Bước qua cột mốc ba mươi năm một tiến trình đổi mới trong văn học, đã có một số cái nhìn ghi nhận vị trí hàng đầu của khu vực văn chương viết về chiến tranh. Đó là một thực tế hiển nhiên, vì trong dòng chảy chính thống suốt bao năm qua những tác phẩm văn học về chiến tranh vẫn là phần chủ yếu tạo nên giá trị, cho dù cũng thực tế là miền văn học đó không có ưu thế trên thị trường sách tăng trưởng mạnh mẽ. Hầu như các ghi nhận thường là ghi nhận sự biến chuyển của văn chương viết về chiến tranh hoặc theo hướng tái hiện các thực tế trước đây không được phép tiết lộ hoặc theo hướng đổi mới các thủ pháp kể chuyện nhằm cố khai thác cái được cho là “bộ mặt con người” trong chiến cuộc. Riêng về những nỗ lực khai thác “khía cạnh con người” đó đã có nhiều bất cập, mà một bình luận của nhà phê bình Ngô Thảo về cuốn Hồi ức lính của tác giả Vũ Công Chiến, 2016, đã nhắc nhở: Nhà phê bình tỏ ý cảm ơn tác giả Vũ Công Chiến đã bảo vệ danh dự của đông đảo người lính của một thế hệ được giáo dục, sống rất tử tế, đối với dân tử tế, trân trọng người họ yêu, không phải là những anh lính bặm trợn, bạo liệt, đi tới đâu cũng ham hố chuyện dục tình như nhiều trang viết mới mô tả.
Có một khuynh hướng ít được nhắc tới hơn: Khuynh hướng những câu chuyện mang thông điệp hòa giải; tìm kiếm các hình tượng được xem là nói lên cội nguồn Việt cùng chia sẻ, chẳng hạn nhân cách chiến binh hay các liên hệ gia đình đan xen chồng chéo. Đó là nằm trong một khao khát chung, như nhà văn Xuân Thiều từng nói, là khao khát Viết về chiến tranh lúc này không chỉ là để cổ vũ, động viên mà nhằm khám phá hiện thực chiến tranh, hay như nhà văn Khuất Quang Thụy sau này có lần khẳng định: Tới giờ cũng chưa thể nói là mình đã hiểu hết được cuộc chiến. Chẳng ai dám nói là hiểu hết nó cả.
Như vậy là những sáng tác văn chương lấy các sự kiện và con người Việt Nam thời chiến làm nội dung, có được phẩm chất trải nghiệm thực thụ, vẫn chưa đi hết vai trò là một hệ biểu trưng của văn hóa dòng chính, thực thi chức năng nhận thức và phục hồi tính thống nhất văn hóa-lịch sử của xã hội thời hậu chiến.
*
Những tác phẩm văn chương viết về chiến tranh tiến lên theo một biên độ không ngừng mở rộng, tỉ lệ thuận với “độ lùi” khoảng cách thời gian với quá khứ, cùng lúc là mở rộng tầm suy tư thúc đẩy sự thức nhận lịch sử phù hợp với biến chuyển của những thời kỳ mới kế tiếp nhau.
Một sức thúc đẩy nhận thức như thế biểu đạt qua sự tái hiện và suy ngẫm về những hy sinh cực kỳ to lớn của người Việt cả về sinh mạng và tinh thần; biểu đạt qua việc cố gắng phục hiện những hình hài chân thực của con người trong chiến sự, trong chiến cuộc và xã hội thời chiến. Hướng thứ hai này cho thấy bước tiến về phía mở rộng cái nhìn trước đây của những người đã chiến thắng trong chiến trận, mở rộng vào những quan sát nhiều chiêm nghiệm hơn, tức là chân thực hơn về chính mình và về con người đối phương - nói như nhà văn Trung Trung Đỉnh, là về nguồn gốc của cái bi cái hùng, tức là nguồn gốc sâu kín của tình cảm trong con người ta - với một hàm ngụ rộng hơn ở cái “tình cảm con người” nói chung, như một lý giải về các hoàn cảnh lịch sử cụ thể đã làm dấy lên cơn lốc những “tình cảm” đó, mà thực tế có thể hàm chứa ý nghĩa hòa giải tích cực.
Dù các đầu sách văn học mới về chiến tranh xuất hiện ít hơn so với khoảng mười năm đầu sau chiến tranh, nhưng bù lại thì càng gần đây các sáng tác mới càng phân hóa tích cực hơn về độ chân thực của trải nghiệm, và do đó, độ chân thực của biểu đạt văn chương cộng hưởng với một bối cảnh văn học-xã hội đổi thay rất nhanh chóng, khiến lại chạm tới được trái tim và lương tâm người đọc.
Trên thực tế nhiều chuyển biến trong văn hóa xã hội, đặc biệt trong các khu vực của tinh thần và tâm linh, đã được miền văn chương về chiến tranh cập nhật nhanh chóng và đầy đủ, sâu sắc hơn hầu hết các loại hình văn hóa phẩm khác. Giả sử miền sáng tác ấy của văn chương đương đại được cập nhật, theo cách so sánh, vào môn văn trong ngành giáo dục, thì bộ mặt của văn học sử đã phải khác nhiều. Nhận thức xã hội về lịch sử hiện đại, về cái lịch sử đặc thù hình thành và được nghiệm trải trong cái môi sinh độc đáo nhất - cái môi trường của giáo dục và hình thành nhân cách con người trong một quá vãng độc đáo và quan trọng đến thế - cái nhận thức ấy chắc chắn phải biến chuyển qua việc thưởng thức những sáng tác như Cao hơn bầu trời, Mùa hè giá buốt, Nếu anh còn được sống của Văn Lê, Những bức tường lửa, Đối chiến, Đỉnh cao hoang vắng của Khuất Quang Thụy, Lính trận, của Trung Trung Đỉnh, Bến đò xưa lặng lẽ, của Xuân Đức, Rừng thiêng nước trong, Thông tin đa chiều của Trần Văn Tuấn, Dòng sông mang lửa của Hồ Sỹ Hậu, Hồi ức lính của Vũ Công Chiến, Bác sĩ trưởng khoa của Vũ Oanh, Biên bản chiến tranh 1234 75 của Trần Mai Hạnh, Tiếng khóc của Nàng Út của Nguyễn Chí Trung, Thượng Đức, Đỉnh máu của Nguyễn Bảo, v.v... rồi qua những con mắt nhà văn của Lê Văn Thảo với Con đường xuyên rừng, Cơn Giông, của Vĩnh Quyền với Mảnh vỡ của Mảnh vỡ, Canh năm của Lê Thành Chơn, Hoàng Đình Quang với Cánh đồng lưu lạc, Trần Luân Tín với Được sống và kể lại, của Lam Giang với Vùng Trắng, Cao Duy Sơn với Biệt cánh chim trời, của Chu Lai với Mưa đỏ, của Lê Minh Khuê với Nhiệt đới gió mùa. v.v...
Xem trên khía cạnh hình thức biểu đạt của nhiều sáng tác văn xuôi về thời chiến gần đây, với những đề cương nội dung nhiều nhân vật nhiều tình tiết, nhiều tuyến trần thuật xoay chuyển trên cùng một trục thời gian thực, cùng một nhịp điệu, thường ít tạo ra được sự tách biệt các điểm nhìn, ít khi vượt qua được sự đồng hóa của giọng kể, thì dung lượng kể lớn dường như lại thiết thực, và cho thấy cái mong muốn thể hiện một cách sử thi những trải nghiệm văn học về những sự thực chưa khai mở của thời chiến và con người trong chiến cuộc, xét cho cùng dường như chính là nỗi mong muốn viết nên lịch sử của thời đại mình - một khao khát rất có cơ sở thực tiễn.
Và trong khi phong cách cổ điển không mấy thuần thục, rất ít thấy việc sử dụng được các bút pháp cập thời hơn, như bút pháp giản lược, phương pháp tư liệu, hoặc phương pháp liên văn bản - những bút pháp có thể làm tăng nội hàm và khả năng tạo nghĩa.
Tuy nhiên cho đến lúc này, ưu thế về hiệu quả văn học vẫn đang nghiêng về các nội dung kể - và điều này dường như, trên tổng thể một thực tế thời đại, đang đáp ứng đúng một nhu cầu xã hội dù có thể ít được nhìn nhận cho xứng hợp, cái nhu cầu được tỏ tường về rất nhiều sự thực đã bị khuất lấp bởi dòng thác sự kiện ưu tiên lúc này lúc khác trong quá khứ. Đặc biệt khi các câu chuyện như thế dần hướng vào tiêu điểm các kích thước con người, sự thể hiện của nhân cách trong các bối cảnh chiến tranh, thì có thể thấy các sáng tác của một số nhà văn cựu binh chiến trường cho thấy thực chất hơn, gần cảm giác sự thật hơn; chưa kể chính những tác giả này đầy đủ ý thức nỗ lực tái hiện các nhân vật của họ với kích thước nhân tính vốn có của con người Việt Nam, của người chiến binh Việt nói chung, với sức bền bỉ và lòng quả cảm lạ lùng.
Phương diện phức tạp của một cuộc chiến tranh cũng chính là tính lịch sử của các sáng tác văn học soi rọi vào những phức tạp đó, chủ yếu bằng cách soi rọi vào con người trong lịch sử đó - nói như nhà văn Văn Lê, trước đây chúng ta mới chỉ viết về chiến thắng, chưa thật sự viết về chiến tranh, và nay đã có những tác phẩm khơi dậy cho mọi người hiểu và nhận thức về chiến tranh nhiều hơn. Hơn nữa, chiến tranh là sự hợp thành của lịch sử, hay chính là lịch sử trong một kỷ nguyên chiến tranh toàn diện. Và các sử gia có thể nhận được nhiều hơn từ những cuốn tiểu thuyết khi họ đặt câu hỏi liệu những tiểu thuyết đó có cho phép họ khảo sát các vấn đề về tầm quan trọng lịch sử mà các sử gia tự họ không thể trình bày một cách đầy đủ xứng hợp - (Donald Reid, Đại học Bắc Carolina.) Một điều như vậy hẳn cũng có thể để nói về các truyện kể chiến tranh của chúng ta, đặc biệt trong một thời kỳ mới mẻ hiện nay, khi tất cả chia sẻ một môi trường xã hội thông tin tăng trưởng mau lẹ đi cùng một sự quên lãng quá nhanh.
*
Không có những biểu hiện về tìm kiếm hình thức văn chương mới, các tiểu thuyết chuyện chiến tranh và thời chiến nổi bật những năm vừa qua cho thấy trên hết là một nỗ lực tập trung tưởng nhớ tri ân những người đã hy sinh trong chiến đấu cũng như phục vụ chiến đấu, mặt khác, kiến lập những tượng đài văn chương cho một số sự kiện lớn của chiến tranh mà đồng thời có một tầm vóc không gian cân bằng nhìn nhận cả hai phía “Đối chiến” trên chiến trường.
Bước tiến triển văn học mà những tác phẩm như thế tạo nên, một mặt, xuất phát từ sự khắc họa sâu sắc, chân thực cái khốc liệt tận cùng của những hy sinh và tổn thất, của tính tàn nhẫn bất trắc trong chiến tranh, mặt khác, bằng những bức tranh lịch sử chiến trận, những chân dung chiến binh trên cả hai bên chiến tuyến.
Đó là các đặc điểm mới mẻ của dòng văn học chiến tranh và cách mạng, mà một vài nhà bình luận đã mau mắn gọi là “đem đến tinh thần đối thoại”. Song có lẽ cần đặt đúng vị trí của nó ở một tầm mức cao hơn. Đây chưa phải tính đối thoại nội tại do tính tiểu thuyết của mỗi tác phẩm sản sinh ra. Trong số những tiểu thuyết nổi bật đã kể đến ở trên, tính đối thoại nội tại tác phẩm chỉ mới xuất hiện trong Lính trận và Đối chiến.
Sức mạnh mô tả của văn chương trong những tác phẩm như Cao hơn bầu trời, Mùa hè giá buốt, Dòng sông mang lửa, Tiếng khóc của Nàng Út, Rừng thiêng nước trong, Bác sĩ trưởng khoa, Hồi ức lính, Đỉnh cao hoang vắng, v.v... đem tới những đối thoại hàm ngụ bởi toàn bộ ngữ cảnh của mỗi cuốn tiểu thuyết đó - đấy là sự lên tiếng của một quá khứ chưa xa, còn nóng bỏng như những dòng dung nham bên dưới lớp vỏ đá mới nguội. Những tiếng nói chất vấn, bộc bạch, đặt câu hỏi cho những sự lãng quên và thoái thác thời hậu chiến, lừng lững nổi lên từ hình ảnh văn học của con người riêng tư trong chiến cuộc, bi kịch cá nhân đời chiến đấu của chiến sĩ, của những người anh hùng chiến trận, như trong Bến đò xưa lặng lẽ, Dòng sông mang lửa, Những bức tường lửa, hay từ hình tượng văn học của người chiến binh dân dã đeo mang tính lý tưởng một thời trên đôi vai bền bỉ của tính cách dân Việt hiện đại, như trong Lính trận, Những bức tường lửa, Rừng thiêng nước trong.
Tiếng nói có tính đối thoại thì ở mọi thời đều có thể giúp xóa đi những ảo tưởng hay hoang tưởng nào đó, giúp thức nhận cái nơi chốn xứng hợp hơn cho các vấn đề-sự kiện-con người, cũng như một phép loại suy cho những hệ quả mai hậu, đặc biệt trên lĩnh vực văn hóa tinh thần. Cho nên tính đối thoại của văn chương về chiến tranh gần gũi tự nhiên hướng đến tính đối thoại từ một lịch sử chân thực.
Hướng lựa chọn khắc họa những bức tranh lịch sử chiến trận đã mang đến tính đối thoại mới mẻ hơn qua các tác phẩm Những bức tường lửa, Đối chiến, Thượng Đức, Đỉnh máu. Những thời khắc lớn của chiến cuộc được lưu ảnh từ các góc độ khác nhau, như Mậu Thân năm 1968 trong Cao hơn bầu trời, Mùa hè giá buốt, Rừng thiêng nước trong, hay bước ngoặt năm 1968-69 trên chiến trường Quảng Trị-Khe Sanh trong Những bức tường lửa, hay cuộc đánh bại chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” trong Đối chiến, Thượng Đức…
Sức sống từ tính thật của những bức tranh bằng văn chương sẽ khiến chúng gần gũi một cách tự nhiên hơn với những bài học trực quan về lịch sử, trong khi chất xúc cảm hùng tráng và bi thương, vượt qua được những điểm yếu về ngôn ngữ văn học, toát lên rất truyền cảm và thuyết phục từ những câu chuyện về chiến tranh, đặc biệt từ các hình ảnh con người những chiến binh cả bên này và bên kia chiến tuyến, bắt đầu khai mở một tiếp cận mới qua những nếp nhăn, nếp gấp, khoảng trống mà lịch sử để lại.
*
Sự hứa hẹn của tính chân thực ấy lấp lánh thú vị ở trong ký ức về chiến tranh của các nhà văn từng một thời là lính chiến, mà dường như vẫn luôn còn những “chuyện bây giờ mới kể”. Hay có lẽ đúng hơn, rất nhiều những câu chuyện, sự kiện và tình tiết đã phải cần đến những biến chuyển của tình thế với thời gian để bộc lộ các ý nghĩa, bởi vì thời gian cũng làm chúng biến chuyển. Quá khứ không bỏ rơi chúng ta.
Một thí dụ mới nhất là ở cuốn tiểu thuyết Đỉnh cao hoang vắng của nhà văn Khuất Quang Thụy. Trong câu chuyện này, tác giả quay lại một chiến trường xưa quen thuộc với anh, đến một trong những trận đánh khét tiếng, “trận đồi Charly” trong chiến dịch Xuân-hè 1972. Nhưng những trang mô tả chiến cuộc và chiến trường giờ đây được dời lui một cách hợp lý vào phần nền, vào bối cảnh, để nhường chỗ cho các mô tả cận cảnh về một số những nhân cách thời chiến - điều phù hợp với một chủ đề trong số các suy nghĩ của nhà văn, như anh viết trong MẤY LỜI ĐẦU SÁCH rằng… Ngày hôm nay chúng ta đang tìm cách để tạm khép lại những tàn dư của hận thù để hòa hợp dân tộc. Trong khi dọn dẹp đống tro tàn của chiến tranh để lại, ta bỗng hiểu ra rằng, thực ra chúng ta không khác nhau nhiều như vẫn tưởng…
Ý tưởng đó lấp lánh nhiều sắc độ trong một câu chuyện chạy suốt cả ba phần của tiểu thuyết này; thậm chí có thể xem đó là câu chuyện nòng cốt của tác phẩm.
Tiểu thuyết này chia làm bốn phần có tên lần lượt là “Sói hoang đơn độc”, “Đạo hùng binh”, “Thách đấu”, “Đỉnh cao hoang vắng”. Phần thứ hai chiếm số trang nhiều nhất và thực ra phần này tiềm chứa sức phát triển thành một cuốn tiểu thuyết khác. Nó xoay quanh thời gian một đơn vị của sư đoàn 320 lui về đất Bắc bổ sung lực lượng để lại được tung vào trận đánh lớn đầu năm 1972. Những ngày hòa bình ngắn ngủi của người lính chiến trường về thăm nhà, va chạm với đời sống hậu phương,… thực đáng là một trong những cái không-thời gian đặc hiệu cho một tiểu thuyết khám phá những nhân cách thời chiến.
Câu chuyện gây bất ngờ nhất, như đã nói trên, là câu chuyện hai lính dù Sài Gòn trên đường đào tẩu bắt được một nữ chiến sĩ cứu thương của QĐNDVN và rồi, do cần cô cứu chữa vết thương, đã dong cô theo suốt hành trình hai lính dù tìm về căn cứ. Cái “tổ ba người” tao ngộ và bất đắc dĩ ấy đã dần tìm ra cách đối xử với nhau khả dĩ có tình người nhất, tôn trọng phẩm giá của đối phương trong tư cách con người trong khi vẫn luôn ý thức rõ rệt sự khác biệt chết người về lý tưởng chiến đấu giữa bọn họ. Họ quả thật đã dựa nhau để sống sót. Và khi hành trình của họ tiếp cận đường Trường Sơn, nữ chiến sĩ QĐND được viên sĩ quan dù trả tự do, theo lời hứa “danh dự quân nhân” mà anh ta đã hứa với tù binh của mình.
*
Những câu chuyện phong phú của miền văn học chiến tranh, đặc biệt khi đạt tới tính chân thực nhất định, đã cho thấy dòng văn chương này mang vác một sứ mạng không thể khác. Cũng như con người ta với đủ mọi thứ đều không thể thoái thác hay tránh khỏi lịch sử thời đại mình, văn chương về một thời đại chiến tranh không thể thoái thác phần trách nhiệm tinh thần trong cuộc phục hồi con người đã bị chiến tranh tàn phá. Dường như đã ngày càng rõ hơn rằng khu vực văn chương đó ngày càng chú mục hơn vào cái tâm điểm là nhân cách con người qua các biến động thời đại. Tất cả những sự kiện, biến cố, thắng bại hay được mất chung quy đều neo vào những hệ quả trên nhân cách của một và nhiều thế hệ - điều trở nên sống còn với tương lai của cộng đồng ấy, xã hội ấy. Các sáng tác văn học về chiến tranh vẫn hứa hẹn với chúng ta trên nền tảng những thành quả văn học bốn mươi năm vừa qua, và trên hết là hứa hẹn bởi cái sứ mạng còn chưa hoàn tất của nó: Với lịch sử và sự hòa giải.
Nguồn Văn nghệ số 17+18/2017