Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), 35 năm Ngày hội quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024). Văn nghệ Hà Tĩnh hân hạnh giới thiệu bài viết "Đại đội trưởng đại đội trinh sát Bùi Quang Vinh" của nhà thơ Bùi Quang Thanh.
ĐẠI ĐỘI TRƯỞNG TRINH SÁT BÙI QUANG VINH
Tôi đẩy cánh cửa sắt làm khá sơ sài đang khép hờ, giắt xe vào sân. Cửa nhà chú Vinh một cánh mở, một cánh đóng và tiếng loa phát một bản tin thời sự nghe khá to từ trong nhà vẳng ra. Tôi gọi to: "Chú Vinh có nhà không?” Chưa kịp nghe tiếng đáp, tôi xách cái bao ni lon đựng mấy cái khung ảnh lên bước luôn vô nhà. Tiếng đài nói từ phòng trong, tôi biết chú Vinh đang trong ấy nên kêu lớn: “Dậy thôi chứ! Sao chú ngủ muộn vậy?” rồi ngó luôn vào sau cái ri đô vải. Chú Vinh vùng dậy rất nhanh, gỡ cặp kính ra nhìn, hai mắt hấp háy. Tôi hỏi bỗ bả: “Chú có nhận ra ai không?” Ông cười móm mém: “Bác..” “Bác mô đây?” “Bác Thanh chứ bác mô nựa”. Tôi mừng quýnh “Chú vẫn nhớ à?” “Nhớ chứ răng quên được”. Cầm những tấm ảnh của mình oai vệ, rạng rỡ trong khung gỗ được phóng to cỡ 25 x 38, chú xuýt xoa: “Đẹp quá! Mau quá, mới chụp hôm qua mà”. Rồi chú nheo mắt nhìn tôi: “Có ảnh để thờ rồi đây”…
Đại đội trưởng đại đội trinh sát Bùi Quang Vinh
Ngồi bên bàn với cốc chè chát đang nóng, tôi vào chuyện ngay: “Hôm nay cháu ngồi nghe chuyện đánh Pháp của chú, chủ yếu trận Điện Biên nhé”. Ông cười, đôi mắt ánh lên niềm vui. Ôi hóa ra đôi mắt của chú vẫn sáng cả hai, có sự trẻ trung và tinh nghịch; khác với hôm qua chụp ảnh, dù loay hoay cả mấy chục phút, bảo chú cúi xuống, nhìn lên, trông thẳng vô ống kính… thì tôi vẫn chỉ chộp được đôi mắt một to, một bé dẫu tư thế của viên đại úy như một vị tướng, tự tin, hiên ngang và đẹp lão. Tôi thầm nghĩ cụ đã ngót trăm mùa xuân rồi, như thế là hạnh phúc lắm rồi, đòi hỏi gì thêm nữa. Vậy mà hôm nay đôi mắt ấy mở to, trong sáng và trẻ trung. Tôi thầm tiếc mình lại không cầm theo máy ảnh. Nếu có, tôi sẽ “sáng tác” một chân dung cận kề mà trung tâm là đôi mắt 9 mùa xuân của chú: viên Đại đội trưởng đại đội trinh sát đã tham chiến trọn 56 ngày đêm ở Điện Biên Phủ trong đội hình Trung đoàn 165, Đại đoàn 312 nổi tiếng anh hùng.
Cuộc đời chú Bùi Quang Vinh được tóm lược qua lời kể của chú mà tôi là người đầu tiên được nghe, được hỏi thoải mái, tự nhiên,thỉnh thoảng chất vấn, kiểm tra cả trí nhớ và độ tin cậy của thông tin với tinh thần của “người trong nhà” sợ kẻ tra (người già) lẫn lộn.
Sinh ra ở làng Gia Hội năm 1926 trong một gia đình nông dân nghèo, tuy vậy chú Vinh vẫn theo học hết lớp bốn ở trường Cẩm Xuyên, sau đó lên trường cấp 2 Đại Thành ở chợ Chùa học xong lớp bảy. Năm 1948 chú gia nhập Vệ Quốc quân, đi bộ ra tận Lạng Sơn để được biên chế về Đại đoàn 312. Mấy tháng sau, vì có trình độ văn hóa, khỏe và nhanh nhẹn, Bùi Quang Vinh được quân đội cử sang Trung Quốc học trường Sỹ quan trinh sát. Một năm rưỡi sau, chú trở lại Đại đoàn cũ, được thuyên về Trung đoàn 165 với cấp bậc Đại đội phó đại đội trinh sát. Cuộc đời chiến trận bắt đầu từ đây.
Sau các chiến dich Biên giới 1950, Hòa Bình 1952, Thượng Lào 1953, Đại đoàn 312 về chỉnh huấn và bổ sung lực lượng ở Phú Thọ. Lúc này chú Vinh được đề bạt Đại đội trưởng đại đội trinh sát. Tháng 12/1953, từ Phú Thọ đơn vị hành quân lên Lai Châu tham gia chiến dịch Tây Bắc. Đại đội trinh sát của Bùi Quang Vinh được lệnh đi tiền trạm. Con đường hành quân vào những ngày giá rét vai nặng đường xa vô cùng gian khổ. Từ Phú Thọ qua Mộc Châu, Sơn La, có những chặng không có đường đi, đơn vị phải lội suối, đạp đá trơn nước buốt đến hàng chục cây số. Hơn chục ngày hành quân vừa khẩn trương vừa bảo đảm bí mật, tránh cả các nơi có bản làng, chú cùng đơn vị đã tập kết gần cứ điểm Điện Biên Phủ, nơi giặc Pháp đang thách đố Việt Minh lên thử sức. Là lính trinh sát, chú Vinh cùng anh em chiến sĩ lặn lội dò đường, điều nghiên tìm hiểu kỹ từng vị trí đồn bốt, hỏa điểm, quân số, vũ khí, địa hình… của quân Pháp để chỉ huy Trung đoàn và cấp trên nắm chắc, lập kế hoạch tác chiến. Sau những ngày đào hầm khoét núi, dãi nắng dầm mưa chờ đợi, giờ nổ súng cũng đã bắt đầu. Đại đoàn 312 được giao nhiệm vụ chủ công đánh trận mở màn: tiêu diệt cứ điểm Him Lam. Riêng Trung đoàn 165 của chú Vinh được lệnh phối hợp cùng Trung đoàn 88 của Đại đoàn 308 chuẩn bị đánh đồi Độc Lập, một tiền đồn ở cửa ngõ phía Bắc cách Trung tâm Mường Thanh 4km. Cứ điểm này địch có một Tiểu đoàn lính tinh nhuệ Bắc Phi và một Đại đội lính Thái, có pháo binh và súng cối khắp cứ điểm chi viện khi bị tấn công.
Đại đội trưởng đại đội trinh sát Bùi Quang Vinh bên cháu gái
Để chuẩn bị đánh cứ điểm Độc Lập, Đại đội trưởng trinh sát Bùi Quang Vinh bằng nghiệp vụ trinh sát tinh luyện được đạo tạo từ trường nghiệp vụ, do những giáo viên kỳ cựu của Giải phóng quân Trung Quốc và cả những sỹ quan Nhật Hoàng quay súng về với cách mạng trực tiếp rèn dạy, lại trải qua 4 năm lăn lộn trên các chiến trường rừng núi, dạn dày kinh nghiệm…đã cùng đồng đội luồn sâu vào tận hang ổ giặc nắm chắc từng ổ để kháng, từng lỗ châu mai, hầm ngầm, nhà ở của địch cho đơn vị dựng sa bàn tiến công. Ngày 13/3/1954 ta đánh chiếm Him Lam thì đêm 14/3 Trung đoàn 167 của chú Vinh cùng Trung đoàn 88 nổ súng đánh cứ điểm Độc Lập. Trinh sát dẫn các tổ bộc phá tiến lên đánh hàng rào cho xung kích xông vào đồn địch. Trận tiêu diệt diễn ra chỉ trong một đêm, cứ điểm Độc Lập tan tành, của ngõ vào Trung tâm Mường Thanh đã thông chốt…
Đại đội trưởng trinh sát Bùi Quang Vinh là người đã tham gia đủ 56 ngày đêm ở chiến trường này cho đến trận cuối cùng, ngày 7/5/1954 tiến đánh đồi A1, Sở chỉ huy của tướng Pháp De Castries mà ơn trời, không một mảnh đạn nào chạm được vào người chú. Kết thúc chiến dịch Điện Biên, chú vinh dự được tặng Huân chương Chiến công hạng 3 – một phần thưởng cao quý lúc đó.
Sau Lễ duyệt binh mừng chiến thắng Điện Biên Phủ ở cánh đồng Mường Thanh, mấy tháng sau (ngày 10/10/1954) chú Bùi Quang Vinh cùng Trung đoàn 165 trong đoàn quân tiến về tiếp quản thủ đô Hà Nội từ hướng cầu Long Biên. Hòa bình lập lại, chú Vinh được chuyển về dạy nghiệp vụ ở Trường Trinh sát quân đội. Rồi ông vào chiến trường đánh Mỹ, với cấp bậc Đại úy Tiểu đoàn trưởng ở sư 341 Quân khu 4, vào chiến trường chú được cử giữ chức vụ Trung đoàn phó kiêm Tham mưu trưởng tham chiến ở Khe Sanh, Làng Vây, Đường 9 và Nam Lào… Ở đây chú bị thương trong chiến đấu, sập toàn bộ xương vòm mũi phải ra Bắc điều trị rồi chuyển ngành về Ủy ban nhân dân Hà Tĩnh. Sau một thời gian công tác ở Sở Thương nghiệp, Ban Xây dựng tỉnh… vì hoàn cảnh vợ yếu, con đông, nhà cửa tạm bợ nơi sơ tán lay lắt nên chú xin nghỉ hưu “non” một lần để về vực dậy cuộc sống của gia đình. Chú Vinh mở lò rèn nông cụ phục vụ bà con nông dân…
Tôi tò mò: “Từ một cậu học trò rồi vào lính đánh giặc cho đến ngày về hưu mở lò rèn ở quê nhà, ai dạy chú cái nghề đe búa ấy?” Chú tủm tỉm, hình như cố giấu hàm răng móm mém: “Mình có ý thức kiếm nghề từ bé. Bố hoạt động cách mạng bị Pháp giết năm mình mới 12 tuổi, mẹ yếu, nhà nghèo nên khi đi học cấp 2 ở trường Đại Thành mình xin phụ cho lò rèn ở chợ Chùa, vừa kiếm cơm ăn, tiền tiêu vừa học nghề của họ. Sau 3 năm học, tốt nghiệp cấp 2 thì tay nghề mình cũng khá rồi. Cũng vì có bằng “Đíp lôm” nên năm 1948 vào bộ đội mình được chú ý và đưa đi đào tạo bên Trung Quốc đấy”.
Cụ Bùi Cu (bố của ông Bùi Quang Vinh). Ảnh tư liệu
Chú vào trong nhà mang ra một số giấy tờ và những tấm ảnh từ rất lâu còn lưu được, tôi chú ý đến 2 tấm ảnh một người đàn ông ngoài 30 tuổi, một tấm chụp chính diện ghi tên Bui Cu 14 - 10 - 30, một tấm chụp nghiêng ghi số 1096. Tôi biết đây chính là ông Bùi Cu bố chú Vinh – một chiến sĩ cộng sản cốt cán của Đảng hoạt động vùng Cẩm Xuyên trong những năm 1930 – những người đã làm nên Xô Viết Nghệ Tĩnh năm xưa. Những tấm ảnh này trong hồ sơ lưu trữ tù chính trị của Thực dân Pháp tại đề lao Vinh, hiện còn lưu tại Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh. Ông Bùi Cu là đồng chí của ông nội tôi từ thuở đầu của Tân Việt Cách mạng đảng (1927), được chuyển Đảng sau khi Đại hội Hương Cảng hợp nhất 3 đảng cộng sản 3 miền thành Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông Bùi Cu bị địch bắt, giam cầm, tra tấn dã man, biết ông không sống được bọn Pháp mới thả ông về và mất tại quê năm 1938.
Chú Vinh cũng cho tôi biết thêm: vợ chú (tôi thường gọi mự Vinh) là cháu gọi Tổng Bí thư Đảng (1936 – 1938) Hà Huy Tập là dượng ruột, còn mẹ chú Vinh là em của Liệt sỹ Nguyễn Đình Liễn - Bí thư Huyện ủy Cẩm Xuyên năm 1930 – người bị Thực dân Pháp xử chém tại chợ Hội quê tôi sau khi phong trào Xô Viết bị đàn áp. Vậy là cả nhà chú, bên nội, bên ngoại, bên vợ bên chồng đều là những gia đình cách mạng “nòi” – những Hạt giống Đỏ của quê hương đất nước.
Tôi ngậm ngùi ngắm tấm hình người tử tù chính trị năm xưa, lại rớm nước mắt ngắm người chiến sĩ Điện Biên duy nhất còn lại của làng tôi, mà có thể của cả huyện Cẩm Xuyên của tôi dù đã trở về sống giữa quê hương hơn nửa thế kỷ, với những chiến công, những thành tích vào sống ra chết qua hai cuộc chiến tranh, nay đã ngót trăm tuổi mà chưa một bài báo nào kể về ông, chưa một lần được vinh danh, cả trong những ngày người ta rầm rầm kỷ niệm 50 năm – 60 năm - 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Hầu như ở quê tôi ai cũng nghĩ một điều đơn giản và bình dị: chú là ông Vinh “Rèn”; đến cả tôi, một thằng cháu trong họ nội thân mà cũng hôm qua mới nghe chú kể. Mà cũng nhờ tôi tò mò “moi” chuyện chứ nếu không, ít nữa cụ trăm năm, chẳng ai biết được cuộc đời oanh liệt một Lão quân từng đánh Pháp ở Việt Trì, Lào Cai, Hòa Bình, Thượng Lào, Điện Biên… rồi đánh Mỹ ở Khe Sanh, Làng Vây, Đường 9, Quảng Trị, Nam Lào…
Trước lúc chia tay chú Vinh, tôi chợt nhớ sáng nay có nhờ nhà văn Đức Ban chở ra quầy bán tư trang bộ đội ở thành phố Hà Tĩnh mua cho chú bộ quân hàm Đại úy bộ binh mới vì hôm qua khi sửa sang quân phục cho chú để chụp ảnh, một “cấp hiệu” bên ve áo trái của chú đã bị chuột gặm và đôi quân hàm 4 sao đã cũ bạc. Chú cầm món quà ngắm nghía một lúc rồi đưa lại cho tôi: “Chú không thay đâu. Bộ này đã theo chú sáu chục năm rồi, để làm kỷ niệm, cháu ạ”.
Bùi Quang Thanh