22-04-2018 - 03:18

"Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác" (1) một bài thơ có nhiều mới lạ

Văn nghệ Hà Tĩnh điện tử giới thiệu bài viết "Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác" một bài thơ có nhiều mới lạ của tác giả Phạm Tuấn Vũ.

Trong Ngục trung thư (Thư viết trong ngục), tác phẩm có tính cách như “tự truyện” cuối cùng của Phan Bội Châu (hoàn thành khoảng năm 1937) có bài thơ Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác. Bài thơ như sau:

                              Vẫn là hào kiệt, vẫn phong lưu,

                              Chạy mỏi chân thì hãy ở tù.

                              Đất khách không nhà trong bốn biển,

                              Lại người có tội giữa năm châu,

                              Bủa tay ôm chặt bồ kinh tế,

                              Mở miệng cười tan cuộc oán thù.

                              Thân ấy vẫn còn, còn sự nghiệp,

                              Bao nhiêu nguy hiểm sợ gì đâu.

Có thể nói nhà Nho làm thơ cũng tự nhiên như là chim phải hót vậy! Chưa nói đến những thần đồng thơ ca thuở ấy, chỉ nói đến ngay cả những nhà Nho bình thường, thơ ca không phải là lĩnh vực “kính nhi viễn chi”(2). Từ lúc còn để chỏm, người ta đã được làm quen với các kiểu thơ ca, từ những bài ca dao tình tứ trong Kinh Thi, một tập thơ dân gian đời Chu (Trung Quốc), hay những bài thơ (đúng ra là văn vần) trong Tam tự kinh… Để khơi gợi trí tò mò, các bậc huynh trưởng thường nói: Thư trung hữu nữ nhan như ngọc (Trong sách có người con gái dung nhan như ngọc), Thi trung hữu… Thôi thì đủ các kiểu hấp dẫn. Tất nhiên các sĩ tử (đương nhiên thời ấy chính thống chỉ có con trai) không ai chỉ hiểu những câu đó theo nghĩa đen. Những cuốn sách ấy giúp họ học hành đỗ đạt, khiến cho “cá chép hoá rồng”, thay đổi thân phận, “tiến vi quan, thoái vi sư”, hoặc trở thành cha mẹ dân hoặc trở thành các loại thầy: thầy học, thầy thuốc, thầy bói, thầy địa lý… Nói như vậy để thấy rằng thời trung đại thơ rất gần gũi với nhà Nho tìm được cái mới thật khó lắm thay. Vì bản thể của thơ, vì thơ thời ấy phải tuân theo nhiều quy phạm, vì người làm thơ thời ấy có vô số. Đều đúng cả. Trong tình hình đó càng thấy bài thơ này của Phan Bội Châu có nhiều điều mới lạ. Thoạt tiên, điều khá lạ là một bài thơ Nôm (thơ quốc âm) nằm trong một tập văn xuôi chữ Hán.

Phan Bội Châu (1867-1940) tên thuở nhỏ là Phan Văn San, đương thời vẫn gọi là Giải San, nghĩa là Phan Văn San đậu Giải nguyên. Giải nguyên là đỗ đầu kỳ thi Hương - kỳ thi tổ chức ba năm một lần. Tỉnh lớn tổ chức độc lập, tỉnh nhỏ phải ghép. Với một người từng đỗ đầu kỳ thi Hương ở một tỉnh có nhiều người giỏi chữ nghĩa thì làm bài thơ chữ Hán là chuyện dễ dàng. Nói gì đâu xa, ngay trong tập Ngục trung thư này, chỉ trước đó vài dòng có một bài thơ chữ Hán tác giả viết tặng Mai Lão Bạng, một trí thức công giáo, đang bị giam giữ cùng nơi. Vậy mà bài thơ “tự an ủi mình” (chữ của Phan Bội Châu), ông viết bằng quốc âm, loại ngôn ngữ đương thời không được đề cao như chữ Hán. Điều này cho thấy từ xưa, nhiều trí thức văn nghệ sĩ đã thấy được những ưu việt của ngôn ngữ nước nhà khi dùng để bộc lộ nội tâm của người Việt Nam.

Điều mới lạ nữa là tác giả ý thức về tình cảnh của mình hiện tại:

                              Vẫn là hào kiệt, vẫn phong lưu,

                              Chạy mỏi chân thì hãy ở tù.

Chúng ta biết rằng trong cấu trúc ý nghĩa, hai câu đầu của bài thơ tứ tuyệt bát cú bộc lộ cái nhìn tổng quan, khái quát về chủ thể hay khách thể. Điều này phù hợp với cảnh ngộ của Phan Bội Châu lúc mới vào nhà ngục. Thường thì trong cảnh ngộ đó, người ta thấy mình là thân phận lệ thuộc vào kẻ khác. Còn Phan Bội Châu vẫn thấy mình là “trang”, là “đấng”, là “bậc”. Điều đáng ngạc nhiên nữa là từ thân phận kẻ bị động ông cảm nhận mình là người chủ động: Chạy mỏi chân thì hãy ở tù. Tất cả công lênh của bọn đế quốc và tay sai đều trở nên nhỏ bé thảm hại.

Thực ra cảnh ngộ bất như ý này đã được nhà chí sĩ hình dung đến khi dấn thân vào sự nghiệp cao cả nhưng nguy nan:

 

                              Đã khách không nhà trong bốn biển,

                              Lại người có tội giữa năm châu. 

Không gian được mở rộng đến tầm nhân loại. Phan đi đến đâu cũng thấy kẻ thù truy đuổi, điều này không làm ông nao núng, trái lại càng ý thức được việc phải vào tù không phải là chuyện đột biến.

Điều khác lạ nữa là dù tình cảnh trước mắt bất như ý, chưa có điều gì hứa hẹn tốt đẹp nhưng chủ thể vẫn kiên trì lý tưởng kinh bang tế thế, vẫn cười. Thời trung đại, người ta gọi tâm thế này là “xem cái chết nhẹ tựa lông hồng”. Điều này chỉ có khi người ta xem thân mạng mình gắn liền với sự nghiệp to lớn, dài lâu.

                              Thân ấy vẫn còn, còn sự nghiệp

                              Bao nhiêu nguy hiểm sợ gì đâu.

Trong quan hệ với sự nghiệp, chủ thể đóng vai trò chủ động, quyết định. Mục đích to lớn, dài lâu nên bao nhiêu thử thách trên đường cứu nước là tất yếu và nhỏ bé.

Trước Phan Bội Châu, thơ viết trong nhà tù của ngoại bang đã được sử sách ghi lại ít nhất đã có từ Lê Cảnh Tuân đời vãn Trần. Âm hưởng thường thấy trong những bài thơ ấy là chút ngậm ngùi tiếc nuối. Cũng phải thôi. Nghiệp lớn chưa thành mà những bậc chí sĩ sớm sa vào cảnh cá chậu chim lồng. Phan Bội Châu đã mang đến cho mảng thơ này âm hưởng mới. Đó là sự trào lộng trong tình thế bi đát, sự vững tin vào nghiệp lớn. Không dễ mà có được tâm thế này. Đó là kết quả của sự hoà hợp giữa một trí tuệ, nhân cách lớn và thời đại đang có sự chuyển mình mạnh mẽ.

Chính Phan Bội Châu đã nhận định khái quát về nền giáo dục đương thời là “hư văn khoa cử” (Phan Bội Châu niên biểu) nên ông không bị lệ thuộc vào tất cả những phép tắc của nó, trong đó có phép làm thơ, như ta đã thấy.

Nhan đề bài thơ là là do người soạn sách đời sau đặt. Nó giản dị, cứng cáp hợp với nội dung bài thơ. 

                                                                                                                                   P.T.V

 

_________________

1. Ngữ văn 8.

2. Mượn lời Đức Khổng Tử trả lời học trò, nghĩa là với ma quỷ người ta nên kính trọng nhưng xa lánh.

 

. . . . .
Loading the player...