21-07-2019 - 06:20

Bút ký TRĂNG MUỘN

Văn nghệ Hà Tĩnh hân hạnh giới thiệu bút ký "Trăng muộn" của Nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh được rút từ tuyển sách "Đồng Lộc - Ngã ba bất tử"

 

Anh Nguyễn Văn Thắng - Trưởng Ban Quản lý Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc mời đoàn làm phim lên khu tưởng niệm thắp hương. Đạo diễn Trần Minh Đại khấn rõ: “Chúng tôi xin các cô cho làm cái phim Hương bồ kết…”. Nắng sớm toả tràn vai. Bóng chúng tôi in lên từng ngôi mộ. Anh Thắng kể cho chúng tôi nghe vì sao có cây bồ kết trồng sau hàng mộ mười cô gái Đồng Lộc. Chuyện có liên quan đến người trồng, một bài thơ, một anh công an và một phiến đá đen tạc đủ bài thơ ấy.

Thắng không nói gì thêm. Thắng biết đoàn làm phim gồm những người dạn dày trận mạc, có cùng tuổi xấp xỉ với người dưới mộ, sống một thời với người dưới mộ nên bớt hẳn đoạn kể như đã “thuyết minh” với các đoàn tham quan, các đoàn đến tưởng niệm. Anh phân công người xuống đồi mở cửa phòng truyền thống. Tôi đứng lặng nhìn từng khuôn mặt thu nhỏ vào từng tấm ảnh trên mộ chí. Cả đồi thông ran tiếng ve. Cây thông lên cao, cho bóng và gọi được tiếng ve về. Như trong tiếng ve có tiếng người xa lắm. Như khi tôi đến một mình trong nghĩa trang Trường Sơn ở huyện Gio Linh, nghĩa trang đường 9 ở Quảng Trị. Gió nghĩa trang cho cảm giác đang có một người, và người ời ời gọi tôi, bắt chuyện.

Phía chân đồi có người lên. Từng đoàn, từng tốp đến đứng nghiêm trang lặng lẽ. Dòng điện cảm thông linh nghiệm trong tôi lìa mạch, đứt nguồn. Một tấm bia tuyên dương công trạng, mười ngôi mộ xây thành hai hàng, chị trước em sau. Dành cho mỗi cô một ô lõm vào nho nhỏ, đủ một khuôn ảnh xây liền mạch với gạch đá, một bát hương. Trước ảnh mỗi cô là gương tròn, lược nhựa. Hai gốc khu mộ có hai cây bồ kết đã bén đất đang vươn cành. Tôi nhìn ra đủ cả. Tôi nhớ được đủ cả. Chỉ mất cái cảm giác sắp được chuyện trò. Mất cảm giác cả một rừng ve ran như sóng âm đang từ cõi nào đó truyền về và thật yên lặng thì chắc nghe được tiếng người bảng lảng.

Tôi thả bộ xuống chỗ đoàn làm phim đang thu hình. Ống kính lia chầm chậm trên từng cái bát sắt, cái mũ cối, đôi dép cao su và vài chiếc áo sơ mi. Còn có cả một trang chữ viết trên giấy học trò, một cái lược làm bằng vỏ pháo sáng hay vỏ máy bay gì đó.

- Còn đâu nữa không anh? - Đạo diễn Trần Minh Đại hỏi tôi. Tôi chợt nhìn chồng quần áo nhiều mà đã được làm nhàu cũ đi rất khéo. Toan chỉ cho Đại nhưng tôi gạt đi ngay “Không phải của mười cô. Đây là của đoàn làm phim truyện”. Sợ mình nói hồ đồ, tôi quay lại hỏi Đặng Thị Yến, Phó Ban quản lý khu di tích. Yến bảo “Vâng. Đó là phục trang của các vai diễn trong phim”. Ngày ấy nghèo đến vậy. Ngày ấy cách hôm nay mới có ba mươi mấy năm. Các cô gái đã làm gì có tư trang. Hai bộ quần áo đã là nhiều. Thứ còn lại là vá víu. Quấn liệm vào thân trước khi đặt vào quan tài một bộ. Mẹ đến xin bộ còn lại cho đứa em gần kề. Khi lập Nhà truyền thống Ngã ba Đồng Lộc, Đặng Thị Yến đến từng gia đình các cô xin về làm hiện vật. Xin người thời nay tin tôi. Tôi không dám nói ngoa. Nói ngoa là phải tội. Hiện vật, tư trang của mười cô gái Đồng Lộc có bấy nhiêu thôi. Như thời các cô sống và chiến đấu chưa có gì đáng gọi là tư trang cả. Năm các cô gái Đồng Lộc ngã xuống ở đoạn đường 15 có ngã ba này, tôi đang ở Trường Sơn. Một lần, tôi và Thuận Yến đến nói chuyện, đọc thơ và dạy hát ở một đại đội thanh niên xung phong làm đường. Đêm, đốt lửa và che kín lán trại để vui hát. Lạ là các cô gái cứ lẫn vào khoảng tối. Mời ra trước ánh lửa không được. Tư thế của số đông các cô gái là ngồi bó gối, vòng tay che phía trước. Đại đội trưởng ghé tai tôi “Anh thông cảm, chúng nó có hoàn cảnh đặc biệt. Rồi em sẽ nói sau. Giờ xin cứ hát cho vui đã”. Buổi dạy và học bài hát ấy khá vui. Chỉ có điều các cô gái không hề thay đổi tư thế ngồi.

Lúc tiễn khách qua suối, Đại đội trưởng mới tiết lộ “Đến quá nửa chị em không có áo lót ngực. Bom đánh vào lán bay hết cả rồi. Đang xin thứ trang phục đặc chủng ấy mà chưa có”. Tôi bấm vào vai Thuận Yến: “Dám viết ca khúc về hoàn cảnh đặc biệt ấy không?”.

Đạo diễn Trần Minh Đại băn khoăn “Ít hiện vật quá”. Một cái xe cút kít, một cái xe cải tiến, vài cuốc xẻng, cái bát, cái bi đông. Kéo sao nổi cuốn phim tài liệu. “Thì ta quay hương bồ kết”. “Hương làm sao ra hình?”. Chúng tôi loay hoay bàn lại. Chúng tôi đọc kỹ lại kịch bản văn học. Chúng tôi ngồi xem lại cuốn phim tài liệu của Điện ảnh Quân đội nhân dân trong số những băng hình có ở Văn phòng Ban quản lý di tích. Cuốn phim chuyển từ băng nhựa sang băng từ. Mất tiếng nhưng hình rõ nét. Không có lời thuyết minh mà đủ để hiểu, xúc động và cảm phục chiến công của mười cô gái Đồng Lộc ấy.

Quá trưa, trời đổ nắng gắt. “Ta lên hồ cho mát anh hè” Phó Ban quản lý Đặng Thị Yến rủ tôi. “Xa không em?”. “Dăm cây số thôi”. “Đi ô tô được chứ?”. “Dạ, đến sát bờ”. Tôi hỏi kỹ vậy vì tôi là dân Hà Tĩnh. Người bản địa biết cái ao, cái hồ ở đây chứ. Vùng bán sơn địa Can Lộc chạy vào Khe Giao, Truông Bát. Chạy lên nữa là gặp một vùng địa hình tương tự rồi dừng lại ở chỗ Ngàn Sâu gặp sông La. Chỉ mới có hồ Kẻ Gỗ ở Cẩm Xuyên. Giờ nghe Can Lộc có hồ, tôi lạ lắm.

- Gọi là hồ gì em? - Tôi hỏi Yến.

- Dạ - Cửa Thờ. Thật ra phía ta đứng có tên khác. Phía ép sau núi kia là Cửa Thờ. Nối hai phần dự trữ nước lại thành một nên rộng rãi vậy.

- Tích nước ở nguồn nào?

- Ở các khe, các suối.

Bây giờ tôi mới chợt nhìn ra một con mương xây kiên cố len lỏi dưới mái đập. Tôi hiểu hết rồi, tôi giục xe về. Như bắt được mạch tin trong không gian xa thẳm “Thấy quê hương giờ có nước biếc cây xanh chúng em mừng lắm. Và khi cuộc sống của vùng sỏi đá này được no ấm là nhân dân lại thương chúng em”. Cái tứ của phim hiện hình rõ dần.

- Lên ghi hình hiện vật này?

- Cái gì? Ở đâu? - Đại hỏi.

- Cái hồ nước, “cái” hoàng hôn mát rượi và thế là ta thương mười cô. Các cô sẽ xoã tóc vào hồ nước trong xanh mà tắm gội.

- Làm gì có trong kịch bản?

- Không có trong kịch bản nhưng có ở trong ta.

Hồ Trại Tiểu - Ảnh: Tư liệu

Cảnh phim ghi xong, xe xuống núi. Đoàn làm phim vui hẳn lên. Như vừa được tắm gội trong hồ. Đại ghé sát vào tôi “Thiêng lắm các anh ạ. Các cô giúp đấy. Nguồn nước mát trong hồ như đang chảy dạt dào trong từng thước phim và sẽ dẫn dắt phim Hương bồ kết chuyển sang dòng tâm tưởng thành kính và lãng mạn”.

- Ta ở lại ghi hình cảnh trăng lên.

- Hôm nay ngày âm là bao nhiêu rồi?

- Mười tám.

- Mười bảy sảy giường chiếu… mười tám rám trấu. Được. -  Đạo diễn Trần Minh Đại hạ lệnh. Quay cảnh trăng lên xong sẽ về thị xã. Bây giờ đánh xe ra Nghèn mua thực phẩm về làm cơm. Cứ nhẩn nha. Rám trấu… Còn ba, bốn tiếng đồng hồ nữa!

Có lẽ người mừng nhất là tôi. Đã lâu lắm rồi tôi mới được ngủ lại một đêm ở một nghĩa trang nào đó. Và đợt về Đồng Lộc làm phim này, tôi lại muốn ngỏ ý với Ban quản lý. Muốn mà ngại. Anh chị em ở Ban Quản lý Khu di tích này có mấy người. Thêm tôi là thêm khách. Thêm một nhà thơ. Vả lại xưa nay có mấy ai đòi ngủ lại khu tưởng niệm, khu mộ của những người anh hùng. Phải giải thích mọi người một yêu cầu, một sở thích, một cái thú rất mông lung, rất hoang tưởng, tôi ngại rồi anh em nghĩ sai. Nghĩ sai chứ không là nghĩ xấu. Tôi muốn rút cái điều muốn yêu cầu lại một cách lặng lẽ. Vậy mà bây giờ đạo diễn Trần Minh Đại lại bày ra. Mười tám... rám trấu. Đó là lúc trăng lên theo cách tính thời gian dân dã. Cũng phải gần 10 giờ. Được. Tôi ở lại và quyết định gặp cho được các cô Võ Thị Tần, Hồ Thị Cúc, Dương Thị Xuân, Nguyễn Thị Nhỏ... chưa trò chuyện được với cả mười cô gái thì chưa về.

- Các cô thiêng liêng lắm. Cho mình dẫn dắt cái tứ của phim thoát ra.

- Thật vậy không? - Tôi hỏi Trần Minh Đại.

- Sáng nay khi thắp hương, em khấn xin các cô.

- ...

Tôi cũng đã gặp những điều tương tự ở trong đời. Ngày ở chiến trường Trị Thiên, đoàn văn công của tôi có một tiểu đội hậu cần. Rinh, Tùng, Hội, Chiến... các em luôn xuống đồng bằng gùi lương thực về nuôi văn công. Giữa năm 1968, cả tiểu đội “dính” một trận bom và Rinh hi sinh tại chỗ. Chúng tôi chôn cất em tử tế rồi đi tiếp con đường chiến trận cho đến ngày toàn thắng. Quên thì không dám song bặt tin. Gia đình em đi tìm suốt 10 năm. Cày ngang bừa dọc suốt bảy mươi mốt nghĩa trang ở Quảng Trị mà không thấy. Đành gọi em là vô danh. Liệt sĩ vô danh. Vậy mà tôi tìm được. Tôi tìm được sau lần cuối cùng làm phim “Không ai là vô danh” với đạo diễn Trần Minh Đại. Tôi nghĩ sao lại vô danh? Vô danh chỉ là nói gọi điều ta chưa tìm thấy. Vậy thì ghi chưa tìm thấy tên rồi tiếp tục tìm. Truyền lại nhau mà tìm. Một năm chưa thấy thì mười năm. Trăm năm vẫn tìm. Đêm tôi viết lời bình cho Đại, tôi khấn “Rinh ơi, dẫn đường cho anh, anh tìm”.

Lần vào Quảng Trị làm phim, tôi theo ống kính máy ghi hình lia chầm chậm trên những ngôi mộ. Chợt đọc được chỉ một chữ “Rinh”. Không năm sinh, quê quán không ngày nhập ngũ, ngày hi sinh - Nhưng rất lạ, khi đọc, mắt tôi nhoà đi và tôi thấy rõ mồn một khuôn mặt ấy. Một thằng Rinh trắng trẻo. Tôi chẳng cần đến các nhà ngoại cảm. Tôi nhắn về quê Rinh. Mấy tháng sau tên tuổi, gốc gác vẹn toàn trên bia mộ.

Nói với người đã mất, xin với người đã mất. Dễ chỉ ứng nghiệm ở điều tốt lành. Đạo diễn Trần Minh Đại xin điều tốt lành, các cô gái Đồng Lộc: cô Tần, cô Cúc, Hường, Nhỏ... cho ngay.

Cơm chiều ăn muộn, một ngày làm phim vui vẻ nên chủ và khách chung vui quanh những bài ca thời chống Mỹ. Tôi lặng lẽ trèo lên hai mươi chín bậc xây, vòng ra sau đài ghi công trạng để bước vào khu mộ của mười cô. Lúc đầu, tiếng hát qua dàn loa phía nhà làm việc của Ban Quản lý còn nghe rõ, khi gió Nam dào lên, chỉ còn a a u u như lớp sóng ngoài khơi xa. Tôi ngồi. Đèn cao áp trong khu mộ toả sáng nhưng bị cản lại bởi những gồ, những góc xây công trình có tầm cao. Mười ngôi mộ chỉ còn nhìn được hình khối mờ mờ, trắng đục. Như tiểu đội thanh niên xung phong xếp hai hàng ngang thẳng tắp. Tôi xoay người để nhìn ra hướng bầu trời sắp mọc trăng. Gió từ ngàn thông phía sau chảy xuống. Có cảm giác lành lạnh vuốt ve. Và như có tiếng người khe khẽ sau gáy “Ai đấy nhỉ?” Tiếng con gái, đông dần, tiếng hỏi như câu hát dạo đầu của một màn hợp xướng “Ai đấy nhỉ?”. Tôi đứng dậy. Chắp tay trước ngực “Cảm ơn các em. Tìm được lối dẫn dắt ý tưởng của phim rồi”.

- Bác đến làm phim à?

- Sao gọi tôi là bác. Tôi cùng thời với các em. Tháng 7 năm 1968 tôi đang ở chiến trường. Tôi ba mươi tư tuổi.

- Cũng được. Ngày ấy chúng em xấp xỉ đôi mươi.

Ngàn thông nổi gió và như nâng tôi lên cao rồi là là thả xuống. Quanh tôi như sương khói bao trùm.

- Nói chi về chúng em nhiều vậy. Nói về cỏ cây hoa lá có hơn không. Làng nước thương chúng em mới được xanh tốt như bây giờ. Ngày ấy là hố bom chằng chịt.

Có một cô trẻ nhất. Nãy giờ im. Thấy có không khí thân mật nên chen lên góp một lời.

- Chiều hôm ấy, em còn để trong túi áo mấy chục đồng. Đủ ăn kem không nhỉ. Được ra Nghèn mà ăn que kem. Nghe nói đường ra huyện rải nhựa rồi?

- Sao em không ra? - Tôi hỏi lại.

- Sao đi được. Chúng em chỉ vòng vòng qua cái hố bom thôi.

Tôi đã thấy nghèn nghẹn ở cổ. Tôi hỏi:

- Các em muốn chúng tôi nói với người xem cuốn phim Hương bồ kết chuyện gì?

- Đừng nói chi nhiều về chúng em. Nói bà con, làng nước đã thương chúng em. Cái ngã ba này giờ đẹp quá. Hồ nước thấm sâu vào ruột núi và đất nuôi thông xanh rờn.

- Phim phải cảm ơn anh Hồng và chị Minh giúp em. - Tôi nghe như tiếng Võ Thị Tần. - Em ân hận vì không kịp làm người đỡ đần anh Hồng khi anh ấy từ mặt trận về. Vậy mà anh Hồng lấy chị Minh và anh chị cho em về ở chung!*

- Phim nói về cây bồ kết ai trồng cho chúng em.

- Nói giúp em lời cảm ơn người viết bài thơ về cây bồ kết.

- Anh viết à?

- Anh là nhà thơ à?

Tôi đỡ lời: “Đó là bài thơ của Vương Trọng”.

- Anh biết anh Trọng à?

- Anh biết nhà thơ Vương Trọng à?

Ai đó khẽ kêu lên: “Trăng lên rồi. Hôm nay trăng muộn. Muộn nên được nói chuyện với nhà thơ. Chúng em chào nhé”. Ai đó còn ngoái lại “Cám ơn giúp cả ông trăng nữa”.

- Có trăng sớm, trăng muộn, có trăng khuyết, trăng tròn mà chúng em còn biết được tháng ngày...

Phía nhà Ban Quản lý có tiếng còi xe. Tôi đi về phía vầng trăng muộn đã hơi úa. Tháng tư đi gần cạn. Và đã sắp mưa rồi.

                                                                  2003

 

__________________

*. Khi Võ Thị Tần hi sinh, Hồng ở mặt trận. Sau đó Hồng kết duyên với Minh và vợ chồng anh xin được rước chân dung Tần về thờ.

 

. . . . .
Loading the player...