Anh không là nhà thơ chuyên nghiệp để có thời giờ và chủ tâm luyện hình, luyện ý, nhưng cuộc sống phong phú, trong công việc và giao tiếp nẩy sinh tình cảm, bức bách ghi lại như là những kỷ niệm để nâng cao nhiệt tình sống thoả mãn một nhu cầu nội tâm .Tuy nhiên với những dòng thơ viết vội đó nhiều khi lại xuất thần những ý tứ tốt lành cảm động lòng người.
THƠ MANG Ý NGHĨA LỚN VỚI ĐỜI
(Cảm nghĩ về tập thơ Miền quê yêu dấu- Phan Duy Đường- Nxb Nghệ An 2011)
Lần ấy tôi gặp anh trong dịp dự hội thảo về “Phong trào giúp đỡ người nghèo” ở VTV1, ấn tượng về anh để lại trong tôi sâu đậm cho mãi đến bây giờ. Một nhà hoạt động chính trị rất giản dị, chân thành và gần gũi. Gương mặt hiền, giọng nói ấm. Nay đọc tập thơ của anh, tôi bỗng nghiệm thấy người xưa quả thật sâu sắc , khi nói “ văn tức là người”.Tập thơ có một nội dung chân thành của tấm lòng người con mang nặng tình yêu và trách nhiệm với quê hương . Thơ đi tìm tri âm , thơ là lời tự bạch niềm vui và nỗi trắc ẩn trong những tháng ngày được sống cùng bà con , được mang cái nghĩa vụ “lo trước vui sau” của người con được quê hương giao cho trọng trách.
Vùng đất nơi anh sinh trưởng có truyền thống cách mạng , truyền thống văn chương - khoa bảng; có Làng Rèn luyện giáo mài gươm theo cụ Phan, có Trà Linh, Lai Thạch nối chí Duy Tân..., nhưng điều người đọc thú vị đấy cũng là nơi có nhiều cô gái đẹp từng được chọn tiến vào cung:
Quê hương tôi có Thường Nga yêu dâu/
Cửu thế cung tần , một thuở cung phi/
Đồng ruộng, núi hồ bức tranh thuỷ mạc
/Đẹp lắm thủa nào đất mẹ Hằng nga.
( Quê hương tôi)
Đất lắm anh hùng, giai nhân tất có nhiều thi sĩ ! Thi sĩ từ trong bản chất trong huyết mạch, trong tháng ngày hấp thụ cái phong khí quê hương chứ không phải dày công học tập hay mài son luyện bút mà thành ,“giai nhân kỳ ngộ, thi sĩ hữu thành”, ai đã từng nói ?
Trong lời đề từ bài “Quê hương tôi’ anh đã tự bạch “Cho tôi gửi lòng vào trang viết , Để nói lời tha thiết yêu quê”,cảm hứng nổi bật và chủ đạo trong tập thơ là cảm hứng về quê hương.Đất quê anh là vùng quê tiêu biểu cho bao làng quê Việt Nam , từ những tháng ngày cơ cực nhờ Đảng, nhờ cách mạng mà vươn mình trở dậy, nên rất thấm thía với hạnh phúc hôm nay:
…Anh nhớ lại mái nhà tranh thuở ấy
Cha mẹ mình một thời cày cấy
Bát ăn chưa đầy bát để có bao đâu,
…Giờ đất nước bừng lên đổi mới
Bớt mái nhà tranh thêm màu ngói đỏ tươi
( Ngọn gió lành)
...Đấu cật chung lưng dựng xây tổ ấm
Ngói đẹp làng quê,lúa ngô vàng trãi rộng!
Mảnh đất in dấu trong lòng bao vận hạn cơ cực, đã rèn luyện những phẩm chất cao quí của con người :
...Đất yêu thương tiếp thời giông tố/
Hạt gạo đằm sâu bốn mùa nắng gió/
….Đất quê hương dạn dày bão lửa nên /
Đất cũng quyện người dệt gấm thêu hoa
...Trong khổ đau càng thấm đượm tình người
( Sắc màu quê hương)
Rất nhiều làng , xã hiện lên trong thơ anh từ Cồn Cụp, Khe Lang đến Trà Sơn, Đồng Lộc rồi Hồng Lĩnh ,Thiên Tích... dẫu quen,dẫu lạ đều thân thiết ruột rà ; khổ đau , gian khó nhưng cũng tràn trề hy vọng, dẫu ở quê nhà hay xa xôi xứ lạ đều nổi lên một ước mơ nung nấu trong lòng, làm thế nào cho quê hương đổi mới tiến kịp bạn bè :
Xích lại gần nhau hai phía mặt trời /
Dopenmayơ*,Hương Sơn, Can Lộc
Xây đàn khổng lồ trên đồi Ngàn Hống
/Đón khach bốn phương hội nhập Lam Hồng...
( Giai điệu Lam Hồng , giai điệu Anpơ)
Điều đáng quý tập thơ không chỉ thể hiện một cuộc sống đa hương đa sắc nơi đất quê Can Lộc mà chứa đựng những tình cảm sâu nặng và nổi bật một nhân sinh quan đáng quí không chìm lẫn giữa dòng đời trôi nổi. Anh không là nhà thơ chuyên nghiệp để có thời giờ và chủ tâm luyện hình, luyện ý, nhưng cuộc sống phong phú, trong công việc và giao tiếp nẩy sinh tình cảm , bức bách ghi lại như là những kỷ niệm để nâng cao nhiệt tình sống thoả mãn một nhu cầu nội tâm .Tuy nhiên với những dòng thơ viết vội và không mảy may trau chuốt đó nhiều khi lại xuất thần những ý tứ tốt lành cảm động lòng người. Đứng trong mảnh vườn nhà tươi thắm màu lá , màu hoa tác giả nhớ tới công ơn các đấng sinh thành “Trải bao cát bụi phong trần , Người đi cây vẫn xanh ngần chồi non”.. và vẳng bên tai lời Cha dặn:
Lời cha - ôm chặt đáy lòng
Cây nhờ đất , nhờ vun trồng con ơi
Có hạt giống gửi cho đời
Nếu không chăm sóc không “lời” đâu con!
( Nhớ lời cha)
Nói về cây về đất ,về những mầm xanh ,nhưng cũng là nói về người về Đời ,về trách nhiệm vun trồng những thế hệ tương lai.
Những câu thơ nói với con cái, thật cảm động :
Để kiếm sống con đừng như sấu ,kình giữa biển
Để tìm mồi con đừng như mặt cắt, diều hâu
Để náu mình trong chốn rừng sâu
Con đừng như sói rừng, hổ báo
Và con ơi! Dù mai đây có muôn trùng giông bảo
Con vẫn là chú thỏ hiền giữa bãi cỏ mênh mông!
( Dặn con)
Tấm lòng người cha thật sâu xa ,ta như nghe vẳng lời của quá khứ “ Làm chi thì cũng để nhân ngãi cho con, cháu!” Có lẽ cái nghĩa lớn tồn tại ở đời nằm ngay trong lời dặn dò khiêm nhường đó .Và cũng bởi cái mạch sống giàu tình cảm ,coi trọng ân nghĩa đó nên con cháu không nguôi quên ông bà tổ tiên. Tác giả đã quý trọng người anh họ dù năm tháng nổi trôi luôn giữ trọn một sơ đồ mộ phần của ông nội trong khi bao người lãng quên vì cuộc mưu sinh (Người anh họ) .
Tình cảm trong tập thơ đằm thắm không chỉ với người trong dòng tộc mà cả xóm thôn, cả với bạn bè, cả với người đi trước , cả với kẻ đến sau.Đối với người đã khuất : lòng biết ơn, đối với thế hệ trẻ : tinh thần trách nhiệm( Ráng chiều thương nhớ, Mừng hai bác tuổi tám mươi). Khi gấp lại những trang sách , ấm áp trong lòng ta vẫn những dòng thơ đằm thắm đó .
Đối với những cán bộ cách mạng viết văn làm thơ, có khi ta dễ nhìn thấy ở họ sự sâu sắc của tư duy, sự vững vàng của quan điểm lập trường,tưởng như lý trí mạnh hơn tình cảm.Nhưng ở tập thơ này độc giả lại thấy rất hài hoà.Nhận thức về cuộc đời anh có những câu thơ thật sâu sắc “chặng đường lắm chỗ thấp cao, chặng đời chẳng biết thế nào nhặt thưa”, trong cuộc đời “lắm chỗ thấp cao” đó cái làm anh day dứt băn khoăn là cái “sự nghèo”tình nghĩa !Bàn về “cái nghèo” anh có những câu thơ mà theo ý chúng tối có thể xếp vào những câu thơ tạo được ấn tượng nhất:
Người đi trăm núi vạn đèo
Có lên thiên đỉnh đừng nghèo tình nhân
Mai rồi đẹp nhất lòng dân
Bởi ta xoá được lòng nhân còn nghèo.
( Xoá nghèo )
Xoá nạn đói nghèo vật chất là một thành tựu lớn của xã hội ta mà thế giới đã công nhận , khen ngợi, nhưng còn một cái nghèo khác là cái “nghèo tình nhân” thì tác giả còn băn khoăn. Khi nào xoá được cái nghèo cuả lòng nhân nghĩa ,của nhân tính trong cuộc sống thì đấy mới là ngày đẹp nhất mà có lên thiên đỉnh cũng chẳng sánh tày !
Hiện nay, Phan Duy Đường đã về hưu nhưng vẫn tích cực tham gia hoạt động, cống hiến sức mình cho Hội khuyến học và Hội đồng Phan tộc huyện Can Lộc. Những vần thơ anh viết khi còn là một nhà hoạt động chính trị, lãnh đạo chủ trì một địa phương có cội rễ làm nền là tấm lòng nhân nghĩa với nhân dân, với quê hương. Thơ anh là tiếng lòng cất lên, chân thật dung dị như lời ăn tiếng nói của bà con thôn xóm rất dân dã và gần gũi,ngôn ngữ của đời thường ùa vào nhuần nhuyễn, phải chăng vì những điều đó mà nhiều bài thơ đã được phổ nhạc nhanh chóng đi vào lòng quần chúng .Chúng tôi nghĩ đó cũng là nét riêng của tập thơ, cũng là cái duyên cớ khiến nó còn bền lâu với bè bạn, với tấm lòng độc giả .
Nhà nghiên cứu LLPB HÀ QUẢNG
THƯỜNG NGA QUÊ TÔI
“Cho tôi gửi lòng vào trang viết
Để nói lời tha thiết yêu quê”
Quê hương tôi Thường Nga yêu dấu
Cửu Thế Cung Tần, một thủa cung phi
Đồng ruộng, núi hồ bức tranh thủy mạc
Đẹp lắm thủa nào đất mẹ Hằng Nga
Vẫn còn đó Làng Rèn lịch sử
Luyện giáo, mài gươm nghĩa khí Đình Phùng
Dân Trà Linh cùng La Khê, Lai Thạch
Góp sức mình đốt ngọn lửa Duy Tân
Không kể xiết những tháng ngày lam lũ
Cha ông ta một cổ đôi tròng
Dân nô lệ cơ hàn tăm tối
Mãi đến ngày Đảng dẫn lối vùng lên
Còn vang động những tháng ngày bão lửa
Giặc leo thang đánh miền Bắc quê ta
Chảo lửa, túi bom xơ xác những mái nhà
Cồn Cụp, Khe Lang đỏ trời Đất Đỏ
Dù mất mát hy sinh vẫn kiên cường trong máu lửa
Taysúng, tay cày quyết không để thua ai
Tiền tuyến, hậu phương Thường Nga chung sức
Danh hiệu Anh hùng còn mãi không phai
Về Thường Nga hôm nay
nhìn ruộng đồi bát ngát
Trường chuẩn Quốc gia rộn ràng tiếng hát
Con đường giao liên trở thành khúc nhạc
Liên Nga - Bình Hà điệp khúc giao duyên
Thấm đượm tình quê, ngói đỏ mọi nhà
Đoàn kết dựng xây từng giờ đổi mới
Vượt khó khăn, những cản đường đi tới
Về quê hương, vì tiếng gọi muôn đời
Ôi tự hào, đất mẹ tôi ơi!
Để người đi xa luôn nhớ về nguồn cội
Tháng bảy, ngày rằm, đầu năm, cuối chạp
Dòng họ nào cũng thắp ngọn lửa thiêng
Dẫu đi xa xuất xứ trăm miền
Hướng về quê hương cội nguồn tiên tổ
Mảnh đất, tình người hồn quê ta đó
Rực ngọn lửa lòng cháy mãi quê ơi!
Mùa xuân 2008
MỘT DẢI SÔNG MINH
Kính tặng bà con Hạ Can
Nhân dịp thành lập huyện mới Lộc Hà.
Quê hương nghĩa nặng tình sâu
Bao trăm năm ấy biết bao nhiêu tình
Cùng nhau một dãi sông Minh (1)
Xuôi về Cửa Sót nặng tình phù sa
Đất trời, sông nước quê ta
Ruột gan liền khúc, câu ca cũng liền
Ngọt bùi, cay đắng bao phen
Quê hương ta đã viết nên sử vàng
Cha ông đâu phải giàu sang
Đói no đèn sách, đăng đàn thua ai
Thương nhau hạt lúa, củ khoai
Mảnh chăn giành bạn, tải gai(1) giành mình
Đường dài bao cuộc trường chinh
Góp phần giữ nước, cứu tinh giống nòi
Chung lưng, đấu cật bao đời
Khổ đau xích lại, trọn lời thủy chung
Cha ông thủa trước một lòng
Tiếp thời con cháu mặn nồng có nhau
Đất nghèo nhưng trái tim giàu
Rách lành gói lại, dệt châu, ngói hồng
Thương nhau nên mới nặng lòng
Tìm dòng nước sạch nối dòng cháu con
Đêm hè giấc ngủ chẳng tròn
Nước chưa về Hạ ta còn gọi nhau
“Trâu – người xô nước chia nhau”(3)
Cầu Cao thôi thúc nhịp cầu Trung Lương
Cù Lây hòa mạng nhà Đường
Khe Hao, Đồng Hố vấn vương quá chừng
Nước về đôi mắt rưng rưng
Lúc ngô chắp cánh, đời mừng bên nhau
Đồng chiêm đến cánh đồng màu
Đất người hòa quyện dãi dầu sớm khuya
Thiên – An, đường 7 đi về
Trạm, trường khoe sắc, làng quê rợp cờ
Nông thôn đổi mới từng giờ
Sông Minh vui bến, vui bờ cá tôm
Lòng dân yên, thuận cánh buồm
Xóa nghèo thẳng lối, Đảng luôn dẫn dường
Dặm dài luôn vững dây cương
Dẫu còn gian khó mưa nguồn chớp khơi
Bây giờ san tổ đôi nơi
Lòng người bịn rịn, đất trời xôn xao
Tin mừng khấp khởi, nao nao
Bâng khuâng tình bạn, dạt dào tình dân
Nhìn về Hạ huyện tần ngần
Rưng rưng nước mắt muôn phần nhớ thương
Phải đâu cách nẻo xa đường
Mà sao day dứt vấn vương nỗi lòng
Qua bao nắng lửa mưa giông
Tình người muôn thủa mặn nồng chẳng phải
Lộc Hà – Can Lộc kề vai
Sông Minh, một dải, tương lai đang chờ./.
Nghèn 22/02/2007
(1)Sông Minh đắt đầu dòng chảy từ Minh Lương (nay thuộc xã Trung Lương, Thị xã Hồng Lĩnh) qua sông Nghèn và chảy ra Cửa Sót
(2) Bì tải bằng ga.i
(3)Câu nói của đ/c Đặng Chính – Nguyên Bí thư Huyện ủy Can Lộc. (mùa hè năm 1998)