sống. Có lẽ, ở phương diện nào đó, văn hóa đọc sẽ chỉ có những biến chuyển từ những điều nhỏ nhất.
Theo toquoc.vn