UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa ban hành Kế hoạch số 320/KH-UBND ngày 10/7/2024 về thực hiện Nghị quyết số 18 -NQ/TU, ngày 22/12/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng, phát triển văn hóa và con người Hà Tĩnh trong giai đoạn mới.
Chương trình nghệ thuật khai hội chùa Hương Tích 2024
Theo đó, mục đích của kế hoạch là cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu của Nghị quyết số 18/NQ-TU ngày 22/12/2023 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng, phát triển văn hóa và con người Hà Tĩnh trong giai đoạn mới; tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của các cấp uỷ đảng, chính quyền, đoàn thể, cán bộ đảng viên và Nhân dân hiểu về vị trí, tầm quan trọng của xây dựng, phát triển văn hóa và con người Hà Tĩnh. Đề ra các nhiệm vụ, giải pháp phát triển, khai thác toàn diện tiềm năng, thế mạnh của văn hóa, con người Hà Tĩnh góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Tạo sự thống nhất trong tư tưởng, nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, các địa phương, xác định xây dựng, phát triển văn hóa và con người Hà Tĩnh là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo. Tập trung đầu tư nguồn lực để văn hóa phát triển toàn diện, trở thành sức mạnh nội sinh, động lực đưa Hà Tĩnh phát triển nhanh, bền vững, sớm trở thành tỉnh khá của cả nước.
Đại diện Sở VHTTDL và UBND thành phố Hà Tĩnh tặng loa hỗ trợ câu lạc bộ tại lễ phát động đăng ký thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình
Mục tiêu chung của kế hoạch là nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền và toàn xã hội về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc xây dựng, phát triển văn hóa và con người trong đời sống xã hội, trong sự phát triển bền vững về kinh tế - xã hội của tỉnh. Xây dựng, phát triển toàn diện văn hóa và con người Hà Tĩnh thấm nhuần tinh thần dân tộc, giàu bản sắc quê hương, tiếp thu chọn lọc các giá trị văn hóa tiên tiến. Không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân, thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển giữa các vùng miền, địa bàn dân cư. Chăm lo xây dựng môi trường văn hóa trong gia đình, dòng họ, khu dân cư, cơ quan, đơn vị, trường học, doanh nghiệp. Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; phát triển các sản phẩm văn hóa, du lịch đặc trưng, giàu bản sắc; phát triển đa dạng các loại hình văn học, nghệ thuật. Tập trung đầu tư nguồn lực để văn hóa phát triển toàn diện, trở thành sức mạnh nội sinh, động lực đưa Hà Tĩnh phát triển nhanh, bền vững, sớm trở thành tỉnh khá của cả nước.
Tiết mục của câu lạc bộ phường Kỳ Trinh thị xã Kỳ Anh tại Liên hoan 2023
Kế hoạch đề ra 6 nhiệm vụ và 4 giải pháp để thực hiện đến năm 2030. Cụ thể, 6 nhiệm vụ gồm xây dựng con người Hà Tĩnh phát triển toàn diện; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa; bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa; phát triển văn học, nghệ thuật; phát triển ngành công nghiệp văn hóa. 4 giải pháp thực hiện gồm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của văn hóa, con người trong tình hình mới; tập trung đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa; chăm lo xây dựng, phát triển, nâng cao trình độ, năng lực, phẩm chất đội ngũ cán bộ trong lĩnh vực văn hóa; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn đầu tư trong xây dựng văn hóa.
Kế hoạch yêu cầu các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị và tổ chức đoàn thể, chính quyền các cấp trên địa bàn quán triệt các quan điểm, mục tiêu của Nghị quyết số 18/NQ-TU và Kế hoạch để xây dựng kế hoạch triển khai, tập trung tham mưu và tổ chức thực hiện đảm bảo thiết thực, hiệu quả, phù hợp với thực tiễn của từng ngành, địa phương, lĩnh vực.
Nguyễn Nga