Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ban hành Quyết định số 1346/QĐ-BVHTTDL ngày 26/5/2023 về việc ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình “Đẩy mạnh các hoạt động phục vụ học tập suốt đời trong thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa đến năm 2030”.
Theo đó, mục đích của Kế hoạch nhằm tổ chức triển khai nghiêm túc, hiệu quả việc thực hiện các nhiệm vụ được giao cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Quyết định số 1520/QĐ-TTg ngày 09/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Xác định các nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu, phân công cụ thể nhằm triển khai hiệu quả Chương trình đến năm 2025 và năm 2030. Tiếp tục đổi mới hoạt động phục vụ học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa nhằm đạt được các mục tiêu đặt ra trong Chương trình, xây dựng môi trường văn hóa ở cơ sở, góp phần nâng cao dân trí, xây dựng xã hội học tập ở Việt Nam. Đây cũng là căn cứ để các cơ quan, đơn vị có liên quan phối hợp, xây dựng lộ trình, triển khai thực hiện và kiểm tra, giám sát thực hiện Chương trình.
Các nhiệm vụ chính được đặt ra bao gồm:
Xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình; chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình tại địa phương.
Rà soát, đề xuất xây dựng, sửa đổi, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật nhằm tạo hành lang pháp lý trong việc đổi mới hoạt động phục vụ học tập suốt đời, đẩy mạnh chuyển đổi số, tạo điều kiện để người dân tự học tập trong các thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hoá.
Tổ chức, lồng ghép các hoạt động học tập suốt đời gắn với Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời, Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam - 21/4, Ngày Sách và Bản quyền thế giới - 23/4, Ngày Quốc tế bảo tàng - 18/5, Ngày Chuyển đổi số quốc gia - 10/10, Ngày Di sản văn hóa Việt Nam - 23/11 và các ngày lễ, ngày kỷ niệm của đất nước và địa phương; đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, tuyên truyền trên các trang thông tin điện tử, phương tiện thông tin đại chúng và không gian mạng về học tập suốt đời; tổ chức các hội nghị, hội thảo, hội thi, liên hoan, giao lưu, tọa đàm... về hoạt động phục vụ học tập suốt đời trong thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hoá.
Tổ chức rà soát các mô hình đã được triển khai; xây dựng và nhân rộng mô hình phục vụ học tập suốt đời trên nền tảng công nghệ số trong hệ thống thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hoá; đánh giá kết quả, hiệu quả, tác động của các mô hình phục vụ học tập suốt đời đã triển khai.
Thực hiện hiệu quả các Chương trình bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021-2030, Chương trình số hóa Di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021-2030, Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 gắn với nâng cao năng lực tổ chức các hoạt động phục vụ học tập suốt đời; tiếp tục thực hiện các mục tiêu đề ra trong Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế văn hoá, thể thao cơ sở.
Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa phục vụ nhu cầu học tập suốt đời của người dân đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số; nâng cao ý thức về việc tự học, học tập thường xuyên của cán bộ quản lý, viên chức, người lao động làm việc trong các thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa.
Đoàn tham quan Khu di tích Nguyễn Du
Biên soạn tài liệu hướng dẫn phương pháp, kỹ năng tổ chức các hoạt động phục vụ học tập suốt đời và triển khai mô hình phục vụ học tập suốt đời trên nền tảng công nghệ số; tập huấn kiến thức, hoàn thiện năng lực, kỹ năng cung ứng các sản phẩm và dịch vụ phục vụ học tập suốt đời trong bối cảnh chuyển đổi số.
Tăng cường hợp tác quốc tế trong việc đổi mới và phát triển các hoạt động phục vụ học tập suốt đời trong thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa: giao lưu, học hỏi kinh nghiệm quốc tế về tổ chức các hoạt động học tập ngoài nhà trường, về truyền thông và vận động cộng đồng, về đào tạo, đào tạo lại và bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; phối hợp tổ chức hoặc tham gia các sự kiện quốc tế liên quan đến xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời; huy động các nguồn tài chính hợp pháp và tranh thủ sự hỗ trợ kỹ thuật của các quốc gia, các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp nước ngoài để triển khai Chương trình.
Huy động nguồn lực xã hội hóa, kêu gọi vận động tài trợ, quyên góp từ các doanh nghiệp, nhà tài trợ, tổ chức, cá nhân; sự tham gia của cộng đồng, đặc biệt đội ngũ trí thức vào tổ chức hoạt động phục vụ người dân học tập suốt đời trong thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa; tôn vinh các tổ chức, cá nhân tham gia hỗ trợ xây dựng các chương trình giáo dục trong thiết chế văn hóa.
Kiểm tra, giám sát, tổng hợp tình hình thực hiện Chương trình, định kỳ hằng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ; tổ chức sơ kết vào năm 2025, tổng kết Chương trình và đề xuất xây dựng kế hoạch giai đoạn tiếp theo vào năm 2030; đề xuất Thủ tướng Chính phủ khen thưởng đối với tập thể, cá nhân tiêu biểu.
Nguyễn Nga