20-08-2022 - 00:31

Bức thư gửi Mẹ

Có đôi lúc thật khó để nói trực tiếp ra lời yêu thương với người thân yêu, vậy nên, những lá thư đặc biệt giúp những người con bày tỏ những niềm tâm sự giấu kín cùng tình cảm chân thành để cảm ơn mẹ - người đã nuôi dạy và hi sinh với tình yêu lặng lẽ cháy bỏng với các con thơ. Văn nghệ Hà Tĩnh hân hạnh giới thiệu Bức thư gửi Mẹ của cô giáo Phan Thị Hồng Cẩm, trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai - Đức Thọ.

Gửi mẹ ở nơi rất xa mà vẫn thật gần

                        Phan Hồng Cẩm

 

     Đã lâu lắm rồi, con phải từ bỏ thói quen viết thư cho mẹ mỗi ngày. Mẹ biết vì sao không ạ? Vì cứ mỗi lần cầm bút, kí ức hiện về, không giữ được nước mắt khiến con trở nên yếu mềm và nghĩ rằng mình sẽ gục ngã. Dường như những vết nhức nhối của những đứa con bỗng dưng mất mẹ giữa muôn nẻo đường đời vẫn âm ỉ cứa…
     Bước đi trong cuộc đời, mẹ đã dạy con phải mạnh mẽ, phải biết yêu và biết thương, biết dịu dàng và bao dung. Mẹ dạy con biết chắt chiu công dung ngôn hạnh theo cách nghĩ của mẹ. Cần có một việc gì đó phù hợp và yêu thích để tự nuôi sống bản thân khi rời xa vòng tay bố mẹ. Cần có chút hình thức bên ngoài để luôn yêu bản thân, mỉm cười trong gương, rạng rỡ khi ở bên ngoài. Mẹ dạy con nên tìm cách quản trị ngôn từ, nên im lặng khi không chắc chắn về những gì mình nghĩ, mình thấy. Chữ Hạnh của mẹ cũng thật dễ hiểu: Hãy để tâm an, nhớ vui vẻ cất bước đi khi chỗ đó không thuộc về mình.
     Con nhớ, khi đến bữa, nhẹ kéo con vào bếp, mẹ bảo: Nấu ăn trước hết là không để mình bị bỏ đói, nấu ăn ngon là cách để chăm sóc những người yêu thương, nấu ăn nghệ thuật là cách để giữ chân người mình yêu…Phụ nữ chính là người giữ lửa của gia đình. Chúng con thích ăn món trứng gà chiên vàng rộm, thơm nức mũi với sự sung sướng vô cùng của những cái miệng trẻ con háu ăn. Nhưng con cũng lại hiểu khi mẹ chiên trứng cùng rất nhiều rau hẹ hoặc miến khô, hoặc một ít bột đậu xanh xay nhuyễn là trong nhà đã hết tiền. Đồng lương ít ỏi, chia đủ phần để lo toan, xoay xở nhưng con chưa bao giờ nghe mẹ thở dài hay đay nghiến trước mặt. Đã bao lần nhớ mẹ, con định thử làm lại món trứng chiên miến cho chồng con, con con nếm thử mà không thể làm được. Chỉ nghĩ đến thôi mà bao nhiêu mạnh mẽ trong con đã rụng rời khuỵu xuống. Thương mẹ đến thắt lòng…
      Mẹ đã cùng chơi những trò con thích để dạy con biết quan tâm người khác. Điều gì mình không muốn thì cũng đừng bắt người khác phải muốn. Nhớ những trưa hè nắng say sưa đổ mật vàng óng lên những cành cây, má con đỏ chín, mồ hôi chảy xượt xuống cổ mà háo hức mân mê từng chiếc nồi, chiếc thìa, chiếc bếp… mẹ cặm cụi nặn cho từ đất sét lấy về từ lò gạch của ông Thương. Có lần, vì không cưỡng lại nổi bản tính tò mò và hiếu kì, con đã không xuống giếng lấy nước bằng các bậc đá ghép sẵn mà lại trèo lên cái cầu ván chông chêng, trơn láng vì đã lên meo xanh nên trượt chân ngã đánh tùm xuống nước. Cái giếng có miệng to như cái hố, nước cạn, đáy không sâu nên không nguy hiểm nhưng một chiếc dép mới tinh mà mẹ vừa mua vì con đòi quay quắt khi đến cửa hàng bách hóa đã găm sâu vào bùn. Lê lết kéo cái chân lên khỏi lớp bùn trong nỗi sợ hãi còn số phận chiếc dép trong ý nghĩ con thì sẽ đung đưa cùng những chiếc roi phát đen đét. Không hiểu sao lần ấy, mẹ đã không đánh, không mắng mà lặng lẽ lội quần mò mẫm mất rất lâu thời gian để tìm bằng được chiếc dép ấy. Con không hiểu là do mẹ tiếc tiền, thương con hay dạy cho con bài học về hậu quả của sự ngông ngược. Chỉ biết rằng, sau lần đó, con vừa sợ, vừa lo và không bao giờ dám bén mảng tới cái cầu ván bắc ngang giếng kia nữa. Sự im lặng, ánh mắt của mẹ… mãi khắc khoải theo từng hoài niệm của con. 

Bức thư gửi mẹ


     Sau này lớn lên, khi đi học xa, mỗi lần nhận được quà của mẹ, con cảm nhận được rất rõ sự chắt chiu thương nhớ vô ngần. Từ chiếc bánh vo không thật tròn nhưng ngọt thơm vị nếp đến hũ dọc mùng muối chua thanh thanh vị nước vo gạo hay nồi thịt lợn kho dừa ngọt thơm sánh đậm cũng là kí ức ngọt ngào mà con biết rằng dù có lặn lội kiếm tìm cả cuộc đời cũng không bao giờ tìm lại được. Nhớ cả tiếng choang choảng của chú gác điện thoại kí túc khi có người nhà gọi điện: Phòng 10 tầng 5 nghe điện thoại. Nhớ cả cái hồi hộp, cái cuống quýt phi nhanh như một chiếc mũi tên xuống tầng 1 để được cảm nhận những giây phút nhớ nhung của mẹ…Tất cả đã những điều tưởng chừng như hết sức giản dị ấy với con đã hóa giấc mơ tự lúc nào…
     Những giấc mơ của con có hình chiếc thùng nước mẹ oằn vai xách nặng. Giấc mơ có hình chiếc chìa khóa mẹ đánh mất rồi ngồi khóc hu hu như một đứa trẻ bất lực trong buổi chiều mùa đông xám rũ. Con đã mơ về dáng mẹ cần mẫn bên chiếc bếp củi thổi lửa nấu cơm chiều đợi chúng con về. Mùi canh cà nấu lá lốt thơm thoang thoảng hòa lẫn nước mắt của con mỗi khi tỉnh giấc nhớ lại rằng: Ngày đó đã xa vời vợi, gặp được trong mơ cũng đã là hạnh phúc. 
     Những lúc ấy mẹ biết không, con chỉ ước mình đừng tỉnh lại để níu lấy áo mẹ, giữ mẹ đừng đạp nhanh chiếc xe đạp màu ghi mà ông ngoại mua tặng mẹ kể từ khi bắt đầu làm cô giáo…Con ước được một lần cảm nhận nụ cười của mẹ mỗi khi đón thấy con ở ga tàu. Ước được nghe thấy tiếng bước đi the thé hằng đêm ghé lại giường sờ vào trán em vì sợ nó bất thình lình lên cơn sốt. Con cũng đã mơ thấy cha chở mẹ trên chiếc xe máy cũ về thăm ngoại trên con đường ngoằn ngoèo đầy sỏi đá cùng những rơm rạ, cỏ lá và cả phân bò mà giòn tan nụ cười hạnh phúc. Mẹ mặc bộ đồ màu tím nhạt ngồi sau cha con với câu chuyện dài về những ngày gian khổ đã qua, những bình yên đang có… Nhưng chưa kịp nói tiếp về những hạnh phúc chưa tới thì bình yên vụt tắt trong bão bùng. 
     Nhưng con đã không giữ được mẹ lại. Khi giấc mơ tan, con  bàng hoàng thừa nhận thực tại: Mẹ cũng không ở bên con suốt 17 năm ròng rã. Chao ôi! Mười bảy năm dài thương đau, chịu đựng, khắc khoải, nhớ nhung và nhức nhối. Cứ nhìn thấy một phụ nữ nào tầm tầm tuổi mẹ là con lại khát khao được nghĩ rằng: Mẹ đang mạnh khỏe, mẹ sẽ già đi theo năm tháng ở một chốn nào. Dù rất xa xăm nhưng mẹ nhất định vẫn đang ở đó. Nhất định chốn nào đó vẫn còn có mẹ thương yêu.
      Màu áo tím nhạt nhòa rồi trở thành hoài niệm, có khi như sương khói bay vụt tan nhưng cũng có khi con ôm được vào lòng, hít hà từng hơi thở của mẹ. Là khi con nghĩ rằng, con đang tiếp tục bước đi trên những con đường yêu thương mà mẹ đã chắt chiu đan dệt. Là khi con khắc sâu những lời mẹ dặn. Mẹ dặn con không được nói xấu , vì khi nhắc lại một việc xấu của bạn là ta đã một lần nghĩ xấu. Những ý nghĩ xấu xa, hẹp hòi, ích kỉ thường sẽ dẫn ta đến những hành động sai lầm. Bởi vậy, nếu đã không đủ dũng cảm và tinh tế nói cho bạn nghe về lỗi lầm của bạn thì điều tốt nhất là con đừng mắc phải những sai lầm đó. 
      Mẹ cũng từng nhắc con rằng: Khi lòng con quá ưu phiền vì một điều gì đó, thay vì úp mặt vào gối tấm tức thì hãy đứng dậy. Với tay nắm lấy cái chổi quét những bụi bẩn, mạng nhện còn bám vương trên trần nhà với suy nghĩ đang xua đi những uẩn ức trong tim con tâm hồn được nhẹ nhõm, thảnh thơi.Con cũng đã làm được như thế nhiều lần mẹ ạ!
       Mẹ từng dạy con mạnh mẽ. Con đã mạnh mẽ vì phải bước đi không có mẹ suốt cả tuổi ngây thơ của em, tuổi thanh xuân của con, tuổi già của cha. Con đã mạnh mẽ nén vào lòng những đau thương, mất mát. Đã tin yêu và hi vọng để rồi giờ đây con có một gia đình hạnh phúc. Đã bao mùa Vu Lan con gọi mẹ bằng những nén nhang và nụ hoa violet tím ngắt bên mộ mẹ kể cả khi trời đốt cháy. Mẹ đã có những đứa cháu khát khao được gặp bà của mình không phải trên di ảnh ở bàn thờ. Hãy cho con một lần được yếu đuối, một lần đươc khóc thật nhiều bên nỗi nhớ thương vô bờ về người mẹ của mình. Con đã khóc tu tu như một đứa trẻ trong giây khắc con yếu đuối. 
       Nhưng rồi con lại sẽ mỉm cười mẹ ạ! Con mỉm cười để nói với những đứa trẻ của chúng ta, những đứa trẻ của nhà nhà bên ta rằng: Hãy biết yêu thương khi còn có thể. Hãy yêu, hãy thương từ những điều nhỏ nhất. Hãy yêu, hãy thương ngay từ bây giờ bởi vì cha mẹ của bạn thực sự có thể không chờ được đến khi bạn sẵn sàng làm việc báo hiếu như bạn mong đợi… Và con sẽ dạy cho chúng biết yêu thương mọi người để bình an luôn ở trong tim như mẹ đã từng dặn. 
       Xin mẹ hãy bình an ở mãi trong tim con!

 

. . . . .
Loading the player...