09-01-2019 - 16:25

Bà và mùa đông

Tôi bỗng nhớ bà ngoại vào một ngày đầu đông. Tôi nhớ về những mùa đông năm ấy, bố đi học xa nhà, mẹ đang ở bệnh viện còn bà trông nom tôi trong căn nhà cũ kĩ. Căn nhà ở quê cứ mưa to là lụt vào tới tận cửa bếp.

       Tôi là một đứa rất ngang bướng. Có những ngày đông lạnh cắt da cắt thịt mà tôi nhất định không chịu mặc áo len. Đến giờ nhớ lại, tôi cũng không thể hiểu tại sao lúc ấy tôi lại ghét áo len đến thế. Bà dỗ dành không được, đành phải dọa. Những ngày đến trường mẫu giáo của tôi luôn có một ông ba bị hay ông ù nào đó theo sau, hễ có đứa nào cởi áo len ra là sẽ bị ông ta bắt cóc…
       Trên con đường bà vẫn chở tôi đi học bằng cái xe đạp Nhật cũ, có một cây cầu bắc qua đoạn sông lớn. Sông chảy xuôi theo hướng Bắc-Nam. Mùa đông là mùa gió bấc rít mạnh từ dưới gầm cầu, ù ù thổi trên vòm cầu, sẵn sàng làm đổ dạt cả người lẫn xe. Con sông như một chiếc ống hút khổng lồ thu gió, cứ mỗi mùa gió bấc là lòng sông quặn đỏ, đục ngầu.
       -  Bà ơi sao mà sông hôm nay nước đỏ thế ạ?
       -  Sông đang giận dữ vì có đứa cứ ngó ngoáy không cho bà lên dốc cầu đấy…
       Tôi biết bà đùa tôi. Nhưng đó là chuyện mãi sau này, khi tôi được học về hiện tượng phù sa. Lúc ấy, tâm trí tôi vẫn đinh ninh rằng dưới sông có ông Hà Bá đang giận dữ, mặt mũi bầm đỏ vì say rượu mà tôi cứ ngó ngoáy làm ông tức quá, không khéo rình chực lôi tuột tôi xuống.
       Lúc ấy, bà đã ngoài 60 tuổi, bà rất giỏi chịu đựng, thật không dễ dàng gì trong suốt bao ngày đông giá rét, ngày nào cũng như ngày nào, hai buổi đưa đi đón về đứa cháu giai nghịch ngợm và ương bướng. Sau này bà bảo hơi đâu để phàn nàn, mà còn ai ở nhà ngoài bà ngoài cháu để kêu ca kể lể gì. Bà cứ âm thầm nhẫn nại như thế, nhẫn nại như ngày xưa bà theo ông lên mở đường trên mạn Lai Châu…

        Tôi rất say sưa nghe bà kể chuyện về những mùa đông ở rẻo cao. Những khi bản năng của một đứa trẻ giục tôi khóc hờn nhớ mẹ, bà thường ôm tôi ấm áp, thủ thỉ với tôi bao chuyện ở Lai Châu- một thế giới hoàn toàn lạ lẫm trong tôi để lau nhẹ đi hàng nước mắt ngắn dài trên bầu má đứa cháu nhỏ. Lai Châu thời chiến tranh phá hoại của đế quốc Mĩ vẫn còn là vùng âm u bí hiểm, hoang sơ với những cung đường trắc trở, lắt léo. Mùa đông rét căm cùng sương muối đêm nào cũng rỏ đầy chuồng ngựa, chuồng trâu. Bà hay kể về những ngày đói ăn giữa đêm đông giá lạnh, may chăng được một gói lương khô ăn tạm, sáng mai dậy sớm làm đường. Bà kể về những em bé người Mông, người Dao rực rỡ trong sắc váy ngày Tết, đã phải nhịn ăn biết bao bữa để có chiếc váy đẹp chơi Tết.
         Ngày bà từ Lai Châu về quê, bà đã phải nhịn đói gần một ngày, mặt xanh vàng nhợt, bước đi chẳng còn vững nữa. Phải chăng qua rồi những ngày đói khổ đó, bà đang muốn bù đắp cho con cháu những điều tốt đẹp nhất ? Bà lúc nào cũng lo tôi bị đói. Ngay đến bây giờ, nếu tôi đang gõ cửa nhà bà lúc này, chắc chắn bà sẽ vội vàng đi ngay xuống bếp hay ra ban thờ rồi đưa tôi gói bánh cái kẹo nào đấy. Bao nhiêu mùa đông ngủ say trong vòng tay ấm của bà gắn với từng ấy kỉ niệm về những món ăn bà làm cho tôi.
         Năm tôi học lớp 1, tôi phải dậy từ rất sớm để đi học, không thể đủng đỉnh như khi học mẫu giáo nữa. Tôi cũng lớn hơn và trước khi bố mẹ lại xa nhà có dặn dò, thậm chí…dọa nạt, để tôi phải nhất mực nghe lời bà. Trong tâm trí tôi bây giờ vẫn phất phảng hương thơm gạo nếp cái bà đồ xôi sớm sớm. Lờ mờ tảng sáng, điều đánh thức tôi dậy đi học không phải là tiếng rinh reng của đồng hồ hay tiếng gà gáy… mà lại là tiếng bà nhẹ nhàng cùng mùi thơm của xôi dừa, xôi lạc. Chợt thèm lắm một miếng giò hồng mềm mại bà vẫn thái sẵn rồi gói ghém cẩn thận với xôi, để tôi mang tới trường ăn sáng. Chợt thèm quá một miếng chả nem rán lách tách bên cái bếp lò tổ ong mà bà thi thoảng vẫn hì hụi làm, để chiều lòng đứa cháu…

           Hồi trước khu nhà bà hay mất điện, cứ mùa đông lại hay bị mất điện, mà không hiểu sao chỉ bị mất điện buổi tối.Trong bóng tối mịt mùng, đèn đường không có, tôi đã khóc thét lên sợ hãi. Bà mắng. Bà quát. Bà nói con trai con đứa sợ sệt cái gì, kêu gào inh ỏi giữa đêm, hàng xóm láng giềng còn nghỉ ngơi. Tôi đã gào la to hơn, không phải chỉ vì sợ bóng tối nữa mà còn như để bà phải dỗ dành mình, như bao lần bà đã làm. Lần ấy, tôi thấy lờ mờ trong ánh sáng ngọn nến một giọt nước mắt của bà. Bà mệt mỏi quá rồi, bà không dạy được cháu…Bà muốn mẹ tôi sớm lành bệnh về nhà mà dạy con. Rồi bà òa khóc, nói từng tiếng méo xệch yếu ớt trong căn phòng leo lét ánh nến. Lần ấy bà xin tôi hãy biết thương bà, thương bố mẹ. Bà thương các con các cháu vô cùng mà giờ như bất lực rồi…Tâm hồn non nớt của tôi như vỡ ra, tôi cũng chỉ biết mím môi rồi bật lên tiếng “bà” ngay lập tức. Hai bà cháu ôm lấy nhau giữa căn nhà trống. Kỉ niệm ấy diễn ra đúng một lần. Nó như đoạn phim ngỡ thật khó tin bỗng hóa thành một kỉ niệm ấu thơ không thể quên của tôi. Để cứ mỗi khi đông về, tôi như bị ám ảnh giọt nước mắt của bà, giọt nước mắt lăn chầm chậm trên gò má hanh nẻ, cùng những vết đồi mồi lấm tấm…
        Thực ra bà tôi đã từng phải khóc trong nhiều mùa đông dài, khổ cực hơn cả hoàn cảnh lúc ấy. Mãi sau này, tôi mới biết về những lần bà ngồi sau chiếc xe máy của ông qua cầu miền ngược mà bụng đang mang thai đáng sợ như thế nào. Bà chỉ có hai người con gái. Bà từng nhiều lần nén nỗi đau của một bà mẹ mất con nơi thâm sơn cùng cốc. Bao nhiêu mùa đông giá buốt ở rẻo cao, chẳng có ai để tâm sự vì đồng nghiệp hầu hết là nam giới, ông thì bận việc công trường…
-    Đấy mày thấy bà có khổ không?
                 Bà vẫn cứ hỏi tôi như thế khi tôi đã lớn, đến thăm bà và hai bà cháu cùng ôn lại kỉ niệm ngày xưa. Bà nói một cách bình thản lắm. Tôi biết giờ bà đang vui chứ chẳng hề buồn nữa đâu. Những mùa đông này, bà tụng kinh niệm Phật hằng ngày, sớm sớm vẫn giữ thói quen tập dưỡng sinh, rồi ra vườn trồng ít rau, chỉ đợi con cháu vào là cho rau sạch. Bà đã gần 80 tuổi, tóc đã bạc trắng gần hết mái đầu, dáng đi của bà chậm chạp hơn, tai bà nghe chuyện cũng nghễnh ngãng hơn. Tôi cũng chẳng còn nhỏ để phải nũng nịu hay đòi ngủ cùng bà nữa rồi. Bà lại bảo tôi cầm ít tiền bà dành dụm được mà tiêu. Bà vẫn thế, ăn ít, mặc ít. Suốt bao mùa đông bà vẫn mặc chiếc áo dạ kia. Cái chăn lúc xưa hai bà cháu đắp, vẫn còn thơm tho nơi góc tủ. Tôi đâu thể lấy tiền của bà.
-    Cháu chào bà, cháu đi học. Bà ở quê giữ gìn sức khỏe, mùa đông năm nay rét sớm bà ạ. Bà cứ giữ tiền lương nhà nước gửi để tiêu, cháu có rồi. 
-    Ơ hay, tiêu cái gì cho thân già cháu ơi, nấu xôi hay rán nem bây giờ cho đứa nào ăn?
Tôi chào bà.Bước lên xe quay lại Hà Nội mà ưa ứa nước mắt. Qua cầu Chương Dương mùa này thấy lòng sông xoáy đỏ bỗng nhớ diết da những ngày đông năm ấy. Bà vẫn còn đang chờ tôi phương trưởng ở quê nhà, dẫu chỉ có mình bà lặng lẽ đối diện với mùa đông…

 

 Nguyễn Hoàng Hiệp
 

. . . . .
Loading the player...