Vừa qua, khoa Văn học, Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức tọa đàm Cùng UNESCO kỷ niệm 300 năm Ngày sinh danh nhân khoa học-văn hóa, thần y, văn hào Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại buổi tọa đàm
Lê Hữu Trác, biệt hiệu là Hải Thượng Lãn Ông (1724-1791) là một Đại danh y của Việt Nam vào cuối thời Hậu Lê. Ông được coi là ông tổ của ngành y học cổ truyền Việt Nam.
Ông sinh ngày 12/11 năm Giáp Thìn, nhằm ngày 27/12/1724, quê ở làng Liêu Xá, huyện Đường Hào, tỉnh Hải Dương, nay là tỉnh Hưng Yên.
Ông sinh ra trong một gia đình dòng dõi khoa bảng; ông nội, cha, bác, chú của ông đều đỗ đạt cao và làm quan lớn dưới triều Lê.
Thuở nhỏ, Lê Hữu Trác ở Thăng Long cùng cha, theo học trường lớp của con đường cử nghiệp khoa bảng. Ông nổi tiếng học giỏi, thơ hay, hào hoa phong nhã, kết giao với nhiều văn nhân tài tử chốn kinh kỳ xướng họa thơ ca, thưởng thức danh thắng Thăng Long.
Thạc sĩ Ngô Trà Mi, khoa Văn học, Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn cho biết, trước khi dạy nghề y, ông luôn cẩn thận dạy về y đức.
Trong quyển đầu tiên, Y huấn cách ngôn, ông dặn dò học trò và những người làm thầy thuốc chín điều đạo đức cần phải giữ trong đó, điều đầu tiên là phải thường xuyên học tập nâng cao trình độ; thứ đến khi chữa bệnh phải tùy bệnh nặng nhẹ mà chữa trước, không nên phân biệt giàu nghèo; là thầy thuốc phải lấy sứ mệnh cứu người làm trọng,…
Những quan niệm về y đức này của ông thiết thực, gần gũi, cũng là nhân sinh quan mà cụ giữ suốt đời.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đoàn Lê Giang trình bày tham luận tại buổi tọa đàm
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đoàn Lê Giang, Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, trong văn học cổ điển Việt Nam có những tác giả, tác phẩm xuất hiện đã đạt ngay vị trí đỉnh cao, trở thành điển phạm mà gần như trước nó hay sau đó không có gì tương tự.
Và Thượng kinh ký sự của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác trong thể loại du ký cũng là một trường hợp tương tự.
“Sự nghiệp Lê Hữu Trác chọn là y nghiệp, nên con đường mây trắng của thi nhân luôn gắn liền với từng bước chân trên con đường hành y. Thơ của cụ thường được sáng tác trong những lần leo núi, lội đèo đi xem bệnh ở những xã, những làng lân cận. Thơ cụ luôn có mùi thuốc, nhưng cũng đầy mùi gió, mùi mây, mùi hương hoa, mùi tâm hồn thi sĩ”.
Thạc sĩ Ngô Trà Mi, Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh
“Trước nay nói đến Hải Thượng Lãn Ông, chúng ta đánh giá rất cao tài năng y thuật và y đức của ông, coi ông là “Thần y” của nước Nam ta, nhưng còn chưa thấy hết tài năng văn chương của ông qua Thượng kinh ký sự, chưa thấy hết vị trí của tác phẩm ấy trong văn học cổ điển nước nhà”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đoàn Lê Giang cho biết.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đoàn Lê Giang đánh giá thêm, Thượng kinh ký sự là một tập du ký văn học tiêu biểu, đỉnh cao, không chỉ của văn học Việt Nam mà của cả khu vực văn hóa Đông Á.
Giá trị văn học ấy thể hiện ở chỗ tác phẩm đã có những trang miêu tả phong cảnh thiên nhiên, danh thắng, di tích, phố phường kinh đô, phủ chúa rất cụ thể, rất đẹp; đã miêu tả những con người một cách sinh động, đa dạng; đã thể hiện “cái tôi” của mình rất rõ - một cái tôi thanh cao, cứng cỏi, đa tài.
Du ký của Lê Hữu Trác có phong cách rất riêng, không chỉ văn mà các bài thơ trong ấy có thể coi là tuyệt bút.
Đại diện Công ty cổ phần văn hóa đọc và học Việt Nam tặng sách Thượng king ký sự cho Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn
Dịp này, Sàn văn hóa học và đọc Việt Nam (hocdoc.vn) - Công ty cổ phần văn hóa đọc và học Việt Nam đã trao tặng cho Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh 100 quyển Thượng kinh ký sự của Lê Hữu Trác, với bản dịch của Đồ Nam Tử Nguyễn Trọng Thuật, do Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Sơn, Nhà văn Nguyễn Xuân Tuấn sưu tầm và giới thiệu, vừa được Nhà xuất bản Trẻ ấn hành.
Đây là bản in đặc biệt kỷ niệm 300 năm Ngày sinh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác/Danh nhân văn hóa được UNESCO vinh danh với phụ lục đầy đủ bản Hán văn của tác phẩm này.
Dẫn nguồn: Linh Bảo/ Báo Nhân dân