23-04-2017 - 21:26

Bút ký "Đi giữa đường thơm"

Tạp chí Hồng Lĩnh số 128 giới thiệu bài viết "Đi giữa đường thơm" của tác giả Trần Hải Vân

Tháng ba này về trên đất Nghi Xuân bỗng thấy nhớ nôn nao những câu thơ xưa của Huy Cận: “Đường trong làng hoa dại với mùi rơm/ Người cùng tôi đi dạo giữa đường thơm …”. Những câu thơ của một thời hoa mộng lãng mạn ấy hóa ra lại gọi tên rất thực cảm giác của tôi khi bước đi trên những con đường miên man hoa cỏ dẫn vào những thôn, những xóm, những làng quê thân thuộc nơi này. Cảm giác thích thú đầu tiên là khi bàn tay mình được chạm vào những hạt sương tinh khôi. Sương sớm như phủ một lớp bụi phấn mơ màng trên đồng lúa non mềm đang lên xanh phơi phới. Sương đọng lại trên những chiếc lưới mạng nhện mong manh được dệt một cách tỷ mỷ bằng muôn ngàn hạt ngọc giăng mắc trên ngọn cỏ, nhành cây, trên bát ngát lúa đồng.Và thoảng trong làn gió nhẹ là mênh mang hương hoa cỏ, hương của hoa cam hoa bưởi trong vườn, hương của hoa xoan vừa tím đầu ngõ, hương của đồng đất phù sa vừa nhú lên những mầm ngô, mầm lạc tươi nõn.
Tôi đã có một ngày thật đáng nhớ, một ngày được trải nghiệm cảm giác làm một du khách tự do khi đến thăm các thôn kiểu mẫu nông thôn mới của huyện Nghi Xuân. Hai thôn vừa cán đích nông thôn mới được giới thiệu tham quan trong chuyến đi thực tế lần này là thôn Mỹ Lộc xã Xuân Viên và thôn Hương Mỹ thuộc xã Xuân Mỹ. Xuân Viên và Xuân Mỹ là hai trong số 4 xã của Nghi Xuân vừa về đích nông thôn mới. Ngỡ ngàng là cảm xúc của bất cứ ai khi hôm nay được trở về với những làng quê này của Nghi Xuân. Có một sự chuyển mình thật sự mạnh mẽ khiến làng quê nghèo khó, vất vả khi xưa giờ đây bỗng như thay áo mới, màu áo tươi xanh trù phú của đồng bãi, cây cối. Đây đó trên nẻo đường quê thấp thoáng những ngôi nhà cao tầng khang trang ẩn mình trong những khu vườn rợp bóng, những con đường bê tông láng mịn, sạch tinh tươm chạy len lỏi trong những thôn xóm khiến cho hình ảnh của làng quê hôm nay dường như thay đổi hẳn: đẹp hơn, gọn ghẽ hơn, năng động hơn. Đó là kết quả của một quá trình nhà nước và nhân dân cùng làm để chung tay xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng cho nông thôn mới. Cơ sở vật chất hạ tầng được thay đổi, được nâng cấp, theo đó, đời sống của người dân cũng chuyển biến tích cực, được nâng cao, được bồi đắp cả về vật chất lẫn tinh thần. Cụ Trần Xuân Kiệm thôn Mỹ Lộc hồ hởi chia sẻ với chúng tôi: “Xã về đích nông thôn mới, nhân dân chúng tôi vui mừng lắm. Cán bộ đã giúp dân hiểu, dân tin, nông thôn mới đã mang lại nhiều quyền lợi cho dân, dân được hưởng lợi, quê hương ngày càng khởi sắc…” Thôn Mỹ Lộc và thôn Hương Mỹ là những thôn được chọn để xây dựng khu dân cư kiểu mẫu thì hệ thống đường sá, đê điều ở đây đã được bê tông hóa, nhiều ngôi nhà đã có tường rào bao quanh xây mới gọn ghẽ. Nhiều hộ dân còn được chọn để xây dựng vườn kiểu mẫu. Và như một minh chứng sinh động cho điều này là chúng tôi được đến tham quan khu vườn kiểu mẫu của thầy Trần Trọng Hồng. Mở ra trước mắt chúng tôi là một không gian thật sự thanh tĩnh, một ngôi nhà màu trắng mang dáng dấp của một ngôi biệt thự cổ nằm lặng lẽ giữa một khu vườn xanh mướt mắt gợi những ý thơ ý nhạc. Mùa này cây cam, cây chanh, cây bưởi trong vườn đang đua nhau bung nở những bông hoa trắng tinh khôi và thơm nồng nàn mời gọi ong bướm. Những cây ổi trĩu trịt từng chùm quả trắng phau giòn ngọt. Một khu vườn xinh xắn vừa được quy hoạch gọn ghẽ, hàng lối thẳng tắp lại vẫn đậm chất quê kiểng bởi những thứ cây trái rất đỗi thân thuộc với chúng ta từ thời thơ bé. Người làm vườn cũng thật tinh tế khi trồng thêm dưới gốc những cây ăn trái lâu năm là những luống cải bắp sum suê mơn mởn xanh, những bụi cà rốt, luống bắp cải cuộn tròn xoe vui mắt. Và những vạt cải vừa đơm hoa vàng óng ả... Thật tình cờ khi thầy Hồng lại là thầy giáo dạy văn ngày xưa của một hội viên thơ trong đoàn là cô Nguyễn Thị Duyên. Ngày ấy, Duyên là học trò cưng của thầy Hồng, lại là học sinh giỏi quốc gia đầu tiên của huyện Nghi Xuân nên được thầy yêu quý lắm. Hai thầy trò đã nhiều năm rồi mới gặp lại nhau nên chuyện trò tíu tít. Thầy Hồng chuyển sang làm tuyên giáo đã nhiều năm nhưng vẫn giữ nguyên “cái chất” của một thầy giáo dạy văn ở phong thái nho nhã và tâm hồn yêu thiên nhiên, yêu cây cỏ. Thầy chia sẻ chuyện làm vườn cốt để thư giãn là chính nhưng khu vườn của thầy cũng đủ cung cấp hoa quả và rau củ sạch cho hai người con đang sống ở Hà Nội. Thầy Hồng còn kể rằng khu vườn này tuy không quá rộng nhưng ai đến đây cũng thích thú vì lúc nào cây cối cũng tươi xanh, hoa trái cũng đầy vườn, và điều đáng nói đây là khu vườn được thầy giữ lại từ thời cha ông mình. Ngày trước vườn trồng rất nhiều cam cung cấp cho mấy sư đoàn. Sau này thầy đã cải tạo lại vườn và mang về đây rất nhiều những giống cây ăn trái của miền Bắc như bưởi Diễn, bưởi Đoan Hùng, nhãn lồng Hưng Yên… khiến cho khu vườn trở thành một địa chỉ xanh, một điểm tham quan dã ngoại hấp dẫn với nhiều người khi đến Xuân Viên. Khu vườn của thầy và rất nhiều khu vườn khác ở Xuân Viên, Xuân Mỹ quả là không gian đáng mơ ước cho bất cứ ai đang sống ở những khu đô thị chật chội thiếu màu xanh cây cỏ và thậm chí còn thiếu cả khí trời trong lành..

Trang trại ông Lê Văn Bình ở Xuân Mỹ

Chia tay những khu vườn xanh mướt đầy ắp cây trái ở Xuân Viên, chúng tôi lại được trải nghiệm những cảm giác mới mẻ khi đến thăm một trang trại kiểu mẫu nông thôn mới, nói đúng hơn là một mô hình vườn trại, du lịch đồng quê rất thú vị ở thôn Hương Mỹ, xã Xuân Mỹ. Xây dựng thành công khu dân cư kiểu mẫu, vườn trại kiểu mẫu là một trong những thành công của xã Xuân Mỹ trong tiến trình xây dựng nông thôn mới. Gặp gỡ ông Lê Văn Bình - Bí thư xã Xuân Mỹ tôi được biết ông không chỉ theo sát dân trong quá trình xây dựng nông thôn mới mà còn là người đi tiên phong trong việc xây dựng mô hình vườn trại kiểu mẫu. Và ở ông toát lên cái dáng vẻ nhanh nhẹn, hoạt bát, năng động của một doanh nhân làm kinh tế vườn thật sự. Ông Bình kể năm 2011, khi bắt đầu triển khai chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Xuân Mỹ được huyện Nghi Xuân xếp vào nhóm xã về đích năm 2017. Kết thúc năm 2012, khi đã hoàn thành gần ½ bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới, Xuân Mỹ “xin” đạt chuẩn trong năm 2015. Tuy nhiên, đầu năm 2014, khi tiến hành soát xét kết quả thực hiện tiêu chí nông thôn mới trên địa bàn, nhận thấy diện mạo nông thôn mới tại địa phương đã có nhiều chuyển biến, đặc biệt, nhiệm vụ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, cơ sở vật chất hạ tầng phục vụ đời sống sản xuất dần được hoàn thiện, xã quyết tâm đăng ký về đích nông thôn mới ngay trong năm 2014. “Động lực nào khiến cho xã Xuân Mỹ cán đích nông thôn mới nhanh như vậy? Nếu như không nói là nhanh nhất trong các xã của huyện Nghi Xuân?” Tôi hỏi ông Bình. Ông vui vẻ nói rằng: “Quyết tâm được đưa ra dựa trên mức độ hoàn thành các tiêu chí, tuy nhiên chính nỗ lực về đích, nguyện vọng chính đáng của bà con khiến chúng tôi thêm phần tự tin khi rút ngắn thời gian đạt chuẩn”.Và quyết tâm ấy của lãnh đạo và nhân dân xã Xuân Mỹ đã được hiện thực hóa bằng những việc làm cụ thể. Trong 4 năm tiến hành xây dựng nông thôn mới, nhân dân đã bê tông hóa 25km đường giao thông nông thôn, 8 km kênh mương nội đồng, xây dựng hội quán thôn, hoàn thiện cơ sở hạ tầng 3 trường học đạt chuẩn. Đặc biệt, các hộ đã mạnh dạn tiếp cận chính sách hỗ trợ, thành lập 64 mô hình sản xuất các loại, trong đó có 12 mô hình cho doanh thu mỗi năm từ 100 - 500 triệu đồng, 3 mô hình từ 500 triệu - 1 tỷ đồng. Trong đợt kiểm tra, bỏ phiếu xét công nhận về đích, xã Xuân Mỹ đã được 100% thành viên ban chỉ đạo công nhận hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới trong năm 2014.
Vừa say sưa với câu chuyện xây dựng nông thôn mới trên quê hương của mình, ông Bình vừa hào hứng giới thiệu với chúng tôi về mô hình vườn trại kiểu mẫu mà chính ông là người đã đi tiên phong và đã bỏ không biết bao nhiêu công sức, tiền của để đầu tư xây dựng cho ngày hôm nay. Một vùng trang trại rộng lớn đến hơn 100ha đúng chất của đồng quê thôn dã. Tận  dụng thế mạnh của đất bãi bồi phù sa sông Lam, ông Bình đã cho trồng trên trang trại của mình không chỉ có lúa mà còn phát huy mô hình trồng các loại cây ăn trái, các loại rau củ cho năng suất cao và không hề sử dụng các loại hóa chất hay thuốc trừ sâu. Nhưng nguồn thu nhập lớn nhất của mô hình trang trại kiểu mẫu này chính là những ao cá mênh mông và khu chuồng trại đang chăn thả hàng nghìn con bò và lợn rừng cho sản lượng thịt lớn. Và chúng tôi khi đến đây không chỉ được tham quan, thưởng thức các món ăn đặc sản của trang trại mà còn có cơ hội được sống lại với những ký ức đồng quê, được hái quả trong vườn, được thong thả ngồi câu cá và ai cũng có thể lội xuống ao để nơm cá, bắt cá, nướng cá… như một nông dân thực thụ. Ngay trên mảnh đất này, chúng tôi được trải nghiệm cảm giác được trở về với đồng quê thực sự. Chính ông Bình cũng khẳng định ông sẽ là một trong những người đi đầu trong việc phát huy thế mạnh của quê hương để hình thành nên những mô hình du lịch đồng quê vẫn còn khá hiếm hoi ở Hà Tĩnh. Trong cảm nhận của tôi thì đây là một hướng làm ăn nhạy bén khi vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao lại vừa nắm bắt được nhu cầu tinh thần của nhiều người đang muốn tìm lại sự cân bằng, sự thanh thản nhẹ nhàng trong nhịp sống đô thị xô bồ vội vã, và trong ai cũng muốn có một lúc nào đó lại được trở về với cội nguồn gốc rễ của chính mình, để không bao giờ quên được rằng chính mình đã từng lớn lên, từng ra đi từ những đồng quê thôn dã mộc mạc như thế này.
Có một điều thật sự thú vị là khi biết đoàn chúng tôi có rất nhiều văn nghệ sỹ, nhiều người làm thơ và nhiếp ảnh, ông Bình đã hào hứng giới thiệu với chúng tôi về khu vực dành riêng để trồng hoa và chụp ảnh của ông trong trang trại này. Đây mới thực sự là nét khác biệt so với những trang trại khác mà tôi đã từng đến ở Hà Tĩnh khiến cho khung cảnh nơi này trở nên thơ mộng hơn rất nhiều. Nghe ông Bình say mê kể về các loại hoa mà ông đã mang về trồng ở đây tôi mới nhận ra đây mới thực sự là tâm huyết của ông. Thật ngạc nhiên khi ở trong ông vừa có một người làm chính trị, một người làm kinh tế lại vừa có một chút gì đấy của con người nghệ sỹ yêu thiên nhiên hoa cỏ. Ngắm những luống hoa hướng dương đang bung nở những bông hoa vàng tươi tắn làm bừng sáng cả một góc trời chiều, tôi lại mơ màng nghĩ đến cuốn tiểu thuyết “Trại hoa vàng” của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh mà mình đã từng đọc hồi trước. Có lẽ nơi đây cũng được gọi bằng một cái tên lãng mạn là Trại hoa vàng chăng? Đấy chỉ là ý nghĩ của riêng tôi nhưng ông Bình lại đang tư duy theo một mạch khác. Ông đang nói về những khó khăn nhọc nhằn khi xây dựng khu trại này, trong đó có vườn hoa mà chúng tôi đang ngắm và say sưa chụp ảnh. Đó là hệ thống nước tưới cho hoa khi mùa hè khắc nghiệt sắp đến. Rồi ông tự hào “khoe” với chúng tôi về một hệ thống nước tưới của Israel mà ông đã đầu tư rất nhiều tiền và công sức để mang về từ nước ngoài. Đó là hệ thống tưới tiết kiệm theo kiểu phun sương rất nhẹ nhàng để không làm hỏng đi những cánh hoa mỏng manh mà ông Bình ví nó giống như một thứ nhạc nước vậy. Và lúc ấy trong tôi bỗng nghĩ một con người yêu thiên nhiên cây cỏ, yêu đồng đất quê hương như vậy thì thành công đến với họ dù trong bất cứ khó khăn nào cũng cũng là một phần thưởng xứng đáng.
Cũng như bất cứ một làng quê nào khác, Nghi Xuân đang từng bước chuyển mình trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, nhưng những nét đẹp riêng, những thế mạnh riêng của vùng đất này vẫn cần phải được phát  huy và gìn giữ. Mảnh đất này từ lâu đã là đất thơ, đất nhạc, đất văn hóa địa linh thì những giá trị tinh thần ấy phải được gìn giữ cho muôn đời sau. Thế nên, cái riêng của Nghi Xuân khi xây dựng nông thôn mới ở các thôn, xã có thêm tiêu chí xây dựng các câu lạc bộ dân ca ví dặm, bởi chính ca trù và dân ca ví dặm nói chung mới làm nên hồn cốt của người Nghi Xuân. Thôn Mỹ Lộc và Hương Mỹ đón chúng tôi bằng những làn điệu dân ca trữ tình, bằng những câu hát ví giận thương da diết níu kéo. Nhà văn hóa của thôn được xây mới khang trang trở thành không gian diễn xướng cho các diễn viên, các ca nương biểu diễn đón khách hoặc trong các dịp lễ hội. Các Câu lạc bộ này hoạt động ngày càng có chiều sâu với nhiều hình thức diễn xướng ở các xóm làng cũng góp phần làm cho đời sống tinh thần của người dân nơi đây thêm phong phú màu sắc. Ca nương là các chị các mẹ môi thắm má hồng, áo the khăn đóng, mớ ba mớ bảy hân hoan hát điệu mời trầu trong sắc xuân phơi phới làm níu lòng người nghe. Theo lời kể của đồng chí Trưởng thôn Mỹ Lộc thì CLB dân ca ví dặm của thôn vừa dành giải nhì trong Liên hoan tiếng hát dân ca ví dặm của tỉnh. Đó là một sự khích lệ tinh thần lớn lao để các thôn, các xã trong toàn huyện Nghi Xuân tiếp tục nhân rộng điển hình, phát huy và gìn giữ những di sản văn hóa của quê hương mình.
Chiều về trên sông La, thuyền đưa chúng tôi xuôi bến Giang Đình. Nước sông La xanh thắm lững lờ trôi lẫn trong màu xanh biêng biếc của cỏ cây, đồng bãi, màu xanh của đôi mắt thiếu nữ sóng sánh ba đào. Những thiếu nữ của đất Nghi Xuân tuổi vừa đôi tám, duyên dáng, yểu điệu hát cho chúng tôi nghe những làn điệu dân ca ví dặm ngọt ngào. Có lẽ  không có gì trữ tình hơn, thơ mộng hơn khi vừa được du thuyền sông La lại vừa được nghe các em hát câu giao duyên để mà thêm thương, thêm nhớ, thêm yêu quê hương mình. Buổi chiều nhạt nắng mờ sương, màu áo của các ca nương bỗng hóa thành những gam màu rực rỡ điểm tô cho bức tranh quê mùa xuân càng khó phai trong tâm trí... Gợi nét huyền ảo, mênh mang trong một buổi chiều rất sống động, rất thực này. Chiều buông lững lờ trên sông câu hát đưa duyên đằm thắm của đôi lứa bên nhau, chiều rót vào gan ruột những câu Kiều được hát lên bằng thẳm sâu của thân phận, chiều vẳng đưa câu ca giã bạn như níu kéo, như lưu luyến, như giải bày, như đợi chờ làm ai đó khó lòng mà dứt áo ra về.
Một ngày về với Nghi Xuân, một ngày “Đi giữa đường thơm”, đi trong bát ngát màu xanh cây trái, trong mênh mang đồng bãi lên hương, lại thấy gắn bó biết bao nhiêu với đồng quê, làng xóm, xứ sở của mình, lại thấy thương biết bao nhiêu những con người lầm lũi đất cát mà vẫn ngày ngày ươm trồng nên hoa thơm trái ngọt cho đời. Và trong thẳm sâu lòng mình tôi vẫn luôn tin rằng với những cách làm mới, những hướng đi mới, những quyết tâm mạnh mẽ thì ngày mai đây sẽ có thêm nhiều mô hình nông thôn mới nữa, nhiều làng quê kiểu mẫu nữa sẽ được dựng xây trên mảnh đất quê hương mình.

                                                                                                 Tháng 3/2017                                                                          
                                                                                                T.H.

. . . . .
Loading the player...