Một số cụm từ trong truyện cổ tích Thạch Sanh được một vị phụ huynh phản ánh là “lạ” thực chất như thế nào? PV Dân Việt đã có cuộc trò chuyện với nhà nghiên cứu văn học Lại Nguyên Ân về thông tin này.
Thưa ông, các tích truyện cổ tích Thạch Sanh trước đây có chi tiết chàng sở hữu một chiếc rìu. Tuy nhiên, theo một vị phụ huynh phản ánh, trong cuốn sách giáo khoa Ngữ văn 6 (trích Theo Nguyễn Đổng Chi và Vũ Ngọc Phan) ghi chàng Thạch Sanh có lưỡi búa do cha để lại. Ông cho rằng dùng búa là đúng hay sai?
SGK Ngữ văn 6 và những cụm từ theo vị phụ huynh phản ánh là khá... lạ. Ảnh: Độc giả Dân Việt cung cấp
Về việc sách “Ngữ Văn 6” nhắc đến chi tiết Thạch Sanh được người cha để lại cho lưỡi búa nhưng các tích truyện trước đây (theo bạn nhớ) đều nói là rìu. Tôi lưu ý truyện kể dân gian nói Thạch Sanh là con một gia đình làm nghề đốn củi. Vậy công cụ để đốn củi là gì – búa hay rìu?
Trong chuyện này, tiếng Việt từ xưa dường như không thật phân biệt rạch ròi. Các từ điển cổ đều có cả “rìu” lẫn “búa”, nhưng không thấy chỉ dẫn khác biệt giữa chúng. Sách “Việt Nam quấc âm tự vị” (1895-96) của Huình Tịnh Palus Của (Huỳnh Tịnh Của) ghi:
“Búa: đồ bằng sắt, hoặc có lưỡi để mà bửa, hoặc không có lưỡi để mà đóng, như búa thợ rèn”.
Ngay trong mục từ “búa” này, soạn giả đã ghi từ ghép “rìu búa”, với lời giải thích: “cũng hiểu luôn là lưỡi rìu, cán búa”.
“Rìu: Đồ bằng sắt giống cái búa, mà có cái chẽn.
Ngay trong mục từ “rìu” này soạn giả cũng ghi 2 từ ghép “rìu búa” hoặc “búa rìu” với lời giải thích: “đồ dùng để mà chặt đẽo, hiểu chung cả hai món”.
Nếu mô tả của sách trên là chuẩn xác thì có thể nhận xét, cho đến tận cuối thế kỷ XIX, trong tiếng Việt vẫn chưa phân hóa thật rõ chức năng chặt đẽo (của rìu) với chức năng đóng (của búa), vì vậy trong nhiều trường hợp đã dùng lẫn lộn cả hai từ ấy với nhau.
Bởi vậy, nếu có dị bản truyện kể Thạch Sanh nào đó, thay vì dùng “rìu” lại dùng “búa” – là điều ta hoàn toàn hiểu được.
Còn sách cho học trò người Việt ở đầu thế kỷ XXI, khi trong tiếng Việt đã phân biệt rõ chức năng của “búa” với chức năng của “rìu” rồi, thì ai cũng thấy dùng “rìu” sẽ là thích hợp hơn dùng “búa” để mô tả công cụ của chàng dốn củi Thạch Sanh.
Thế còn về cụm từ “thiên thần” dùng thay thế “vị thần” hoặc “ông Tiên” như các bản truyện cổ tích Thạch Sanh phổ biến trước đây, ông thấy điều đó có phù hợp?
Tôi thấy dùng “thiên thần” là không sai, vì trong truyện có nói Thạch Sanh vốn là con Ngọc Hoàng nên được các thần từ thiên đình xuống dạy phép thuật là hợp lý rồi. Nhưng lời kể xưa trong dân gian người Việt thì chỉ cần nói “vị thần” hoặc “ông Tiên” thôi, vì óc tưởng tượng của dân gian không ngại có “vị thần” nào đó lại không phải từ trên trời xuống, mà cũng không lường tới có “ông Tiên” là người trần gian, do tu luyện nên có phép thuật!
Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân
Vậy đây có được coi là một “dị bản” của truyện cổ tích Thạch Sanh hay không? Và việc thay đổi một số những cụm từ từng “đóng đinh” trong lòng người đọc trước đây, khi bị thay đổi có làm ảnh hưởng hoặc sai khác câu chuyện cổ tích không, thưa ông?
Cổ tích là loại truyện kể vốn tồn tại trong dân gian bằng hình thức truyền miệng. Truyện Thạch Sanh ban đầu là như vậy. Về sau, tích truyện này còn được diễn ca thành truyện thơ tiếng Việt, ghi lại bằng chữ Nôm (dự đoán vào cuối thế kỷ XVIII - đầu thế kỷ XIX). Sang thời đại sách báo chữ Quốc ngữ trở nên phổ biến (đầu thế kỷ XX) thì các dạng thức truyện kể truyền miệng xưa kia cũng được sưu tầm ghi chép và in ra trên sách, báo.
Rút cục, khi nói tới truyện Thạch Sanh, nên nhớ đây là truyện có nhiều dị bản, không chỉ dạng truyện thơ Nôm “Thạch Sanh” có nhiều dị bản (người ta đã biết tới 3 dị bản khác nhau), mà chính ngay dạng truyện kể truyền miệng xa xưa hơn cũng tồn tại trong nhiều dị bản.
Đây mới chỉ nói các dạng truyện Thạch Sanh kể bằng tiếng Việt thôi, tùy theo vùng miền cũng đã có những khác biệt, cả về các tình tiết truyện lẫn lời kể, lời mô tả. Tóm lại sự sai biệt này không đến mức trầm trọng gì đâu.
Xin cảm ơn ông!
Trước đó, phản ánh với Dân Việt, chị Thu Hương (Hà Nội) cho biết, khi xem sách giáo khoa “Ngữ văn 6” của NXB Giáo dục Việt Nam mà con chị mượn tại thư viện trường, chị khá bất ngờ khi phát hiện những cụm từ “lạ”. Cụ thể, trong truyện cổ tích Thạch Sach ở trang 61 có đoạn: “Khi cậu bé vừa khôn lớn thì mẹ chết. Cậu sống lủi thủi trong túp lều cũ dựng dưới gốc đa, cả gia tài chỉ có một lưỡi búa của cha để lại. Người ta gọi cậu là Thạch Sanh. Năm Thạch Sanh bắt đầu biết dùng búa, Ngọc Hoàng sai thiên thần xuống dạy cho các đủ môn võ nghệ và mọi phép thần thông”.
“Truyện cổ tích về Thạch Sanh trước đây mà thế hệ chúng tôi từng được nghe kể chưa từng thấy có những cụm từ như thế. Tôi chỉ nghe kể Thạch Sanh sử dụng rìu chứ không phải búa, và tôi chưa nghe ai gọi là “lưỡi búa” bao giờ cả. Và “Ngọc Hoàng sai “thiên thần” xuống dạy võ nghệ cho Thạch Sanh… - khái niệm “thiên thần” nghe cũng “Tây” quá. Truyện cổ tích của Việt Nam, theo tôi biết, vốn quen thuộc với hình ảnh “ông Tiên” hay “vị thần” chứ không phải “thiên thần”… Mặc dù khái niệm “thiên thần” được chú giải trong sách là “thần trên trời”. Nhưng cá nhân tôi thấy vẫn không ổn khi dùng như vậy…”, chị Hương băn khoăn.
Theo Mỵ Lương
Dân Việt