Tạp chí Hồng Lĩnh số 136 giới thiệu chuyên mục dành cho nhà trường, bài viết "Về yếu tố khác thường trong viết văn viết văn tự sự" của tác giả Nguyễn Thanh Truyền.
Tại sao cần khác thường? Bởi, bình thường, khi dạy và học viết văn tự sự (kể chuyện), tựa vào lý thuyết, ta chỉ chú ý đến “chuỗi sự việc”, quan hệ nhân quả của sự việc, kết cục và “ý nghĩa” của “chuỗi sự việc” ấy; cứ có “chuỗi sự việc” thì sẽ hợp thành bài văn, thành chuyện để kể. Việc kể cho đúng trình tự được chú trọng, ý nghĩa của chuỗi sự việc được diễn tả giản đơn, nên nhiều người mơ hồ trước việc tìm ra mấu chốt của cách kể để kể sao cho hay. Từ đó, dẫn đến hệ quả là có ngày càng nhiều những bài văn tự sự đơn điệu, kiểu thấy gì kể nấy, tường thuật nguyên xi trình tự diễn biến sự việc, tái hiện cuộc sống như vốn có. Những bài văn như thế có thể vẫn hoàn chỉnh về mặt lý thuyết: chặt chẽ, mạch lạc, chân thực, có ý nghĩa nào đó. Nhưng, đọc xong sẽ quên ngay, không để lại chút vương vấn gì trong tâm trí người đọc. Bài văn tự sự hay không chỉ ở việc kể sao cho có ý nghĩa mà là kể sao cho ý nghĩa ấy hiện lên theo cách ấn tượng, sâu sắc nhất. Muốn vậy, phải có yếu tố khác thường, phải vượt lên những chuỗi liên kết nhàm tẻ, bình thường.
Ngày sách Việt Nam tại Hà Tĩnh năm 2017 nhiều em học sinh tham gia
Yếu tố khác thường trong văn tự sự có thể thể hiện ở nhiều khâu, nhiều cấp độ với nhiều tính chất khác nhau. Tuy nhiên, điều đang bàn ở đây không phải là những chi tiết hoang đường kì ảo, cũng không phải những yếu tố phi lý, phi logic… mà ở cấp độ tổ chức trình bày chuỗi sự việc (còn gọi là cốt truyện). Yếu tố khác thường gắn với những sự việc/sự kiện bất ngờ trong cốt truyện. Nó quyết định thành công hay thất bại trong việc viết bài văn tự sự. Bởi vì, nhờ tính chất bất ngờ, chuỗi sự việc được kể sẽ trở nên hấp dẫn hơn, khó lường đoán hơn, không còn diễn biến theo một trình tự đơn điệu đều đều nữa. Cũng nhờ thế, ý nghĩa của truyện mới bộc lộ sâu sắc. Vì vậy, trước khi đặt bút viết bài, người viết cần hình dung toàn bộ câu chuyện sẽ trình bày. Từ đó, xác định chủ đề và các tình tiết chính, xác định cách mở đầu, cách triển khai và cách kết thúc câu chuyện; xác định sự kiện cốt lõi với vai trò chủ yếu của nó sẽ nằm ở vị trí nào trong bài viết(1). Xuất phát từ những dụng ý của người viết trước những câu chuyện cụ thể, có thể lựa chọn một sự kiện khác thường hoặc nhiều hơn thế. Cái khác thường có thể mở ra khởi đầu bất ngờ, hấp dẫn; có thể tạo nên kịch tính, cao trào; có thể tạo nên kết cục có dư vị, dư âm.
Trong chương trình, kiểu bài tự sự có ba dạng cơ bản: Kể lại một câu chuyện đã đọc/học bằng lời văn của mình; Kể chuyện đời thường; Kể chuyện tưởng tượng. Cả ba dạng đều có “đất” để người viết tự do sáng tạo trong cách kể, đặc biệt là hai dạng sau. Người dạy cần khuyến khích, động viên, tôn trọng ý tưởng, tìm nhiều con đường (trang bị kiến thức - kĩ năng, giúp mở rộng vốn đọc, ra đề theo hướng phát huy năng lực, phẩm chất,…) phát huy tính tích cực, chủ động của người viết để các em có được những bài văn tự sự ưng ý.
Ở dạng thứ nhất, vận dụng yếu tố khác thường chính là việc thay đổi trật tự bình thường (đã có) của câu chuyện. Khi kể lại một chuyện đã học/đọc, từ yêu cầu của đề bài, tùy thuộc vào vấn đề muốn nhấn mạnh, người viết có thể chủ động lựa chọn mạch sự kiện chính, lược bỏ những sự việc không cần thiết, thậm chí có thể đảo trật tự sự việc theo dụng ý của mình sao cho hiệu quả nhất. Yếu tố khác thường thể hiện dấu ấn của người viết và gây ấn tượng với người đọc là ở thao tác lựa chọn, tổ chức sự việc này. Chẳng hạn, khi kể lại truyện “Thánh Gióng”, người kể dẫn dắt ngắn gọn để bắt đầu từ sự việc đứa bé ba tuổi nghe sứ giả rao tìm người tài đánh giặc bất ngờ cất lời nói mẹ gọi sứ giả vào; có thể kết thúc ở sự việc vua cho lập đền thờ Phù Đổng Thiên Vương ở làng Gióng. Khi kể lại truyện “Sơn Tinh, Thủy Tinh” người kể có thể đảo ngược trình tự sự việc vốn có, đưa kết cục lên trước, để những diễn biến tiếp theo giải thích cho kết cục ấy; cũng có thể chọn sự kiện gay cấn nhất khi hai thần giao tranh để làm điểm nút triển khai kể câu chuyện. Sự kiện quan trọng để truyền thuyết “Sơn Tinh, Thủy Tinh” phát triển chính là sự kiện vua Hùng kén rể nhưng có cùng lúc hai vị thần tài giỏi đến cầu hôn; nên kể lại truyền thuyết này, có thể gây ấn tượng bằng cách kể khác đi so với tác giả dân gian. Hay khi kể lại truyện “Thạch Sanh” bằng lời của Lý Thông, người viết có thể kể lựa chọn sự việc chính theo diễn biến sẵn có, cũng có thể “lạ hóa” bằng cách kể từ kết cục rồi ngược dòng hồi tưởng: sự kiện Lý Thông bị sét đánh, thay hình đổi dạng, ăn năn hối lỗi…
Với dạng bài kể chuyện đời thường (kể lại một chuyến thăm quê, một tiết chào cờ đáng nhớ, một chuyến du lịch, về một con vật yêu thích, một việc tốt đã làm, một lần mắc lỗi, một câu chuyện tình bạn cảm động, một kỷ niệm khó quên, người ấy sống mãi trong lòng tôi,…), người viết rất dễ sa vào hiện tượng mô tả cuộc sống như vốn có. Nên việc người viết luôn có ý thức vận dụng yếu tố khác thường là rất quan trọng, nhằm tạo nên tính hấp dẫn cho bài văn. Kể chuyện đời thường là huy động vốn sống, vốn hiểu biết, khả năng quan sát và ghi nhớ của các em trước cuộc sống, trong quá khứ và hiện tại. Ở độ tuổi dù vốn sống chưa nhiều, vốn đọc có hạn, nhưng đời sống tinh thần của các em rất phong phú, khả năng quan sát, liên tưởng, ghi nhận và diễn đạt hồn nhiên, trong sáng là lợi thế rất đáng được quan tâm – những điều ấy ở độ tuổi nhiều trải nghiệm dù muốn cũng không có được. Đề ra cho dạng bài này cần luôn gợi mở, để các em phát huy sức viết.
Trong hình thành kĩ năng làm bài, người dạy cần giúp các em biết chú ý lựa chọn, sắp xếp sự việc sao cho hợp lý, xác thực; biết lựa chọn được những tình tiết bất ngờ, gay cấn hoặc éo le để mạch kể cuốn hút hơn; đặc biệt là biết chọn sự việc quan trọng làm cốt lõi cho diễn biến câu chuyện. Những sự việc có tính chất khác thường, đặc biệt là sự kiện cốt lõi sẽ tạo đột biến nhằm bộc lộ bản chất, nguyên nhân bên trong của con người, sự vật. Có bất ngờ bộc lộ đúng bản chất, nguyên nhân sâu xa thì mới thành chuyện, câu chuyện mới thật sự có ý nghĩa. Kể “Một tiết chào cờ đáng nhớ” không thể thấy sao kể vậy, mà phải lựa chọn sự việc có ý nghĩa, để người đọc thấy rằng thật sự “đáng nhớ”; nghĩa là phải có sự việc nào đó đặc biệt, bất ngờ, liên quan hoặc không liên quan đến mình, đáng nhớ với riêng mình hoặc đáng nhớ với tất cả mọi người, khác với những tiết chào cờ từng diễn ra theo một trình tự cơ bản giống nhau. Viết về “Một câu chuyện tình bạn…” không thể từ đầu đến cuối bạn bè cứ thân thiết gắn bó, sáng trưa chiều tối bên nhau, mà phải có những sự việc bất thường, có thể mâu thuẫn kịch liệt, hiểu lầm nhau, không ưa, không chơi với nhau nữa, nhưng nhờ một sự việc nào đó hai người thật sự hiểu, gắn bó khăng khít với nhau hơn. Viết “Ấu thơ trong tôi là…”, có học sinh lựa chọn kỉ niệm với em trai với tình tiết bất ngờ: em ở nhà với chị, bị chị đánh mắng, cứ nghĩ là đứa em được ba mẹ cưng chiều ấy sẽ “mách lẻo”, chị sẵn sàng tâm lý chịu trận, nhưng bất ngờ khi em không những không mách mà còn cho chị kẹo; nhờ thế mà chị hiểu và yêu quý em. Bài văn có tên “Anh trai” làm theo đề bài “Tuổi thơ tôi…” của một học sinh khác lại hồi tưởng, sáng tạo những sự việc bất ngờ, thú vị xoay quanh mối quan hệ với người anh họ tinh nghịch, không phải anh trai mà như/là anh trai.
Kể chuyện, dù ở dạng nào, cũng cần trí tưởng tượng. Dạng kể chuyện tưởng tượng ở đây được hiểu là không phải kể chuyện có sẵn trong sách (như kể lại truyện đã học/đọc) hay trong đời sống (xuất phát từ việc có thật) mà dùng trí tưởng tượng để kể sáng tạo, một dạng văn tự sự giả tưởng. Dạng đề này đặc biệt kích thích hứng thú ở các em học sinh, là nơi yếu tố khác thường phát huy tối đa. Đề bài dạng này rất hay: “Giấc mơ gặp Lang Liêu” (lớp 6), “Viết tiếp truyện Cô bé bán diêm” hay “Tưởng tượng khi con trai lão Hạc trở về” (lớp 8), “Trương Sinh trên bến Hoàng Giang” hay “Tưởng tượng 20 năm sau em về trường cũ” (lớp 9), “Dựng lại khung cảnh của buổi thiết triều khi vua Trần đọc được bài thơ Thuật hoài của Phạm Ngũ Lão” (lớp 10),… Tuy nhiên, dù phát huy tối đa trí tưởng tượng, sử dụng yếu tố khác thường nhưng không nên quá tùy tiện, phi logic; phải đảm bảo những kĩ năng làm văn tự sự, phải xác định rõ chủ đề, lựa chọn sự việc, tình tiết hợp lý. Chẳng hạn, khi viết tiếp truyện “Cô bé bán diêm”, người viết không thể đưa ra những tình tiết mâu thuẫn với nguyên tác của An-đéc-xen… Làm tốt những dạng bài tự sự nói trên, đến dạng bài này chắc chắn các em sẽ tự tin viết sáng tạo hơn.
Để thấy rõ hơn vai trò của yếu tố khác thường trong lựa chọn sự việc/sự kiện cho bài viết nhằm tạo nên tính hấp dẫn của câu chuyện, người dạy và người học cần liên hệ, khảo sát các văn bản tự sự trong chương trình. Làm nên thành công của các văn bản tự sự ấy có tính hấp dẫn từ những yếu tố khác thường. Chẳng hạn sự việc hai chàng trai ngang tài ngang sức cùng đến cầu hôn công chúa Mỵ Nương, sự việc lão Hạc xin bã chó của Binh Tư và cái chết của lão, sự việc chia búp bê trong “Cuộc chia tay của những con búp bê”, sự việc bé Thu không nhận cha hay bất ngờ gọi cha trong truyện “Chiếc lược ngà”, sự việc cô bé bán diêm đốt diêm sưởi ấm đêm giao thừa cùng những mộng tưởng cô bé gặp trong truyện “Cô bé bán diêm”,…
Tính chất khác thường trong văn tự sự không chỉ thể hiện ở những sự việc khác thường. Bài viết này tập trung trao đổi về vai trò của những sự việc khác thường trong kể chuyện vì chúng tôi xem đây là điểm mấu chốt để học sinh biết cách viết văn tự sự và có thể viết hay (dĩ nhiên là cùng lúc với việc học sinh có được những kiến thức – kĩ năng cơ bản về văn tự sự). Sáng tạo không có công thức, những trao đổi trên đây chỉ là những chia sẻ mang tính chất tham khảo.
N.T.T
____________
(1) Sự kiện bất ngờ khi trở thành hạt nhân cho câu chuyện phát triển, tạo nên thành công xuất sắc về nội dung tư tưởng và nghệ thuật, có thể gọi là tình huống. Ở đây, hướng đến hình thành năng lực viết văn tự sự, với mục đích làm sao tạo được cái hay, cái hấp dẫn cho bài văn, người viết tránh dùng khái niệm ấy.