Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh hiện đang lưu giữ 1.100 bản ván khắc sách thuốc “Hải Thượng y tông tâm lĩnh”. Đây là tư liệu độc bản không những có giá trị về mặt y dược mà nó còn thể hiện giá trị về mặt văn hoá, lịch sử, triết học, nghề điêu khắc gỗ, nghề in mộc bản truyền thống và là di sản độc nhất vô nhị chứng minh sự tồn tại của pho tùng thư “y tông tâm lĩnh” do đại danh y Hải Thượng Lãn Ông biên soạn vào thế kỷ XVIII.
Bộ sách “Hải Thượng y tông tâm lĩnh” gồm 28 tập,66 quyển được chắt lọc tinh hoa, thể hiện sự tâm huyết về ngành Y,đây là bộ sách nổi tiếng của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác(1720-1791), là một công trình khoa học đồ sộ được Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác dày công tìm tòi, nghiên cứu. Ông đã để lại thành tựu to lớn cho nền y học cổ truyền dân tộc, bao gồm: lý, pháp phương ,dược và biện chứng luận trị về mặt nội khoa, ngoại khoa, phụ khoa, sản khoa, nhi khoa, đậu sởi, nhãn khoa, thương khoa, cấp cứu, về mặt đạo đức y học, vệ sinh phòng bệnh…Bộ sách được đánh giá là công trình y học xuất sắc nhất trong lịch sử thời trung cận đại Việt Nam.
“Vào thời kỳ vua Tự Đức, do có cơ duyên nên nhà sư Thích Thanh Cao khi đó là trụ trì chùa Đông Nhân (nay là Đại Phúc phố Bắc Ninh) đã biết đến bộ “bách khoa toàn thư” y tông tâm lĩnh và dày công tìm kiếm, sưu tầm bộ sách quý này từ nhiều nguồn khác nhau, sau đó tập hợp nghiên cứu, hội bàn với các danh y khảo cứu, hiệu chỉnh bản thảo và tiến hành khắc ván. Trong quá trình tiến hành san khắc trên ván diễn ra tại chùa Đồng Nhân mất khoảng 06 năm (1879-1885).
"Hầu hết mộc bản đều được khắc bằng chứ Hán theo lối khắc ngược (âm bản) đòi hỏi người thợ phải có trình độ chuyên môn rất cao, làm việc cẩn thận, tỷ mỷ mới cho ra đời những bản khắc hết sức tinh vy, để khi in ra giấy sẽ cho ra chữ xuôi. Mỗi mặt ván khắc khoảng 16 dòng, mỗi dòng có 21chữ, sắc nét, tương ứng với 2 trang sách.Mỗi trang sách in ra sẽ có khung viền xung quanh, có phần nội dung và phần chính giữa, phần in tiêu đề. Ván khắc được làm bằng loại gỗ thị có đặc tính vừa mền, mịn, lại vừa dai, dễ khắc lại ít công vênh, khó bị nứt vỡ…Đặc biệt, bộ ván khắc được định bản lại đảm bảo tiêu chuẩn, có nhà xuất bản rõ ràng để in thành sách phổ biến rộng rãi trong nhân dân. Đây là bằng chứng thể hiện quan điểm, lối sống giản dị, đức độ của một thầy lang chữa bệnh cứu người. Nhờ vậy mà Việt Nam có được một pho tùng thư về y học dân tộc giàu giá trị mà giới y học nước nhà đang áp dụng để chữa trị nhiều loại bệnh ”. Bà Đỗ Thị Thuỷ (PGĐ) Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh chia sẻ.
Bà Đỗ Thị Thuỷ (PGĐ )Bảo tàng đang giới thiệu về quá trình phát hiện và lưu giữ mộc bản khắc ván cho đoàn tham quan huyện Hương Sơn-H.T.
Kể từ khi san khắc đến nay, bộ mộc bản “Hải Thượng y tông tâm lĩnh” được lưu giữ ở nhiều địa điểm khác nhau như chùa Đồng Nhân lưu giữ từ năm 1885-1983,tại Bảo tàng Hà Bắc từ năm 1983-1997. Kể từ năm 1997 đến nay được chuyển về lưu giữ tại nhà Bảo tàng Bắc Ninh.
Theo quan sát và được tận mắt chứng kiến tại Bảo Tàng, tỉnh Bắc Ninh, hầu hết ván khắc đều còn rất tốt, chữ khắc rất rõ nét, chỉ có một số ít bị nứt, cong vênh và mất đi một số chữ.
Trong bối cảnh toàn cầu hoá như hiện nay, việc giữ gìn, bảo tồn, nghiên cứu khoa học thông qua hiện vật bản mộc được xem như là “báu vật quốc gia” có ý nghĩa vô cùng quan trọng về mặt tư liệu hiện vật nhằm phục vụ cho công tác nghiên cứu, học thuật, truyền dạy về giá trị văn hoá truyền thồng đối với nền y học nước nhà và các thế hệ con, cháu muôn đời sau là việc làm vô cùng cần thiết.
Minh Lý